Announcement

Collapse

Happy Easter

THÂN CHÚC MỘT MÙA LỄ PHỤC SINH AN LÀNH, ẤM ÁP, VUI VẺ
ĐẾN VỚI CÁC BẠN VÀ GIA ĐÌNH

LV
See more
See less

Nhạc Sĩ Cung Tiến (1938-2022): Yên Nghỉ Ở Cõi Riêng

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Nhạc Sĩ Cung Tiến (1938-2022): Yên Nghỉ Ở Cõi Riêng

    Click image for larger version

Name:	AVvXsEh-okusp25NWD2qytiEg2NczK_D3CVwj4cHhWsQnVu8ZZT9Xsh0ucdjBROV6zUyANc9XltFAcr992Tn7xaiPNPS7nbXFCJMCCUa8HruVD259Y7B7Fnzb6Bb8pnjwNe9w3nLA472ZY0EfOaLsPS_gL3PsiJbvDFMX3KTrhn-5dumuyfYMRqVMpIX3t06=w229-h320.png
Views:	2779
Size:	68.7 KB
ID:	116504

    Nhạc Sĩ Cung Tiến (1938-2022)
    Vào một buổi chiều mưa đông cuối năm 2021 ở Quận Cam, một số gương mặt tiêu biểu của nền văn học nghệ thuật Miền Nam trước 1975 đã có một buổi hội ngộ hiếm hoi: nhà văn Doãn Quốc Sỹ, nữ minh tinh điện ảnh Kiều Chinh, nhạc sĩ Cung Tiến, nhà văn Nhã Ca, nhà thơ Trần Dạ Từ, nhà thơ Đỗ Quý Toàn, giáo sư Trần Huy Bích... Có người đã chạm mốc bách tuế, đa số đã vượt qua tuổi tám mươi. Những mái đầu bạc ngồi ôn lại kỷ niệm thời trai trẻ, chuyện buồn vui trong tù, chuyện điện ảnh, đọc thơ, hát nhạc Cung Tiến... Có ai đó đã nói rằng sẽ khó có lại một buổi hội ngộ đông đủ như thế này, bởi vì "... Bạn già lớp trước nay còn mấy..."

    <!>
    Vào một buổi trưa nắng ấm đầu hạ, rất ít người có mặt trong buổi hội ngộ đó đã đến dự lễ tiễn đưa lần cuối nhạc sĩ Cung Tiến, Ông ra đi ngày 10 tháng 5, 2022. Nguyện vọng của gia đình là tang lễ chỉ tổ chức riêng, thông báo rất giới hạn đến một số thân hữu. Từ Thụy Điển, nhà văn Nhã Ca và nhà thơ Trần Dạ Từ lặng lẽ thắp nén nhang tưởng nhớ đến người bạn cố tri - Cung Tiến, người nhạc sĩ có phong cách sống kín đáo, cuối đời cũng đã ra đi thầm lặng như vậy.

    Trong một chương trình thâu hình hiếm hoi giới thiệu về Cung Tiến, chị Y Sa của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) đã tóm tắt khá đầy đủ cuộc đời và sự nghiệp của người nhạc sĩ tài danh này.

    Cung Tiến sinh năm 1938 ở Hà Nội. Trong thời Việt Nam Cộng Hòa ông là một nhà kinh tế, đã từng tốt nghiệp Cử Nhân ở Úc và Cao Học ở Anh về chuyên ngành này. Ông cũng từng là một cây viết với bút hiệu Thạch Chương. Nhưng hầu hết người yêu nhạc Việt Nam chỉ biết đến ông như một nhạc sĩ.



    Lần gặp gỡ cuối của nhạc sĩ Cung Tiến với bạn hữu văn nghệ - Từ trái: Trần Dạ Từ, Sông Văn, Cung Tiến, Trần Huy Bích, Doãn Quốc Sỹ, Hưng Doãn, Nhã Ca, Josee Nguyễn Thụy Hữu, 30 tháng 12, 2021

    Người hâm mộ hay kháo nhau những ca khúc đầu tay của Cung Tiến được sáng tác năm ông mấy tuổi. Nhiều nhà bình luận cho rằng ông là một thần đồng của âm nhạc Việt Nam. Có người đoán với phong cách nhạc và lời của Hương Xưa, Nguyệt Cầm, Hoài Cảm… tác giả phải là một người đã trưởng thành lắm rồi. Kỳ thực, những ca khúc đầu tay Hoài Cảm, Thu Vàng được ông sáng tác năm 13-15 tuổi, lúc đó chưa theo học bất kỳ một lớp nhạc nào! Còn ca khúc được nhiều người yêu thích nhất là Hương Xưa được viết năm ông 18. Nữ ca sĩ Lệ Thu có kể lại kỷ niệm lần đầu tiên trình diễn bài này ở nhà hàng Queen Bee Sài Gòn. Khi Lệ Thu ngân dài và kết thúc câu hát cuối: ”… đời êm như tiếng hát của lứa…đôi…”, tiếng hát dừng, rồi tiếng đàn dừng. Khán giả đông nghẹt trong phòng trà cũng như chết lặng trong một khoảnh khắc trước khi bùng nổ với tiếng vỗ tay và lời tán thưởng. Ca khúc của một chàng nhạc sĩ 18 tuổi đã chinh phục giới yêu nhạc khó tính nhất của Sài Gòn như vậy đó! Nhưng cho dù khán giả rất yêu thích những ca khúc đầu tay của mình, nhạc sĩ Cung Tiến vẫn cho rằng đó chỉ là những “bài tập” khởi đầu trong sự nghiệp âm nhạc của ông.

    Như vậy đâu mới là thực sự là dấu ấn riêng, sự toàn bích trong âm nhạc của Cung Tiến?

    Không khó để nhận ra rằng nhạc của Cung Tiến chịu ảnh hưởng mạnh mẽ phong cách nhạc cổ điển Tây Phương. Ông là một trong số rất ít tác giả người Việt soạn luôn phần đệm đàn cho những ca khúc của mình. Có nhiều ca khúc của Cung Tiến rất khó đệm bằng một cây guitar, cần phải có dương cầm hay dàn nhạc phụ họa. Nói về Hương Xưa, tác giả nhớ lại rằng đã lấy nguồn cảm hứng từ những giai điệu trong sáng, lãng mạn của Mozart. Một trong những ca khúc để đời khác của Cung Tiến là Nguyệt Cầm. Trong tập Ca Khúc Cung Tiến phát hành trước 1975, bên dưới tiêu đề Nguyệt Cầm là một dòng nhạc ngắn với chú thích của tác giả: (Hồ Cầm) Romance en FA, Beethoven. Bởi vì những nốt nhạc đầu tiên của Nguyệt Cầm “Đêm mùa trăng úa làm vỡ hồn ta…” được gợi hứng từ giai điệu của một trong những tấu khúc nổi tiếng của người nhạc sĩ thiên tài người Đức, Romance viết ở cung Fa trưởng. Cũng ở phần tiêu đề, tác giả chép lại 4 câu thơ của Xuân Diệu để giải thích nguồn cảm hứng khi ông soạn lời ca khúc:

    Trăng nhập vào đây cung nguyệt lạnh
    Trăng thương trăng nhớ hỡi trăng ngần
    Đàn buồn đàn lặng ôi đàn chậm
    Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân…

    Những ai đã từng hát, từng đàn ca khúc này sẽ cảm nhận được cái hồn lãng mạn của ca khúc đậm chất Cung Tiến này. Giai điệu khởi đầu như một đêm trăng thu tĩnh lặng. Giữa đêm trăng vang vọng một tiếng đàn hồ cầm (cello) cũng tĩnh lặng, chậm rãi, khoan thai:

    Đêm mùa trăng úa làm vỡ hồn ta...
    Ngập ngừng xa... suối thu dồn lá úa trôi qua
    Sầu thu, sầu lên vút mịt mù, mà e nhớ hương mùa thu…
    Rồi tiếng đàn khi trầm bổng, khi da diết, thổn thức theo tâm trạng của người chơi đàn đơn độc trong đêm trăng lạnh, cô liêu, huyền ảo…
    …Long lanh long lanh ... trăng chiếu một mình,
    Khơi vơi khơi vơi ... nhạc lắng tỏ ngời
    Nguyệt cầm ơi từng lệ ngân, ...
    chết từng mùa Xuân...
    Đêm ngời men nhớ... Nhạc tê ngời thuở xưa
    Trăng sầu riêng chiếc... Trăng sầu riêng chiếc, sầu cho tới bao giờ ?
    Những cảm xúc mãnh liệt bỗng dưng biến mất như những áng mây tan loãng trong bầu trời đêm, trả lại một khung trời tĩnh mịch dưới ánh trăng vằng vặc…
    …Khơi mãi nguồn đêm ... Mùa trăng úa làm vỡ hồn ta…
    … Ôi đàn trăng cũ làm vỡ… hồn… anh…

    Có thể nói Nguyệt Cầm là một trong những tuyệt tác trong nghệ thuật sử dụng giai điệu và lời ca để tả cảnh, diễn đạt nội tâm của người nghệ sĩ.
    Khởi đầu sự nghiệp rất sớm với sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả như vậy, Cung Tiến đã có thể trở thành một nhạc sĩ phổ thông vào bậc nhất của nền âm nhạc Miền Nam trước 1975. Nhưng ông đã không chọn con đường đó. Những ca khúc đầu đời Thu Vàng, Hoài Cảm, Hương Xưa, Nguyệt Cầm cũng là những ca khúc được hát và biết đến nhiều nhất của Cung Tiến. Những sáng tác về sau của ông rất kén chọn người hát, người nghe. Điều này có thể giải thích là vì Cung Tiến sáng tác ca khúc trước tiên là cho mình, để thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc của chính mình. Ông đã từng nói rằng âm nhạc là một sự tìm tòi không có điểm dừng, không có sự thoả mãn. Không có một nền âm nhạc nào duy nhất thống trị trên thế giới. Sự cầu tiến, khuynh hướng sáng tạo đã biến thế giới âm nhạc của Cung Tiến trở thành một cõi riêng, ở đó ông không cần nhiều sự tán thưởng, đồng cảm của đám đông.

    Ông ngưỡng mộ và phổ thơ của người bạn văn nghệ của mình là Thanh Tâm Tuyền, một thi sĩ đi đầu trong phong cách thơ mới đầy sáng tạo. Lệ Đá Xanh là một ca khúc phổ thơ Thanh Tâm Tuyền cũng đậm dấu ấn Cung Tiến. Bài hát được đề tặng Phạm Đình Chương, tác giả của Nửa Hồn Thương Đau, một ca khúc cũng lấy ý từ cùng bài thơ của Thanh Tâm Tuyền, có cùng câu hát: “… đôi khi anh muốn tin, ôi những người sống lẻ loi một mình…” Không thể so sánh hai ca khúc về mặt nghệ thuật, nhưng chắc chắn là Nửa Hồn Thương Đau có mức độ phổ biến cao hơn nhiều.

    Ca khúc Mắt Biếc được Cung Tiến viết tặng cho đôi mắt của người bạn đời của mình, Josee. Một bản nhạc tình dù vẫn nồng nàn, âu yếm nhưng vẫn toát ra vẻ sang trọng, quý phái một cách thoát tục. Người Sài Gòn còn nhớ một Mắt Biếc khác nữa của Ngô Thụy Miên, lãng mạn và tình tứ một cách nhẹ nhàng. Mỗi ca khúc đều mang dấu ấn riêng của hai tác giả, nhưng Mắt Biếc của Cung Tiếc vẫn chọn lọc người nghe người hát hơn.

    Khi bắt đầu sống đời lưu vong tại hải ngoại sau 1975, Cung Tiến bắt đầu sáng tác những ca khúc mang âm hưởng ngũ cung, khởi đầu là bài Hoàng Hạc Lâu, phổ bản dịch bài thơ Đường bất hủ cùng tên của Vũ Hoàng Chương, là người thầy dạy Việt Văn của ông. Dù là ngũ cung, nhưng Hoàng Hạc Lâu vẫn mang âm hưởng trường phái ấn tượng Tây Phương của một “Claude Debussy trong bài Claire De Lune” như nữ ca sĩ Quỳnh Giao đã từng nhận xét. Sau đó, ông sáng tác Hợp Tấu Khúc Chinh Phụ Ngâm, lần đầu tiên được trình bày vào năm 1988 bởi dàn nhạc giao hưởng San Jose, được cộng đồng người Việt hải ngoại hết sức trân trọng. Ông còn tiếp tục phổ tập thơ tù Vang Vang Trời Vào Xuân của Thanh Tâm Tuyền. Những ca khúc vẫn với cách diễn đạt mới mẻ, lắng đọng, đầy nội tâm, phong cách mà cả nhạc sĩ lẫn thi sĩ đã chọn trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình.


    Nhạc sĩ Cung Tiến và bạn hữu: từ trái, Giáo Sư Trần Huy Bích; Nhạc Sĩ Cung Tiến, Nhà Thơ Trần Dạ Từ, Nghệ Sĩ Điện Ảnh Kiều Chinh, Nhà Thơ Nhã Ca, Nhà Thơ Đỗ Quý Toàn tại Fountain Valley, 30 tháng 12, 2021.

    Buổi họp mặt chiều đông 2021 đã trở thành lần gặp gỡ cuối cùng của Cung Tiến với những người bạn văn nghệ tri kỷ. Trưa thứ Năm ngày 2 tháng Sáu, trong buổi tang lễ của người nhạc sĩ, một xấp nhạc trong đó có các bản Symphony #5 và #8 của Mahler được đặt ngay ngắn trên bàn thờ- gia đình cho biết những bài nhạc này được chuyển từ bàn viết của ông đến đây, những giờ phút cuối cùng Ông vẫn đang nghiên cứu và học hỏi.

    Khi nghe tin nhạc sĩ Cung Tiến đã từ giã chúng ta, nghệ sĩ Kiều Chinh đã ngậm ngùi thốt lên: "Bạn ơi, chúc bạn đi yên lành, và hẹn ngày tất cả chúng ta sẽ gặp lại."

    Nhà thơ Đỗ Quý Toàn trong đám tang của nhạc sĩ Cung Tiến vào trưa thứ Năm, ngày 2 tháng 6 tại Camarillo đã nói: "Ban nãy, chị Josee có nói rằng anh Cung Tiến có thể đang ở đây. Vậy Cung Tiến bây giờ ở đâu. Mình không biết được. Nhưng mình biết rằng theo quan niệm của Phật Giáo không phải chỉ có một thế giới này, ở chỗ này, mà có tới 3000 đại thiên thế giới. Cung Tiến có thể không đang ở thế giới này, mà ở một thế giới khác. Anh Cung Tiến đã ra đi, chúng ta có thể đoán được rằng anh vẫn đang ở một thế giới nào đó, rất có thể mình sẽ lại gặp anh ấy, lại nhận ra nhau. Tôi muốn chia xẻ với gia đình, với chị Josee và cháu Đăng Quang, rằng Cung Tiến vẫn đang còn ở với chúng ta."

    Rồi tất cả những cây đại thụ của nền văn học nghệ thuật Miền Nam cũng sẽ lần lượt từ giã trần thế, chỉ còn để lại những áng văn, vầng thơ, câu nhạc cho đời. Mỗi người sẽ chọn cho mình một cõi bên kia thế giới. Qua những ca khúc của mình, nhạc sĩ Phạm Duy đã nhắn nhủ với đời rằng ông sẽ trở lại cõi người ta để tiếp tục làm tình nhân, để tiếp tục yêu và được yêu.

    Còn Cung Tiến?

    Cõi nhạc của Cung Tiến đã là một cõi riêng. Kiếp sau của Cung Tiến vẫn còn là một bí ẩn. Nhưng chắc chắn, ông đã có một nơi chốn vĩnh cữu trong trái tim của những người yêu nhạc Cung Tiến, và tất cả những ai lấy sự toàn bích của cái đẹp trong nghệ thuật là đích đến của cuộc đời.

    Doãn Hưng



    Cung Tiến (1938-2022)


    Cung Tiến sinh tại Hà Nội ngày 27 tháng Mười Một, 1938. Ông tên thật là Cung Thúc Tiến. Thời kỳ trung học, Cung Tiến học xướng âm và ký âm với hai nhạc sĩ nổi tiếng Chung Quân và Thẩm Oánh. Trong khoảng thời gian 1957 đến 1963, Cung Tiến du học ở Úc ngành kinh tế và ông có theo tham dự các khóa về dương cầm, hòa âm, đối điểm, và phối cụ tại Am nhạc viện Sydney.

    Trong những năm 1970 đến 1973, với một học bổng cao học của Hội đồng Anh (British Council) để nghiên cứu kinh tế học phát triển tại Cambridge, Anh, ông đã dự các lớp nhạc sử, nhạc học, và nhạc lý hiện đại tại Sydney Music Conservatory.

    Ngoài các ca khúc, Cung Tiến viết nhạc tấu khúc Chinh phụ ngâm năm 1987, soạn cho 21 nhạc khí, được trình diễn lần đầu vào ngày 27 tháng 3, 1988 tại San Jose, California với dàn nhạc thính phòng San Jose, và đã được giải thưởng Văn Học nghệ thuật quốc khánh 1988.

    Năm 1992, Cung Tiến hoàn thành tập Ta Về, thơ Tô Thùy Yên, cho giọng hát, dẫn đọc, ngâm thơ và một đội nhạc cụ thính phòng. Năm 1993, với tài trợ của The Saint Paul Companies để nghiên cứu nhạc quan họ Bắc Ninh và các thể loại dân ca Việt Nam khác, ông đã soạn Tổ khúc Bắc Ninh cho dàn nhạc giao hưởng.

    Năm 1997, ca đoàn Dale Warland Singers, đã đặt ông một bản hợp ca nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập ca đoàn nổi tiếng quốc tế này.

    Năm 2003, Cung Tiến đã trình làng một sáng tác nhạc đương đại "Lơ thơ tơ liễu buông mành" dựa trên một điệu dân ca Quan họ. Ông đã nhận được giải Artist-in-Residency từ The Schubert Club, St. Paul, Minnesota. Ông là hội viên của hội nhạc sĩ sáng tác The American Composers Forum từ năm 1882-98.

    Ngoài sáng tác, Cung Tiến còn đóng góp nhiều khảo luận và nhận định về nhạc dân gian Việt Nam cũng như nhạc Hiện đại Tây phương. Trong lãnh vực văn học, những thập niên 1950 và 1960, với bút hiệu Thạch Chương, Cung Tiến cũng đã từng đóng góp những sáng tác, nhận định và phê bình văn học, cũng như dịch thuật, cho các tạp chí Sáng Tạo, Quan điểm, và Văn.

    Hai trong số các truyện ngắn ông dịch và xuất bản ở Việt Nam là cuốn Hồi ký viết dưới hầm của Dostoievsky và cuốn Một ngày trong đời Ivan Denisovitch của Solzhenitsyn.


    ST


  • Font Size
    #2

    Comment

    Working...
    X