Announcement

Collapse

Happy Mother's Day

HAPPY MOTHER'S DAY TO ALL OF YOU! CHÚC MỪNG NGÀY HIỀN MẪU ĐẾN VỚI CÁC BẠN
See more
See less

Đừng nên "xử đẹp" tuyến giáp!

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Đừng nên "xử đẹp" tuyến giáp!

    Ít có bệnh nhân nào biết rằng, K giáp thuộc nhóm "hiền lành", tùy theo tình huống mà vẫn có thể để yên và theo dõi thêm hoặc chỉ cần cắt một phần để bảo tồn chức năng của tuyến giáp.

    Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều bệnh nhân vẫn muốn mổ cắt toàn bộ tuyến giáp "cho yên tâm" trong khi một số bác sĩ cũng muốn theo xu hướng này vì các lý do: dễ mổ hơn, mổ nhanh hơn và đỡ chịu trách nhiệm. Bác sĩ ngoại khoa cũng thường được người bệnh cảm ơn nhiều hơn vì đã "xử đẹp" tuyến giáp dù biết rằng họ sẽ phải bổ sung hormone tuyến giáp suốt đời.

    Ung thư tuyến giáp đã trở thành một căn bệnh được chẩn đoán ngày càng nhiều ở Hoa Kỳ. Trong vòng 25 năm qua, số ca bệnh được ghi nhận tăng gấp ba lần (!), phần lớn phản ánh từ khả năng phát hiện sớm những khối u giáp dạng nhú ở kích thước nhỏ bé.

    Dù tỷ lệ chẩn đoán bệnh tăng nhanh như vậy, tỷ lệ tử vong vì ung thư tuyến giáp vẫn không có thay đổi nhiều, gợi ý rằng, việc chẩn đoán quá mức (overdiagnosis, cố gắng chẩn đoán bệnh mà thật ra chẳng có nguy hiểm đến tính mạng gì mấy) là một vấn đề bí ẩn đằng sau. Chính vì vậy, Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ đã cảnh cáo rằng, KHÔNG NÊN xét nghiệm quá kỹ ung thư tuyến giáp, và không nên sinh thiết những khối u nhỏ.

    Ngoài ra, việc điều trị quá mức (overtreatment) cũng là vấn đề cần đề cập đến. Khi phát hiện ra khối u trong tuyến giáp, có hai sự lựa chọn là cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp hoặc chỉ cắt một phần có khối u.

    Cắt toàn bộ tuyến giáp thường làm gia tăng nguy cơ bị liệt dây thần kinh điều khiển thanh quản gây ra khàn tiếng, mất giọng nói hoặc làm suy yếu tuyến giáp, suy yếu tuyến cận giáp phải bù đắp hóc-môn (hormone) suốt đời. Những nguy cơ trên thấp hơn nhiều khi chỉ cắt bỏ một phần tuyến giáp có khối u.

    Mặc dù số liệu cho thấy tỷ lệ tử vong do bệnh này là cực thấp (2% trong 25 năm) và phương pháp mổ nào cũng đem lại hiệu quả trị bệnh như nhau, trên thực tế có tới 80% bệnh nhân đã mổ cắt hoàn toàn tuyến giáp khi có u khu trú <2 cm.

    Vì sao mà tỷ lệ cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp lại cao như vậy?

    Nhiều người cho rằng đó là do bệnh nhân đã chọn. Nhưng thật ra, trên thực tế tại Hoa Kỳ, nó chủ yếu là do các bác sĩ "hướng dẫn" hay "định hướng", có lẽ vì người ta hay làm theo thói quen truyền thống, không cập nhật kiến thức dựa trên bằng chứng khoa học, đánh giá thấp tỷ lệ biến chứng hoặc không quan tâm tới những tổn hại mà bệnh nhân sẽ gánh chịu suốt về sau do cắt bỏ tuyến giáp hoàn toàn.

    Dù rất nhiều bác sĩ đang lên tiếng kêu gọi "cứu lấy tuyến giáp!", việc thay đổi tình trạng này không hề dễ. Như bao hiện tượng khác, có liên can tới việc thay đổi thói quen của con người. Cả bác sĩ và bệnh nhân đều đã "quen" điều trị tích cực bằng cắt bỏ hoàn toàn nên việc "lùi bước" (bao gồm lựa chọn theo dõi khối u nhỏ xíu vì thường lành tính) thường làm cho bệnh nhân lẫn bác sĩ lo lắng.

    Trong y khoa, nhiều khi "Ít hơn lại là Tốt hơn" (Less is More). Mong rằng những người bị chẩn đoán ung thư tuyến giáp dành thời gian bình tĩnh tìm tòi để hiểu rằng ung thư giáp là một phức hợp nhiều dạng bệnh, thường là lành tính, để có thái độ "tâm lý lo lắng vừa phải", cùng bác sĩ chọn ra cách thích hợp để đối mặt với căn bệnh.

    Tỷ lệ tử vong do ung thư tuyến giáp không bị ảnh hưởng bởi cách mổ KHÔNG CÓ NGHĨA là muốn mổ ẩu kiểu nào cũng được. Việc đánh giá giai đoạn bệnh và nguy cơ tái phát để đề ra cách mổ thích hợp, tìm ra đúng B/S vẫn rất quan trọng.

    Ung thư tuyến giáp không phải là một loại bệnh ung thư rất thường gặp. Có nhiều loại ung thư tuyến giáp khác nhau và mỗi loại có phương pháp điều trị khác nhau. Tiên lượng cho những người mắc bệnh ung thư tuyến giáp khác nhau tùy thuộc vào loại ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên, nói chung, ung thư tuyến giáp có tiên lượng tốt.

    Tuyến giáp là gì?

    Tuyến giáp là một tuyến nhỏ nằm ở trước cổ, ngay dưới quả táo Adam (trái khế) của bạn. Tuyến giáp có hình dạng hai thùy giống một con bướm. Bình thường bạn không tự cảm thấy tuyến giáp ở cổ.

    Tuyến giáp chứa các tế bào được gọi là các tế bào nang (follicular cells). Chúng sản xuất hai loại nội tiết tố (hormone) chính, đó là thyroxine (T4)triiodothyronine (T3), có tác dụng tăng tốc độ trao đổi chất của cơ thể. Các hormone này có ảnh hưởng đến nhịp tim, nhiệt độ cơ thể và mức độ chuyển hóa năng lượng.

    Tuyến giáp cũng chứa các tế bào cận nang hay còn gọi là tế bào C chuyên sản xuất calcitonin, một loại hormone giúp kiểm soát nồng độ calcium trong máu.

    Ung thư là gì?

    Ung thư là bệnh của các tế bào trong cơ thể. Cơ thể được cấu thành từ hàng triệu tế bào nhỏ bé. Có nhiều loại tế bào khác nhau và vì thế cũng có nhiều loại ung thư khác nhau xuất phát từ những loại tế bào đó.Tất cả những loại ung thư có đặc điểm chung là tế bào ung thư đều bất thường và phân chia (nhân đôi) không kiểm soát.

    Khối u ác tính là một khối u chứa những tế bào ung thư phân chia liên tục. Trong quá trình phát triển, khối u xâm lấn và làm tổn thương các mô và bộ phận lân cận.

    Ngoài ra, tế bào ung thư từ khối u ban đầu cũng có thể di chuyển theo dòng máu hay bạch huyết để phát tán (di căn) đến các cơ quan khác. Từ đó chúng tiếp tục tăng sinh và hình thành khối u thứ phát (u di căn). Những khối u thứ phát này có thể tiếp tục phát triển, xâm lấn, gây tổn thương mô lân cận và di căn một lần nữa.

    Mỗi loại ung thư có mức độ nguy hiểm, khả năng điều trị hiệu quả và tiên lượng khác nhau. Vì vậy, điều quan trọng là phải xác định đó là loại ung thư gì, kích thước như thế nào và đã có di căn hay chưa. Những thông tin này giúp bạn quyết định lựa chọn điều trị thích hợp và tiên lượng đúng.

    Ung thư tuyến giáp là gì?

    Có bốn loại ung thư tuyến giáp chính (Thyroid cancer):
    • Dạng nhú. Đây là loại ung thư tuyến giáp thường gặp nhất.
    • Dạng nang. Đây là một loại ung thư tuyến giáp ít gặp hơn, thường gặp ở người già. Cả hai loại ung thư tuyến giáp dạng nhú và dạng nang đôi khi được gọi là ung thư tuyến giáp biệt hóa. Chúng thường được điều trị theo cùng một cách.
    • Dạng tủy. Đây là một loại ung thư tuyến giáp hiếm gặp, có thể di truyền trong gia đình. Vì lý do này, các thành viên trong gia đình có thể cần kiểm tra định kỳ để phát hiện sớm. Loại ung thư này phát sinh ra từ các tế bào C trong tuyến giáp.
    • Dạng không biệt hóa. Đây cũng là loại hiếm gặp. Nó thường gặp hơn ở người lớn tuổi và phát sinh một cách nhanh chóng. Không giống như các loại ung thư tuyến giáp khác, loại này có thể khó điều trị.
    Các loại ung thư khác có thể phát triển trong tuyến giáp là ung thư hạch (lymphoma)ung thư tế bào Hürthle. Các loại ung thư này sẽ không được thảo luận trong bài này.

    Ung thư tuyến giáp dạng nhú và dạng nang chiếm khoảng 80-90% tất cả các bệnh ung thư tuyến giáp. Cả hai loại này đều phát triển từ các tế bào nang của tuyến giáp. Hầu hết các bệnh ung thư tuyến giáp dạng nhú và dạng nang có xu hướng phát triển chậm. Nếu được phát hiện sớm, hầu hết có thể được điều trị thành công.

    Nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp?

    Khối ung thư bắt đầu từ một tế bào bất thường mà nguyên nhân gây nên hiện tượng này hiện vẫn chưa được biết rõ ràng. Người ta cho rằng một số tác nhân gây tổn thương hoặc thay đổi gene làm cho tế bào phân chia một cách mất kiểm soát.

    Ung thư tuyến giáp là không thường gặp. Ở Anh có khoảng 1,750 người mắc bệnh mỗi năm. Phụ nữ thường bị bệnh này hơn nam giới. Mặc dù hầu hết những người mắc bệnh ung thư tuyến giáp là trung niên trở lên, ung thư tuyến giáp dạng nhú có thể gặp ở phụ nữ trẻ hơn, thường gặp nhất trong độ tuổi từ 35 và 40.

    Nhiều người mắc bệnh ung thư tuyến giáp không có nguyên nhân rõ ràng. Tuy nhiên, các yếu tố nguy cơ sau đây có thể làm ung thư tuyến giáp phát sinh ra.
    • Bệnh tuyến giáp. Những người có một số bệnh tuyến giáp lành tính có nhiều khả năng hình thành ung thư tuyến giáp. Ví dụ, bệnh bướu cổ (phì đại tuyến giáp – goitre), nhân giáp (u tuyến, adenoma), hay viêm tuyến giáp (thyroiditis).
    Lưu ý: Suy tuyến giáp hoặc cường giáp không làm tăng nguy cơ phát sinh ra ung thư tuyến giáp.
    • Có nhiễm xạ. Ung thư tuyến giáp thường gặp ở những người bị phơi nhiễm phóng xạ hoặc được xạ trị ở vùng cổ khi còn trẻ.
    • Tiền sử gia đình. Ung thư tuyến giáp dạng tủy có thể được gây ra bởi gene di truyền bất thường. Khoảng một trong bốn người bị ung thư tuyến giáp thể tủy có gene bất thường.
    • Mức iodine (i-ốt) trong máu thấp.
    Các triệu chứng của ung thư tuyến giáp là gì?

    Ung thư tuyến giáp thường phát triển chậm và lúc đầu không gây ra bất cứ triệu chứng nào. Dấu hiệu thường gặp nhất đầu tiên là một khối u nhỏ ở cổ không gây đau đớn. Các triệu chứng khác có thể có khi bệnh phát sinh ra bao gồm:
    • Khàn giọng hoặc nói bằng giọng bình thường khó khăn.
    • Hạch lớn ở cổ.
    • Khó nuốt hoặc khó thở vì ung thư chèn ép lên thực quản hoặc khí quản.
    • Đau ở cổ họng hoặc vùng cổ.
    Lưu ý: Hầu hết các khối u trong tuyến giáp không phải do ung thư. Chỉ có khoảng 1/20 khối u tuyến giáp là do ung thư.

    Chẩn đoán và đánh giá ung thư tuyến giáp như thế nào?

    Các xét nghiệm để xác định chẩn đoán
    • Siêu âm có thể được thực hiện đầu tiên. Siêu âm có thể gợi ý và đánh giá được kích thước cũng như vị trí của tổn thương ung thư. Siêu âm là một khảo sát an toàn và không gây đau đớn nhờ sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh của các cơ quan và các cấu trúc bên trong cơ thể của bạn.
    • Sinh thiết (lấy mẫu mô nhỏ làm xét nghiệm) thường được thực hiện để chẩn đoán xác định ung thư và loại ung thư tuyến giáp. Để làm sinh thiết, một cây kim nhỏ được đâm xuyên qua da một cách nhẹ nhàng vào tổn thương tuyến giáp ở cổ. Đôi khi bác sĩ sẽ sử dụng siêu âm để hướng dẫn kim vào đúng vị trí cần sinh thiết. Các tế bào thu được bằng kim sẽ được khảo sát dưới kính hiển vi. Những loại ung thư khác nhau sẽ được chẩn đoán dựa vào hình dáng và đặc tính của các tế bào thu được.

    Một khảo sát khác đôi khi được thực hiện là xạ hình tuyến giáp. Khi thực hiện khảo sát này, người ta tiêm một lượng nhỏ một chất phóng xạ (technetium hoặc iodine). Sau đó đưa bạn vào một máy quét phát hiện phóng xạ ở tuyến giáp. Tế bào ung thư thường không hấp thụ chất phóng xạ như các tế bào tuyến giáp bình thường. Vì vậy, tổn thương ung thư trong tuyến giáp có thể được thấy bằng cách xạ hình tuyến giáp.

    Đánh giá sự xâm lấn và di căn

    Nếu bạn bị ung thư tuyến giáp, bạn sẽ được tư vấn để thực hiện các khảo sát khác sau để đánh giá sự xâm lấn và di căn từ tuyến giáp như chụp CT hoặc MRI, xét nghiệm máu, xạ hình tuyến giáp và các xét nghiệm khác.

    Sau khi xác định loại ung thư từ sinh thiết, đánh giá sự xâm lấn và di căn, bác sĩ sẽ tư vấn các lựa chọn điều trị tốt nhất và cũng đưa ra tiên lượng hợp lý cho bạn.

    Những lựa chọn điều trị ung thư tuyến giáp là gì?

    Có thể xem xét những lựa chọn điều trị ung thư tuyến giáp bao gồm phẫu thuật, điều trị iodine phóng xạ và xạ trị. Có thể điều trị kết hợp các phương pháp trên. Hầu hết các loại ung thư tuyến giáp thường có thể được điều trị thành công và nhiều người bị ung thư tuyến giáp được chữa khỏi.

    Bạn cần phải thảo luận đầy đủ với một bác sĩ bác sĩ chuyên khoa về ung thư tuyến giáp, người biết rõ bệnh tình của bạn. Họ sẽ có thể cho bạn biết các ưu điểm và nhược điểm, tỷ lệ thành công, tác dụng phụ có thể gặp, và những thông tin cụ thể khác về các lựa chọn điều trị có thể có.

    Bạn cũng nên thảo luận với các bác sĩ chuyên khoa về các mục tiêu điều trị. Ví dụ:

    Trong một số trường hợp, điều trị nhằm mục đích chữa khỏi ung thư. Cơ hội tốt nhất để ung thư tuyến giáp được chữa khỏi là khi bệnh được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm. (Các bác sĩ thường có khuynh hướng nói là điều trị thuyên giảm ung thư (remission) thay vì gọi là chữa khỏi bệnh ung thư (cure). Điều trị thuyên giảm có nghĩa là không còn bằng chứng của ung thư sau khi điều trị. Nếu bệnh ung thư đã thuyên giảm, bạn có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, một số trường hợp ung thư tái phát sau khi thuyên giảm vài tháng hay vài năm. Đây là lý do tại sao bác sĩ hay tránh dùng từ chữa khỏi bệnh.

    Nếu ung thư tuyến giáp đã không thể chữa khỏi được, điều trị thường sẽ nhằm mục đích là kiểm soát ung thư. Những phương pháp điều trị này nhằm hạn chế sự tăng trưởng và lan rộng của khối ung thư giúp bạn tránh được các triệu chứng ung thư trong một thời gian.

    Trong một số trường hợp, điều trị nhằm mục đích giảm nhẹ triệu chứng. Ví dụ, nếu ung thư đã ở giai đoạn muộn, thuốc giảm đau hoặc một vài phương pháp khác sẽ giúp bạn bớt đau. Các phương pháp điều trị làm giảm kích thước khối u có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng do ung thư gây ra.

    Phẫu thuật

    Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối ung thư (hoặc đôi khi một phần) là phương pháp điều trị thường gặp nhất. Đôi khi các bác sĩ phẫu thuật cũng cắt bỏ một số hoặc tất cả các hạch cổ gần tuyến giáp, để xem liệu ung thư đã di căn vào chúng hay chưa. Điều này có thể giúp giảm nguy cơ ung thư tái phát sau khi phẫu thuật.
    Nếu ung thư ở giai đoạn sớm và không di căn, bạn có thể chữa khỏi bệnh chỉ bằng phẫu thuật.
    Sau khi phẫu thuật, rất có thể bạn sẽ cần phải dùng nội tiết tố tuyến giáp thay thế.

    Điều trị iodine phóng xạ

    Nhiều người được điều trị iodine phóng xạ sau khi phẫu thuật tuyến giáp. Điều trị iodine phóng xạ sử dụng iodine phóng xạ (I-131) để tiêu diệt các tế bào ung thư tuyến giáp bất cứ nơi nào trong cơ thể. Iodine phóng xạ có thể ở dưới dạng chất lỏng hoặc viên nang. Các tế bào ung thư tuyến giáp hấp thụ iodine sẽ nhận được liều phóng xạ rất cao và bị tiêu diệt. Các tế bào khác trong cơ thể không hấp thụ iodine, chúng không bị ảnh hưởng bởi chất phóng xạ iodine. Hầu hết các bức xạ sẽ được thải ra khỏi cơ thể trong một vài ngày.
    Nếu bạn bị ung thư tuyến giáp thể tủy hoặc ung thư tuyến giáp không biệt hóa, bạn sẽ không được điều trị iodine phóng xạ, vì các loại ung thư tuyến giáp này hiếm khi đáp ứng với iodine phóng xạ.

    Xạ trị

    Xạ trị là phương pháp điều trị sử dụng chùm tia bức xạ năng lượng cao tập trung vào tế bào ung thư để tiêu diệt hoặc ngăn chặn quá trình nhân lên của tế bào ung thư. Xạ trị có thể được lựa chọn nếu bạn bị ung thư tuyến giáp không đáp ứng với điều trị iodine phóng xạ.

    Hóa trị

    Hóa trị là phương pháp điều trị ung thư bằng cách sử dụng các loại thuốc tiêu diệt hoặc ngăn chặn quá trình nhân lên của tế bào ung thư. Hóa trị rất hiếm khi được sử dụng để điều trị ung thư tuyến giáp nhưng có thể được sử dụng nếu ung thư tái phát hoặc đã di căn đến các bộ phận nội tạng khác.

    Theo dõi sau điều trị

    Sau khi điều trị ung thư tuyến giáp, bạn sẽ được theo dõi và kiểm tra sức khỏe thường xuyên bởi bác sĩ chuyên khoa của bạn.
    Bạn có thể phải làm xét nghiệm thyroglobulin máu đều đặn. Thyroglobulin là một protein thường chỉ được sản sinh từ tuyến giáp khỏe mạnh, nhưng nó cũng có thể được sản sinh ra bởi các tế bào ung thư tuyến giáp dạng nhú hoặc dạng nang. Đo nồng độ thyroglobulin máu là một cách để phát hiện ra ung thư tuyến giáp dạng nhú hoặc dạng nang còn sót lại.
    Ngoài ra, bạn cũng có thể cần làm xạ hình tuyến giáp định kỳ, để phát hiện sớm ung thư tuyến giáp tái phát (nếu có).

    Thời gian dự kiến ung thư tuyến giáp sẽ như thế nào?

    Đối với nhiều người mắc bệnh ung thư tuyến giáp thời gian dự kiến là rất tốt. Những người có ung thư tuyến giáp dạng nhú hoặc dạng nang có thể được chữa khỏi hoàn toàn.
    Điều trị ung thư là một lĩnh vực đang phát triển. Nhiều phương pháp điều trị mới tiếp tục được nghiên cứu và phát triển nên các thông tin trên đây là rất chung chung. Các bác sĩ chuyên khoa có thể cung cấp chính xác hơn các thông tin về đặc điểm bệnh lý, điều trị và tiên đoán hiệu nghiệm cụ thể cho trường hợp điều trị của từng người một.

    T/S.B/S Phạm Nguyên Quý, Khoa Ung thư nội khoa, BV TW Kyoto Miniren

    Nguồn: Y Học Cộng Đồng

    Tài liệu tham khảo
    1. http://www.patient.co.uk/health/Canc...he-Thyroid.htm
    2. http://www.raddaily.com/whitepaperar...und+Evaluation
    3. http://sjccfthynet.blogspot.com/2012...odules-vs.html
    4. http://endocrinediseases.org/thyroid/nodule_fna.shtml
    Attached Files
Working...
X