Announcement

Collapse
No announcement yet.

‘Hái Hoa Rừng Cho Em,’ nhạc tình mùa chinh chiến của Trương Hoàng Xuân

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    ‘Hái Hoa Rừng Cho Em,’ nhạc tình mùa chinh chiến của Trương Hoàng Xuân

    SANTA ANA, California (NV) – “Hái Hoa Rừng Cho Em” của nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân, ra đời năm 1967, đã được khán thính giả ái mộ nồng nhiệt qua giọng hát của đôi song ca Chế Linh-Thanh Tuyền.


    Nhạc phẩm “Hái Hoa Rừng Cho Em” của nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân. (Hình: Tài liệu)

    Mặc dù bản chính của nhạc phẩm này có để tên Hoàng Ngọc Quyên bên cạnh tên tác giả Trương Hoàng Xuân nhưng nhân vật này không phải là đồng tác giả của bản nhạc mà chính là người tình đầu đời của tác giả, cô gái được tác giả tặng đóa hoa rừng hái từ một đồng cỏ kế bên thao trường tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung ở Hóc Môn, thuộc tỉnh Gia Định hồi trước năm 1975.

    “Hái Hoa Rừng Cho Em” có thể được coi là một trong những bài “nhạc lính” tình tứ nhất, tha thiết nhất và cũng là lý tưởng nhất trong số hàng trăm bài “nhạc lính” thời Việt Nam Cộng Hòa. Nơi đây, ta hãy lắng nghe tâm sự của người lính miền xa kể lại cuộc tình thơ mộng của mình, trong đó chỉ một cánh hoa rừng thôi cũng đủ làm cho cuộc tình sống mãi và đơm bông, kết trái cho đến ngày vui sum họp của đôi bạn lòng.

    “Hái trộm hoa rừng về trao một người ngày xưa anh đã hứa/ Màu hoa kỷ niệm tuy đã tàn úa tâm tư vẫn dạt dào/ Năm xưa lối này vẫn thường dìu em đi/ Tàn cây năm trước anh khắc tên em/ Còn xanh lá cành ghi dấu kỷ niệm những ngày còn bên nhau…”

    Người lính tìm cách hái trộm một đóa hoa rừng để trao gởi về cho người yêu nơi quê nhà nhằm hoàn thành lời hứa sau lúc lên đường vui kiếp gió sương, cho dù vẫn biết rằng cánh hoa thế nào cũng sẽ úa tàn khi đến tay người em yêu. Anh vẫn còn nhớ hoài cái lối nhỏ anh từng dìu em đi năm xưa, nơi anh đã khác ghi tên em vào một cành cây ven đường mà anh tin rằng giờ đây nó vẫn còn xanh tươi để ghi dấu những kỷ niệm đẹp của chúng mình.

    “Ghế lạnh đá buồn để em đợi chờ chiều xa xưa năm ấy/ Vì anh lỗi hẹn cho em hờn dỗi cho mi em nhạt nhòa/ Anh ra đi rồi mới nhận được tin nhau/ Hàng trăm thư viết anh gửi cho em/ Đời trai chiến trận em biết lỗi hẹn có phải tại anh đâu.”

    Trong mớ kỷ niệm êm đềm của đôi ta có chuyện anh đã lỗi hẹn không đến gặp em lúc em tìm cách đưa tiễn anh lên đường vào nghiệp lính, để rồi mãi cho đến khi anh đã vào quân trường rồi em mới nhận được tin anh. Để bù lại, anh đã viết cho em hàng trăm lá tình thư của lính, và tạ lỗi rằng vì đời lính nay đây mai đó, cho dù anh có lỗi hẹn thì cũng đâu có phải là lỗi của riêng anh đâu!

    “Tiền đồn heo hút tinh tú quây quần nghe anh kể chuyện đời lính/ Khi nào lỗi hẹn, em anh dỗi hờn lòng anh thêm xao xuyến/ Ngày đi tuy chẳng được gặp em/ Nhưng hứa sẽ tìm về tặng em đóa hoa yêu/ Đã bao lâu rồi, cánh hoa úa tàn, mà ước mơ chưa tàn.”

    Nơi tiền đồn heo hút, anh chỉ biết làm bạn với sao trời vì phải sống cách xa em. Nhưng chuyện anh lỗi hẹn năm xưa để cho em phải dỗi hờn vẫn chiếm ngự tâm tư anh cho tới bây giờ. Và vì ngày ra đi chúng mình chẳng gặp được nhau cho nên anh quyết phải tìm cho được một cánh hoa xinh để gởi về tặng em, bởi vì anh chưa bao giờ từ bỏ những mộng ước ban đầu về ngày sum họp của đôi ta từ những ngày mình còn bên nhau nơi quê cũ.

    “Biết chuyện chúng mình tình không nhạt nhòa mà xuôi cho ngăn cách/ Chiều nay trở lại trong tay mình nói: Ta yêu nhau trọn đời/ Anh đi em chờ, gối mộng dệt đêm thâu/ Cành xưa anh viết anh khắc tên em/ Chiều nay kết nhụy cho thắm men tình những người còn đi xa…”

    Thật là éo le khi tình mình không hề nhạt phai nhưng đôi ta vẫn phải sống trong xa cách. Nhưng rồi chiều nay, khi anh trở về chốn cũ để tìm gặp lại em, chúng mình sẽ có dịp nhắc lại lời hứa sẽ yêu nhau trọn đời. Dù mai đây anh sẽ lại ra đi để tiếp tục làm nhiệm vụ người trai thời ly loạn và em sẽ vẫn tiếp tục đợi chờ, giây phút tương phùng chiếu nay sẽ làm cho mối tình của đôi ta thêm bền chặt, yên lòng người chiến sĩ những ngày biệt ly…


    Bìa nhạc phẩm “Hái Hoa Rừng Cho Em” của nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân. (Hình: Tài liệu)

    Nhạc phẩm “Hái Hoa Rừng Cho Em” được cho là bài hát lý tưởng nhất trong những bản nhạc tình của những người anh tiền tuyến và em hậu phương. Bởi vì nhạc phẩm này đã biến cuộc đời của người lính chiến Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ chỗ đầy những phong sương, gian lao, nguy hiểm cùng với những chết chóc, chia lìa và thương tật rình rập mọi nơi, mọi lúc trở thành một cuộc phiêu lưu diễm tình và không hề thiếu những mộng mơ. Người lính trước khi lên đường vui kiếp gió sương thì được người yêu đón chờ để đưa tiễn, rồi lúc về phép thì lại được ôm ấp người mình yêu trong vòng tay giữ trọn ân tình: “Chiều nay trở lại trong tay mình nói: Ta yêu nhau trọn đời!”

    Trong lời tâm sự với những người ái mộ, nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân cho biết sở dĩ ông viết câu “hái trộm hoa rừng” bởi vì chính ông đã lén ngắt cánh hoa yêu này từ hàng rào của bãi tập trong khi huấn luyện viên đang giảng bài vào lúc ông đang thụ huấn tại quân trường để trở thành một ngưởi lính chiến. Vì chàng trai trong nhạc phẩm không kịp gặp người yêu của mình lúc nàng tìm cách đến nơi hẹn để đưa tiễn anh lên đường nhập ngũ cho nên, để có chút gì mà bù đắp cho người yêu, chàng trai đã viết thư hứa hẹn sẽ gởi tặng cho nàng một đóa hoa rừng để làm kỷ niệm.

    Người lính nghĩ rằng, khi nhận được cánh hoa yêu, nó có thể không còn xanh tươi nữa, nhưng cũng không, bởi vì “tâm tư vẫn dạt dào” trong món quà đơn sơ ấy. Người lính cũng tin rằng tàn cây hai người vẫn dìu nhau đi ngày xưa thì nay vẫn còn xanh tốt để “ghi dấu kỷ niệm những ngày còn bên nhau”

    Người lính nhắc lại lần mình lỗi hẹn năm xưa khi em người yêu bé nhỏ đến nơi để tiễn anh lên đường mà không gặp, khiến em phải ngồi chờ trên ghế lạnh chẳng biết là bao lâu. Vì người trai lính chiến thì giờ eo hẹp, chỉ mong em thông cảm cho “đời trai chiến trận em biết lỗi hẹn có phải tại anh đâu!”

    Qua những bức thư gởi về từ chiến trường, người lính mộng mơ ấy vẫn không từ bỏ niềm lạc quan trong đời quân ngũ, coi sao trời như người bạn để tâm tình về đời lính phong sương, nhất là vẫn không quên lời hứa sẽ tìm một cánh hoa yêu đặng khi về phép mà đem tặng em. Và cho dẫu thời gian có làm cho cánh hoa kia phai tàn đi nữa thì ước mơ một ngày về sum họp bên em vẫn chưa tàn úa trong cõi lòng anh: “Đã bao lâu rồi, cánh hoa úa tàn, mà ước mơ chưa tàn.”

    Cái hạnh phúc lớn lao nhất trong đời của đôi trai gái yêu nhau giữa mùa chinh chiến là đôi bạn tình biết chờ ngày sum họp bên nhau sau bao nhiêu nhớ nhung và bao lần anh biểu lộ tình yêu của mình bằng cách ghi khắc tên em vào vách đá ven đồi hay trên cành cây rợp bóng: “Anh đi em chờ, gối mộng dệt đêm thâu/ Cành xưa anh viết anh khắc tên em/ Chiều nay kết nhụy cho thắm men tình những người còn đi xa”

    Phải chăng ngành chiến tranh tâm lý của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã tác động được tinh thần của người lính chiến. Từ chỗ tưởng rằng đời lính là cuộc dấn thân vào chỗ khô cằn sỏi đá và đầy hiểm nguy, đến chỗ coi đời lính như chuyến đi vào một chốn nơi hoa mộng, để rồi những cặp trai gái yêu nhau trong cuộc chiến cùng cảm thấy vui tươi và hạnh phúc, cho dù họ phải sống cách biệt nhau chưa biết cho đến bao giờ?

    Lối động viên tinh thần các anh chiến sĩ Cộng Hòa như thế này quả thật là tuyệt vời, bởi vì Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia tự do, dân chủ cho nên ngay cả các biện pháp cưỡng bách tòng quân cũng không có tính cách độc đoán và dữ dằn để buộc người lính và thân nhân của họ phải tuân theo những gì mà chính quyền Cộng Sản muốn, cụ thể là lên đường phục vụ cuộc chiến tranh thôn tính miền Nam Việt Nam cho tới chiến thắng sau cùng.


    Nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân, Tháng Năm, 2015. (Hình: Châu Mỹ/VNExpress)
    ***

    Trương Hoàng Xuân là một nhạc sĩ nhạc tình và “nhạc lính” hồi trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam. Sinh ra tại Sài Gòn, ông học nhạc từ nhỏ trong nhà thờ và chơi đàn kiếm sống tại các nhà hàng khi mới 16 tuổi.

    Năm 1960, Trương Hoàng Xuân tốt nghiệp ngành sư phạm rồi về dạy học tại Long Khánh, thuộc tỉnh Bình Tuy. Đến năm 1968, ông nhập ngũ và được điều về đài Phát Thanh Quân Đội, làm việc chung với các nhạc sĩ Tô Kiều Ngân, Đỗ Kim Bảng, Trầm Tử Thiêng…

    Năm 1972, ông được Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa bổ nhiệm về dạy nhạc tại trường Trung Học Tổng Hợp Nguyễn An Ninh ở Quận 10, Sài Gòn.

    Sau biến cố Tháng Tư, 1975, Sở Giáo Dục chính quyền mới cho ông thôi việc. Trương Hoàng Xuân xin chuyển qua ngành bưu điện, làm công tác văn nghệ quần chúng cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2000 và về sống tại quận Phú Nhuận, Sài Gòn.

    Trương Hoàng Xuân bắt đầu sáng tác vào năm 1966, và đã có khoảng 20 nhạc phẩm của ông được thâu vào băng đĩa vào thời điểm đó. Nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân còn có bút danh khác là Thy Linh.

    Các nhạc phẩm nổi tiếng và được ưa chuộng nhất của Trương Hoàng Xuân gồm có: “Bạc Trắng Lửa Hồng” (ký tên Thy Linh), “Hái Hoa Rừng Cho Em,” “Hẹn Nhau Chiều Chủ Nhật” (ký tên Thy Linh), “Kẻ Đến Sau,” “Mộng Ước Chúng Mình,” “Mùa Hoa Giã Biệt” (ký tên Thy Linh), “Những Ngày Hoa Mộng,” “Thề Không Phản Bội Quê Hương” (viết cho Cục Chính Huấn, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, năm 1971), “Trai Thời Loạn” (ký tên Thy Linh)… (Vann Phan) [qd]



    Nhạc phẩm “Hái Hoa Rừng Cho Em” của Trương Hoàng Xuân và Hoàng Ngọc Quyên

    Hái trộm hoa rừng về trao một người ngày xưa anh đã hứa
    Màu hoa kỷ niệm tuy đã tàn úa tâm tư vẫn dạt dào
    Năm xưa lối này vẫn thường dìu em đi
    Tàn cây năm trước anh khắc tên em
    Còn xanh lá cành ghi dấu kỷ niệm những ngày còn bên nhau…

    Ghế lạnh đá buồn để em đợi chờ chiều xa xưa năm ấy
    Vì anh lỗi hẹn cho em hờn dỗi cho mi em nhạt nhòa
    Anh ra đi rồi mới nhận được tin nhau
    Hàng trăm thư viết anh gửi cho em
    Đời trai chiến trận em biết lỗi hẹn có phải tại anh đâu

    Đ.K.:
    Tiền đồn heo hút tinh tú quây quần nghe anh kể chuyện đời lính
    Khi nào lỗi hẹn, em anh dỗi hờn lòng anh thêm xao xuyến
    Ngày đi tuy chẳng được gặp em
    Nhưng hứa sẽ tìm về tặng em đóa hoa yêu
    Đã bao lâu rồi, cánh hoa úa tàn, mà ước mơ chưa tàn

    Biết chuyện chúng mình tình không nhạt nhòa mà xuôi cho ngăn cách
    Chiều nay trở lại trong tay mình nói: Ta yêu nhau trọn đời
    Anh đi em chờ, gối mộng dệt đêm thâu
    Cành xưa anh viết anh khắc tên em
    Chiều nay kết nhụy cho thắm men tình những người còn đi xa…
Working...
X