Announcement

Collapse

Happy Mother's Day

HAPPY MOTHER'S DAY TO ALL OF YOU! CHÚC MỪNG NGÀY HIỀN MẪU ĐẾN VỚI CÁC BẠN
See more
See less

"Miệt Vườn", "Miệt Thứ". Miệt Vườn và Miệt Thứ có gì khác nhau?

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    "Miệt Vườn", "Miệt Thứ". Miệt Vườn và Miệt Thứ có gì khác nhau?

    Click image for larger version

Name:	312076227_10220664828281568_7886363670967969504_n.jpg?_nc_cat=107&ccb=1-7&_nc_sid=730e14&_nc_ohc=0gmwIZiQ0zcAX9oBNiF&_nc_ht=scontent-msp1-1.xx&oh=00_AT9MjhHSXdWQK0FkuD_8SGMGz2yXqG9Bb6sPEe1Cmqkg_Q&oe=63532289.jpg
Views:	1245
Size:	170.5 KB
ID:	138273

    Ở miền Nam bạn thường nghe nói "Miệt Vườn", nhưng có khi lại nghe nói "Miệt Thứ". Miệt Vườn và Miệt Thứ có gì khác nhau?

    Sách Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Hùynh Tịnh Của giải thích:

    - Miệt có nghĩa là coi thường như trong miệt thị, khinh miệt. Miệt còn có nghĩa là vùng, miền, một dãy đất thường không lớn lắm như Miệt trong, Miệt Vườn, Miệt Thứ.
    - Miệt vườn nghĩa là miền vườn, đất vườn.
    - Miệt ruộng nghĩa là miền ruộng, xứ ruộng, phường ruộng.

    Nhà văn, học giả Sơn Nam (1926-2008), một người được mệnh danh là "Ông già Nam bộ", "Nhà Nam bộ học", đã viết về vùng đồng bằng sông Cửu Long như sau: Người ở đồng bằng sông Cửu Long đã phân tích khá tỉ mỉ những nét đặc biệt của từng vùng nhỏ trong đồng bằng. Họ gọi riêng rẽ:

    - Miệt trên là vùng Biên Hòa, Gia Định, Bà Rịa có thể tính luôn vùng Tân An.
    - Miệt Cao Lãnh là vùng chợ Cao Lãnh ngày nay, trước kia là quận lỵ của Sa Đéc.
    - Miệt Đồng Tháp Mười.
    - Miệt Mỹ Vĩnh: Mỹ Tho, Vĩnh Long.
    - Miệt Dưới là vùng Rạch Giá, Cà Mau.
    - Miệt chợ Thủ, Miệt Ông Chưởng, theo lòng Ông Chưởng, nối sông Hậu qua sông Tiền, tỉnh Long Xuyên.
    - Miệt Xà Tón, Bảy Núi, tức là vùng Thất Sơn và quận lỵ Tri Tôn (Châu Đốc).
    - Miệt Hai Huyện (cũng là miệt Chợ Thủ, Ông Chưởng).
    - Miệt Vườn, gọi tổng quát là những vùng cao ráo, có vườn cam vườn quýt, .... ở ven sông Tiền, sông Hậu, thuộc tỉnh Sa Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cần Thơ.
    Miệt Vườn tiêu biểu cho hình thức sinh hoạt vật chất và tinh thần cao nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Chúng ta đã nghe những từ như: về vườn, gái vườn, công tử vườn, điếm vườn, bắp vườn, nhà vườn.

    Hồi trước năm 1975, ở Saigon hay nghe người ta nói "Dân chơi miệt vườn", có lẽ ý nghĩa câu đó tương đương với từ "Công tử vườn" trong sách của nhà văn Sơn Nam. Một "Công tử vườn" vang danh thiên hạ xưa nay mà người dân Nam bộ ai cũng biết tiếng, đó là "Công tử Bạc Liêu" Trần Trinh Huy (1900-1974), còn gọi là Ba Huy và có biệt danh là Hắc Công Tử, người nức tiếng ăn chơi một thời.

    Như vậy theo nhà văn Sơn Nam, thì Miệt Vườn là những vùng đất cao ráo, có vườn cam vườn quýt ở ven sông Tiền, sông Hậu, thuộc tỉnh Sa Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cần Thơ. Nhà văn Sơn Nam cũng cho biết Miệt Vườn là nơi có mật độ dân số cao nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, được tạo lập trên những đất gò, đất giồng, đất vườn phù sa rất tốt, thích hợp trồng cây ăn trái, người dân quê làm vườn đỡ vất vả mà dễ kiếm ăn hơn làm ruộng, cuộc sống khá sung túc. Cho nên nhìn trên bản đồ thấy ở Miệt Vườn có rất nhiều địa danh, nhiều chợ quận, chợ làng.
    Còn từ Miệt Thứ thì sao? Trong sách của nhà văn Sơn Nam có nói đến Miệt Thứ. Ông viết: theo Đại Nam Nhứt Thống Chí chép đó là vùng “Lâm Sác”, vùng Thập Câu, giới bình dân gọi nôm na đó là Miệt Thứ, là ven U Minh. Thập Câu là mười con rạch mang tên là rạch thứ Nhứt, rạch Thứ Hai, .… cho đến rạch thứ Mười chảy song song từ vùng đất thấp U Minh Thượng ra biển. Gọi là "thập" nhưng trong thực tế có hơn mười con rạch, do người địa phương lần hồi khai thác và khám phá thêm. Ví dụ như rạch thứ chín rưỡi (giữa rạch thứ Chín và thứ Mười) hoặc rạch Xẻo Vẹt, Xẻo Ngát, Chà Và giả, Chà Và thiệt, rạch Ổ Heo, rạch Nằm Bếp, rạch Kim Quy, .

    Đây là vùng đất vào thời trước rất xa xôi, hiểm trở với nhiều thú dữ và bệnh tật, là nơi dừng chân cuối cùng của người Việt trên con đường Nam tiến, người dân chỉ đến khai thác vùng này từ sau năm 1870. Ở vùng Miệt Thứ ruộng xấu năng xuất kém, đất thấp nhiều muỗi mòng, nhưng được một cái ở Miệt Thứ những thức như kỳ đà, rắn, lươn, cua, cá lóc, tôm, đuông chà là nhiều đến mức ê hề, người sành điệu tha hồ mà chế biến món ăn. Có lẽ vì thế mà dân miền Tây nhậu giỏi nhờ "mồi nhậu" chế biến từ những "đặc sản" này.
    Miệt Thứ thời ấy xa xôi cách trở quá, cho nên cô gái Miệt Vườn theo chồng về Miệt Thứ có tâm sự:
    Đêm đêm ra đứng hàng ba,
    Trông về quê mẹ lệ sa buồn buồn.
    Sương khuya ướt đẫm giàn bầu,
    Em về Miệt Thứ bỏ sầu cho ai?
    Còn cô gái ở miền Miệt Thứ Cà Mau lại bày tỏ:
    Mẹ mong gả thiếp về vườn,
    Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh.

    Trong sách của Bùi Đức Tịnh (1923-2008), một học giả, nhà giáo, nhà báo quê ở Ba tri – Bến Tre, sách của ông viết nhiều về đủ mọi thể loại như văn học sử, văn học, ngôn ngữ học, địa danh Nam bộ,.… cũng có viết về Thứ và Miệt Thứ:

    Thứ là danh từ dùng riêng trong vùng Rạch Giá, Cà Mau để gọi 9 con rạch đổ ra vịnh Thái Lan bắt đầu từ chỗ gần sông Cái Lớn (Rạch Giá) xuống đến Khánh Lâm (Cà Mau). Ngọn rạch gần sông Cái Lớn nhất gọi là Thứ Nhứt, rồi đến Thứ Nhì, Thứ Ba,.… cho đến Thứ Chín.
    Vùng có những con rạch đến thứ chín này là khu vực Thới Bình, Huyện Sử (tên một ngôi chợ) khác với khu vực gọi là "Miệt Thứ" thuộc quận Năm Căn ngày trước. Miệt Thứ này ở U Minh Hạ có 12 con kinh đưa vào rừng lấy củi, ăn ong (lấy mật ong), được gọi theo thứ tự từ kinh 1 đến kinh 12.

    Nói chung qua hai học giả người Nam bộ chuyên viết về vùng đồng bằng sông Cửu Long, ta thấy:

    – Miệt Vườn: để chỉ vùng đất cao giồng, gò có vườn cam vườn quýt (vườn trái cây) ven sông Tiền, sông Hậu, thuộc tỉnh Sa Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cần Thơ, đây là vùng đất màu mỡ, trù phú, người Việt đến định cư tại vùng này khá sớm, có cuộc sống sung túc.
    – Miệt Thứ là vùng đất thuộc vùng U Minh, Cà Mau, nơi có hơn mười con rạch mang tên rạch thứ Nhứt, đến rạch thứ Mười, ..… (theo nhà văn Sơn Nam), hoặc mười hai con kinh gọi theo thứ tự từ kinh thứ nhứt đến kinh thứ 12 (theo học giả Bùi Đức Tịnh). Chữ Thứ ở đây là theo thứ tự của các con rạch, con kinh. Xưa, nói đến Miệt Thứ người ta nghĩ đến vùng đất hoang sơ, xa xôi, hiểm trở, dân cư thưa thớt, nghèo nàn bệnh tật… với nhiều hiểm nguy, khắc nghiệt, "muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh" còn truyền lại trong những câu ca dao:
    Chèo ghe sợ sấu cắn chưn,
    Xuống sông sợ đỉa lên rừng sợ ma.
    Hoặc:
    Tới đây xứ, sở lạ lùng,
    Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng ghê.
    Hay:
    Cà Mau khỉ khọt trên bưng,
    Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um.

    Đến Miệt Thứ, đặc điểm dễ nhận thấy nhất là những ngôi nhà lá. Lá dùng để lợp nhà là lá dừa nước, loài cây này có sức sống mãnh liệt, thích nghi được cả ở môi trường nước ngọt lẫn nước lợ. Lá dừa nước tương đối bền trước sự thay đổi của thời tiết và khí hậu nhiệt đới gió mùa ở Nam Bộ. Vào mùa khô, lớp lá dừa nước bao bọc ngôi nhà, cách nhiệt rất tốt, nên buổi trưa ngoài trời nóng bức nhưng trong nhà không khí luôn mát mẽ. Có lẽ vì vậy mà hiện nay, khi đời sống vật chất ở Miệt Thứ được nâng cao, nhiều ngôi nhà làm bằng vật liệu mới nhưng người ta vẫn cất thêm một mái lá để nghỉ trưa như một kiểu nhà hóng mát. Sau Tết Nguyên đán, khi vẫn còn mùa khô, bà con mới bắt đầu sửa sang lại hoặc cất nhà mới, chuẩn bị đối phó với sáu tháng mùa mưa lũ.

    Kế đến là chiếc xuồng ba lá, một phương tiện di chuyển đặc thù của vùng sông nước. Xuồng là người bạn đồng hành, thủy chung, gắn bó với con người nơi đây trong suốt lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất này. Thật ra, chiếc xuồng ba lá không hiếm ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng riêng vùng Miệt Thứ thì nó là phương tiện phổ biến. Một nơi địa hình bị kênh rạch chằng chịt chia cắt, rừng rú um tùm, giao thông đường bộ kém phát triển như vùng Miệt Thứ thì chiếc xuồng ba lá là loại phương tiện đắc dụng và phù hợp nhất. Nó có thể được sử dụng để đi lại dễ dàng cả trên sông lớn lẫn kênh nhỏ. Ở Miệt Thứ, người ta chọn xuồng làm phương tiện giao thông chủ yếu không hẳn do điều kiện kinh tế, mà trước hết là vì tính linh hoạt, hữu dụng. Xuồng ba lá được sử dụng ở trên ruộng hoặc chân rừng ngập nước, những nơi mà hầu như các loại phương tiện khác không thể đi được.

    Chiếc xuồng dùng để đi thăm câu, giăng lưới, vận chuyển sản vật khai thác được ở rừng, chuyên chở thành quả lao động từ đồng ruộng về, đi buôn bán trao đổi hàng hóa. Đôi khi chiếc xuồng được sử dụng như một ngôi nhà lênh đênh trên mặt nước. Qua quá trình hơn 3 thế kỷ phát triển, dù giờ đây xứ này đường bộ đã thông suốt, chiếc xuồng được cải tiến nhiều, thậm chí làm bằng vật liệu mới như composite, thì chiếc xuồng ba lá vẫn còn thông dụng. Tên xuồng ba lá dựa trên cấu tạo của xuồng, được ghép bởi ba tấm ván gồm có hai tấm ván be và một tấm ván đáy.

    Đến với Miệt Thứ, bạn sẽ ngạc nhiên trước cảnh trên bến dưới thuyền, trao đổi mua bán nhộn nhịp. Tên của các chợ nghe cũng là lạ: Thứ Ba, Thứ Sáu, Thứ Bảy, Thứ Tám, Thứ Chín, Thứ Mười Một... Chợ thường quy tụ ở ngã ba, ngã tư sông, rạch. Chợ nổi vùng Miệt Thứ được hình thành bằng những chiếc ghe lớn như những ngôi nhà nổi, bềnh bồng trên sông nước, chở theo nhiều loại hàng hóa nhưng chủ yếu là nông sản. Những người buôn bán trên các xuồng chèo, xuồng máy nhỏ, .... neo đậu, ngã giá rồi chuyên chở luồn lách vào các kênh, rạch xa để phân phối đến tận tay người dân vùng sâu, vùng xa.

    Chợ nổi ở Miệt Thứ không quy định thời gian họp, tan, hay địa bàn riêng biệt, bất cứ xuồng ghe nào cũng có thể neo đậu, buôn bán. Việc mưu sinh trên sông nước này đã trở thành nét sinh hoạt đặc trưng của vùng Miệt Thứ. Mỗi chuyến đi, họ thường mang theo mền, mùng, chiếu, gối. Xuồng, ghe dù lớn hay nhỏ đều được xem là chiếc giường lý tưởng giữa trời nước bao la. Chợ càng về khuya thì càng náo nhiệt. Nhiều bạn hàng ở các nơi khác đến mua hàng, thường chọn thời điểm hai, ba giờ sáng, để kịp chở hàng về bán buổi sáng. Những người mua bán ở chợ này không có khái niệm ngày, đêm, bởi lúc nào có khách mua hàng là họ đều đáp ứng.
    Click image for larger version

Name:	309198628_10220664831441647_6294878589924279883_n.jpg?stp=dst-jpg_p180x540&_nc_cat=111&ccb=1-7&_nc_sid=730e14&_nc_ohc=B4lMC3hJzSYAX_cFsRP&_nc_ht=scontent-msp1-1.xx&oh=00_AT-hJlXrC3OXPR7sEWrnX7r3y0c3Z74_6Lrsqpk_clh4nQ&oe=63530BA
Views:	600
Size:	68.1 KB
ID:	138274
    Như chợ nổi nhiều nơi khác, ở Miệt Thứ các ghe hàng giới thiệu hàng hóa chỉ cần một cây sào ngắn, cắm trên mũi ghe, treo lên hàng mẫu, thế là khách mua biết ghe bán gì. Những đêm trăng sáng, vài ba chiếc ghe, xuồng chụm vào nhau, người ta rảnh rỗi bàn tán đủ thứ chuyện trong cuộc sống thường nhật, có khi nhâm nhi ly rượu đế, hát đôi câu vọng cổ giữa tiếng máy ghe, tiếng reo hò... Theo chợ nổi là nhiều quán lưu động trên sông, bán nhiều món ăn thật hấp dẫn, bắt mắt, góp phần làm cho chợ thêm náo nhiệt. Sau lúc mua bán, người ta ngồi trên chiếc xuồng bồng bềnh giữa chợ, tha hồ thưởng thức các món ngon giữa trời nước mênh mông.

    Miệt Thứ bây giờ không còn là vùng đất hoang sơ như trước nhưng vẫn còn không ít những nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của miền quê sông nước.

    Đinh Ái Phượng FB

Working...
X