Announcement

Collapse
No announcement yet.

50 năm ‘đại lộ kinh hoàng’, 1972 – 2022

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    50 năm ‘đại lộ kinh hoàng’, 1972 – 2022

    Click image for larger version  Name:	1b.PNG?format=1500w.png Views:	3 Size:	299.2 KB ID:	113358

    Ký sự ‘đi nhặt xác đồng bào Quảng Trị trên đại lộ kinh hoàng’


    Lời giới thiệu: Ngày 30 tháng 3, 2022 năm nay đánh dấu tròn 50 năm ngày mở đầu chiến cuộc Quảng Trị khi khoảng 200,000 quân chính qui Cộng sản Bắc Việt cùng cả ngàn xe tăng lần đầu chính thức vượt Vùng Phi Quân Sự tràn qua vĩ tuyến 17 đánh chiếm Quảng Trị, xé nát Hiệp định Geneva 1954 và chấm dứt cuộc chiến bấy lâu vẫn dựa vào du kích Việt Cộng mà phần lớn đã bị tiêu diệt sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968. Cuộc chiến này sử Mỹ ghi là Cuộc Tấn Công Mùa Phục Sinh (Easter Offensive), người Miền Nam quen gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa (theo tựa một cuốn bút ký chiến trường của nhà văn Phan Nhật Nam). Chiến cuộc Quảng Trị kéo dài bẩy tháng, tới mãi ngày 22 tháng 10, 1972 mới chấm dứt sau khi quân Cộng Hoà tái chiếm Quảng Trị. Tuy nhiên, Cộng sản Bắc Việt cũng nhờ đó củng cố chỗ đứng của họ trong cuộc hội đàm lúc đó đang diễn ra tại Paris, với một Hoa Kỳ nôn nóng chấm dứt cuộc chiến sau khi đã bắt tay đuợc với Trung Cộng, và một Việt Nam Cộng Hoà chịu nhiều thiệt thòi.

    Trong thời gian này, vào đầu tháng Năm, 1972, khoảng gần 2,000 đồng bào đã bị thiệt mạng trên đường chạy khỏi Quảng Trị khi quân Cộng sản tấn công. Họ chết phần lớn vì pháo kích của Cộng quân rót xuống từ rặng Trường Sơn, xác nằm rải rác trên một quãng đường dài 5.274 mét trên Quốc lộ 1, từ cầu Bến Đá tới cầu Trường Phước thuộc Quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Vì giao tranh còn tiếp diễn, xác các nạn nhân này đành chịu cảnh phơi bầy cùng nắng mưa gió và cả những trận mưa pháo trong nhiều tháng trời. Đúng ra con số nạn nhân chiến cuộc chắc nhiều hơn, nhưng nêu ra con số trên là dựa vào tổng số xác đã nhặt được, đích xác là 1,841 thi hài thường dân, do anh Nguyễn Kinh Châu, người điều khiển chương trình “hốt xác”, và các thân hữu Huế đã bốc được trong suốt “bẩy tháng giữa những xác người” vào mùa hè năm 1972. Cũng anh Châu và một nhóm thân hữu ở Huế đã khởi xuớng chương trình hốt xác này, bằng những quyên góp khiêm tốn tại địa phương, cho tới khi nhật báo Sóng Thần đứng ra phát động chiến dịch “Chết Một Nấm Mồ” để đẩy mạnh công tác nhân đạo này. Vào đầu mùa hè 1972, tôi được ban chủ biên cử ra Trung quan sát tình hình, mà kết quả là bài bút ký dài khoảng 9,000 chữ bên dưới, đăng thành nhiều kỳ, ghi lại vội vã những gì mắt thấy tai nghe.

    Vào năm 2009, khi đi tìm tài liệu để thực hiện bộ phim về chiến cuộc Quảng Trị 1972, nhà văn Giao Chỉ Vũ Văn Lộc có lẽ lần đầu nghe đến tên “Đại Lộ Kinh Hoàng” và chương trình hốt xác nạn nhân chiến cuộc đó nhật báo Sóng Thần phát động. Ông tìm gặp tôi, đồng thời liên lạc với Ngy Thanh để tìm hiểu thêm. Kết quả là tài liệu đầu tiên do các nhân chứng đóng góp, coi như chính thống, về khúc đường oan nghiệt này: “Quảng Trị Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 – Hốt xác đồng bào tử nạn trên Đại Lộ Kinh Hoàng”, do bốn người viết, gồm nhà văn Giao Chỉ (phỏng vấn một nhân chứng đã có mặt song may mắn sống sót trong giòng người chạy giặc này), Ngy Thanh (người đầu tiên đặt chân tới quãng đường này), Trùng Dương (có mặt trong đợt hốt xác đầu), và Nguyễn Kinh Châu (người tiếp tục công tác hốt xác và chôn cất các nạn nhân chiến cuộc nhiều tháng sau đó). Bài này đã được tạp chí Thời Báo ở Houston đăng tải trên số báo ngày 20 tháng 11, 2009, trang 54-109. Bản thảo bài do bốn người viết đã được cập nhật gần đây, hiện lưu trữ tại đây.

    Sau loạt bài do bốn người viết trên, câu chuyện về “Đại Lộ Kinh Hoàng” từ vài năm nay không thiếu người đã kể lại qua các bài viết hoặc phim ảnh. Có người đã cất công về tận Quảng Trị để tìm dấu vết quãng đường đau thương này. Không kém quan trọng là công trình biên khảo của Tiến sĩ Vân Nguyễn-Marshall thuộc Đại học Trent, Canada. Bà đã soạn một bài có tính cách học thuật rất công phu về công cuộc hốt xác trên: “Appeasing the Spirits Along the ‘Highway of Horror’: Civic Life in Wartime Republic of Vietnam,” tạm dịch là “Xoa dịu các oan hồn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’: Đời sống người dân Việt Nam Cộng Hoà thời chiến,” hiện có tại đây. Độc giả tiếng Việt có thể tìm hiểu về các sinh hoạt đằng sau hậu trường liên quan tới công tác được mệnh danh là “Sống Một Mái Nhà – Thác Một Nấm Mồ” qua bài tường thuật chi tiết của Trịnh Bình An tại đây.

    Cách nay vài năm, ký giả Ngy Thanh đã, nhân chuyến ghé thư viện Đại học Cornell để nghiên cứu cho cuốn sách về biến cố Quảng Trị và quãng đường nay mang tên không chính thức là “Đại Lộ Kinh Hoàng” này, đã tiện thể chụp lại bài bút ký từ microfilm Sóng Thần hiện lưu trữ tại đây, sau đó đã bỏ thì giờ đánh máy lại và chia sẻ với tôi. Toàn bộ báo Sóng Thần hiện có tại Kho Chứa Sách Xưa, do công lao của Ngy Thanh và Võ Phi Hùng đã bỏ thì giờ chụp lại toàn bộ các số báo.

    Để dễ dàng cho việc đọc, tôi sắp xếp bài bút ký lại, tuyệt đối giữ y nguyên như bản in báo, không hiệu đính dù sai văn phạm hay bất nhất trong văn phong, và có thể sai sót trong vài nhận xét. Có những chữ quá mờ trên bản chụp từ phim, Ngy Thanh bỏ trong […]. Tựa của bài và những tựa nhỏ (subhead) là do ban biên tập ST đặt.

    Nhân tưởng niệm 50 năm chiến cuộc Mùa Hè Đỏ Lửa, xin đăng lại bài bút ký về chuyến theo đoàn hốt xác nạn nhân chiến cuộc Quảng Trị, như một nén hương kính cẩn tưởng niệm những người đã không may bỏ mạng trong cuộc “bỏ phiếu bằng chân” đối với chủ nghĩa Cộng sản. Đồng thời giới thiệu các tài liệu gốc về một thảm cảnh chiến tranh đã khơi động tình nghĩa đồng bào đùm bọc nhau trong cơn khốn khó của người dân Miền Nam.

    Trùng Dương
    Đầu Xuân 2022


    Click link ở dưới để xem báo Sóng Thần ngày 11-1972



Working...
X