Announcement

Collapse

Happy Easter

THÂN CHÚC MỘT MÙA LỄ PHỤC SINH AN LÀNH, ẤM ÁP, VUI VẺ
ĐẾN VỚI CÁC BẠN VÀ GIA ĐÌNH

LV
See more
See less

50 năm trước ngày này

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    50 năm trước ngày này

    Chủ Nhật 20/3 vừa rồi, một chương trình nhạc tuyệt vời mang tên “It Was Fifty Years Ago Today – Rubber Soul & Revolver” tại nhà hát Majestic Theatre ở downtown Dallas đã đưa người xem ngược dòng thời gian, trở về thập niên 60-70 với những giai điệu bất hủ của ban nhạc The Beatles.



    Năm tay lão tướng trong làng nhạc rock, được hỗ trợ bởi một ban nhạc cứng cựa không kém, đã thay phiên hát các bài nhạc chọn lọc từ hai dĩa nhạc kinh điển của ban Beatles — “Rubber Soul” (1966) và “Revolver” (1967). Ngoài những ca khúc quen thuộc như “Michelle” và “Yellow Submarine” còn có các bản nhạc ta ít khi được nghe, như “Norwegian Wood”, “Nowhere Man”, “For No One”…
    Vì các ca sĩ chính trong chương trình toàn những tên tuổi lớn từng có top hit trên Billboard nên mỗi người đều có cơ hội hát vài bản nhạc tủ của mình. Christopher Cross (viết tắt là CC), một giọng ca tenor nhẹ nhàng nhưng lôi cuốn, đã trình diễn hai bài top hit của anh là “Sailing” và “Ride Like The Wind” mà có lẽ nhiều người Việt đã từng nghe qua. Tuy bản thân đã được xem CC vài lần trước đây, nhưng kỳ này CC chơi rất khác, phần vì anh vừa trải qua một cơn bạo bệnh bị liệt nửa người, hồi phục cách đây không lâu. Tuy anh di chuyển còn hơi khó khăn nhưng giọng hát anh vẫn tốt, lên cao không có vấn đề.



    Paul McCartney tại Dallas trong chuyến US Tour 1964. Nguồn: flashbackdallas.com

    Ðáng nể nhất là màn guitar solo của CC trong bài “Ride Like The Wind”. Phải nói là hay kinh hồn. Chưa bao giờ thấy CC đánh đàn bốc lửa như vậy. Biết đâu nhờ được “chết đi sống lại” nên người nghệ sĩ từng đoạt giải Emmy và Oscar này đã trút hết tâm tư vào tiếng đàn như chưa bao giờ. Một người Việt quen trên Facebook nói hôm đó cô cũng có đi xem vì là fan của CC. Cô kể tưởng hôm đó chỉ có CC hát với một ban nhạc địa phương nào đó, không ngờ chẳng khác nào được xem 4 show trong một đêm.
    Mà phải công nhận đúng vậy thật. Người thứ nhì trong chương trình, Joey Molland, là thành viên của ban nhạc Badfinger — từng được so sánh như Beatles thứ nhì. Badfinger là ban nhạc đầu tiên được hãng dĩa Apple, thành lập bởi The Beatles, ký hợp đồng năm 1968. Chính George Harrison, tay guitar của Beatles, nguyên là nhà sản xuất cho dĩa LP “Straight Up” (1971) của Badfinger. Cần nói thêm là lúc bấy giờ George phải bỏ dở nửa chừng vì mắc làm chương trình nhạc cứu trợ cho dân tị nạn Bangladesh. Thế là Apple phải mướn một nhà sản xuất khác để hoàn tất “Straight Up”, người đó không ai khác hơn là nhạc sĩ Todd Rundgren, cùng có mặt trong chương trình đêm vừa rồi. Nhờ bàn tay phù thuỷ của Todd, “Straight Up” biến thành dĩa nhạc hay nhất của Badfinger, với hai bản nhạc top hit “Day After Day” và “Baby Blue”. Ðêm vừa rồi Joey và Todd đã song ca “Baby Blue” vô cùng sống động khiến nhiều người chịu không nổi, đứng dậy vỗ tay rầm rầm.



    Denny Laine và Prairie Prince (trống). Ảnh: Gemma Lopez

    Người Việt tuy có thể không biết tiếng Badfinger, nhưng chắc ai cũng từng nghe qua bài “Without You” của ban này, đã được hơn 100 ca-nhạc-sĩ khác chơi lại. Nổi tiếng nhất dĩ nhiên phải kể đến phiên bản của Harry Nilsson năm 1972, xếp hạng #1 bốn tuần lễ liền, và của Mariah Carey năm 1994, lên đến hạng #2 của Billboard Hot 100. Rất tiếc chương trình vừa rồi không có bài này.
    Ca sĩ chính thứ ba cũng là một tên tuổi sừng sỏ không kém. Ðó là Denny Laine, thành viên nòng cốt trong ban nhạc Wings của Paul McCartney sau khi The Beatles rã đám. Denny Laine đã cùng Paul viết nhiều bản nhạc top hit cho Wings. Ðêm hôm đó anh đã cống hiến cho khán giả bài “Band On The Run” từng xếp hạng #1 trên Billboard năm 1974.



    Jason Scheff (bass) và Gil Assayas (keyboard). Ảnh: Gemma Lopez

    Trước khi gia nhập Wings, Denny Laine là thành viên cốt lõi của ban Moody Blues. Ðêm hôm đó anh hát bài “Go Now”, bản nhạc top hit đầu tiên của Moody Blues năm 1965. Denny Laine có đến Dallas cách đây vài năm, Trẻ cũng đã có bài về show đó. Nhưng lúc bấy giờ Denny chỉ chơi trong một club nhỏ với ban nhạc vườn vô danh tiểu tốt. Còn lần này thì ta được nghe Denny Laine với một dàn nhạc hùng hậu trong một nhà hát cao cấp. Thật sự khác một trời một vực.
    Người thứ tư ít ai biết tiếng, nhưng cũng là một giọng ca nhiều người từng nghe qua. Jason Scheff đánh bass và là ca sĩ chính cho ban nhạc Chicago từ năm 1985 đến 2016. Bài “25 or 6 to 4” từng là top hit của ban nhạc này. Trong chương trình đêm vừa rồi nó là bản nhạc nóng nhất, thiên hạ đứng lên vỗ tay ầm ĩ. Các bài nhạc Beatles do Jason trình bày cũng được bà con tán thưởng, nhưng không rôm rả bằng. Phải công nhận, người diễn nhạc Beatles hay nhất trong đêm là Todd Rundgren.



    Todd Rundgren ở tuổi 73. Ảnh: Gemma Lopez

    Một nhạc sĩ đa năng, đa dạng, đa tài, Todd đã không làm khán giả thất vọng với những bài Beatles cổ điển như “Drive My Car”, “Taxman”, “She Said, She Said”… Khác với những nhạc sĩ kia, Todd đã chứng tỏ anh ở một tầng cấp cao hơn — từ phong cách trình diễn cho đến chất giọng cực tốt và mạnh. Dù đã 73 tuổi Todd vẫn còn sung sức; anh nhảy nhót tưng bừng trên sân khấu không khác gì thời còn trẻ. Cách đây vài năm được xem Paul McCartney lúc chàng 73 tuổi, mới thấy so với Todd cùng tuổi thì Paul có phần yếu hơn, nhất là ở giọng hát.
    Một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của chương trình là bài “In My Life” của John Lennon, được Todd thể hiện với sự chăm chút đầy cảm xúc, như thể nó là bản nhạc tự sự của chính mình. Gil Assayas, tay keyboard trẻ trung, đã chơi đoạn piano solo kinh điển y như bản gốc, không khác một nốt, làm cho bao nhiêu khán giả phải sững sờ.
    Nhưng bất ngờ hơn cả là bài “Tomorrow Never Knows” gần cuối chương trình. Ðây là một trong những bản nhạc phức tạp và phá cách của Beatles, mở màn cho phong trào psychedelic vào giữa thập niên 1960 mà nhiều cụ U70 thuộc giới hippie nhạc trẻ ở Sài Gòn từng rất mê (và rất phê). Tay trống Prairie Prince (xưa chơi cho The Tubes) nhân dịp này đã trổ hết ngón nghề, đánh như một Ringo Starr đang xuất thần. Tiếng synthesizer dị thường của Gil Assayas hoà quyện với tiếng đàn guitar chõi nhịp của Wayne Avers và tiếng tambourine rập rình của Darin Murphy đã vẽ nên một bức tường âm thanh ma quái. Todd múa may quay cuồng trên sân khấu dưới ánh đèn đầy màu sắc uốn lượn dẫn đưa người xem vào một thế giới khác. Thật là một kinh nghiệm khó tả — và cũng khó quên.

    Click image for larger version

Name:	ZZE5E5~1.JPG
Views:	525
Size:	75.0 KB
ID:	106443

    Tạm biệt các “đồng chí fan” đến từ Houston và Austin, hẹn tái ngộ! Ảnh: DC

    Rất may thời nay việc ghi âm và thu hình ở các show không còn khó khăn mà cũng không bị cấm ngặt như xưa nữa, cho nên bà con nào tò mò có thể vào kênh Youtube của ‘ianbui’ để xem cho biết. Tất nhiên mấy video clip này đều được tác giả các bài nhạc giữ tác quyền, do đó nếu quảng cáo có hiện lên thì bao nhiêu tiền quảng cáo đều thuộc về họ. Luật tác quyền gọi đó là “Fair Use”, và nó đóng góp rất nhiều cho việc phổ biến các chương trình nhạc đến quần chúng, vì đâu phải ai cũng có thể đến tận nơi để coi nhạc sống.
    Nhiều người, một khi đã là fan thứ thiệt, thường phải du hành khá xa để được xem ca sĩ mình yêu thích trình diễn. Như tối hôm đó, tôi đã gặp lại một số bạn cũng là Todd fan đến từ Austin và Houston. Cách đây mấy năm Trẻ có phỏng vấn Rick Glover, một fan ruột của Paul McCartney, từng theo đuôi ban nhạc để xem cả mấy trăm show của Paul và Wings. Khỏi phải hỏi, Rick cũng đã đi xem show mới nhất này — ở Atlanta.
    Tuy chuyến lưu diễn này đã kết thúc, nhưng nghe đồn mùa Hè này nó sẽ trở lại và đi tiếp qua miền Tây nước Mỹ. Bà con nào khoái nhạc Beatles không nên bỏ qua!

    Ian Bùi

Working...
X