Announcement

Collapse

Happy Easter

THÂN CHÚC MỘT MÙA LỄ PHỤC SINH AN LÀNH, ẤM ÁP, VUI VẺ
ĐẾN VỚI CÁC BẠN VÀ GIA ĐÌNH

LV
See more
See less

Nữ nghệ sĩ Kim Tuyến

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Nữ nghệ sĩ Kim Tuyến

    Click image for larger version

Name:	kim-tuyen.jpg?w=372&h=513.jpg
Views:	2581
Size:	16.7 KB
ID:	138502

    Giữa thập niên 60, cái tên Kim Tuyến được viết trên "banderole" ngang hàng với những tên tuổi lẫy lừng thời bấy giờ như Thanh Hải, Hùng Cường trước rạp Olympic của gánh hát Kim Chung trên đường Hồng Thập Tự.

    Những đợt lưu diễn ở các nước Tây Âu, hội chợ văn hóa, văn nghệ tại Thái-Lan, Lào thập niên 60 và 70 đã làm đẹp hơn cái tên người nghệ sĩ cũng như trong lòng công chúng mộ điệu.

    Biến cố tết Mậu Thân và lệnh giới nghiêm được ban hành đã thu hẹp hoạt động của các gánh hát tại Sài-Gòn khiến bộ môn cải lương lâm dần vào ngõ cụt. Một phần vì sân khấu cải lương lao đao, phần nữa vì lý do sức khỏe chị phải tạm rời xa sàn diễn.

    Chị tìm được sau đó một công việc khác tại Juspao, một cơ quan thông tin của Hoa-Kỳ tọa lạc tại Sài-Gòn.

    Ngoài ra, chị còn cộng tác với Tiểu Đoàn 50 Chiến Tranh Chính Trị, ban văn nghệ Hoa Tình Thương và một số phòng trà ca nhạc tại Sài-Gòn với nghệ danh Lynh Trang. Thỉnh thoảng, chị Tuyến vẫn xuất hiện trên đài truyền hình số 9 qua những vở tuồng cải lương của ban Phụng Hảo, các chương trình thoại kịch của ban Bảo Ân, ban Nguyễn Phương, v.v.. để được dịp gặp gỡ các bạn đồng nghiệp hay ít ra cho đỡ nhớ nghề.

    Năm 1973, khán giả mến mộ cải lương được gặp lại Kim Tuyến trên sân khấu đoàn ca kịch Dạ Lý Hương qua những vở tuồng thật đặc sắc như "Huyền thoại Bạch Trân Nương", "Tâm sự người cha", "Con khác mẹ" .. bên cạnh những tài danh như Dũng Thanh Lâm, Phương Quang, Thanh Tú, v.v.. Nhưng lần tái ngộ đó cũng không đủ lâu dài vì tình hình chiến sự tại Sài-Gòn quá căng thẳng.

    Rồi cơn bão mùa xuân 1975 ập đến làm lạc điệu tiếng hát, tiếng đàn của một thuở yêu thương. Con chim xưa thôi không còn ngân tiếng hát. Trải qua nhiều năm tháng truân chuyên, chị cùng gia đình cũng đến được bến bờ tự do sau những ngày vượt biển gian nan và được tạm dung tại trại tị nạn Malaysia vào cuối năm 1978. Sau ngày đến đệ tam quốc gia, tiếng hát ấy, một lần nữa lại có dịp cất lên ở các tiểu bang nước Mỹ có đông người đồng hương hay trên những chuyến lưu diễn dài ngày tại Canada, Âu Châu và Úc Châu.

    Đối với người nghệ sĩ, hạnh phúc gia đình thường mong manh và dễ vỡ. Vừa xinh đẹp, lại vừa nổi tiếng, chị cũng không thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn, nghiệt ngã trong đời. Nhưng hạnh phúc ngọt ngào rồi cũng mỉm cười, khi chị tìm được cho mình một tình yêu chân thành và tạo dựng một mái gia đình êm ấm.

    Mới đó mà chị âm thầm từ giã nghệ thuật đã hơn hai mươi năm. Tính ra thời gian sống tha hương nhiều hơn những năm tháng ở quê nhà, nhưng trong lòng chị vẫn nhớ hoài những đêm hát ở Sài-Gòn hay cùng các đoàn nghệ thuật lưu diễn các tỉnh miền Tây, miền Trung xa lơ, xa lắc.

    Chị cảm thương các anh chị em hậu đài, cảnh trí, đồ hội và vẫn thường chia bùi, xẻ đắng trong mỗi hoàn cảnh. Ngày tư, ngày tết các anh chị ấy vẫn nhận được từ chị những tiền bạc, quà bánh cũng như lồng đèn cho tất cả các em, các cháu là con em nghệ sĩ vào dịp giỗ tổ, cũng là đêm Trung Thu năm 1973 trong hậu trường sân khấu đoàn Dạ Lý Hương của ông bầu Xuân Diệp Nam Thắng.

    Chị vẫn còn lưu luyến những lần trình diễn ở những tiền đồn heo hút, nơi chỉ có tiếng hát và chút tình hậu phương ân cần gửi đến những người lính VNCH đã hết lòng vì dân vì nước. Sân khấu không có ánh điện, ảo đăng chỉ lập lòe những đóm hoả châu rơi.

    Tuy cách xa quê nhà khá lâu, nhưng mỗi khi nghe một đồng nghiệp ngày xưa bệnh tật, chị tìm mọi cách để giúp đỡ trong khả năng của mình. Nhắc đến các đồng nghiệp không may qua đời, chị lại se sắt tim lòng. Mỗi lần giúp được một anh thương phế binh ít nhiều qua cơn hoạn nạn, chị nghe như nhịp đập trái tim mình rộn rã và ấm áp thêm chút nữa. Tấm lòng chị bác ái quá nên mãi đến bây giờ, ngó chị thật nhân hậu và đẹp lung linh như một nàng tiên bước ra từ trong truyện cổ tích.

    Chị Tuyến ơi, đã xa lắm rồi những ngày xưa thân ái đó. Từ một nơi xa cách quê nhà nửa vòng trái đất, nhìn về chốn cũ chỉ thấy được những mùa xuân nức nở, nghẹn ngào ..

    "Mùa xuân này mình chưa về vui cuộc hẹn, thì mình sẽ tao phùng trong giấc ngủ đồn xa" (*)

    Mùa xuân đó vĩnh viễn sẽ không về nữa. Mùa xuân mất nước đã dấy lên làn sóng người di tản, vượt biển gây ra bao thảm cảnh chia ly, mất mát. Giấc mơ một ngày tao phùng nơi chốn cũ đối với chị em mình đã trở thành một nỗi buồn mang theo cho đến hết cuộc đời này.
    17.10.2017

    (*) bài Tân Cổ Giao Duyên "Lính đồn xa" đã được thu hình cho đài truyền hình số 9 vào thập niên 70 và thu thanh vào băng cassette cuối thập niên 80 tại Hoa-Kỳ ..


    Tan Tang Facebook
Working...
X