Announcement

Collapse

Happy Easter

THÂN CHÚC MỘT MÙA LỄ PHỤC SINH AN LÀNH, ẤM ÁP, VUI VẺ
ĐẾN VỚI CÁC BẠN VÀ GIA ĐÌNH

LV
See more
See less

Lẩn Thẩn Với Nhạc Sang, Nhạc Sến

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Lẩn Thẩn Với Nhạc Sang, Nhạc Sến

    Click image for larger version

Name:	ZZZ74-~4.JPG
Views:	2826
Size:	32.6 KB
ID:	100404

    Hình internet


    Các bạn mến,
    Không phải bây giờ, mà đã từ trước năm 1975, giới nghệ sĩ và công chúng đã phân biệt rạch ròi hai dòng nhạc mà ngày nay người ta thường nói là “nhạc sến” và “nhạc sang”. Xin nói thêm rằng khái niệm “nhạc sến” được nhắc tới trong bài này mang ý nghĩa tương đối, không có ý miệt thị. Trước 1975, người ta không dùng từ “sang” hay “sến”, mà dùng chữ “nhạc đại chúng” để nói về các bài hát giai điệu bolero, rumba… và “nhạc thính phòng” để nói về các giai điệu “sang cả” hơn: slow, boston… mang âm điệu của dòng nhạc thời tiền chiến. (nhạc thính phòng ở đây không phải chỉ là những bài nhạc opera như cách hiểu hiện nay). Dòng nhạc đại chúng với các biểu tượng là các nhạc sĩ Trúc Phương, Lam Phương, Trần Thiện Thanh, Anh Bằng… Đôi khi người ta còn gọi dòng nhạc này là nhạc thời trang, với các ca sĩ tiêu biểu là Chế Linh, Thanh Tuyền, Duy Khánh, Hoàng Oanh…


    Dòng nhạc thính phòng trước năm 1975 có các tên tuổi lớn như nhạc sĩ Phạm Duy, Tuấn Khanh, Cung Tiến, Phạm Đình Chương… hoặc trẻ hơn là Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Trịnh Công Sơn… và các giọng ca vượt thời gian là Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Duy Trác, Sĩ Phú, Anh Ngọc…


    Đôi khi, “nhạc đại chúng” và “nhạc thính phòng” bị trộn lẫn với nhau. Tức là nhạc sĩ của “nhạc thính phòng” cũng sáng tác các bài thuộc loại “nhạc đại chúng”, và nhạc sĩ “đại chúng” cũng sáng tác được nhiều bài hát trữ tình mang âm hưởng tiền chiến. Các ca sĩ như Nhật Trường, Hùng Cường, Thanh Thúy, Hoàng Oanh… cũng có hát nhạc tiền chiến, còn Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu cũng có hát vài bài “nhạc vàng”


    Giải thích cho sự “trộn lẫn” này, MC Nguyễn Ngọc Ngạn đã từng nhận xét về 2 loại nhạc này như sau: “Chúng ta thường nhắc đến hai loại nhạc, tạm gọi là loại A và loại B. Gọi là loại A và B để tiện phân biệt chứ không phải để xếp hạng. Loại A, có người gọi là nhạc hạng “sang”. Tức là loại nhạc thường trình diễn trong các buổi thính phòng. Chẳng hạn nhạc tiền chiến, nhạc Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Cung Tiến, Dương Thiệu Tước, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn,… Loại B, là loại nhạc bình dân, nhạc đại chúng, nhạc mùi, hay nhạc tình cảm quê hương. Hai loại này khác nhau về thể điệu và nhất là về lời ca. Nhạc A thường là slow hay boston. Nhạc B thường là rumba, bolero. Quan trọng hơn, lời ca của loại A phải mơ hồ, văn chương bay bổng, có khi nghe cả bài không biết, không hiểu tác giả muốn nói gì. Loại B thì lời ca giản dị, dễ hiểu, phản ảnh tâm tình và hoàn cảnh thực tế ở ngoài đời.


    Từ trước 75, ở Việt Nam miền Nam cũng như qua hải ngoại, lúc nào nhạc B cũng là nguồn cung cấp chính của thị trường. Người thích nhạc A vốn đã ít, lại lười mua CD. Người thích nhạc B vốn đã đông lại tiêu xài bạo tay hơn, thành ra có thể nói như một định luật rằng: Thời nào thì nhạc B cũng nuôi nhạc A. Nếu không có ca sĩ hát nhạc B thì trung tâm băng nhạc cũng đóng cửa luôn. Các đại nhạc hội cũng khó tổ chức thành công. Và ca sĩ nhạc A chắc đành phải về nhà hát lẻ loi một mình mà thôi”. Qua nhận xét của ông Nguyễn Ngọc Ngạn, chúng ta có thể hiểu như sau: nhạc thính phòng tuy sang cả, bay bổng… nhưng nó lại cao siêu và xa vời, nhiều ẩn dụ không dễ đi vào lòng của số đông công chúng. Tuy đó là dòng nhạc đầy giá trị về mặt nhạc thuật, nhưng lại kém cạnh về giá trị thương mại. Còn nhạc đại chúng, tức là nhạc vàng, nhạc bolero, nhạc sến, tùy theo tên gọi cách gọi, đó là loại nhạc được số đông công chúng đón nhận, mà cái gì được nhiều người đón nhận tức là dễ bán được, dễ kiếm được nhiều tiền. Vậy là dòng nhạc bị chê là kém giá trị, là sến, nhưng mang lại nguồn doanh thu lớn cho các nhạc sĩ, ca sĩ và nhà sản xuất âm nhạc. Từ đó, chúng ta có lời giải cho việc vì sao có sự trộn lẫn giữa “nhạc thính phòng” và “nhạc đại chúng”. Đó là vì các vị nhạc sĩ viết “nhạc sang”, tuy bài hát rất hay, nhưng lại bán được rất ít vì hạn chế về số lượng người nghe, không thể nhiều bằng loại nhạc đại chúng. Nhạc sĩ thì thường không có nhiều nguồn doanh thu như ca sĩ, nên họ phải tìm cách sáng tác thêm loại “nhạc đại chúng” để có thêm thu nhập, đó là trường hợp của nhạc sĩ Tuấn Khanh – Chiếc Lá Cuối Cùng.


    Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho biết vào thời điểm khó khăn, ông đã bất ngờ kiếm được doanh thu lớn với bài hát Quán Nửa Khuya năm 1961 – là sự kết hợp của ông với nhạc sĩ Hoài Linh – một người có tài viết lời rất hay trong loại nhạc đại chúng. Từ đó nhạc sĩ Tuấn Khanh cho ra đời hàng loạt các ca khúc nhạc vàng như Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi, Nẻo Đường Kỷ Niệm, Mùa Xuân Đầu Tiên… Ông còn lấy nhiều bút danh khác nhau như Thương Hoài Thương, Trần Kim Phú, Hoàng Mộng Ngân… để chuyên viết nhạc đại chúng, là những bài nhạc có giai điệu và lời ca rất xa lạ với sở trường của ông.


    Không chỉ có nhạc sĩ Tuấn Khanh mà “ông hoàng tango” là nhạc sĩ Hoàng Trọng cũng viết bài bolero là Cánh Hoa Yêu, và một “tượng đài” như nhạc sĩ Phạm Duy cũng viết những bài “nhạc vàng” như Ngày Em Hai Mươi Tuổi, Anh Hỡi Anh Cứ Về… nhạc sĩ Trường Sa với Chuyện Tình Người Đan Áo, Hành Trang Giã Từ… Về mặt ca sĩ, chúng ta không ngạc nhiên khi nghe Thái Thanh hát rất hay bài “nhạc rất vàng” là Một Mai Giã Từ Vũ Khí, nghe Lệ Thu hát Đò Chiều, nghe Khánh Ly hát Qua Cơn Mê, nghe Anh Ngọc hát Biển Dâu.


    Ở chiều ngược lại, các nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc đại chúng cũng sáng tác được nhiều bài “rất sang” như Anh Bằng với Nỗi Lòng Người Đi, Mất Nhau Mùa Đông, Trần Thiện Thanh với Người Yêu Tôi Khóc, Chiều Trên Phá Tam Giang, Lam Phương với Cho Em Quên Tuổi Ngọc, Chờ Người. Một nhà văn nào đó đã viết “Không có tác phẩm nào là sến mà chỉ có phong cách trình diễn là sến mà thôi”. Điều đó không có nghĩa là bài nhạc điệu Bolero, Rumba thì đều sến, mà sến hay không là do ca sĩ cố tình nhấn nhá ngân nga rền rĩ làm cho người ta thấy sến. Về phía công chúng, cũng có sự “pha trộn” giữa “nhạc sang” và “nhạc sến”, tức là có nhiều người vẫn nghe được cả 2 dòng nhạc này. Với họ thì âm nhạc không phân biệt sang hay sến, mà chỉ có nhạc hay hoặc nhạc dở. Nhạc sang hay sến thì cũng có rất nhiều bài dở, đã bị quên lãng. Những bài hát còn biết đến ở hiện nay là những chắt lọc tinh túy nhất còn lại qua thời gian. Những người tự vô ngực xưng là tôi thích “nhạc sang”, nhưng trong các buổi nhậu, tiệc tùng, họ vẫn có thể gõ đũa để cùng nhau nghêu ngao hát: “tôi ca không hay tôi đàn nghe cũng dở…” Những bài nhạc kiểu như Hoài Cảm, Buồn Tàn Thu… không phải là loại nhạc để họ ngẫu hứng hát được trong những dịp như vậy. Một buổi tiệc bạn bè thân mật, khi đã ngà ngà say, có thêm cây guitar thùng rồi gõ nhịp bolero thì còn gì vui thú hơn nữa… Suy cho cùng, “sang” hay “sến” thì đều có đối tượng khán giả riêng. Thí dụ như không thể nào bắt một anh phụ hồ nghe Đường Chiều Lá Rụng (Phạm Duy) để hiểu về những triết lý nhân sinh trong đó được, cho nên mỗi dòng nhạc đều phục vụ cho những khán giả khác nhau, điều đó mới thể hiện được sự đa dạng và phong phú của nền nghệ thuật phục vụ đại chúng.


    Nói thêm về việc những bài hát sáng tác trước năm 1975 vẫn còn được yêu thích cho đến tận ngày nay, như đã nhắc đến bên trên, đó là những chắt lọc tinh túy nhất của thời gian. Chúng ta có thể thấy trước năm 1975, có cả vài trăm nhạc sĩ gọi là “có tiếng” – tức là nhạc sĩ có bài hát được công chúng biết đến. Nhìn danh sách các sáng tác của họ, hầu hết là chỉ có tầm 20-30 bài hát là nổi tiếng đến ngày nay, nhiều người còn ít hơn. Chỉ trừ một vài nhạc sĩ kiệt xuất như Phạm Duy, Lam Phương, Anh Bằng… có số bài hát nổi tiếng lên vài trăm bài, thì số nhạc sĩ còn lại có tương đối ít bài hát nổi tiếng. Thậm chí có nhiều người chỉ được biết đến với 1 bài hát duy nhất, như trường hợp nhạc sĩ Thanh Bình với Tình Lỡ, dù ông cũng sáng tác rất nhiều bài và đều được phát hành ra công chúng. Trước năm 1975, có nhiều nhạc sĩ có nghề chính là viết nhạc, nên họ sáng tác rất nhiều, viết nhạc đúng nghĩa là như “gà đẻ trứng”, nếu may mắn “trúng” được 1 bài trong hàng trăm bài hát thì cũng đủ để thành danh.


    Nói như vậy là để minh chứng rằng những bài nhạc xưa còn lại cho đến ngày nay là những gì tinh túy nhất còn lại sau hơn nửa thế kỷ. Ngày nay, các ca sĩ cứ hát hoài những bài hát hát xưa, hát đi hát lại bởi vì công chúng vẫn cứ nghe mãi mà không chán. Một số ý kiến của giới nghệ sĩ về tên gọi “nhạc sến”: Dịch giả Nhật Chiêu: “Tôi nghĩ nhạc sến là một bộ phận cơ bản trong đời sống âm nhạc dành cho đối tượng thưởng thức bình dân, không thể thiếu. Không chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước đều có loại hình giải trí dành riêng cho đối tượng đông đảo này. Trong rất nhiều “tình huống” cuộc sống, tình cờ “lạc vào” tôi lại thấy nhiều ca từ của nhạc sến rất có lý. Sự thật là chưa có ai buồn nghe nhạc sến mà chết cả nhưng đã có nhiều trường hợp thưởng thức “văn hóa” cao cấp lại tự tử, ví dụ như trường hợp tác phẩm “Những nỗi đau của chàng Goet-thơ” của Gớt. Nói vui, theo tôi, nghe nhạc sến cũng như mặc áo chim cò, không hại ai”. Ca sĩ Hương Lan: “Âm nhạc có nhiều dòng khác nhau: nhạc dân ca, nhạc trữ tình.., nhưng không có dòng nhạc sến. Tôi không biết những người hay dùng từ sến để chê một bài nào đó, họ có hiểu “sến” là gì hay không; hay cái gì không thích thì đều cho là “sến”.


    Cũng như từ “cải lương” vậy, đó là một loại hình nghệ thuật, sao mọi người có thể tùy tiện sử dụng mỗi khi muốn chê cái gì đó (sao sến quá, sao cải lương quá). Tôi xem đó là sự chọc ghẹo, coi thường và nhục mạ rất tệ hại, nếu không nói là vô văn hóa. Nhưng đó là khán giả chê. Đáng buồn hơn, ngay cả người trong giới cũng nói như vậy. Các em dù có nổi tiếng đến đâu, hát nhạc sang thế nào thì cũng đừng nên coi thường các loại nhạc khác”. Danh ca Thái Thanh: Dùng chữ “sến” để chỉ những bài nhạc đó là thiếu lịch sự, và chắc chắn là tôi có hát những bài loại đó. Ngày xưa, có một ông nhạc sĩ, nay đã mất rồi, tôi không nhớ rõ tác giả nào, nói với tôi thế này: “Thái Thanh ạ, nếu có một loại nhạc gọi là nhạc sến thì tôi xin làm sến, vì Thái Thanh mới trình bày một bài hát với hình ảnh đẹp đẽ quá, tươi tắn quá, và nếu tôi là sến thì tôi sẽ may cái áo thật đẹp để mặc”. Họa sĩ Trịnh Cung: “Trong tranh vẫn có “sến” chứ! Ví dụ như tranh của họa sĩ Lê Trung trước đây. Ông thường vẽ phụ nữ ngực tròn, mặc áo bà ba đội khăn hoặc nón rất Sài Gòn. Nói chung là bình dân. Nhưng chân dung các nhà văn như Hồ Biểu Chánh, bà Tùng Long… của ông thì vẫn đầy cá tính, nhiều người nhớ! “Nhạc sến” thường tập trung vào điệu boléro. Theo tôi, ngoài tính mòn, đơn điệu, boléro có ưu điểm là rất thích hợp với giọng nam của các ca sĩ Sài gòn. Các nhạc sĩ như Lam Phương, Thanh Sơn… là những cái tên được biết đến từ “nhạc sến”. Nói không quá, “nhạc sến” rất đặc trưng cho đời sống thị dân”.


    Theo Đông Kha
Working...
X