Announcement

Collapse
No announcement yet.

Những ngày vàng son cũ

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Những ngày vàng son cũ



    Đâu đó nơi góc phố, có những người thương binh của chế độ cũ cố kiếm từng bữa cơm qua ngày. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

    Bài NGUYÊN QUANG

    Tôi định viết đề tài này vào những ngày cuối tháng Tư, nhưng không hiểu sao lúc ấy, tôi không thể viết được. Bởi nghĩ về họ, tôi lại thấy không thể nào bắt đầu được bằng bất cứ chữ nào, cuộc đời của họ đã trải qua quá nhiều cay đắng và nó khiến cho ai chịu khó lắng nghe họ, hoặc giả cố tình tìm hiểu về họ, sẽ thấy ngậm ngùi… và ngậm ngùi. Những thương binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa một thuở, có thể nói rằng họ, những người đã chịu sự dày vò của chinh chiến và thời cuộc, lại có cái nhìn rất đỗi nhân văn và ở họ lóe lên niềm tin về hòa giải, hòa hợp dân tộc!

    Những tháng ngày buồn tẻ mà quyết sống
    Khác với các chiến binh lành lặn phải bước vào trại cải tạo của chế độ mới ở những ngày sau 30 tháng 4 năm 1975, các thương binh dường như không còn gì để mất trong thời đại mới và họ chỉ còn một con đường là phải Sống, phải Tồn Tại.

    Họ, những người mà những năm đầu thập niên 1980, lúc đó tôi mới năm tuổi, theo bà ra thành phố Đà Nẵng thăm người em trai của bà, tôi gọi bằng ông ngoại cậu. Và mỗi chuyến đi của tôi, hình ảnh của các thương binh hằn một dấu sâu vào tuổi thơ tôi. Bởi lẽ, bà tôi, mà sau này tôi mới vỡ lẽ, lại rất thương họ và bà quan tâm đặc biệt đến họ, chính những cuộc trò chuyện giữa bà với các thương binh đã để lại dấu ấn tuổi thơ trong tôi.

    Đâu phải lính già ai cũng có cuộc sống bình yên. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

    Vỡ lẽ ra bởi vì bà tôi là một bà mẹ liệt sĩ chế độ mới, cậu Hai tôi là một người bộ đội Cộng Sản, thế nhưng bà lại hay trò chuyện và cho tiền những người thương binh ở bến xe buýt Đà Nẵng, bến xe bây giờ không còn nữa, nó đã được sửa sang thành quảng trường lớn trước rạp hát Trưng Vương, thế nhưng hình ảnh một bến xe bụi bặm mùa nắng, sũng nước mùa đông trước một bãi cỏ ngút ngàn (sau này là nhà hát Trưng Vương), có những người đàn ông có đôi mắt buồn bã, chống cây nạng, có người cụt một chân, lên đến quá gối, có người cụt cả chân và tay. Họ đứng đó, không biết đứng để làm gì, bởi họ không phải người ăn xin, nhưng họ cứ đứng như vậy, và thi thoảng, ai đó ghé ngang tặng họ một chút tiền, thường thì một hào bằng xu kẽm, hoặc hai hào. Nhưng hiếm ai tặng hai hào, bởi thời đói kém, ai cũng khổ, cũng khó.

    Bà tôi, tuy là mẹ liệt sĩ, nhưng lại có gốc gác là "cựu địa chủ", bà cũng bị các ông đội trưởng sản xuất, trưởng nhóm sản xuất và những ông chủ nhiệm, bà phó chủ nhiệm hợp tác xã đay nghiến bởi cái lý lịch "cựu địa chủ" của mình. Trên những đám ruộng trước đây của bà, bà đã "được" tập thể giao cho cấy những phần có nhiều rác rến, thậm chí những phần ruộng gần chuồng heo nhà người ta, bà chỉ biết cắn răng chịu đựng và ngay cả cái tấm bằng mẹ liệt sĩ của bà cũng bị người ta cướp mất, phải mười năm sau, bà mới đi kiện để có được cái suất xương máu của con bà.


    Những người thợ chụp ảnh dạo ở cố đố Huế. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

    Có lẽ chính vì những sự trắc trở trong cuộc đời, bà lại thương bất cứ người thương binh dù phía bên này hay phía bên kia, đặc biệt những người cùng lứa tuổi với cậu Hai tôi, bà đôi khi cho họ hai hào, gật đầu nhận cái cảm ơn của họ rồi chảy nước mắt. Hình như cuộc đời của tôi, đứa cháu ngoại độc nhất của bà cũng bị ảnh hưởng nước mắt của bà từ nhỏ, nên mọi thứ, tôi chỉ biết quy ra sự Yêu Thương, những gì yêu thương thì gần gũi với đời tôi. Nói dông dài một chút như vậy để nhắc đến hai người mà tôi ấn tượng nhất, đó là chú Mận và bác Hùng, hai thương binh chế độ cũ. Chú Mận ngồi ở bến sông chợ Vĩnh Điện, chuyên dán dép, bác Hùng chống hai cây nạng đứng ở bến xe Đà Nẵng.

    Chú Mận trước là lính nhảy dù, bị thương năm 1972, cụt mất hai chân, sau 1975, chú không mảnh đất cắm dùi, hai vợ chồng nuôi bốn đứa con, trong đó có đến ba đứa sinh sau 1975. Cô chú dựng một cái lều tạm bên bờ sông Vĩnh Điện, ngay chỗ bến thuyền của nhà buôn miệt thượng nguồn và miệt biển đến bán hàng, cũng là cổng ngõ vào chợ Vĩnh Điện. Cô đi buôn các mặt hàng như chổi đót, đường bát, bắp hạt… Còn chú thì dựng một cái lò dán dép. Nghe lò dán dép chắc quí vị sẽ thấy rất lạ. Thời mới thay đổi chế độ, một đôi dép, trừ dép quai của Lào bằng cao su ra thì mọi đôi dép nhựa đều chi chít dấu dán.

    Đã từng có những người cựu binh không một tấc đất cắm dùi. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
    Nghề dán dép của chú Mận cũng khá thú vị và sáng tạo, chú đặt một chiếc lò đốt bằng bột cưa, trên lò có một tấm vĩ sắt, trên tấm vĩ sắt đặt những thanh sắt nhỏ, một đầu có cán gỗ, đầu kia đập dẹp bẻ nghiêng thành cái bàn là dán dép.

    Các thanh dẹp có nhiều hướng, có thanh hướng vuông góc như chân vịt, có thanh hướng nghiêng góc như cái gậy đánh golf, có thanh đập dẹp và để thẳng. Khi đôi dép đứt giao cho thợ dán, thì thợ dán chỉ việc đo, cắt mảnh nhựa đồng dạng để làm miếng bạ, sau đó rút thanh dẹp thẳng đang nóng đỏ, đưa vào kẽ dép đứt cho nhựa chảy ra và dán ép hai chỗ đứt vào với nhau, sau đó dùng thanh nghiêng giống gậy đánh golf để dán mảnh nhựa bạ vào dép và cuối cùng là dùng thanh chân vịt để miết mối hàn cho thẳng thớm, cho liếp và bóng.

    Đương nhiên dù có dán giỏi cỡ nào thì đôi dép sau khi dán vẫn có u nần nhìn rất buồn cười. Nhưng thay vì mua một đôi dép mới tốn cả mấy ngày công lao động, chừng một đồng rưỡi, hai đồng, người ta chỉ cần dán, tốn có năm xu hoặc một hào là mang ngon lành.

    Thời đó, có vẻ như chú Mận dán dép và dán áo mưa (kỹ thuật dán áo mưa cũng tương tự dán dép nhưng có khác hơn chút là người ta dùng một miếng dẫn nhiệt bằng giấy bạc hoặc giấy kim cương trong ruột vỏ thuốc lá đè lên trên vị trí dán, miếng này chịu trực tiếp nhiệt, giúp cho áo mưa có thể vừa đủ chảy để ép vào nhau nhưng không bị cháy) cũng đủ mua gạo, nhờ vậy mà chú Mận sống ung dung, tự tại. Khi có ai hỏi chuyện cũ, ngay cả như bây giờ, gặp chú hỏi chuyện cũ, chú cười, bảo, "Thôi, chiến tranh qua lâu rồi, tôi cũng có một đôi chân trả nợ cho chiến tranh, giờ là anh em một nhà với nhau, cứ thương yêu nhau là đủ!"

    Một góc phố Bắc (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
    Tuy đời sống chú Mận ung dung, tự tại và lương thiện đúng mực. Nhưng nghiệt nỗi, thế hệ sau, tức con của chú dường như chẳng mấy sáng sủa, cũng chật vật, lây lất, cực khổ trăm bề để tồn tại. Nhưng rất may là họ cũng rất lương thiện và lấy sự yêu thương làm lẽ sống, nên mọi chuyện nghe ra cũng có chút nguôi ngoai…

    Thôi thì hòa giải nhau đi!
    Đó là câu nói của bác Hùng, một người thương binh bị cụt chân, sau này còn bị mù thêm đôi mắt do những di chứng sau chiến tranh. Bác Hùng một thời chống nạng đứng bến xe, rồi sau đó đi bán chổi đót, bác tự mua đót về làm chỗi để bán, sống lây lất qua ngày. Nhưng hình như cái đời sống gian truân của bác lại không khiến cho bác thấy tuyệt vọng hay thương thân mà bác Hùng lại nghĩ đến những đồng đội còn mắc kẹt trên đất mẹ. Ông đôi khi tâm sự, "Bạn tôi còn mắc kẹt nhiều lắm, tội nghiệp cho họ!"

    Một người thợ cắt cỏ trong di tích cố đô Huế. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
    "Mắc kẹt nghĩa là sao vậy bác?"

    "Có người mắc kẹt nơi rừng sâu nước thẳm, đến giờ vẫn chưa tìm thấy hài cốt, đó là người ngã xuống, chứ người còn sống, tôi thấy như ông Chín, một sĩ quan cũ, đồng đội của tôi, bị bảy năm tù cải tạo, rồi giờ cũng lây lất trên quê nhà, không có lối thoát".

    Mùa hoa gạo, nhớ những ngày vàng son. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
    "Thường thì diện H.O chỉ cần bị đi cải tạo từ 3 năm trở lên là được bảo lãnh sang Mỹ, sao ông Chín bạn của bác bị tới bảy năm mà không làm giấy tờ đi Mỹ cho đỡ vất vả?"

    "Có, hồi mới có chương trình H.O, ổng cũng đi làm thủ tục, cũng bán áo kháo bành, rồi vay mượn bà con được đâu ba lượng vàng để đưa cho dịch vụ họ làm giúp thủ tục, ai dè bị lừa, mất tiền mà chẳng có đi được. Vậy là hai ông bà chỉ còn biết lo làm mà trả nợ, bà đi bán mì gánh Phú Chiêm, ông đi làm thuê, bây giờ cậu về chỗ gần ủy ban xã Điện Minh, hỏi thăm quán mì bà Chín Qua, tức quán mì từ lúc khởi sự để trả nợ do lừa gạt đó, đến giờ vẫn bán mì, một bát mì Phú Chiêm ở đây bán giá 12 ngàn đồng, tức là giá bình dân nhất có thể đó. Rồi tới giờ, mọi sự trễ tràng, muộn màng, con cái họ cũng khổ lắm, Nhưng gần như ông Chín thủ phận, chấp nhận vậy chứ hết nghĩ tới chuyện đi, bởi già rồi, con cái cũng nên bề gia thất rồi… Chỉ có cuộc sống là lây lất, khổ triền miên thôi!"

    Một người già tập thể dục bên bờ hồ Gươm. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
    "Bác thấy đời sống của mình bây giờ ra sao?"

    "Thì sau một biến cố thay đổi chính trị, có bên vui mừng phải có bên khóc thầm, mình giờ cũng mù mắt rồi, khóc hay cười cũng vậy thôi, hãy cứ sống, và trải cái lòng của mình ra để mà sống cho con cháu, để con cháu của mình nó sống trọn vẹn đời sống của nó, dù cực hay sướng gì thì con người cũng cần sống thanh thản, tuy rất khó để thanh thản nhưng phải như vậy, thì tương lai mới khá hơn, chứ giờ biết nói sao đây?"

    Một góc phố Lạng Sơn, nơi những cựu binh 79 thường lui tới uống chè. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

    "Cháu hỏi thật, bác có mong một cuộc hòa giải, hòa hợp dân tộc đích thực?"

    "Thì tôi vẫn đang hòa giải, hòa hợp mỗi ngày đó thôi, tôi phải sống, phải bươn chãi mà kiếm cơm và cầu nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc. Chỉ có an lạc mới có tương lai thôi!"

    Nghe đến đây, thiết nghĩ, tôi không nên hỏi thêm bác Hùng câu nào nữa, bởi cuộc đời ông là một câu trả lời cay đắng và chính xác cho những gì muốn nói, cho những ngày vàng son cũ đầy hào hoa và kiêu hùng rồi!


Working...
X