Announcement

Collapse

Happy Easter

THÂN CHÚC MỘT MÙA LỄ PHỤC SINH AN LÀNH, ẤM ÁP, VUI VẺ
ĐẾN VỚI CÁC BẠN VÀ GIA ĐÌNH

LV
See more
See less

Café cóc

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Café cóc


    Một quán cafe cóc ở Sài Gòn. MXH
    Khi nói tới café người ta nghĩ ngay tới hai chỗ: Café cóc và café nhạc. Mỗi quán café mang đậm dấu ấn kỷ niệm nhất vì nơi đó tình cảm bạn bè nảy sinh và nhiều quan hệ có thể kéo dài suốt cả đời người.

    Nói tới café nhạc, tôi tin chắc không có anh sinh viên học sinh nào lại bỏ qua những quán café mang nặng hình ảnh lãng mạn, chồng chất những ngày tháng đẹp nhất của đời người. Nếu may mắn được một cô gái song hành vào quán, anh chàng ấy sẽ cảm thấy mình là bậc đế vương cho dù không có ngai vàng.

    Anh ấy sẽ lâng lâng cả ngày, tưởng tượng cả ngày về cuộc sống chung giữa hai người mà thế giới này không đủ lớn để dung chứa họ. Anh ấy sẽ thương hại người chung quanh, cảm thông người đau khổ và nhất là luôn mỉm cười khi nhìn chung quanh mình. Anh ấy biết chỉ một mình anh ấy và người kia đang hạnh phúc, hạnh phúc hơn được lên thiên đàng vì chẳng ai biết cái sung sướng của người lên Thiên đàng như thế nào nhưng anh ấy biết rõ sự sung sướng mà anh ấy và người kia đang chia sẻ. Hạnh phúc không thể chỉ xảy ra chỉ một người khi hai người đang nắm tay nhau trong một quán café nhạc.
    Ảnh: kris-atomic-unsplash
    Và một sự thật khác: Ít ai giữ được hạnh phúc khi đang ở mái trường, hạnh phúc mà anh ấy có chỉ là phù du, nảy nở giữa không khí của khói thuốc, âm nhạc và những chiếc ghế mây xếp chung quanh một chiếc bàn café mang tên hạnh phúc. Trên cái bàn ấy là phin café, là những mẩu tàn thuốc lá, đôi khi một tờ giấy xé ra ghi vội vài câu thơ… tất cả bằng ấy thứ làm anh ấy say đắm một thời để rồi sau này khi lớn lên, anh ấy sẽ có một cái quán café khác để ghé vào: Café cóc.

    Hành trình từ café nhạc sang café cóc không hề khó khăn, nó đơn giản như gạo nấu sẽ thành cơm như xe hết xăng thì phải ghé trạm. Sau vài năm vất vả chống chọi với bằng cấp, việc làm bây giờ anh ấy đã đủ lớn, đủ chai lỳ để không còn thấy khó khăn khi ghé vào một quán café mà trước đó anh ấy không thể nào ngồi lâu được. Café cóc là chốn gặp gỡ của đàn ông với nhau và vì vậy khi còn đi học anh chưa hề nghĩ tới.

    Café cóc khác café nhạc ở chỗ giá cả nhẹ nhàng, hiếm khi có nhạc vì không ai chịu nghe, café được pha từ chiếc vớ hay cái siêu bằng sành, kho lâu nên nó khét và lắm lúc có mùi bắp. Café cóc ngồi bao lâu cũng được vì bạn bè của người uống không bao giờ tới cùng lúc. Giờ nào người ấy, thời khóa biểu sắp sẵn cho họ và họ biết nên ngồi bao lâu nếu cần gặp một người nào đó.

    Cafe vợt hay cafe vớ. Nét đặc biệt của cafe cóc. MXH
    Khác với cafe nhạc, café cóc không yên lặng và chỉ nhìn vào ly café phin “từng giọt giết chết đời trai trẻ”, café cóc hào hứng hết chuyện này tới chuyện khác đang xảy ra khắp thế giới. Đề tài nào cũng vui cũng hấp dẫn và vì vậy tín đồ café cóc ngày một đông, ngày một đa dạng. Người ta gặp nhau và thoải mái tung ra hết những “ý kiến ý cò” mà không cần nghiêm túc suy nghĩ. Café cóc xứng với danh xưng của nó, là cóc. Nó không giữ ý giữ tứ, là cóc nó muốn tới hay đi hồi nào cũng được, là cóc nó không buồn chê khen ly café mà ông bà chủ mang ra, và café cóc còn một điều dễ thương nữa: Có thể ghi sổ.

    Tuy nhiên nếu nhìn kỹ hơn một chút thì café cóc cũng phân chia người uống một cách rõ ràng. Uống với nhau ly café ít nhất phải hiểu nhau và hiểu càng sâu thì uống với nhau càng nhiều. Café cóc chia từng nhóm bạn và mỗi nhóm ngồi chung với nhau đề bàn bạc những đề tài mà cả nhóm thích. Từ sự “chia để tám” này nảy sinh một yếu tố khác là tuổi tác và nghề nghiệp, mỗi độ tuổi lại thích nói về một đề tài, mỗi nghề nghiệp cũng vậy, café cóc là nơi hướng nghiệp mà không cần ghi danh, cứ tới ngồi một lúc sẽ nảy sinh biết bao điều tiện lợi.

    Cái siêu kho cafe điển hình. MXH
    Café cóc trong nước và hải ngoại có khác. Khi trong nước còn chuộng loại café nhạc thì hải ngoại loại hình này gần như tuyệt chủng thay vào đó là café lạnh. Lạnh vì mát mẻ và vì các cô gái phục vụ hơ hớ đào tơ. Ai vô tình vào những quán thuộc thể loại này mà không biết trước sẽ khó mà kềm hãm ngạc nhiên bởi sự “vô tư” của nó.

    Vào quán, việc trước tiên là khói thuốc, khói như nhà cháy và nếu không chịu nỗi phải bước ra ngoài. Kế tiếp là các cô tiếp viên, nhẹ nhàng nhìn bạn như người thân từ xa mới về, cái nhìn trìu mến và gợi mở mọi câu hỏi sẽ được giải thích. Ánh nhìn ấy khiến người yếu bóng vía dễ đau tim và lâng lâng tưởng tượng những điều không thể xảy ra. Thấy vậy mà không phải vậy!

    Vào đây thì uống café gì? Thường là nâu đá hay đen đá, hiếm có ai uống café nóng vì cái nóng đang lan ra từ các tiếp viên khiến người chưa quen dễ bị hoang tưởng, một sự hoang tưởng rất dễ thương cho các chàng trai lớn tuổi.

    Café hải ngoại, đặc biệt ở Mỹ luôn đi kèm với ăn sáng mặc dù chỉ vài món điểm tâm nhưng rất tiện lợi cho người tới uống café không mất công tìm một chỗ nữa để lót bụng rồi mới đi làm. Café tại miền Nam Cali khó gọi là cóc trong khi thực tế cho thấy nó là một dạng café cóc không lẫn vào đâu được. Cũng café máy thay cho vợt, cũng ngồi đồng bao lâu thì ngồi cũng khói thuốc mù mịt cũng nhóm này nhóm kia và nhiều quán cũng cho ghi nợ nữa!

    Hai quán café mà tới Cali ai cũng biết là Café Gypsy và Café Factory, mỗi quán một cung cách và mỗi quán có khách riêng của mình nhưng nhìn chung cả hai đều thích hợp để ngồi đồng với bạn bè, đồng hương, đồng nghiệp, nhưng cả hai không có cái không khí thật sự của café cóc. Cái thiếu rõ nhất là ghế ngồi, không nơi nào có cái ghể đẩu lùn, những cái ghế làm nên quán cóc.

    Người Việt ở các tiểu bang khác hầu như khó kiếm một cái quán café để gặp nhau, dĩ nhiên cũng có quán café nho nhỏ nhưng gặp nhau hàng ngày thì không. Khí hậu quá lạnh hay quá nóng, công việc làm, chỗ ở cách xa nhau đã làm quán cóc không sống nổi. Những cái quán ấm áp như Cali hình như không thể xuất hiện ở những tiểu bang có khá đông người Việt. Cách uống café gượng gạo nhất là vào Starbucks, hưởng cái không khí rất Tây, rất êm ả và rất.. chán. Có người không uống café ở tiệm cũng không uống café ở nhà mà uống tại xe.

    McCafé của McDonald’s (ảnh: Daniel Harvey Gonzalez/In Pictures via Getty Images)
    Một ly café mua ở McDonald’s giá 1 đồng 8 xu, uống cũng không thua gì các quán khác, cầm ly café ngồi trong xe khi trời lạnh ngẫm nghĩ chuyện uống café từ trong nước ra tới hải ngoại, nghĩ tới những cái quán cóc nghèo nàn rồi chạnh lòng. Chưa khi nào có ai ngồi ở những cái quán lèo tèo ấy hiểu rằng mỗi giá trị của một cái quán không căn cứ vào vẻ đẹp hay sức bán nhiều hay ít, mà nó sống vững nhất từ những con tim hướng về nó, những nghĩ về đậm đặc kỷ niệm trong đó có mùi café hăng hắc nhưng ngon lạ ngon lùng!
    Attached Files
Working...
X