Announcement

Collapse
No announcement yet.

Lai lịch Chợ Thái Bình

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Lai lịch Chợ Thái Bình

    Một vài ý kiến cho rằng, chợ Điều Khiển là tiền thân của chợ Cây Da Thằng Mọi, tức chợ Thái Bình ngày nay.


    Click image for larger version

Name:	ZZZ173~1.JPG
Views:	397
Size:	52.4 KB
ID:	106524

    Đầu ngã năm Cống Quỳnh và Phạm Ngũ Lão, chợ Thái Bình ngay góc bên phải (Nguồn: Manhhaiflickr)

    Vào thời Chúa Nguyễn, chợ này nguyên là một chợ chồm hổm tự phát do nhu cầu buôn bán hàng hoá cho quân lính của Cai cơ Trương Phước Vĩnh được chúa Nguyễn Phúc Chu điều vào lập đồn trấn áp loạn quân người bản xứ gốc Chân Lạp chuyên cướp phá chém giết người Việt từ đàng ngoài vào lập nghiệp trên đất Sài Gòn, tức Phiên Trấn thời bấy giờ. Chức quan Ðiều khiển chỉ huy được lập từ đó. Và người dân thời ấy gọi tên chợ tự phát ấy là chợ Ðiều Khiển.
    Trên bản đồ do Trần Văn Học vẽ năm 1815 có ghi chú tên chợ Ðiều Khiển ở ngay đường vô Chợ Lớn, tức khu vực gần đường Phạm Ngũ Lão, đoạn Ðề Thám cắt ngang ra đường Trần Hưng Ðạo ngày nay. Ðây cũng chỉ là sự phỏng chừng vị trí trên bản đồ tỷ lệ quá nhỏ để người ngày nay làm cứ liệu truy tìm ngôi chợ trải qua vài ba trăm năm thay đổi tên gọi theo lịch sử phát triển vùng đất Sài Gòn. Sách “Gia Ðịnh thành thông chí” do Trịnh Hoài Ðức viết: “Chợ Ðiều Khiển cách trấn Phiên An về phía nam 2 dặm rưỡi, khi xưa họp chợ trước Nha Ðiều Khiển, nên mới tên gọi đó… Nay nha trị đã dời đi, nhưng tên chợ còn như cũ, chợ này quán xá trù mật”.
    Nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Ðầu chỉ ra vị trí chợ Ðiều Khiển như sau: “Chợ Ðiều Khiển nằm gần đường quan lộ (nay là đường Nguyễn Trãi). Cụ thể, chợ nằm trên đường Nam Quốc Cang thuộc phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 ngày nay. Ðầu này nhìn sang dinh Ðiều Khiển, đầu kia tới đường xe lửa đi Mỹ Tho cũ, nơi có đường Bùi Thị Xuân ngày nay cắt qua”.



    Rạp Khải Hoàn hay ngã năm Cống Quỳnh. (Nguồn: Manhhaiflickr)

    Nhà nghiên cứu Huỳnh Minh viết trong cuốn “Gia Ðịnh xưa và nay” do Nhà xuất bản Khai Trí in năm 1973 rằng: “Về sau, khi quân Pháp xâm chiếm miền Nam, cho sửa sang đường sá lại, xây cất thêm nhà cửa ở khoảng chợ Ðiều Khiển. Các phố xá, hãng buôn của họ thiết lập ngày một nhiều. Ðiển hình là hãng Blancsubé được mở ra ngay góc đường Frères Louis và Arras (trước 1975, là Võ Tánh-Cống Quỳnh), cho nên tên chợ Ðiều Khiển dần dần không còn ai nhắc tới nữa, mà lại lấy tên hãng trên mà gọi là chợ Lăng Xi Bền, rồi sau đổi thành chợ Thái Bình”.
    Ðến đây, chợ Thái Bình lại có thêm một cái tên vào thời Pháp thuộc. Trong khi đó, vào thời học giả Trương Vĩnh Ký ghi nhận trong “Ký ức lịch sử Sài Gòn và vùng phụ cận” chỉ ra chợ Ðiều Khiển và chợ Cây Da Thằng Mọi là hai vị trí khác nhau nằm gần một khu vực: “Từ đường Thuận Kiều (Cách mạng tháng Tám ngày nay) đến Sở nuôi ngựa (góc Nguyễn Trãi – Cống Quỳnh ngày nay), người ta thấy có chợ Ðiều Khiển và chợ Cây Da Thằng Mọi. Có người nói hai tên đó chỉ cùng một chợ… Ðiều khiển là chức tước của vị tướng cầm quân, nên mang tên ấy. Nhưng tại sao gọi là Cây Da Thằng Mọi? Tên này do bởi một món hàng bày bán trong chợ. Ở đây người ta đem bày bán một thứ chân đèn bằng đất nung nặn như hình người mọi đen đội trên đầu, trong đó người ta đặt một tim bấc thấm ngập dầu phụng hay dầu dừa. Ngôi chợ này nằm dài trước cửa nhà ông Blancsubé tới đường hỏa xa, có đầy nhà cửa và hàng quán”. Học giả Vương Hồng Sển cũng nhận xét như vậy. Ông viết: “Khỏi chợ Ðiều Khiển là đến chợ Cây Da Thằng Mọi”.
    Như vậy, chợ Cây Da Thằng Mọi và chợ Ðiều Khiển hoàn toàn là hai ngôi chợ khác nhau. Và lập luận chợ Ðiều Khiển là tiền thân của chợ Cây Da Thằng Mọi và chợ Cây Da Thằng Mọi là chợ Thái Bình sau này là hoàn toàn không có cơ sở.



    Đường Phạm Ngũ Lão hướng về chợ Thái Bình (Nguồn: Manhhaiflickr)

    Trong ghi nhận của ông Trương Vĩnh Ký không nhắc đến chợ “Lăng Xi Bền” mà chỉ nói ngôi chợ nằm suốt trước cửa nhà ông Blancsubé. Có lẽ, hồi trước người ta chuộng tiếng Tây nên gọi như thế. Và nguyên là ngôi chợ tự phát, sau đó có tên “Lăng Xi Bền”. Và sau đó nữa, là chợ Thái Bình. Vậy tên chợ Thái Bình xuất hiện từ lúc nào?
    Ðiều này có thể tạm giải thích: Sau khi chiếm Sài Gòn được mấy năm, các làng xã như thời triều Nguyễn. Theo đó, Phú Thạnh, Thái Bình, Hoà Bình, An Ðông, An Bình, Tân Hoà, Tân Kiểng, Phước Hưng thuộc về phủ Tân Bình. Nhưng sau khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ, phó đô đốc De La Grandière huỷ bỏ cấp tỉnh, phủ, chia Nam kỳ thành 25 hạt. Các xã nằm giữa nói ở trên đều thuộc hạt hay quận Sài Gòn và đến năm 1930 Sài Gòn – Chợ Lớn sáp nhập thành một. Do đó, chợ Thái Bình, nằm tại xã Thái Bình và tự nhiên mang cái tên chợ đúng theo tên làng như bao ngôi chợ khác ở Sài Gòn – Chợ Lớn: chợ Phú Thạnh, chợ An Ðông, chợ Hoà Bình…
    Tuy nhiên hiện nay có nhiều người gọi chợ Thái Bình là chợ Nguyễn Thái Bình? Nguyễn Thái Bình là một sinh viên phản chiến bị bắn chết tại phi trường Tân Sơn Nhất chẳng dính dáng gì đến chợ Thái Bình nguyên vị trí tại quận 2 (trước 1975) trong khi đường Nguyễn Thái Bình tức đường Nguyễn Văn Sâm ngày trước lại thuộc quận 1. Mãi đến năm 1988, thành phố sắp xếp lại địa giới hành chánh một số phường, sáp nhập quận 2 vào quận 1.



    Chợ Thái Bình ngày nay (Ảnh: Internet)

    Năm 1980 tôi có một thời gian ngắn sống trong con hẻm Phạm Ngũ Lão với một người bạn gần ngã năm Cống Quỳnh, đầu hẻm ngó thẳng sang chợ Thái Bình. Con hẻm này nay đã giải toả. Tôi nhớ con hẻm cụt rộng thoáng, có một dãy nhà gạch một tầng chia theo lô, mái ngói, xây cất chắc chắn. Theo như người bạn nói, dãy nhà này nguyên của một ông làm Thừa phát lại, sau 1975 di tản ra nước ngoài bỏ lại. Một dãy bên kia, nhà cửa xây dựng hiện đại hơn, toàn dân công chức trí thức. Mỗi chiều sau khi cơm nước, hai thằng tôi ngồi uống trà ngoài sân, lắng tai nghe tiếng dương cầm của cô hàng xóm cất lên thật du dương.
    Con hẻm ngắn đó hoàn toàn là một thế giới khác, chỉ cách xa ngoài kia bên đường Phạm Ngũ Lão vài chục mét lại là một thế giới xô bồ kẻ chợ. Hồi đó, chợ vẫn còn hai nhà lồng, mái ngói buôn bán hàng khô, còn khoảng giữa là khu cá mắm. Ðôi lúc mỗi chiều, chúng tôi không nghe được tiếng đàn của cô hàng xóm thì thấy thiếu thiếu. Trong khi gần nhà có rạp Khải Hoàn lại chẳng có phim gì hay ho hơn phim đầu máy VCD ở cái quán cà phê che chắn ngay khoảng giữa hai nhà lồng chợ. Vào thời gian này Sài Gòn bắt đầu nhập lậu đầu máy và băng phim đấm đá, kiếm hiệp Hồng Kông chiếu đầy ở quán cà phê bình dân thu hút loại khách rỗi thời gian ngồi đồng chật kín uống một ly cà phê năm bảy bình trà. Mấy ông xe ôm đứng ngay hông chợ chờ khách nhờ thế cũng đỡ ngáp ruồi.
    Chợ Thái Bình ngày nay đã đổi thay như hàng trăm ngôi chợ trên đất Sài Gòn. Ðó là quy luật tự nhiên trong cuộc sống. Có cũ mới có mới. Nhưng nhiều khi cái mới đó lại làm ta tiếc nuối cảnh vật ngày xưa. Chính vì vậy, khi tình cờ tôi đọc bài viết của nhà báo Ðỗ Tuấn khiến tôi thật thích thú. Tôi thích “kỳ nhân” Hồ Ðại Phước chuyên chụp hình chợ búa không chỉ trên đất Sài Gòn mà còn trên cả nước, bởi ông cho rằng: “Ðó là nơi cất giữ nhiều kỷ niệm của mỗi con người. Ai mà không nhớ ngày còn bé theo mẹ, theo bà đi chợ, mua từng cái bánh, món đồ chơi. Chợ mãi sống trong lòng người Việt mình là vì thế”.

    Trang Nguyên
Working...
X