Announcement

Collapse
No announcement yet.

Học làm người trước, làm việc sau

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Học làm người trước, làm việc sau

    Chữ "nhân" khi viết ra tuy thấy đơn giản nhưng muốn làm người lại thấy khó vô cùng. Mà "nhân phẩm" lại là quy tắc học làm người căn bản nhất. "Học làm người trước khi làm việc", đây được xem là đạo lý mãi mãi không thể thay đổi ở đời này. Một người học làm người như thế nào, không chỉ thể hiện ra trí tuệ mà còn biểu hiện ra cảnh giới tu dưỡng của người ấy.

    Tại Nhật Bản, một trong những doanh nhân mẫu mực là ông Kazuo Inamori, người đã sáng lập ra Tập đoàn Kyocera và là chủ tịch hiện tại của ngành Hàng Không Nhật Bản. Ông Inamori bắt đầu khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng và đã thành lập hai công ty: Tập đoàn Kyocera và công ty viễn thông lớn thứ hai tại Nhật Bản "KDDI", và cả 2 đều nằm trong số 500 công ty lớn nhất thế giới do tạp chí Fortune bình chọn ra.Trong 47 năm từ khi thành lập, Tập đoàn Kyocera chưa bao giờ bị lỗ lả, đây là một thành quả rõ ràng là vượt bậc.

    Ông Inamori Kazuo là nhà kinh doanh đồng thời là người sáng lập Tập đoàn Kyocera. Sau khi thôi giữ chức chủ tịch tập đoàn này, ông quyết định trở thành nhà sư đạo Phật với pháp danh Đại Hòa. (Ảnh qua Yesterday.tw)

    Khi được hỏi về bí mật thành công, ông Inomori có một câu trả lời thật đơn giản. Ông tin rằng, điều quan trọng nhất trong cuộc đời là phải đặt ra câu hỏi: "Tại sao chúng ta lại có mặt tại đây?" Câu trả lời của ông là: "Chúng ta sở dĩ có mặt ở đây để nâng cao đức tính tốt đẹp của chúng ta. Chúng ta muốn trở thành một người có đạo đức tốt hơn khi chúng ta mới sinh ra, và không còn một mục đích nào khác. Để hiểu tại sao chúng ta có mặt tại đây, chúng ta cần phải tìm kiếm một con đường đi chân chính". Ông tin rằng, không có sự khác biệt nào giữa việc ứng xử trong cuộc sống hằng ngày và cách cư xử trong kinh doanh.

    Quan điểm của ông Inamori xuất phát từ phong cách văn hoá truyền thống phương Đông, đặc biệt là Phật giáo. Những quan niệm triết lý của Khổng Tử và Đức Phật là căn bản trí tuệ của ông. Ông tin rằng bản thân cơ sở kinh doanh cũng giống như con người đã tạo ra nó, do đó đức tính và những tiêu chuẩn đạo đức của con người rất quan trọng. Nếu một người không có những tiêu chuẩn đạo đức cao, người đó không thể tạo dựng được một cơ sở kinh doanh tốt. Người đó phải biết nâng cao đức tính tốt của mình để phát triển công việc kinh doanh sản xuất. Vì thế, bí mật để thành công chính là phải nâng cao phẩm cách đạo đức của con người.

    Ông Inamori chỉ mới có 27 tuổi khi ông thành lập ra Tập đoàn Kyocera. Khi ấy, ông không có chút kinh nghiệm nào và không biết sẽ phải tiến hành công việc kinh doanh ra sao. Ông quyết định làm theo lời khuyên của cha mẹ và thầy giáo của ông về mức quan trọng của sự trung thực, vui vẻ, thành tín, biết ơn, thật thà, nhẫn nhục, kiên nhẫn, tin cậy, công lý, kính trọng, vị tha, siêng năng, tiết kiệm, chịu khổ, không oán hận hay ganh tỵ, đồng thời ghi nhớ "một điều bất lợi có thể biến thành một lợi điểm", v...v…

    Những quan niệm này, tất cả đều là những tiêu chuẩn đạo đức căn bản. Khi gặp khó khăn, ông tìm thấy câu trả lời bằng việc xem xét lại những điều đó có đúng hay sai, thiện hay ác. Tóm lại, để đánh giá các vấn đề trước mắt, ông đều hoàn toàn dựa theo lương tâm. Ông đã điều khiển công ty của mình đi đến thành công bằng cách chọn đi trên con đường chân chính.

    Học làm người trước, học làm việc sau

    Một người cho dù có thông minh bao nhiêu đi nữa, có năng lực lớn đến đâu đi nữa, điều kiện hoàn cảnh sống tốt đến mức nào đi nữa, nhưng nếu không hiểu được đạo lý làm người thì nhân phẩm, phẩm giá sẽ rất kém cỏi. Như vậy, sự nghiệp của người ấy sẽ bị ảnh hưởng, bị chi phối rất lớn. Chỉ có học làm người trước thì mới có thể hoàn thành được chuyện đại sự, đây cũng vừa là đạo lý, vừa là lời giáo huấn của người xưa. Tiếc thay, trong xã hội hiện nay, các bậc cha mẹ luôn khuyến khích con em mình ra sức học hỏi để sau này trở thành kỹ sư này, bác sĩ nọ mà quên dạy dổ chúng nắm biết cách cư xử, cách đối nhân xử thế hợp tình hợp lý, phù hợp với văn hóa truyền thống dân tộc.

    Từ nhỏ đến lớn, chắc hẳn chúng ta đã nghe nhiều đến cụm từ "đạo lý làm người". Kỳ thực, ưu khuyết điểm của phẩm chất mỗi người là khác nhau, cho nên kết quả làm việc cũng sẽ khác "một trời một vực". Bất luận một sự thất bại nào của một người trong cuộc đời đều không phải từ chuyện ngẫu nhiên. Tương tự, bất kể một sự thành công nào của một người đều có tính tất yếu. Trong đó, yếu tố "làm người" lại là quan trọng nhất. Nhân phẩm, phẩm giá của con người là cơ sở nền tảng để con người thi thố năng lực, là "nhãn hiệu" để phân biệt người này với người kia.

    "Nhân phẩm""năng lực" giống như tay trái và tay phải của một người. Nếu chỉ có năng lực mà không có nhân phẩm thì người ấy sẽ không có được trọn vẹn, đầy đủ. Năng lực được ví như một con dao hai lưỡi. Nếu như "năng lực" được một người có phẩm đức tốt nắm giữ thì họ sẽ sáng tạo cho xã hội vô số những điều có ích và giá trị. Trái lại, nếu "năng lực" được một người có phẩm đức kém nắm giữ thì thật không biết bản thân người ấy và xã hội sẽ đi đến chốn nguy hiểm nào.

    Từ ngàn xưa cho đến nay, không có ai có ý nguyện trọng dụng một người có năng lực nhưng lại thiếu phẩm chất tốt. Một người mà nhân phẩm không tốt thì cho dù có tài năng lớn bằng trời biển thì họ cũng sẽ đem đến sự tổn hại cho người khác, cho tổ chức và cho xã hội ở những thời điểm mấu chốt. Hơn nữa, người có năng lực càng lớn thì các tổn thất mà họ gây ra cũng sẽ càng lớn và tai hại vô cùng. Từ ý nghĩa này mà xem xét, "nhân phẩm""chìa khóa vàng" quyết định sự lớn mạnh của một tổ chức và sự trưởng thành của một cá nhân.

    Cổ nhân có giảng: "Hậu đức tái vật" (Tạm dịch: Đức dày nâng đỡ vạn vật), chính là muốn nói rằng, làm người phải có đức hạnh tốt thì mới có thể cam chịu được vạn sự dù tốt hay xấu, lớn hay nhỏ, mới có thể hoàn thành chuyện đại sự. Cho nên, một người nếu ôm chí lớn thì cần phải có phẩm chất đạo đức dày, người mà không có đức lớn thì không thể thành tựu được đại sự. Cổ nhân cũng giảng: "Chịu thiệt là phúc", cho nên, chúng ta không cần lúc nào cũng phải tranh giành lợi ích, cần suy nghĩ nhiều cho người khác hơn một chút thì mới có thể gặt hái sự thành tựu trong sự nghiệp của bản thân.

    Làm người phải tỏ ra phúc hậu mới có thể được người khác kính trọng và yêu quý. "Thiện lương" là nhân tố mấu chốt của phẩm chất tốt. Làm người phải thường mang trong mình lòng biết ơn, không quá tính toán chi li, có nhiều tình thương, làm nhiều việc thiện, thường xuyên đứng ở góc độ của người khác mà suy xét mới có thể tạo ra nhiều nhân duyên tốt đẹp và tạo ra sự uy tín vững vàng cho bản thân mình.

    Xã hội hiện đại ngày nay, người ta chú ý nhiều hơn đến "năng lực", có lẽ đàm luận về "nhân phẩm" đã là chuyện "lỗi thời" với một số người. Thậm chí có người còn cho rằng, anh ta dù sao cũng có năng lực, có bản lĩnh, nhân phẩm nếu có kém một chút thì có làm sao đâu? Nhưng kỳ thực, chặng đường mà một người đi đến thành tựu là lâu dài, hơn nữa còn phải cần được sự khẳng định của những người ở chung quanh. Người mà năng lực dù to lớn đến đâu nhưng lại đánh mất mất nhân phẩm tốt đẹp thì người ấy có lẽ sau cùng, cũng chỉ là một "kẻ hủy diệt, phá hoại" mà thôi.

    Cho nên, làm người nhất định phải biết tu dưỡng phẩm đức, có như vậy mới được người đời tôn trọng và mới đứng vững được bằng đôi chân của mình trong bất cứ xã hội nào! Học làm người ngay từ lúc bé thơ sẽ tạo dựng ra nền tảng đạo đức cần có và thiết yếu dẩn đến thành công trong đời sống và sự nghiệp sau này!


    Attached Files
Working...
X