Announcement

Collapse

Happy Easter

THÂN CHÚC MỘT MÙA LỄ PHỤC SINH AN LÀNH, ẤM ÁP, VUI VẺ
ĐẾN VỚI CÁC BẠN VÀ GIA ĐÌNH

LV
See more
See less

Ghế đá công viên

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Ghế đá công viên





    Khi băng ghế trong công viên của những thành phố lớn từ từ biến mất, tôi nhớ đến mấy câu trong bài hát của Trịnh Công Sơn.“Ghế đá công viên dời ra đường phố. Người già co ro, em bé lõa lồ.” Trịnh Công Sơn miêu tả hoàn cảnh xã hội của Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, nhiều người bị trôi giạt không chỗ ngủ phải ngủ trên những băng ghế. Ngày nay ở nhiều thành phố lớn, kể cả Hoa Kỳ, tuy không có chiến tranh, nhưng do hoàn cảnh nghèo khó, mất chỗ ở, nhiều người vẫn phải ngủ trên những băng ghế trong công viên. Để bài trừ chuyện này, người ta dời băng ghế đi chỗ khác, dẹp bớt số ghế, làm những băng ghế ngắn lại, hay là gắn những chỗ dựa tay chắn ở giữa chiếc ghế dài.


    Chỉ khi đi bộ lâu đã mỏi, tìm chỗ nghỉ chân người ta mới chú ý đến sự cần thiết của băng ghế. Những chiếc ghế dài này, còn là chỗ đọc sách, uống cà phê, ăn bánh, ăn kem, cho chim và sóc ăn, chờ người thân và bạn bè, hẹn hò với người tình và người không quen thân, chỗ trò chuyện bâng quơ về thời tiết với người qua đường, đánh cờ với bạn già, thậm chí nó có thể là chỗ trao đổi tài liệu của các tay gián điệp. Những ngày không biết làm gì hay không có chuyện gì để làm, băng ghế trong công viên là một chỗ có thể ngắm ông đi qua bà đi lại, cùng với quyển sách và cái ipod hay điện thoại là một nơi và cũng là một cách giết thì giờ rẻ tiền và hữu hiệu.

    Băng ghế còn là nơi lưu giữ kỷ niệm. Cả vui lẫn buồn.

    Click image for larger version

Name:	ZZZZ27~3.JPG
Views:	809
Size:	30.7 KB
ID:	135037


    Phần nhiều, băng ghế được dùng để vinh danh người đã khuất, đôi khi tưởng niệm thú cưng. Ở vùng tôi ở, có lúc muốn tăng ngân quỹ mà không muốn tăng tiền thuế, quan chức kêu gọi người ta “bảo trợ” một chiếc ghế. Đóng một số tiền sẽ được gắn cái bảng có khắc một số chữ ấn định, với nội dung do người bảo trợ chọn. Có người, khi người thân qua đời, không muốn nhận phúng điếu tiền hay hoa, đã đề nghị người phúng điếu bảo trợ một chiếc ghế đặt ở công viên hay một chỗ nào đó được định trước. Số tiền bảo trợ ghế thay đổi tùy nơi chiếc ghế được đặt. Ở công viên Central Park của thành phố New York, những nơi đông người qua lại, hoặc có vị trí “đắc địa” như trước bờ hồ, hoặc những chỗ đẹp và nổi tiếng (thí dụ như dọc theo hai bên quảng trường nơi có tượng của các nhà văn nhà thơ danh tiếng), số tiền không nhỏ, vài chục ngàn đô la là chuyện thường, đã thế mà còn không còn ghế để bảo trợ. Thật là, từ đắc địa biến thành đắt giá.

    Click image for larger version

Name:	ZZZZ27~2.JPG
Views:	155
Size:	142.5 KB
ID:	135038

    Một nhà văn trong phim “5 to 7” đã nói: “Một số câu văn hay nhất của thành phố New York, bạn đọc sẽ không tìm thấy trong sách vở, phim ảnh, hay thoại kịch,… mà ở trên những băng ghế trong công viên Central Park. Đọc những băng ghế này, bạn sẽ hiểu những điều có ý nghĩa xảy ra trong mỗi cuộc đời.”


    Những cái bảng nhỏ gắn trên ghế cho người đọc biết những người được vinh danh là ai, làm nghề gì, tuổi tác, sở thích của họ, có liên quan như thế nào với những người bảo trợ ghế. Họ là ai, đã làm gì để được vinh danh? Đa số, họ là những người cha người mẹ làm tròn bổn phận. Đứa con trai cưng qua đời ở tuổi hai mươi. Người anh cũng là bạn tốt và là người cùng chạy bộ.


    Có người bảo trợ ghế để ủng hộ tổ chức bảo tồn những cánh rừng đã bị tàn phá. Tấm bảng “Harriet Sat Here. Community Without Walls. House One. 2004” khiến tôi tò mò “Community Without Walls” (cộng đồng không có vách ngăn) là gì? Hội này được thành lập với mục đích gì? Đó là hội của các vị bô lão ở Princeton, tổ chức hỗ trợ lẫn nhau để giữ được cuộc sống tự do, có quyền tự quyết định cách sống và bảo đảm sự bình an. Có đôi vợ chồng bảo trợ ghế chỉ để tặng cho người đi bộ có chỗ nghỉ chân và thưởng thức cảnh đẹp ven bờ hồ Carnegie. Một băng ghế, thường có hoa trồng chung quanh; Mùa xuân có uất kim hương; Mùa thu có hoa cúc; tưởng niệm một người tên Jeanne, dành tặng cho những người bất hạnh đi đứng khó khăn. Có lần mới đây, tôi tình cờ bắt gặp một chàng trai đang quì gối cầu hôn với cô bạn gái, trong công viên bên cạnh cái băng ghế dưới mái hiên đầy hoa hồng. Mai sau, không biết chừng sẽ có một cái băng ghế tặng cho công viên và người bảo trợ có cái bảng kỷ niệm ngày hai người đính hôn.


    Hình như, ngày xưa (trước năm 75) một số ghế trong công viên Tao Đàn được làm bằng đá cẩm thạch mài rất bóng. Loại ghế này khá đắt tiền và khá nặng, do đó từ trong công viên mà đem dời ra đường phố dĩ nhiên là không phải dễ dàng. Và phải chăng những chiếc ghế đá này đã trở thành biểu tượng cho giới sáng tác âm nhạc cho nên các nhạc sĩ Việt đều dùng cả cụm từ “ghế đá công viên” dù không phải băng ghế nào trong công viên cũng là ghế đá. Những bài hát về ghế đá công viên có Mùa Thu Paris, nhạc Phạm Duy, lời thơ Cung Trầm Tưởng, “Mùa Thu âm thầm. Bên vườn Lục Xâm. Ngồi quen ghế đá. Ngồi quen ghế đá. Không em ôi buốt giá từ tâm.” Nhạc sĩ Anh Bằng: “Anh còn nợ em. Công viên ghế đá. Công viên ghế đá. Lá đổ chiều êm.” Đây chỉ là vài thí dụ, còn nhiều nữa, bạn cứ dùng Google search sẽ tìm ra.


    Ngày nay băng ghế được làm bằng nhiều loại vật liệu. Có băng ghế vật liệu được chế biến từ những cái đầu lọc phế thải của điếu thuốc. Có băng ghế được ghép bằng những khúc gỗ tròn từ chỗ ngồi đến lưng ghế và chỗ tựa tay. Loại ghế này bắt chước kiểu băng ghế của những người sống ở vùng nông thôn hay rừng núi. Gỗ được tẩm chất bảo quản để tránh mục rữa theo thời tiết. Có băng ghế là hai khúc gỗ tròn, chỗ để ngồi là một miếng gỗ dài và rất dày đặt lên trên hai chân ghế gỗ tròn. Đánh lớp sơn bóng thật dày, băng ghế này có thể là đồ trang trí cho một sảnh đường sang trọng tôi nhiều lần nhìn thấy, gần đây nhất là trong phòng khách của hãng sản xuất rượu bourbon Angel’s Envy ở Kentucky. Thời kim khí, băng ghế được làm bằng sắt thép có hoa văn cầu kỳ nay trở thành ghế cổ đắt giá.


    Trong Central Park, có một băng ghế vinh danh ông Waldo Hutchins (1822-1891). Băng ghế này làm bằng đá cẩm thạch trắng, cao 1.2 mét, rộng hơn 8 mét và là chiếc ghế đá lớn nhất trong công viên Central Park. Ông Hutchins là nghị sĩ Hoa Kỳ và trong ban Giám Đốc Điều Hành Central Park. Ghế do con trai ông Hutchins tặng công viên năm 1932. Trên lưng ghế có hàng chữ Latin “Alteri Vivas Oportet Si Vis Tibi Vivere,” dịch ra tiếng Anh, “You should live for another if you would live for yourself.” Câu này của Seneca, triết gia La Mã, có nghĩa là bạn nên đối xử tử tế với người khác cũng như đối xử với chính mình. Nếu ngồi lên băng ghế bạn sẽ nhìn thấy một hàng chữ khác ở dưới chân, “Ne Diruatur Fuga Temporum” tiếng Anh là “Let it not be destroyed by the passage of time.” Câu này có nghĩa là “xin đừng để nó bị hư hoại với thời gian” của tác giả vô danh. Có một giai thoại đáng yêu về băng ghế này. Lúc thiết kế băng ghế, người ta vô tình khắc sai một lỗi chính tả, có chữ “T” đằng sau chữ “SI.”

    Năm 2004, một người qua đường nhìn thấy lỗi này đã dùng bút lông bôi đen chữ “T.” Một học giả tiếng Latin khác nhìn thấy, viết thư trình bày và giải thích lỗi chính tả này với ban điều hành Central Park và người ta đã sửa chữa. Điều này chứng tỏ là nhiều người đọc băng ghế, kể cả học giả La Tinh.


    Một vài câu văn hay tìm thấy trên băng ghế. “Tôi sẽ nâng niu trái tim bạn, nhẹ nhàng hơn cả trái tim tôi.” “Em là hình ảnh của đóa hồng ngời sáng trong tim anh như ánh lửa từ bên trong cái đèn lồng” câu này được trích trong quyển “Hoàng Tử Bé.” “Chỉ sống thôi là chưa đủ, con bướm nói. Người ta cần phải có ánh nắng, tự do, và những bông hoa nho nhỏ.” Câu này của Hans Christian Andersen.


    Băng ghế từ từ biến mất trong những thành phố lớn, bởi vì đất là vàng. Băng ghế trong công viên được thay thế bằng những chiếc ghế trước sân hay trên vỉa hè của những quán cà phê, hay nhà hàng. Khi muốn nghỉ chân bạn phải đến các cửa tiệm này và tệ nhất cũng phải mua ly cà phê, ly nước ngọt. Băng ghế cũng biến mất vì từ từ hư hại với thời gian và thời tiết. Câu văn “Ne Diruatur Fuga Temporum” trở nên chí lý hơn bao giờ. Băng ghế cũng biến mất vì bị dời đi trái phép hoặc là đánh cắp. Bạn đừng ngạc nhiên khi thấy nhiều nơi ở Hoa Kỳ, băng ghế và bàn của những trạm dừng chân dọc đường cao tốc, và thậm chí trong công viên lớn, được gắn đinh ốc vào các bệ xi măng, hay gắn xiềng xích dưới chân.


    Băng ghế là một nơi rất quan trọng trong nghệ thuật phim ảnh. Đây là một cách dựng cảnh rất dễ làm và ít tốn tiền bên cạnh cảnh ngồi trong xe hơi hay xe taxi. Đây là chỗ lý tưởng để diễn viên độc thoại hoặc là họ phải nói với nhau những điều không dễ nói bởi vì họ không phải nhìn mặt nhau. Bạn chắc không quên cảnh Forrest Gump ngồi kể chuyện đời mình, bắt đầu bằng câu nói đầy triết lý, “mẹ tôi nói là cuộc đời mình nhiều khi cũng giống như hộp kẹo sô cô la. Mình đâu có biết là trong hộp kẹo có bao nhiêu mùi vị.” Tôi thích cảnh băng ghế trong phim “Love, Actually” do Liam Nelson đóng vai Daniel, trò chuyện với cậu bé Samuel, con riêng của vợ. Phải mất một thời gian Daniel mới có thể làm thân với Samuel, và cậu bé chừng bảy tuổi tâm sự, nỗi buồn lớn nhất của cậu, bên cạnh bị mất mẹ, là cậu yêu đơn phương với một cô bé cùng lớp. Vẻ ngây thơ của cậu khi nói về nỗi đau rất người lớn này làm người xem vừa cảm động vừa buồn cười. Dễ thương ở chỗ Daniel quan tâm và thông cảm nỗi buồn của cậu bé khi chính ông cũng mang nỗi buồn vợ chết.


    Đoạn phim có cảnh băng ghế trong công viên tôi thích nhất là đoạn phim trong “Paterson.” Adam Driver trong vai Paterson, anh tài xế lái xe buýt cho New Jersey Transit, ra ngồi ở băng ghế đối diện với thác Great Falls, nhìn thấy con chim cốc đậu trên gốc cây gãy, trong hồ của thác nước. Anh đang buồn vì tập thơ anh sáng tác nhiều năm, chuẩn bị đem xuất bản, đã bị con chó cưng xé tan nát. Nơi đây anh gặp một nhà thơ Nhật Bản đến chơi thành phố Paterson vì ông ta hâm mộ nhà thơ William Carlos Williams. Paterson không thú nhận mình làm thơ, chỉ nói mình làm nghề lái xe buýt. Nhà thơ Nhật là người chủ động cuộc trò chuyện. Ông ta nhắc đến Allen Ginsberg, Frank O’Hara, là những nhà thơ địa phương đều có nghề tay trái. Sự am hiểu về thơ của Paterson khiến nhà thơ Nhật cảm mến, ông tặng Paterson một quyển sổ chép thơ. Nhà thơ Nhật nói tiếp. “Đôi khi trang giấy trống lại chứa đầy cơ hội cho những điều có thể xảy ra. Thơ của tôi chỉ viết bằng tiếng Nhật. Không có bản dịch. Đọc thơ dịch, tôi có cảm tưởng như đi tắm mà vẫn mặc áo mưa.” Quay lưng đi như chợt ngộ ra Paterson cũng là người làm thơ, ông Nhật ngoái lại nhìn và nói: “À há!” Nhà thơ Nhật đi rồi, vẫn còn ngồi trên băng ghế trong công viên, Paterson lấy quyển sổ mới được tặng ra và bắt đầu viết một bài thơ mới.

    Click image for larger version

Name:	ZZZZ27~4.JPG
Views:	113
Size:	10.0 KB
ID:	135039

    Băng ghế là nơi lưu trữ kỷ niệm cả vui lẫn buồn. Đọc những hàng chữ trên băng ghế bạn sẽ nhận ra nhiều điều đầy ý nghĩa trong cuộc sống hằng ngày.

    Nguyễn Thị Hải Hà



Working...
X