Announcement

Collapse

Happy Easter

THÂN CHÚC MỘT MÙA LỄ PHỤC SINH AN LÀNH, ẤM ÁP, VUI VẺ
ĐẾN VỚI CÁC BẠN VÀ GIA ĐÌNH

LV
See more
See less

‘Cánh Thư Ướp Hoa Rừng,’ nhạc tình mùa chinh chiến của Minh Kỳ và Lê Dinh

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    ‘Cánh Thư Ướp Hoa Rừng,’ nhạc tình mùa chinh chiến của Minh Kỳ và Lê Dinh

    SANTA ANA, California (NV) – Nhạc phẩm “Cánh Thư Ướp Hoa Rừng” của hai nhạc sĩ Minh Kỳ và Lê Dinh diễn tả ước mơ chân thành và giản dị của một người lính chiến Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mong được thấy ngày mai, khi đất nước hết binh đao, bản thân mình được trở về đoàn tụ với gia đình và với người yêu bé nhỏ nơi hậu phương.
    Nhạc phẩm “Cánh Thu Uớp Hoa Rừng” của Minh Kỳ và Lê Dinh. (Hình: Tài liệu)
    Chỉ ngần ấy thôi cũng đủ nói lên những hy sinh lớn lao và cao cả của biết bao chàng trai thế hệ tại Miền Nam Tự Do, những người đã hiến dâng cả tuổi Xuân tươi đẹp của mình cho tổ quốc trong cuộc chiến tranh bảo vệ nền độc lập và tự do của nước Việt Nam Cộng Hòa hồi thế kỷ trước.

    “Biết chăng thư này tràn niềm mến thương/ Lòng sao vấn vương viết khi gối trên đầu súng/ Những khi chiều buông nhớ nhung người thương chốn xa xôi ngàn phương/ Chỉ mong rằng em không buồn vì chia ly/ Yên lòng người chiến sĩ những ngày biệt ly.”

    Em yêu của anh nơi quê nhà phải biết biết rằng lá thư mộc mạc này đầy ắp những mến thương và được viết nên trong tâm tình mong nhớ về em lúc anh đang nằm gối súng giữa khi ánh chiều buông nơi chốn rừng núi xa xăm. Anh chỉ có một ước vọng đơn sơ là, ở nơi chốn đó, em không buồn vì cảnh đời lẻ loi khi đôi mình chưa có ngày sum họp, để anh có thể yên lòng làm nhiệm vụ của người trai mùa tao loạn.

    “Giữa chốn núi rừng bâng khuâng nghe kể chuyện vui tranh đấu/ Ghi tên em vào vách đá bên đồi để nhớ thương nhau/ Xưa kia em thường hay mơ hay mộng vào khi chiều xuống/ Không biết bây giờ em có hay hờn và thường hay khóc những khi chiều buồn cô đơn.”

    Cũng chính giữa chốn núi rừng thâm u này, các anh lính cùng đơn vị với anh vẫn kể cho nhau nghe nhiều chuyện vui để quên đi ngày tháng dài. Những mong làm vơi bớt đi niềm nhung nhớ về em, anh đã lặng lẽ khắc tên em lên một vách đá ở lưng đồi, lòng mãi bâng khuâng không biết rằng người nơi xa xăm phương trời ấy thỉnh thoảng có còn nhỏ lệ buồn thương cho kiếp đời hiu quạnh vì vắng anh hay không, bởi vì anh vẫn biết rằng người anh yêu có tánh ưa mộng mơ khi lặng nhìn cảnh chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn.

    “Nhớ em thư dài mà còn viết thêm/ Rừng đêm chốn đây nhớ nhau ngắm sao mà đếm/ Sẽ trao về em những câu buồn vui chốn xa xôi rừng đồi/ Kèm theo tờ thư đây một cành hoa tươi/ Ước một ngày chung sống hai đứa mình đẹp đôi.”

    Dù biết rằng thư đã dài rồi mà lòng anh vẫn cứ muốn viết thêm để trao hết về em những tâm tình luyến mến cùng những buồn, vui đời lính nơi núi đồi xa xăm mỗi khi anh ngồi đếm sao trời mà nhớ về em. Và đây, kèm theo lá tình thư của lính từ nơi chiến tuyến là một cánh hoa tươi ướp trong lòng giấy ân tình, chuyên chở bao ước mơ của anh về một ngày mai sum họp, lúc anh và em cùng đẹp duyên lứa đôi.

    ***

    Có thể nói “Cánh Thư Ướp Hoa Rừng” của Minh Kỳ và Lê Dinh là một bản nhạc tình mùa chinh chiến tiêu biểu cho tình cảm chân thật và đầy thi vị của người lính Việt Nam Cộng Hòa từ chốn biên cương heo hút, xa xăm trao gởi về cho người em yêu dấu miền hậu phương.

    Vì quanh năm, suốt tháng phải miệt mài chiến đấu chống quân xâm lược để bảo vệ cuộc sống an lành cho đồng bào, người chiến sĩ Cộng Hòa chỉ có mỗi một mơ ước bình thường là người yêu của mình chốn quê nhà không vì tình yêu bị cách trở do cuộc chiến điêu linh mà u sầu, buồn bã, để cho người chiến binh nơi tiền tuyến được yên lòng làm nhiệm vụ với đất nước, quê hương.

    Điều đáng nói là tuy sống trong môi trường lửa đạn vô tình, với hầm chông, bãi mìn rình rập khắp nơi, người lính chiến của miền Nam cũng không vì thế mà để cho tâm hồn mình trở nên chai đá hay vô cảm. Chỉ cần xem cách các anh lính chiến biểu lộ niềm thương, nỗi nhớ người yêu của mình trong bài ca là đủ biết các anh vừa đa tình mà cũng vừa lãng mạng nữa: “Ghi tên em vào vách đá bên đồi để nhớ thương nhau”…

    Rồi, để chấm dứt lá thư về em gái thành đô, người lính lại cất công đi tìm hái một cánh hoa rừng để ép vào giữa tờ thư, với ước vọng đơn sơ là ướp mùi hoa tươi vào mấy trang giấy ân tình gởi về cho người yêu nâng niu, ôm ấp. Giữa mùa chinh chiến, điêu linh, thật chẳng có gì lạ khi, đối với những người lính và người yêu của lính, đời chỉ ân ái với cánh thư hồng ấp yêu…

    “Cánh Thư Ướp Hoa Rừng” ngoài giá trị nghệ thuật cao nhờ âm điệu Boléro dặt dìu và lời ca bình dị, còn đầy tính nhân bản với tình mùa chinh chiến của các đôi trai gái luôn được nâng niu. Bởi vì, dẫu sao, tình yêu quê hương, đất nước vẫn luôn chiếm vị thế ưu tiên, và tình yêu đôi lứa chỉ thành tựu sau khi đất nước đã thanh bình: “Ước một ngày chung sống hai đứa mình đẹp đôi.” Ngày đó phải được hiểu là ngày chiến tranh đã chấm dứt, quê hương đã im tiếng súng, và người trai đã trút bỏ chinh y để trở về sum họp với gia đình.

    Mỗi người chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bước vào cuộc chiến tranh bảo vệ Miền Nam Tự Do khỏi xích xiềng nô lệ của Cộng Sản trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam đều có một ước mơ riêng, nhưng tựu trung thì ước mơ thật thà và giản dị nhất của người chiến sĩ vẫn là đất nước thoát khỏi họa xâm lược, thanh bình trở lại trên quê hương, và bản thân mình sống sót trở về với gia đình, với cha mẹ già, với vợ con. Ở đây, qua nhạc phẩm “Cánh Thư Ướp Hoa Rừng,” người lính trẻ mong sẽ an lành trở về để đẹp duyên cùng người yêu bé nhỏ đang mỏi mắt trông chờ nơi quê nhà xa xôi ấy.

    Nhưng cuộc Chiến Tranh Việt Nam vừa qua đã quá tàn khốc, quá đau thương và quá dài, đến nỗi không phải người chiến binh nào đi vào cuộc chiến cũng đạt được ước mơ giản dị ấy. Thực tế cho thấy, có không biết bao nhiêu anh lính Cộng Hòa đã bỏ mình nơi chiến địa, không biết bao nhiêu người đã bị địch bắt làm tù binh, và cũng không biết bao nhiêu người đã bị thương tật trước khi sống sót trở về, giống như anh chiến sĩ trong bộ phim “Người Tình Không Chân Dung” (1971) của đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc, được lồng trong bản nhạc chủ đề cùng tên của nhạc sĩ Hoàng Trọng: “Hỡi người chiến sĩ đã để lại cái nón sắt bên bờ lau sậy này! Anh là ai?”

    ***

    Minh Kỳ và Lê Dinh là hai nhạc sĩ nổi tiếng trong dòng nhạc trữ tình của miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Từ năm 1959 tới năm 1975, hai nhạc sĩ này đã hợp cùng với nhạc sĩ Anh Bằng để lập nên nhóm nhạc Lê Minh Bằng.

    Nhạc sĩ Minh Kỳ tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ, gốc người Huế nhưng sinh tại Nha Trang và là cháu sáu đời của Vua Minh Mạng. Chàng trai Vĩnh Mỹ học nhạc hồi mới 14 tuổi ở trường Gagelin tại Quy Nhơn, sau đó đi du học tại Trường Bách Khoa Paris bên Pháp. Tác phẩm đầu tay của nhạc sĩ Minh Kỳ là ca khúc “Chị Hằng,” được sáng tác vào năm 1949 lúc Minh Kỳ mới 19 tuổi.

    Năm 1957, Minh Kỳ vào định cư tại Sài Gòn và trở thành một sĩ quan Cảnh Sát Quốc Gia với cấp bậc sau cùng là đại úy. Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, Minh Kỳ bị bắt đi “học tập cải tạo” tại trại An Dưỡng ở Biên Hòa, nơi ông thiệt mạng vì một quả lựu đạn bỗng nổ tung giữa bữa cơm với các bạn tù. Lúc ấy Minh Kỳ mới có 45 tuổi.

    Phần lớn các sáng tác của Minh Kỳ hồi trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam đều là những bản nhạc tình cảm, kể cả những bản “nhạc lính.” Số lượng các nhạc phẩm do Minh Kỳ viết ra rất nhiều và rất đa dạng, bởi vì Minh Kỳ thường hợp soạn với các nhạc sĩ khác: “Xuân Đã Về,” “Nha Trang” (lời Hồ Đình Phương), “Lá Vàng Rơi,” “Anh Tiền Tuyến Em Hậu Phương,” “Tình Hậu Phương,” “Cánh Thiệp Đầu Xuân” (với Lê Dinh), “Đường Về Khuya” (với Lê Dinh), “Hạnh Phúc Đầu Xuân” (với Lê Dinh), “Cánh Thư Ướp Hoa Rừng” (với Lê Dinh), “Cánh Buồm Chuyển Bến” (lời Hoài Linh), “Biệt Kinh Kỳ” (lời Hoài Linh), “Mấy Độ Thu Về” (lời Hoài Linh), “Nếu Một Mai Anh Biệt Kinh Kỳ” (lời Hoài Linh), “Sầu Tím Thiệp Hồng” (lời Hoài Linh), “Tiếng Hát Học Trò” (với Nguyễn Hiền)…

    Nhạc sĩ Lê Dinh chào đời tại Gò Công, với tên đầy đủ là Lê Văn Dinh. Thời niên thiếu, Lê Dinh học tại Collège Le Myre de Vilers ở Mỹ Tho và học hàm thụ âm nhạc từ École Universelle de Paris. Từ năm 1957 tới năm 1975, Lê Dinh làm việc tại đài Vô Tuyến Việt Nam (đài Phát Thanh Sài Gòn), với các chức vụ chủ sự Phòng Sản Xuất và chủ sự Phòng Điều Hợp.
    Nhóm Lê Minh Bằng (tên ba nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng ghép thành). (Hình: Tài liệu)
    Tháng Tám, 1978, nhạc sĩ Lê Dinh vượt biển sang Đài Loan rồi định cư tại Montréal ở Canada. Từ năm 1994, Lê Dinh chủ trương tờ “Nguyệt San Nghệ Thuật” cho đến khi tạ thế vào ngày 9 Tháng Mười Một, 2020, tại Québec bên Canada, thọ 86 tuổi.

    Cũng như Minh Kỳ, các sáng tác của Lê Dinh tuy xoay quanh chủ đề tình yêu nhưng rất đa dạng, trong đo có các bản “nhạc lính”: “Hoa Đào Năm Trước,” “Tấm Ảnh Ngày Xưa,” “Bóng Đêm,” “Giấc Ngủ Cô Đơn,” “Chiều Lên Bản Thượng,” “Tiếng Ca U Hoài,” “Tình Yêu Trả Lại Trăng Sao,” “Nếu Hai Đứa Mình,” “Nếu Ai Có Hỏi,” “Khi Mình Xa Nhau,” “Nỗi Buồn Châu Pha,” “Đường Về Khuya,” “13 Tuổi Lính” (với Minh Kỳ), “Cánh Thiệp Đầu Xuân” (với Minh Kỳ), “Hạnh Phúc Đầu Xuân” (với Minh Kỳ), “Tiếng Hát Mường Luông” (với Minh Kỳ)… (Vann Phan) [qd]

    Nhạc phẩm “Cánh Thư Ướp Hoa Rừng” của Minh Kỳ và Lê Dinh

    Biết chăng thư này tràn niềm mến thương
    Lòng sao vấn vương viết khi gối trên đầu súng
    Những khi chiều buông nhớ nhung người thương chốn xa xôi ngàn phương
    Chỉ mong rằng em không buồn vì chia ly
    Yên lòng người chiến sĩ những ngày biệt ly

    Đ.K.:
    Giữa chốn núi rừng bâng khuâng nghe kể chuyện vui tranh đấu
    Ghi tên em vào vách đá bên đồi để nhớ thương nhau
    Xưa kia em thường hay mơ hay mộng vào khi chiều xuống
    Không biết bây giờ em có hay hờn và thường hay khóc những khi chiều buồn cô đơn

    Nhớ em thư dài mà còn viết thêm
    Rừng đêm chốn đây nhớ nhau ngắm sao mà đếm
    Sẽ trao về em những câu buồn vui chốn xa xôi rừng đồi
    Kèm theo tờ thư đây một cành hoa tươi
    Ước một ngày chung sống hai đứa mình đẹp đôi.
    Attached Files
Working...
X