Announcement

Collapse
No announcement yet.

Tưởng nhớ Đại tá Lê Văn Trang

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Tưởng nhớ Đại tá Lê Văn Trang


    Tưởng nhớ Đại tá Lê Văn Trang

    Nguyên Chỉ huy trưởng pháo binh Quân đoàn III

    Click image for larger version

Name:	ZZZ177~3.PNG
Views:	984
Size:	308.8 KB
ID:	107219


    Hiện nay tuổi đời chúng tôi đã vào giai đoạn cuối. Các vị trong tuổi đàn anh đã cao, ngang tôi hoặc trên dưới 80 đã lần hồi ra đi (mệnh chung lúc về già). Qua tin tức từ hệ thống truyền thông, cứ mỗi tuần lại có vài chiến hữu, bằng hữu hoặc một số quý vị lớn tuổi tôi biết có tiếng tăm lần lượt ra đi; có người tôi đã tiếp xúc hoặc họ vẫn mạnh khỏe ít tháng trước đây nay không còn nữa. Một trong những số đó có Đại Tá Lê Văn Trang. Các Huynh Đệ thuộc QLVNCH mà tôi có cơ duyên quen thân thường giao tiếp trong đó có Đại Tá Lê Văn Trang. Ông là một trong số nhiều sĩ quan tôi luôn trân quý. Ông có đạo đức tốt, kiến thức cao, có nhiều kinh nghiệm ở mọi lãnh vực hoạt động trong binh nghiệp, nhất là điều hành và chỉ huy đơn vị.

    Pháo thủ Phêrô Lê Văn Trang đã được Chúa gọi về lúc 7 giờ sáng ngày 31 Tháng Ba 2022 tại Virginia, Hoa Kỳ. Hưởng thọ 88 tuổi. Ông là một đàn anh tôi vô cùng nể phục từ ngày chúng tôi quen thân tại Hoa Kỳ. Do sức khỏe cộng thêm việc di chuyển khó khăn, rất tiếc tôi không đến dự lễ tiễn biệt ông được. Xin trân trọng ghi lại đôi điều đã biết về ông với lòng thành tưởng nhớ như một nén nhang vĩnh biệt ông.
    Sinh quán: Pháo thủ Lê Văn Trang sinh Tháng Mười 1934 tại Nam Định, Việt Nam.
    Đường vào binh nghiệp: Lớn lên theo học trường Trung Học Hồ Ngọc Cẩn, khi tròn 19 tuổi, thanh niên Lê Văn Trang tình nguyện và được tuyển chọn cùng 524 tân khóa sinh nhập học Khóa 10 Trần Bình Trọng Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt. Khóa học khai giảng ngày 1 Tháng Mười 1953. Đến ngày 1 Tháng Sáu 1954 (tròn tám tháng) mãn khóa học với 442 SVSQ tốt nghiệp, trong đó có 42 SVSQ nguyên thuộc lực lượng Giáo Phái. Các SVSQ tốt nghiệp được mang cấp bậc Thiếu Úy Hiện Dịch thực thụ. Khóa 10 Đà Lạt đã sản sinh được bốn vị Tướng: Lê Minh Đảo, Trần Văn Nhựt, Vũ Văn Giai và Chuẩn Tướng truy thăng Trương Hữu Đức. Qua kết quả trắc nghiệm, Thiếu Úy Lê Văn Trang được tuyển chọn gia nhập binh chủng Pháo Binh.

    Thời gian và các đơn vị phục vụ:
    – 1955: Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh, tại Cần Thơ, Trảng Bàng và Vũng Tàu.
    – 1960: Thuyên chuyển Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh Quảng Trị.
    – 1960: Quyền Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 26 Pháo Binh.
    – 1961: Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1 Súng Cối Quảng Trị (đơn vị gương mẫu của Quân Đội).
    – 1963: Chỉ Huy Phó Pháo Binh Sư Đoàn 7 Bộ Binh tại Mỹ Tho.
    – 1968: Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh Biệt Khu Thủ Đô Sàigòn.
    – 1971: Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh Quân Đoàn III Biên Hòa cho đến 30 Tháng Tư 1975.

    Cấp bậc được thăng: Nhập ngũ ngày 1 Tháng Mười 1953 đến ngày VNCH bị bức tử 30 Tháng Tư 1975 tổng cộng đã phục vụ Quân Lực được 21 năm sáu tháng. Pháo thủ Lê Văn Trang trưởng thành trong binh nghiệp qua nhiều trận mạc với thành tích rất cao cùng giữ những chức vụ quan trọng nên lần hồi được thăng lần lên cấp bậc Đại Tá thực thụ.

    Thụ huấn các khóa học: Nhằm bổ sung kiến thức quân sự cùng kinh nghiệm nơi chiến trường cho các sĩ quan tùy theo binh chủng, cấp bậc và chức vụ, pháo thủ Lê Văn Trang lần lượt thụ huấn các khóa học sau kể cả quốc nội lẫn quốc gia bạn.
    – 1953: Theo học khóa 10 Trần Bình Trọng Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt.
    – 1958: Theo học khóa Pháo Đội Trưởng. Tốt nghiệp Thủ Khoa.
    – 1959: Du học Hoa Kỳ, tốt nghiệp khóa BOC và địa hình.
    – 1963: Du học Hoa Kỳ, thụ huấn khóa Pháo Binh cao cấp.
    – 1968: Theo học khóa Thiết Kế và Soạn Thảo Chương Trình. Tốt nghiệp Thủ Khoa.
    – 1974: Theo học khóa Chỉ Huy và Tham Mưu Cao Cấp Đặc Biệt. Tốt nghiệp Thủ Khoa.

    Huy chương và tưởng lục: Hơn 20 năm quân vụ phục vụ trong binh chủng Pháo Binh, pháo thủ Lê Văn Trang đã giữ các chức vụ quan trọng. Qua các chức vụ ông đảm nhiệm và đạt được nhiều thành tích xuất sắc nên ông đã được chính phủ và quân đội tưởng thưởng nhiều huy chương cao quý như sau:
    – Đệ Ngũ và Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương.
    – 24 Anh Dũng Bội Tinh gồm hai Nhành Dương Liễu, bảy Ngôi Sao Vàng, chín Ngôi sao Bạc và sáu Ngôi Sao Đồng.
    – Hai Chiến Thương Bội Tinh.
    – Hai Bronze Star Medal With “V” Devree cùng nhiều huy chương Quân Sự và Dân Sự khác của VNCH và Đồng Minh.

    – Về Tưởng Lục: được tưởng thưởng nhiều Tưởng Lục các cấp.

    Giải ngũ không lương: Vào ngày 30 Tháng Tư 1975 từ vận nước VNCH bị bức tử, tan rã do nhiều nguyên nhân, pháo thủ Lê Văn Trang cùng khoảng một triệu quân nhân VNCH tại hàng đã tự động rã ngũ (không có giấy giải ngũ nên gọi là giải ngũ không lương). Sau đó được chạy thoát và cùng gia đình định cư tại Hoa Kỳ.

    Tại Hoa Kỳ:

    – 1977: Programmer computer.
    – 2005: Hưu trí.



    Tham dự buổi ra mắt sách Lược Sử QLVNCH 2011 của Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân và Lê Đình Thụy. Từ trái: Đại Tá Nguyễn Văn Huy, Đại Tá Lê Văn Trang và Đại Tá Phạm Thành Can. Hàng sau từ phải: Người thứ hai là Đại Tá Vũ Thế Quỳnh.Cơ duyên pháo thủ Lê Văn Trang và người viết quen thân nhau: Kiểm nghiệm lại cuộc đời của người viết ở tuổi 87 từng nhận biết các sự kiện kết hợp từ tình nghĩa tạo nên: ông bà, cha mẹ, chồng vợ, con cái. Qua cuộc sống gặp phải giàu nghèo, học vấn, địa vị, tên tuổi, quê hương, định cư, sống chết, tai nạn và bạn bè thân thiết… tất cả kết thành đều qua cơ duyên nếu không có duyên và nợ đôi khi muốn cũng không thành.
    Lúc còn trong quân ngũ, người viết theo học sĩ quan rồi phục vụ lâu nhất về lãnh vực huấn luyện. Khi sang Mỹ có cơ duyên gặp lại một số thầy cũ hoặc các vị sĩ quan trong Quân Lực. Đa số các vị sĩ quan này đều xuất thân Khóa 10 Đà Lạt như các Trung Tá Nguyễn Văn Thư, Tôn Thất Thuyên, Trần Mộng Di, Trần Ngọc Trí, Dân Biểu Đoàn Mại, Đại Tá Trương Văn Bưởi, Đại Tá Phan Văn Huấn…, từ đó trong các lần họp Khóa 10, người viết được tham dự với tư cách khách mời. Dịp này mới có cơ hội gặp pháo thủ Lê Văn Trang hoặc các Tướng Vũ Văn Giai, Trần Văn Nhựt, Lê Minh Đảo…
    Các vị sĩ quan nêu trên đều thuộc Khóa 10 Đà Lạt. Pháo thủ Lê Văn Trang đam mê sưu tầm tài liệu quân sử về QLVNCH và binh chủng Pháo Binh cùng lúc người viết là thành viên biên soạn sách Lược Sử QLVNCH. Từ đó cả hai thường liên lạc nhau để trao đổi tài liệu mỗi khi sưu tầm được. Rồi mối tình anh em mỗi ngày thêm quý trọng, gắn bó nhau. Từ đó tình bạn bè mỗi ngày thêm gần gũi.
    Sinh hoạt hội đoàn: Trong các buổi tiệc họp mặt hoặc sinh hoạt Hội Đoàn thuộc các Quân Binh Chủng QLVNCH, pháo thủ Lê Văn Trang đều luôn tham dự. Có lần Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Nam California có mời Đại Tá Trang tham dự ngày Lễ Quốc Hận (tháng Tư Đen). Hôm ấy pháo thủ Lê Văn Trang với tư cách chủ tọa buổi lễ được mời đại diện anh em cựu quân nhân QLVNCH có đôi lời phát biểu về cảm tưởng ray rứt của mình nói riêng và QLVNCH nói chung.
    Trong vai trò phối hợp viên thực hiện hai tập Kỷ Yếu Pháo Binh 2010 và 2012:
    Sau khoảng hai thập niên ngày VNCH bị bức tử theo vận nước (30 Tháng Tư 1975), anh em quân nhân QLVNCH định cư tại các nước tự do trên thế giới, đa số tại Hoa Kỳ. QLVNCH là một quân đội được tổ chức khoa học, trang bị tối tân, huấn luyện tinh nhuệ, nhiều kinh nghiệm chiến trường, có chính nghĩa, có lòng nhân đạo.
    Vận nước đưa đẩy QLVNCH bị bức tử. Sau khi việc định cư tại hải ngoại được ổn định, các anh em quân nhân QLVNCH thuộc mọi quân binh chủng một thời phục vụ trong Quân Lực ấy nay rất tiếc không còn. Từ đó mỗi Quân Binh Chủng có khá nhiều anh em tự nguyện kết hợp cùng nhau biên soạn lại lịch sử thuộc Quân Binh Chủng mình để lưu lại cho hậu thế. Trong binh chủng Pháo Binh, có một số anh em có lòng muốn ghi lại lịch sử, trong số đó có pháo thủ Lê Văn Trang được hầu hết quân nhân thuộc binh chủng hoan nghênh việc đề xướng của ông. Hai ban biên soạn ra đời. Anh em đã bầu pháo thủ Lê Văn Trang trong nhiệm vụ phối hợp viên và Ban Phối Hợp thực hiện hai tập Kỷ Yếu Pháo Binh có tên sau:
    – Kỷ Yếu 2010, dày 239 trang do các pháo thủ: Lê Văn Trang, Hoa Hải Thọ, Chu Trọng Ngư, Nguyễn Văn Ty, Phạm Đình Thân thực hiện.

    – Kỷ Yếu 2012, dày 262 trang do các pháo thủ: Lê Văn Trang, Lê Châu Lộc, Trần Văn Thông, Hoa Hải Thọ thực hiện.
    Pháo thủ Chu Trọng Ngư trình bày kỹ thuật cả hai Kỷ Yếu (theo tôi biết pháo thủ Chu Trọng Ngư đã đóng góp công sức rất nhiều trong việc trình bày hai tập Kỷ Yếu này). Cả hai tập in giấy trắng kích cỡ 8.5 x 11, hình ảnh trắng đen và màu, bìa cứng, do nhà in Hương Quê in.
    Nội dung cả hai tập Kỷ Yếu đều ghi lại về lược sử của Binh Chủng Pháo Binh, sự hình thành tổ chức cùng tiểu sử và hình ảnh các pháo thủ ở mọi cấp bậc. Ngoài ra còn ghi lại những hình ảnh trước đây khó kiếm và sinh hoạt Hội các Hội Pháo Binh tại các địa phương sau này cùng các bài viết kỷ niệm do các pháo thủ ghi lại. Hai tập Kỷ Yếu đã phát hành năm 2010 và 2012.
    Đọc qua hai tập kỷ yếu bạn đọc vô cùng hoan nghênh:
    – Bạn đọc là cựu quân nhân hay trong binh chủng Pháo Binh đều thích thú sau khi đọc xong hồi tưởng lại nhiều kỷ niệm khi còn phục vụ trong QLVNCH.
    – Bạn đọc thế hệ sau sẽ hiểu rõ về Binh Chủng Pháo Binh của QLVNCH trước đây, một binh chủng SẤM SÉT.
    Tác giả vô cùng cám ơn Ban Phối Hợp thực hiện hai tập Kỷ Yếu Pháo Binh.
    Tài liệu quý về Binh Chủng Pháo Binh QLVNCH:
    Pháo Binh là một binh chủng yểm trợ và phối hợp hỏa lực cho tất cả các đơn vị QLVNCH, kể cả Địa Phương Quân và các lực lượng quân sự. Hỏa lực của các vũ khí súng cối 106 ly, đại bác 105 ly, 155 ly, 175 ly cơ động. Phối hợp thì bao gồm tất cả hỏa lực cơ hữu của các đơn vị được yểm trợ thêm hỏa lực các đơn vị Hải, Lục, Không Quân Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh. Đơn vị Pháo Binh Việt Nam đầu tiên ra đời ngày 1/12/1953, trường Pháo Binh Bình Dương chuyển giao tháng 2/1955. Bộ Chỉ Huy Pháo Binh QLVNCH thành lập tháng 8/1955. Binh chủng Pháo Binh có hơn 50.000 pháo thủ, gồm đủ thành phần trong xã hội, trang bị hơn 2.000 đại bác và sở hữu trên 10.000 xe đủ loại. Chi phí cho hỏa lực Pháo Binh đỡ tốn kém nhất, kết quả lại hữu hiệu nhất, yểm trợ gần nhất cho các đơn vị, trong bất cứ điều kiện, địa thế, thời tiết. Pháo Binh đã hoàn thành nhiệm vụ với hiệu quả to lớn. Người pháo thủ hãnh diện với công việc làm của họ và luôn luôn được các đơn vị bạn quý nể
    (Xin trích ghi lại phần đầu của lời nói đầu Kỷ Yếu Pháo Binh 2012).



    Hình kỷ niệm: Hợp đồng in Lược Sử QLVNCH 2011 và Kỷ Yếu Pháo Binh. Từ trái: Tác giả, Đại Tá Trần Ngọc Thống, ông Từ Hiếu Côn của nhà in Hương Quê, Đại Tá Lê Văn Trang và Thiếu Tá Chu Trọng Ngư.Danh tánh quý vị Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh VNCH:
    – Trung Tá Bùi Hữu Nhơn: 1955.
    – Đại Tá Nguyễn Xuân Trang: 1956-1959.
    – Trung Tá Nguyễn Xuân Thịnh: 1961-1962.
    – Đại Tá Nguyễn Xuân Trang: 1963-1964.
    – Chuẩn Tướng Bùi Hữu Nhơn: 1964.
    – Đại Tá Hồ Nhựt Quan: 1964-1965.
    – Chuẩn Tướng Nguyễn Xuân Trang: 1966-1967.
    – Đại Tá Phan Đình Tùng (XLTV): 1968.
    – Trung Tướng Nguyễn Đức Thắng 1968.
    – Chuẩn Tướng Phan Đình Soạn: 10/1968-1972.
    – Trung Tướng Nguyễn Xuân Thịnh: 2/1972-4/1975.
    (Trích từ tài liệu Binh Chủng Pháo Binh nơi sách Lược Sử QLVNCH 2011 của Đại Tá Trần Ngọc Thống, Thiếu Tá Hồ Đắc Huân và Trung Úy Lê Đình Thụy)
    Lời cám ơn và thông báo Ban Phối Hợp thực hiện Kỷ Yếu 2012 đã hoàn thành của phối hợp viên Lê Văn Trang:

    Thưa quý vị pháo thủ,
    Kết thúc của trận chiến không đúng như ý chúng ta muốn. Tại sao? Nhiều câu trả lời tùy theo người hỏi. Quân Lực VNCH là tập thể hy sinh nhiều nhất. Hạnh phúc gia đình và ngay cả tính mạng. Những điều này cần phải chuyển cho các thế hệ kế tiếp.
    Biết rằng với tuổi hưu trí gần 80, ngày uống 9 viên thuốc, nhận làm Phối Hợp Viên trong việc thực hiện Kỷ Yếu Pháo Binh QLVNCH trong hoàn cảnh hiện thời thật là một hành động mạo hiểm nhưng không lẽ những mồ hôi nước mắt và cả máu xương của tập thể pháo thủ đành bỏ quên, không còn được nhắc tới, nên tôi đã mạnh dạn nhận trách nhiệm này. Đến nay Kỷ Yếu đã hoàn thành. Cảm ơn các cộng tác viên, các ân nhân và tất cả những ai đã góp công, của cho việc hoàn thành cuốn Kỷ Yếu Pháo Binh QLVNCH.
    Xin cám ơn quý vị đã cho tôi có cơ hội phục vụ và cũng xin chấm dứt nhiệm vụ nơi đây.
    Lê Văn Trang, Phối Hợp Viên
    (Trích lời cám ơn từ Kỷ Yếu Pháo Binh 2012 nơi trang 9)
    Hiền nội pháo thủ Lê Văn Trang vĩnh biệt chồng và các con cháu: Không có cuộc ly biệt nào giữa hai vợ chồng kẻ ở người đi mà chồng con ở lại không vô cùng đau buồn, thương tiếc. Cụ bà Maria Nguyễn Thị Quý là hiền nội của pháo thủ Lê Văn Trang đã mệnh chung vào ngày 17 Tháng Hai 2022 tại Virginia, Hoa Kỳ. Hưởng thọ 88 tuổi. Đại Tá Lê Văn Trang và đại gia đình vô cùng đau buồn khi cụ bà đã được Chúa gọi về.
    Đại Tá Lê Văn Trang gặp lại hiền nội Maria Nguyễn Thị Quý sau năm tuần bốn ngày. Sau năm tuần bốn ngày pháo thủ Lê Văn Trang đã gặp lại hiền nội của ông là cụ bà Maria Nguyễn Thị Quý nơi một thế giới mới, chắc nơi đó không có hận thù, chia rẽ nhau như thế giới chúng ta đang sống. Cụ ông đã thanh thản cùng về với Chúa ngày 31 Tháng Ba 2022 tại nơi định cư trước khi gặp mặt các con, dâu, rể, cháu, chắt. Cụ ông hưởng thọ 88 tuổi.
    Đại Tá Lê Văn Trang cùng đại gia đình với nhiều niềm vui hạnh phúc: Ông Lê Văn Trang lúc còn trẻ sánh duyên cùng bà Nguyễn Thị Quý và sanh hạ được sáu người con: bốn nữ và hai nam theo thứ tự: Lê Thị Thanh Thủy (chồng Mai Đắc Thắng, các con và các cháu), Lê Thị Thanh Vân (chồng Nguyễn Hữu An Trai và các con), Lê Anh Tuấn (vợ Đỗ Ngọc Dung và các con, cháu đích tôn Lê Anh Thi Joseph), Lê Thị Thanh Lan (chồng Đặng Tranh, các con và các cháu), Lê Văn Trung (vợ Nguyễn Ngọc Trang và các con). Các con ông đã sinh được 13 người cháu gồm tám ngoại, năm nội và bốn chắt ngoại.
    Trước đây hai ông bà Lê Văn Trang định cư tại thành phố Westminster, Little Saigon. Cách đây ít năm, các con ông đã mời ông bà sang Virginia để ở gần con cháu hầu tiện bề phụng dưỡng cùng vui thú điền viên. Ông Trang thường tâm sự với người viết: con cháu ông rất thông minh, luôn chăm học, được cha mẹ các cháu hướng dẫn kỹ về truyền thống của nền văn hóa Việt Nam. Việc thấy các con cháu ông thành đạt là niềm vui thú của đại gia đình ông bà. Vào tuổi cuối đời, ông bà rất mãn nguyện.
    Phần kết:
    Viết đến đây người viết đọc lại thấy tương đối dài. Qua tâm ý của tác giả muốn nhân viết bài tưởng nhớ Đại Tá Lê Văn Trang lồng thêm một ít tài liệu về Binh Chủng Pháo Binh QLVNCH với mục đích đến cùng bạn đọc.

    – Các con cháu Đại Tá Trang biết thêm về sự thăng trầm của 88 năm về cuộc đời trong đó có binh nghiệp của cha ông mình.
    – Các bạn đồng đội gợi lại kỷ niệm xưa về binh nghiệp của Đại Tá Trang lẫn Binh Chủng Pháo Binh QLVNCH.
    – Thế hệ trẻ sau này biết rõ về binh nghiệp của một Đại Tá QLVNCH cùng Binh Chủng Pháo Binh.
    Hoàn thành bài viết tôi hài lòng như đã ghi lại những gì tôi đã biết về Đại Tá Trang. Nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ Maria sớm đưa linh hồn ông Phêrô Lê Văn Trang và bà Maria Nguyễn Thị Quý sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.
    Sau hết xin thay mặt gia đình người thân: Đại Tá Nguyễn Văn Huy và Thiếu Tá Chu Trọng Ngư cùng gia đình tác giả xin có lời chia sẻ sự đau buồn cùng đại gia đình tang quyến.

    Westminster, ngày 8 Tháng Tư 2022

    Hồ Đắc Huân







Working...
X