Announcement

Collapse
No announcement yet.

“Giá vé máy bay sao mà đắt khủng khiếp!”

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    “Giá vé máy bay sao mà đắt khủng khiếp!”



    Sau hai năm “bị nhốt” vì đại dịch COVID-19, rất nhiều người trên thế giới chắc nịch rằng khi bầu trời mở rộng cửa trở lại, họ sẽ mặc sức tung cánh bay đi du lịch. Thế nhưng thực tế là “những chuyến du hành trả thù” (revenge travels) ấy đã không diễn ra nhiều, mà có diễn ra thì cũng không trôi chảy tốt đẹp như thời điểm 2019. Vì sao?
    Ảnh: brianna-r-unsplash
    Từ đầu Tháng Bảy 2022 tới đây, tờ giấy “Thai Pass”, rào cản du hành tự do vào ra đất nước của những nụ cười Thái Lan sẽ trở thành chuyện của quá khứ. Dân Thái hồ hởi, chuẩn bị bay du lịch. Kết quả cuộc thăm dò thực hiện bởi công ty bảo hiểm Europ Assistance cho biết, có đến 69% công dân Thái có kế họach đi du lịch các nước châu Âu trong các tháng hè cho đến Tháng Chín 2022. Con số này đã tăng 25% so với kết quả thăm dò cách nay một năm.

    Tại Việt Nam, không có các cuộc thăm dò tương tự nhưng có thể hình dung rằng số người Việt muốn cất cánh đi du lịch châu Âu, Mỹ, Dubai và các nước Đông Nam Á cũng rất nhiều. Nhưng sự hào hứng này sớm bị nguội lạnh vì một vật cản lớn: Giá vé máy bay đắt quá. Giá vé tăng cao không tưởng đang là câu chuyện thời sự nóng hổi hiện nay. Không chỉ tại Việt Nam mà ở khắp nơi. Trong một hội nghị chuyên ngành diễn ra tại Mỹ hồi đầu Tháng Sáu qua, ông Ed Bastian, Tổng Giám đốc hãng Delta Air Lines, đã phải lên tiếng báo động rằng, “Giá vé bay trong mùa hè năm nay có thể cao 30% hơn thời điểm chưa xảy ra đại dịch. Giá vé đắt ở đủ các nhánh du lịch phổ thông, từ hạng thương gia đến phổ thông, từ bay nội địa đến bay quốc tế!”.
    Ảnh: cardmapr-nl-unsplash
    Vé bay khứ hồi Saigon-Washington DC-Saigon (đi hạ tuần tháng Tám; về trung tuần Tháng Chín 2022) hạng thương gia sẽ khiến túi tiền của bạn bị thiệt mất từ $4,200 đến $6,180 tùy theo hãng bay bạn chọn, giữa Qatar Airways, All Nippon Airways và Korean Air. Tính trung bình, giá này đắt gấp 2.5 lần trước đại dịch. Vé bay một chiều hạng phổ thông Saigon-Washington DC vào hạ tuần Tháng Tám cũng đắt hơn giá vé bay khứ hồi cách nay ba năm. Nếu điểm đến của bạn là một trong những nơi vẫn còn nhiều giới hạn về nhập cảnh và quá cảnh thì giá vé sẽ khiến bạn choáng thực sự. Thí dụ giá vé hạng phổ thông Hong Kong-London bay vào cuối Tháng Sáu lên đến HK$42,051 (khoảng $5,360)! Cùng thời gian bay ấy, giá vé hạng phổ thông bay liên Đại Tây Dương London-JFK New York là khoảng $2,000.

    “Giá vé máy bay hiện đắt gấp hai, ba lần so với thời điểm 2019”, một giám đốc công ty dịch vụ lữ hành ở Đà Nẵng nhận định với chúng tôi. “Vé máy bay những ngày này đắt quá đắt,” bà Jacqueline Khoo làm việc trong ngành du lịch than thở. Công ty của bà đã phải mua vé S$5,000 (khoảng $3,632) của hãng Singapore Airlines cho một đồng nghiệp bay về Hamburg vào cuối Tháng Sáu. “Trước đây, vé hạng phổ thông cho một chuyến bay dài như thế chỉ khoảng S$2,000, thật không tin nổi sao vé máy bay nay lại đắt đến thế!”.

    Gián tiếp giải thích cho bà Jacqueline Khoo là kết quả cuộc nghiên cứu thực hiện bởi Mastercard Economics Institute: Chi phí bay đi từ Singapore tăng trung bình 27% so với tháng Tư 2019; chi phí bay đi từ Úc tăng trung bình 20%… Không ở đâu mà không có tăng chi phí bay. Cũng cần hiểu thêm rằng, theo Hiệp hội vận chuyển hàng không quốc tế, từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát hồi Tháng Hai 2020 đến Tháng Hai 2022, các hãng hàng không thế giới cộng chung bị lỗ trên $200 tỷ. Riêng các hãng bay Mỹ, chỉ trong ba tháng đầu năm 2022 đã lỗ thêm $5 tỷ.

    VÌ SAO GIÁ VÉ ĐẮT?

    Tại sao có chuyện giá vé bay đắt đến thế? Đối với đa số hành khách, câu trả lời là rõ mười mươi: Vì ông Putin xua quân Nga xâm chiến Ukraine khiến phát sinh khủng hoảng giá dầu, đẩy giá nhiên liệu máy bay jet fuel A-1 lên cao ở thị trường thế giới. Thưa không hoàn toàn đúng, đó chỉ là một trong nhiều nguyên nhân!

    Thực tế là giá dầu đã bắt đầu nhích lên cao từ cách nay 18 tháng chứ không phải chỉ từ khi lính Nga vượt biên giới tấn công Ukraine trong đêm 24 tháng Hai 2022. Nếu như chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 27% tổng chi phí của một hãng không vào thời điểm 2019 thì nay đã tăng lên 38%. Đối với một số hãng hàng không giá rẻ thì con số này vọt lên đến 50%! Giá vé bán ra bởi nhiều hãng hàng không châu Á tăng cao hơn cả cũng là điều dễ hiểu vì đa số các hãng bay thuộc châu lục này không có thói quen đầu tư mua nhiên liệu với giá ấn định từ trước nhiều năm.

    Khi giá dầu tăng, nhiều hãng vừa mới thoát ra khỏi khủng hoảng đại dịch, chưa hết lỗ nên chỉ khai thác cầm chừng chứ không nhanh chóng tăng lại số lượng chuyến bay đến các địa chỉ còn “nhạy cảm” với Covid-19. Qua đó, các hãng cũng góp phần đẩy giá vé bay lên cao, tạo ra sự thiếu nguồn cung tải do còn nhiều nước chưa mở cửa biên giới nên các hãng hàng không khu vực và quốc tế không thể bay đến chở khách.

    Sự thiếu hụt cung ứng càng trầm trọng hơn do nhiều hãng đang thiếu máy bay lớn, chở nhiều hành khách. Bởi dịch Covid-19, hầu hết máy bay khổng lồ A380 của các hãng Air France, Lufthansa, British Airways, Qatar Airways, Korean Air, Qantas Airways… đều đã bị cho nghỉ bay, nằm bất động trong các sân bãi hoặc sa mạc. Chỉ mới gần đây, một số chiếc mới được tái sử dụng.

    Còn nhớ, năm 2019, mỗi tuần Cathay Pacific và hãng phụ thuộc Cathay Dragon (nay không còn) khai thác 38 chuyến bay Hong Kong-Hà Nội (12 chuyến/tuần), Sài Gòn (19 chuyến/tuần) và Đà Nẵng (7 chuyến/tuần). Hiện lịch bay Tháng Sáu 2022 của hãng chỉ là mỗi tuần một chuyến đến Hà Nội và một chuyến đến Sài Gòn.

    Vào thời điểm cuối năm 2019 khi thế giới chưa phải chịu thử thách đại dịch Covid, mỗi tuần Qatar Airways có 14 chuyến bay đến Sài Gòn; 14 chuyến đến Hà Nội và bốn chuyến đến Đà Nẵng. Mà toàn bằng máy bay thân rộng, chở nhiều, như A350-900, B777-300ER và B787-800. Từ đầu Tháng Sáu 2020, hãng đã tăng lại tần suất, nhưng cũng chỉ là mỗi ngày một chuyến đến Hà Nội và Sài Gòn.
    Ảnh: maria-oliynyk-unsplash
    THỬ THÁCH CÒN NHIỀU PHÍA TRƯỚC

    Giá vé đắt, chuyến bay trễ, chuyến bay bị hủy, dồn ứ hành khách đi và đến ở các nhà ga hàng không… có khả năng sẽ trở nên tồi tệ hơn nữa trong thời gian tới đây.

    *Sân bay quốc tế Gatwick, London quyết định cắt giảm số chuyến bay đến/đi hàng ngày xuống còn 825 chuyến trong Tháng Bảy và 850 chuyến trong Tháng Tám. Bình thường, sân bay lớn thứ nhì ở gần thủ đô London này xử lý 900 chuyến cất cánh/hạ cánh.

    *Sau All Nippon Airways thì đến lượt Japan Airlines thông báo sẽ tăng phụ phí nhiên liệu áp lên các vé bán ra trong Tháng Tám và Tháng Chín. Tùy theo tuyến bay, có phụ phí sẽ tăng đến trên 40%. Hành khách bay từ Nhật đi Bắc Mỹ (ngoại trừ Hawaii), châu Âu sẽ chịu phụ phí xăng dầu Y47,000 ($347.67) thay vì Y10,200 ($75.45) như lâu nay; hành khách bay từ Nhật đến Hàn Quốc, phụ phí tăng trên 40% thành Y5,900 ($43.64).

    *Chính phủ Hà Lan yêu cầu Schiphol, sân bay quốc tế lớn ở gần Amsterdam phải cắt giảm 60,000 chuyến bay đến/đi trong năm (giảm 12% so với lúc bình thường là khoảng 500,000 chuyến/năm). Bộ trưởng Hạ tầng Mark Harbers cho rằng với mức tối đa 400,000 chuyến bay/năm, Schiphol vẫn có thể duy trì vai trò một trục hàng không quốc tế quan trọng ở châu Âu. Đây là một tin không vui đối với KLM Royal Dutch Airlines, một trong năm hãng hàng không lâu đời nhất thế giới, thành lập từ năm 1919. KLM, hiện có mạng lưới đường bay dày đặc tỏa đến khoảng 107 địa điểm khắp thế giới, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nếu như chính quyền Hà Lan nhất quyết áp dụng việc giảm chuyến như nói ở trên.

    *Qatar Airways cho biết nhằm tập trung tối đa khả năng phục vụ FIFA World Cup Doha, hãng sẽ tái cơ cấu mạng lưới đường bay và tần suất chuyến bay trong thời gian 30 ngày diễn ra sự kiện thể thao này (từ giữa Tháng Mười Một đến giữa Tháng Mười Hai 2022). Có nghĩa sẽ có nhiều điểm đến sẽ tạm ngưng phục vụ bởi máy bay của Qatar Airways, trong khi nhiều điểm đến khác bị giảm số chuyến bay đến/đi.
    Attached Files
Working...
X