Announcement

Collapse
No announcement yet.

đèn năm ngọn…

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    đèn năm ngọn…

    Click image for larger version

Name:	280404221_161326983026478_2476367389226856373_n.jpg?_nc_cat=110&ccb=1-7&_nc_sid=5cd70e&_nc_ohc=B0q6zTF51KAAX9P9pv5&_nc_ht=scontent-lax3-1.xx&oh=00_AT94IRriiLFm_IMYX78b7XAAU8ZwyJqhcf0zhs28RsSEGg&oe=628BADDE.jpg
Views:	466
Size:	28.5 KB
ID:	113858
    Ở Chợ Lớn lâu năm chắc ai cũng biết khu “Đèn năm ngọn”.

    Cái đèn năm ngọn thực tế nằm ở ngã tư đường Phùng Hưng (Rue des Paris) và Đồng Khánh (Trần Hưng Đạo

    Khu "Đèn năm ngọn" là khu Thương xá Đồng Khánh kéo dài tới nhà thờ Cha Tam. Thương xá Đồng Khánh là chợ vải lớn nhứt Sài Gòn Chợ Lớn. Nhà thờ Cha Tam Chợ Lớn mang tên chánh thức là "Nhà thờ Thánh Phanxicô Xavier" (Saint Francisco Xavier).

    Nhà thờ nầy xây từ 1900 tới 1902. Linh mục Pierre d'Assou cai quản nhà thờ nầy, tên Hán Việt của ông d'Assou phiên âm ra tiếng Hoa là Đàm Á Tố, phát âm thành Tam Assou, đọc gọn thành Cha Tam.

    Nhà thờ Cha Tam có nhiều câu đối kiểu Tàu. Tại bàn thờ giữa nơi tượng Chúa Giêsu bị đóng đinh là hai bức liễn sơn son thiếp vàng, chạm chữ màu đen:
    "Ảo thế phù vinh bất túc mãn nhân nguyện
    Thiên hương vĩnh phúc phương năng sung thiện tâm".

    Những vinh hoa phù phiếm hư ảo không thể làm thỏa mãn ham muốn của con người. Ơn đức lâu dài thơm thảo của Thiên Chúa giúp người suy gẫm về lòng thiện.

    Nhà thờ nầy nổi tiếng vì trong cuộc đảo chánh thời Đệ nhứt Công Hòa, hai anh em cố TT Ngô Đình Diệm đã cầu nguyện lần cuối ở đây.
    Nhắc lại là gần 8h tối ngày 1-11-1963 TT Ngô Ðình Diệm và ông Ngô Ðình Nhu đã chạy thẳng từ dinh Gia Long vô Chợ Lớn, vào nhà ông Mã Tuyên lánh nạn một đêm.

    Sáng sớm 2/11 Mã Tuyên đưa hai anh em tổng thống lên xe hơi của ông đi lễ sớm tại nhà thờ Cha Tam.Lúc 6 giờ 45 sáng 2/11/1963 , TT Ngô Đình Diệm gọi điện thoại cho phe đảo chánh và rồi....

    Thôi bỏ qua.

    Tội cho vua Đồng Khánh và cả ông Trần Hưng Đạo đều là nạn nhơn của cái dốt và sự thù hận lịch sử sau 1975.

    Cái đường Trần Hưng Đạo B này xưa là đường Thủy Binh, sau là Rue des Marins, sau 1954 là Đồng Khánh, sau 1975 thì xóa Đồng Khánh kéo dài Trần Hưng Đạo qua nhưng vì số nhà toàn của Đồng Khánh, thành ra cho ông "Thánh Trần"… học hệ B.

    “Đèn năm ngọn” là khu ăn chơi về đêm ở Chợ Lớn hồi trước,các tiệm nước, các tửu lầu, cao lâu... quán ăn, khách sạn tập trung gần khu “Đèn năm ngọn” dày đặc. Dân phì lũ Ba Tàu có thói quen áp phe, mánh mung bên bàn đèn, bàn nhậu và phòng ngủ trong khách sạn.
    “Đèn Năm Ngọn” mà dân Quảng Đông kêu là “Ựng Chí Tắng (五枝燈) mà Hán Việt là “Ngũ Chi Đăng”.

    Cái đường Phùng Hưng nằm giữa đường Đồng Khánh và Cây Mai (Nguyễn Trãi) là một dãy cửa hàng thịt quay và đồ ăn thức uống.
    Ngay góc Phùng Hưng – Đồng Khánh là nhà hàng nổi tiếng Soái Kình Lâm. Từ Sài Gòn chạy vô, ở góc phải nhưng chưa đến đường Phùng Hưng có nhà hàng Băng Gia.

    Gần gần đó có thể kể là các đại tửu lầu, nhà hàng nổi tiếng tại Sài Gòn như nhà hàng Đồng Khánh, Arcenciel (Thiên Hồng), Bát Đạt, Á Đông, Đại La Thiên, Triều Châu…

    Khu này có đủ món bạn muốn nếu có tiền, từ hủ tíu Tiều, cơm gà Hải Nam, vịt quay Bắc Kinh, bánh bao, xíu mại... tới bào ngư, vi cá, yến sào, tay gấu, ngầu pín đủ hết.

    Nói luôn là hủ tíu mì gánh rồi lên xe đẩy là một phát minh của người Tàu, đem hủ tíu và mì ra khắp nơi ở Nam Kỳ lục tỉnh cũng là công của người Tàu.

    Và lẽ dĩ nhiên, cafe qua tay người Tàu cũng thành một món quen của người Việt.

    Chợ Lớn có vô số “tiệm nước”, nói tiệm nước nhưng có bán đồ ăn sáng nhiều lắm, bánh bao, há cảo, hủ tíu, bánh mì đủ hết.
    Chính mấy quán nước Tàu này đã đẻ ra cho ngôn ngữ Nam Kỳ “ly xây chừng”.

    Ly xây chừng là cái ly cafe nhỏ, còn ly cối lớn là “ly tài phế’.

    Người Tàu pha cafe bằng cái vợt trong một cái siêu sành sứ như siêu nấu thuốc bắc. Cafe vợt hay cafe vớ là nó, đổ nửa kg cafe vô cái vợt, bỏ vô cái siêu và bắc lửa than liu riu, cafe ngon lành, thơm lừng, nhưng nước đầu mới ngon, nước xái là đắng nghét. Có cafe đen và cafe sữa.
    Cafe sữa là pha sữa bò vô, sữa Nestlé, Ông Thọ, mấy ông già, đờn bà con nít thích uống pạc sỉu là nhiều, pạc sỉu là cafe có 1 phần thôi, còn lại 3 phần là sữa.

    Người Sài Gòn xưa có cách uống cafe không giống ai, đổ ra dĩa cho mau nguội và húp từ từ.

    Có người cầm cái muỗng múc và nếm từng ngụm nhỏ, có người lấy bánh mì không, giò chéo quẩy chấm pạc sỉu ăn sáng luôn.

    Một đặc điểm của mấy quán cafe xưa là lúc nào cũng có một bình trà bốc khói kế bên, hoàn toàn miễn phí, bán ly cafe thì phải có bình trà nóng, uống hết ly cafe mà chủ quán cứ châm trà liên tục nếu khách nấn ná chưa chịu về, đây là một đặc trưng của người Nam Kỳ.

    Còn ngày nay thì khỏi, nước lạnh hết, pha cafe sữa bằng nước lạnh luôn, xin bình trà nóng nó nhìn khách như người ngoài hành tinh.
    Đi uống cafe mà ngồi một mình cũng quê xệ, thành ra phải tụ năm tụ bảy bàn chuyện cho rôm rả.

    Hồi xưa làm gì có mạng miếc gì mà ngồi quẹt quẹt, chỉ có báo tờ, mà Tàu nó ít biết tiếng Việt lắm, thành ra vô tiệm nước toàn đánh võ miệng, nghe xí xa xí xồ như cái chợ thiệt vui lây.

    Có một giai thoại, mấy ông Tàu giải thích sữa Ông Thọ, sữa con chim Nestlé, rằng vì sao Ông Thọ có sữa, con chim có sữa?

    “Tại mấy pà không lể ý con chym khi hứng chý cũng tiết ra một thứ sữa màu trắng lục, ló không phải là sữa thì là cái dì?”.

    NGUYỄN GIA VIỆT


Working...
X