Announcement

Collapse
No announcement yet.

Loại thuốc đã biến con người trở thành kẻ sát nhân

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Loại thuốc đã biến con người trở thành kẻ sát nhân

    Một bài viết trên BBC năm 2020 tuy hơi củ nhưng rất bổ ích, xin phép được tái đăng lên đây cho các bạn tham khảo thêm. Xin cám ơn đã đọc.


    (Minh họa)

    Một lần đi khám bệnh khi gần 60 tuổi đã làm thay đổi cuộc đời của "Bệnh nhân Số 5".
    Ông này bị tiểu đường, và ông đăng ký tham dự vào nghiên cứu xem liệu việc uống "statin", một loại thuốc làm giảm hàm lượng cholesterol, liệu có giúp việc điều trị bệnh hay không. Ở thời điểm đó, mọi thứ đều rất có vẻ bình thường.

    Nhưng ngay sau khi tham gia quá trình điều trị, vợ ông bắt đầu chú ý đến những chuyển biến về hành vi hung bạo. Người đàn ông trước kia từng là người điềm đạm nay trở nên nóng tính nảy lửa và không biết tự bao giờ đã có xu hướng sử dụng bạo lực trên đường phố.
    Trong một tình huống đáng nhớ, ông đã lên tiếng cảnh cáo gia đình hãy tránh xa ông, không thì ông sẽ cho họ vào bệnh viện hết.

    Lo sợ những hậu quả có thể xảy đến, "Bệnh nhân Số 5" đã ngừng không dám lái xe. Thậm chí dù ông chỉ là người ngồi trong xe, cơn nổi điên của ông cũng thường buộc vợ ông phải hủy chuyến đi và quay xe trở về nhà. Sau đó, bà để mặc ông xem TV một mình để từ từ lấy lại bình tĩnh. Bà ngày càng lo sợ cho sự an toàn của chính bản thân mình.

    Sau đó, vào một ngày nọ, Bệnh nhân Số 5 như thể đã giác ngộ ra điều gì.
    "Ông ấy kiểu 'Ôi trời, thực sự có vẻ là những vấn đề này bắt đầu từ lúc tôi đăng ký tham dự nghiên cứu này'", Beatrice Golomb, người đứng đầu một nhóm chuyên gia nghiên cứu tại Đại học ở San Diego, California, cho biết.

    Hết sức thận trọng, hai người đã tìm đến những người thực hiện cuộc nghiên cứu này.
    "Họ rất hung hãn. Họ nói rằng, hai yếu tố trên không thể nào có liên can được, họ nói ông ấy cần phải tiếp tục dùng thuốc, và nói thêm, ông ấy nên tiếp tục tham gia nghiên cứu", bà Golomb kể lại.
    Trớ trêu thay, đến mức đó bệnh nhân do đã quá tức giận đến mức ông thẳng thừng vứt bỏ lời khuyên của bác sĩ.
    "Ông ấy chửi thề thẳng vào mặt, bật dậy bỏ ra khỏi văn phòng và bắt đầu ngưng sử dụng thuốc ngay lập tức", bà kể lại. Hai tuần sau đó, tính cách cũ của ông đã trở lại bình thường.
    Tuy nhiên, có nhiều người khác không được may mắn như vậy.

    Hung hãn, mạo hiểm, nghiện cờ bạc, bạo lực tình dục...
    Qua nhiều năm, bà Golomb đã thu thập các báo cáo về bệnh nhân ở khắp nơi tại Mỹ, chuyện về hôn nhân tan vỡ, sự nghiệp bị hủy hoại, và một số lượng đáng kinh ngạc những người đàn ông đã trở nên tàn nhẫn đến mức gần như muốn giết vợ.

    Trong gần như đa số các trường hợp, triệu chứng xuất hiện khi họ bắt đầu uống thuốc statin, sau đó thình lình họ trở lại bình thường khi đã ngưng thuốc; một người đàn ông lặp lại chu kỳ này đến năm lần cho đến khi ông đã hiểu được điều gì đã xảy ra cho cá nhân ông.


    (Ảnh: Getty Images)

    Các loại thuốc chống trầm cảm không chỉ làm cho các cảm xúc bạn nhẹ nhàng hơn, chúng có thể cũng làm giảm khả năng biểu hiện ra của hệ thống thần kinh, cuộc nghiên cứu cho thấy như vậy.

    Theo bà Golomb, kinh nghiệm đã cho thấy ra điều phổ biến là với hầu hết bệnh nhân thì nguyên chỉ việc nhận ra sự biến đổi các hành vi của bản thân đã là vấn đề khó khăn chứ đừng nói đến chuyện họ có thể liên kết sự thay đổi này với việc dùng thuốc statin.

    Trong một số trường hợp, khi họ nhận ra là đã quá trễ: các chuyên gia nghiên cứu được nhiều gia đình bệnh nhân liên lạc, trong đó có cả thân nhân của một khoa học gia nổi tiếng tầm quốc tế và là cựu biên tập viên ấn phẩm về luật pháp, đã thông báo rằng, người thân của họ đã tự sát.

    Chúng ta thường quen thuộc với tính chất bẻ cong tâm trí của các loại ma tuý, nhưng hóa ra cả những dược phẩm thông thường cũng có thể gây ra tác dụng tương tự.

    Từ thuốc paracetamol (được gọi là acetaminophen ở Hoa Kỳ) đến loại thuốc antihistamines, statins, các loại thuốc hen suyễn và thuốc chống trầm cảm, có bằng chứng mới cho thấy chúng có thể khiến cho người ta bị bốc đồng, giận dữ hay đứng ngồi không yên, làm suy giảm sự cảm thông với người lạ, và thậm chí thao túng cả những khía cạnh căn cơ nhất trong tính cách, ví dụ việc bị nhạy cảm cao độ.
    Với hầu hết nhiều người, những sự thay đổi trên rất tinh vi, và khó để nhận biết ra. Nhưng trong một số trường hợp, chúng cũng có thể tạo ra nhiều kịch tính trong cuộc sống.

    Trở lại vào năm 2011, một người đàn ông người Pháp có hai con, đã kiện công ty dược phẩm GlaxoSmithKline vì cho rằng loại thuốc mà ông đang uống để chữa bệnh Parkinson đã biến ông trở thành kẻ cờ bạc và nghiện chuyện làm tình với người đồng tính, và việc dùng loại thuốc đó đã gây ra những hành vi nguy hiểm khiến cho ông đã bị hiếp dâm.

    Sau đó vào năm 2015, có một người đàn ông chuyên nhắm đến việc săn tìm các cô gái trẻ trên mạng nói rằng loại thuốc chống béo phì tên Duromine đã khiến cho ông thực hiện các hành động như vậy. Ông nói rằng, loại thuốc đó đã làm suy giảm khả năng tự kiềm chế sự bốc đồng của ông.

    Hết lần này đến lần khác, những kẻ giết người đang cố gắng đổ tội cho thuốc giảm đau hay thuốc chống trầm cảm khiến cho họ đã gây ra tội ác.
    Nếu những tuyên bố trên là thật, thì hậu quả sẽ to lớn vô cùng.

    Danh sách những "tội đồ" này bắt nguồn từ một trong số những loại thuốc được tiêu thụ rộng rãi nhất trên hành tinh này, nghĩa là thậm chí dù hiệu ứng gây ra có rất nhỏ ở mức độ cá nhân, nhưng chúng có thể định hình ra tính cách hung hản của hàng triệu người khác.

    Nghiên cứu về những hiệu ứng này đến vào thời điểm này là tốt hơn bao giờ hết.
    Thế giới đang chìm trong khủng hoảng lạm dụng thuốc men, với chỉ riêng Hoa Kỳ đã mua đến 49,000 tấn paracetamol mỗi năm, tương đương với 298 viên thuốc paracetamol cho mỗi người và trung bình người Mỹ tiêu thụ số lượng thuốc được kê toa trị giá khoảng 1,200 USD mỗi năm.


    (Ảnh: Getty Images)

    Trong khi dân số thế giới đang già đi, sự thèm khát sử dụng thuốc của con người đã tăng cao không ngớt đến mức bị mất kiểm soát. Riêng ở Anh Quốc, cứ 10 người trên 65 tuổi có một người sử dụng đến 8 loại thuốc mỗi ngày.

    Bằng cách nào những loại thuốc này lại có ảnh hưởng đến não bộ của chúng ta? Và liệu có nên ghi rõ lời cảnh cáo trên bao bì hay không?

    Tác dụng phụ tai hại
    Ban đầu bà Golomb nghi ngờ có mối liên hệ giữa thuốc statins và sự thay đổi tính cách trong gần hai thập niên, sau một loạt những khám phá kỳ bí, như tình trạng những người có mức cholesterol thấp hơn thường có xu hướng chết rất bạo lực.

    Vì vậy, vào một ngày nọ, bà nói chuyện với một chuyên gia về cholesterol về khả năng có mối liên hệ này, nhưng ông đã gạt bỏ và cho rằng, rõ ràng đó là điều vô lý. "Tôi đáp, 'Làm sao mà chúng ta biết được?'", bà kể lại.

    Tràn đầy sự cương quyết, bà Golomb đã đào bới những văn bản khoa học và y khoa để tìm các thông tin.
    "Số lượng bằng chứng lại nhiều hơn thật bất ngờ so với những gì tôi đã tưởng tượng", bà chia sẻ. Và có một thứ, đó là bà "đã tìm ra những nghiên cứu cho thấy rằng nếu bạn cho động vật linh trưởng ăn kiêng theo chế độ ít cholesterol, chúng sẽ trở nên hung hãn hơn".

    Thậm chí còn có cả một cơ chế tiềm năng: đó là nếu chúng ta làm giảm lượng cholesterol ở động vật thì có vẻ như điều đó sẽ tác động đến nồng độ serotonin, một hóa chất quan trọng trong não có liên quan đến việc điều tiết cảm xúc và hành vi xã hội ở động vật. Chẳng hạn như ruồi giấm bắt đầu đánh nhau nếu chúng ta làm rối loạn hàm lượng serotonin của chúng.

    Điều này cũng có thể gây ra một số hiệu ứng khó chịu ở người, qua nhiều cuộc nghiên cứu liên kết nó với hành vi bạo lực, sự bốc đồng, tự tử và giết người.

    Nếu thuốc statins gây ra tác động đến não người, có nhiều khả năng đó là do tác dụng trực tiếp của chúng trong việc làm giảm cholesterol.

    Kể từ đó, có nhiều bằng chứng trực tiếp khác đã xuất hiện. Nhiều cuộc nghiên cứu khác đã củng cố mối liên hệ tiềm ẩn giữa sự cáu kỉnh và thuốc statins, trong đó có một sự thử nghiệm kiểm soát ngẫu nhiên, vốn là tiêu chuẩn vàng của các cuộc nghiên cứu khoa học mà bà Golomb là người đứng đầu, đã thực hiện trên 1,000 người.

    Nghiên cứu này đã phát hiện ra loại thuốc này làm gia tăng sự hung hãn ở những phụ nữ trong thời kỳ hậu mãn kinh, và lạ thay, lại không gây ra hiệu ứng gì ở đàn ông.

    Trong năm 2018, một cuộc nghiên cứu khác phát hiện ra hiệu ứng tương tự ở loài cá.
    Khi chúng ta nạp chất statins cho loài cá rô phi ở sông Nile, Ai Cập, chúng sẽ trở nên hung hãn hơn và quan trọng là, việc đó làm biến đổi hàm lượng serotonin trong não của chúng.
    Điều này cho thấy cơ chế liên hệ giữa cholesterol và vấn đề bạo lực có thể đã có xuất hiện từ hàng triệu năm trước đây.

    Bà Golomb vẫn tin rằng, thuốc làm giảm hàm lượng cholesterol và nói cụ thể hơn là statins có thể gây ra những sự thay đổi trong các hành vi ở cả đàn ông và phụ nữ, mặc dù mức độ của hiệu ứng xảy ra rất khác nhau tùy theo người.

    "Có một loạt các bằng chứng hội tụ lại", bà nói và trích dẫn một cuộc nghiên cứu mà bà thực hiện ở Thụy Điển, liên quan đến sự so sánh thông tin về hàm lượng cholesterol ở 250,000 người với tỷ lệ các tội phạm.
    "Ngay cả khi đã điều chỉnh những yếu tố trùng hợp, thì kết quả vẫn là những người có hàm lượng cholesterol thấp, ở mức tối thiểu, có nhiều khả năng hơn hẳn là sẽ bị bắt về tội ác bạo lực".


    Nghiên cứu cho thấy ruồi giấm cũng trở nên hung hãn hơn khi hàm lượng serotonin của chúng bị đảo lộn (Ảnh: Getty Images)

    Nhưng sự phát hiện đáng lo ngại nhất của bà Golomb không phải là tác động mà những loại thuốc thông thường gây ảnh hưởng đến nhân cách của con người mà là hiện có rất ít sự quan tâm để đào sâu tìm hiểu thêm chúng.
    "Có nhiều thứ quan trọng hơn mà bác sĩ có thể dễ dàng đo lường được", bà chia sẻ, và giải thích rằng trong một thời gian dài, các cuộc nghiên cứu về tác dụng phụ của thuốc statins đều chỉ tập trung vào cơ bắp và gan, vì bất cứ vấn đề gì xảy ra với những bộ phận nội tạng này đều có thể được phát hiện qua việc xét nghiệm máu thông thường.

    Đây cũng là điều mà Dominik Mischkowski, người nghiên cứu về cơn đau từ Đại học ở Ohio đã chú ý.
    "Thực ra có khoảng trống rất lớn trong các cuộc nghiên cứu về hiệu ứng của thuốc gây ra tác động lớn nhỏ và tốt xấu lên tính cách và hành vi con người", ông này cho biết.
    "Chúng ta biết rất nhiều về hiệu ứng sinh lý của các loại thuốc trên, ví dụ như liệu chúng có tác dụng phụ nào với cơ thể hay không. Nhưng chúng ta không hiểu chúng sẽ có ảnh hưởng ra sao đến các hành vi của con người".

    "Kẻ thủ ác" trong thuốc paracetamol
    Nghiên cứu của ông Mischkowski đã phát hiện tác dụng phụ "tội lỗi" của paracetamol.
    Trong thời gian dài, giới khoa học đã biết rằng loại thuốc này làm giảm cơn đau trong cơ thể bằng cách làm giảm hoạt động ở một số vùng trong não bộ, như vỏ nảo, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc biểu hiện ra các cảm xúc con người.

    Những vùng này cũng có liên can đến các trải nghiệm đau đớn về mặt xã hội của con người và đáng ngạc nhiên thay, thuốc paracetamol đã khiến cho người ta cảm thấy dễ chịu hơn sau khi bị khước từ.

    Và một cuộc nghiên cứu gần đây đã tiết lộ vùng này của hệ thống thần kinh chức nhiều chức năng hơn hẳn so với những gì mà chúng ta từng nghĩ trước đó, vì hóa ra trung tâm đau đớn của não bộ cũng là nơi mà sự thấu cảm đang có mặt.
    Chẳng hạn, những bản chụp cộng hưởng từ chức năng fMRI (functional magnetic resonance imaging) cho thấy, những vùng tương tự trong não của con người được kích thích khi chúng ta cảm thấy "thấu cảm tích cực" (vui vẻ vì người khác) cũng như khi chúng ta cảm nhận ra sự đau đớn.

    Với các thông tin đó, ông Mischkowski tự hỏi rằng, liệu loại thuốc giảm đau này có thể khiến cho người ta sẽ khó cảm thấy cảm thông hơn không.

    Đầu năm 2020, cùng với nhiều đồng nghiệp ở Đại học ở Ohio, ông cho thực hiện cuộc nghiệm đối với một số sinh viên. Ông chia họ thành hai nhóm, một nhóm nhận được liều thuốc 1,000 mg paracetamol, nhóm còn lại chỉ nhận được "giả dược" (placebo).

    Sau đó, ông yêu cầu các sinh viên đọc các kịch bản về những sự trải nghiệm tích cực đã xảy ra với người khác, như sự may mắn của "Alex", người cuối cùng đã đủ sự dũng cảm mời một bạn gái hẹn hò (và được cô ấy nhận lời).


    L-dopa là loại thuốc thành công nhất trong chữa trị bệnh Parkinson nhưng nó có thể có tác dụng phụ, khiến cho người bệnh hành động bốc đồng nhiều hơn (Ảnh: Getty Images)

    Kết quả cho thấy thuốc paracetamol làm suy giảm đáng kể khả năng cảm thông tích cực của con người, kết quả này đi cùng với sự tương quan cho thấy loại thuốc này đang định hình về mối giao tiếp xã hội của hàng triệu người mỗi ngày.

    Mặc dù cuộc thí nghiệm này không tìm hiểu về sự cảm thông tiêu cực, nơi mà người ta trải nghiệm và liên hệ với nỗi đau của người khác, nhưng ông Mischkowski nghi ngờ rằng, người ta cũng khó có cảm giác này sau khi được uống thuốc.
    "Tôi hoàn toàn không phải là nghiên cứu sinh mới vào nghề nữa, và thành thật mà nói, những cuộc nghiên cứu mà tôi vừa thực hiện là thực sự đáng lo ngại nhất", ông chia sẻ.
    "Đặc biệt vì tôi để ý đến số lượng người có liên quan. Khi bạn đưa cho ai đó thuốc, bạn không chỉ đơn giản là đưa thuốc cho họ mà bạn đưa loại thuốc đó cho cả hệ thống xã hội. Và người ta thực sự không hiểu được hết hiệu ứng mà những loại thuốc đó gây ra trong bối cảnh rộng hơn".
    Sự thấu cảm này không chỉ quyết định ra, liệu bạn có phải là một người "dễ chịu" hay liệu bạn "có khóc khi xem bộ phim buồn hay không".

    Cảm xúc thường đi đôi với rất nhiều lợi ích trong thực tế đời sống, mà trong đó có cả những thứ như tình yêu ổn định hơn, trẻ em cư xử đúng mực hơn, và người trưởng thành thành công hơn trong sự nghiệp. Một số khoa học gia thậm chí từng cho rằng, thuốc men phải chịu trách nhiệm cho sự thăng hoa của nhân loại.

    Trong thực tế, lướt qua rất nhiều tác dụng của thuốc làm sụt giảm khả năng cảm thông của con người, thì đây không phải là chuyện bình thường nữa.

    Về mặt kỹ thuật, thuốc paracetamol không làm thay đổi triệt để tính cách con người, vì thuốc chỉ gây ra tác dụng trong vài giờ và có rất ít người sử dụng thuốc này thường xuyên.

    Nhưng ông Mischkowski nhấn mạnh rằng, người ta cần phải được biết về cách mà thuốc gây ra ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta, từ đó chúng ta có thể biết để đưa ra sự chọn dùng thuốc theo cách hợp lý thường tình.

    "Cũng như chúng ta luôn phải nhận thức rõ ràng rằng bạn không nên ngồi lái xe nếu đang bị ảnh hưởng bởi rượu bia, bạn cũng không muốn rơi vào tình thế là mình khi uống paracetamol rồi sau đó phải có phản hồi về mặt cảm xúc như trò chuyện nghiêm túc với đối tác hay đồng nghiệp".

    Những mối liên hệ phức tạp
    Một lý do mà các loại thuốc gây ra tác dụng mạnh về mặt tâm lý là vì cơ thể không đơn thuần là một túi chứa các nội tạng tách rời nhau, đầy hóa chất với những chức năng rõ ràng, thay vào đó, cơ thể là một mạng lưới chung, với rất nhiều quy trình khác nhau có sự nối kết liên tục với nhau.

    Chẳng hạn, giới khoa học từ lâu đã biết những loại dược phẩm dùng để điều trị bệnh hen suyễn thỉnh thoảng có liên hệ với tình trạng thay đổi hành vi, như gây ra sự năng động quá mạnh mẽ và phát sinh ra hội chứng năng động giảm chú ý (ADHD).

    Gần đây, các cuộc nghiên cứu cũng phát hiện ra mối liên hệ bí ẩn giữa hai hội chứng rối loạn nói trên; khi một người mắc phải một hội chứng thì nguy cơ dính thêm hội chứng kia lên đến 45-53%.

    Không một ai hiểu lý do là tại đâu, nhưng có một cách giải thích, đó là thuốc điều trị hen suyễn gây ra triệu chứng năng động giảm chú ý vì sẽ biến đổi hàm lượng serotonin hoặc hóa chất gây viêm, vốn được cho là có liên can đến việc gây ra cả hai tình trạng cảm xúc nói trên.


    (Ảnh: Getty Images)

    Đôi khi những liên hệ trên sẽ biểu hiện ra rõ ràng hơn.

    Vào năm 2009, một nhóm các chuyên gia tâm lý từ Đại học Tây Bắc, tiểu bang Illinois quyết định kiểm tra xem liệu thuốc chống trầm cảm có gây ảnh hưởng gì đến tính cách hay không.

    Cụ thể, nhóm nghiên cứu này quan tâm đến tình trạng bất ổn về cảm xúc. Yếu tố này nằm trong tính cách "Năm Yếu tố ở con người", được tóm tắt lại là gồm các cảm giác lo âu, chẳng hạn như sợ hãi, ghen tuông, ganh ghét và thấy tội lỗi.

    Để thực hiện, nhóm này tuyển mộ những người trưởng thành đang trải qua tình trạng bị trầm cảm trung bình hoặc nặng.

    Họ cho một phần ba số người tham gia nghiên cứu uống thuốc chống trầm cảm paroxetine (một loại hóa chất nổi tiếng với tính năng ức chế serotonin-SSIR), một phần ba trong dố đó dùng giả dược, và một phần ba còn lại sử dụng liệu pháp trò chuyện.
    Sau đó, những người này được kiểm tra để xem xét tính cách và tâm trạng họ đã thay đổi ra sao từ khi bắt đầu đến hết chu kỳ điều trị trong 16 tuần.

    "Chúng tôi nhận thấy có thay đổi rất lớn trong mức tâm lý bất ổn đối với nhóm sử dụng thuốc, và có rất ít sự biến đổi xảy ra với nhóm dùng giả dược hay liệu pháp tâm lý". Robert DeRubeis, một người tham gia nghiên cứu, nói. "Điều này rất đáng kinh ngạc".

    Điều gây ra ngạc nhiên lớn là những người uống thuốc cảm thấy họ bớt trầm cảm, và mức rối loạn tâm lý thì lại càng giảm mạnh hơn hẳn, thuốc có tác động lên tình trạng rối loạn tâm lý một cách độc lập so với tác động lên tình trạng trầm cảm. Bệnh nhân sử dụng thuốc chống trầm cảm bắt đầu ghi điểm nhiều hơn về mặt hướng ngoại.

    Quan trọng là người ta phải chú ý đây chỉ là một cuộc nghiên cứu khá nhỏ, và vẫn chưa có ai lặp lại sự thử nghiệm này, vì vậy không hẳn là thông tin hoàn toàn đáng tin cậy.

    Tuy nhiên, ý tưởng cho rằng thuốc chống trầm cảm có tác động trực tiếp đến sự rối loạn tâm lý là một ý tưởng rất thú vị. Có một cách giải thích, đó là yếu tố bất ổn về cảm xúc có liên quan với nồng độ serotonin trong não, thứ đã bị thay đổi do thuốc SSRI.

    Có nên hay không nên dùng thuốc?
    Dù việc làm giảm rối loạn tâm lý nghe có vẻ là một tác dụng phụ hấp dẫn, nhưng đó không hẳn là tin tốt lành do khía cạnh này trong tính cách con người giống như con dao hai lưỡi.

    Quả thực là tình trạng rối loạn tâm lý gắn với rất nhiều hậu quả không hay, ví dụ như chết sớm.
    Thế nhưng, cũng có người cho rằng lo lắng và suy nghĩ thái quá có thể có ích. Ví dụ, những người bị rối loạn tâm lý có xu hướng không thích mạo hiểm, và trong một số tình huống, sự lo âu có thể giúp cải thiện khả năng làm việc của con người.


    (Ảnh: Getty Images)

    Các loại thuốc làm giảm bớt cholesterol đã cứu sống hàng chục ngàn người mỗi năm, vì vậy mọi người nên nghe sư góp ý của bác sĩ trước khi bỏ ngang không sử dụng đến nữa.

    "Những gì mà bác sĩ tâm thần người Mỹ Peter Kramer cảnh cáo chúng ta là khi ai đó đang dùng thuốc chống trầm cảm, thì điều có thể xảy ra là họ bắt đầu không quan tâm đến những thứ mà mọi người thường bận tâm", DeRubeis giải thích.

    Nếu kết quả là như vậy thì liệu bệnh nhân có nên được cảnh cáo là phương pháp điều trị có thể khiến cho họ sẽ biến đổi trong hành vi cư xử xấu tốt ra sao hay không?
    "Nếu tôi đang góp ý cho bạn bè, tất nhiên tôi sẽ muốn họ cảnh giác với những hiệu ứng không mong muốn như vậy, cũng như họ sẽ phải chú ý đến những tác dụng phụ khác, như liệu họ có bị tăng cân không, và còn nhiều thứ khác nữa", DeRubeis chia sẻ.

    Ở điểm này thì đáng lưu ý là không có ai tranh cãi rằng, mọi người nên ngưng sử dụng thuốc.
    Mặc dù có những hiệu ứng khó thấy xảy ra với não bộ, nhưng thuốc chống trầm cảm đã chứng tỏ rằng nó giúp hạn chế tình trạng tự tử, thuốc statins làm giảm độ cholesterol đã cứu sống hàng ngàn người mỗi năm, và paracetamol có tên trong danh sách những loại thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) do khả năng giúp làm giảm đau.

    Điều quan trọng là mọi người nên được biết về bất cứ tác dụng phụ nào có thể có đối với tâm lý của người sử dụng thuốc.
    Đây là vấn đề hoàn toàn cấp bách, khi bạn nhận thấy rằng có một số biến đổi về nhân cách có thể xảy ra cho mình theo hướng đầy kịch tính.

    Có bằng chứng rõ ràng cho thấy thuốc L-dopa, dùng để chữa trị bệnh Parkinson, làm tăng rủi ro rối loạn kiểm soát xung điều khiển (ICD), một nhóm các cảm xúc khiến cho người ta khó cưỡng lại sự xúi giục và thúc bách. Kết quả là, thuốc này có thể gây ra những hậu quả làm hủy hoại cuộc đời, chẳng hạn một số bệnh nhân bất thình lình ưa mạo hiểm hơn, trở thành kẻ mắc bệnh ghiền đánh bạc, ghiền mua sắm, hay trở thành kẻ tấn công tình dục.

    Trong năm 2009, một loại thuốc có tính chất tương tự đã xuất hiện trên báo, sau khi một người đàn ông bị bệnh Parkinson lừa đảo tiền vé đến 45 ngàn bảng Anh. Ông đổ lỗi hành vi này cho việc uống thuốc, cho rằng thuốc đã làm thay đổi hoàn toàn tính cách của ông.

    Sự liên hệ với hành vi bốc đồng là có lý, bởi vì thuốc L-dopa về bản chất là cung cấp cho não bộ một liều dopamine bổ sung trong bệnh Parkinson, một phần của não sản sinh ra chất này dần dần bị hủy hoại và liều hormone này khi cung cấp cho chúng ta cảm giác vui vẻ và được tưởng thưởng.

    Các chuyên gia cũng đồng tình rằng, thuốc L-dopa là cách điều trị hiệu nghiệm nhất cho rất nhiều triệu chứng khác nhau của bệnh Parkinson, và thuốc được kê toa cho hàng ngàn người ở Hoa Kỳ mỗi năm. Điều này bất chấp một danh sách dài những tác dụng phụ đi kèm với thuốc này, vốn rõ ràng có đề cập đến rủi ro của những sự thôi thúc mạnh mẽ bất thường, như đánh bạc hay tình dục.

    Trong thực tế, các chuyên gia như DeRubeis, Golomb và Mischkowski,... tất cả đều có ý kiến rằng những loại thuốc họ đang nghiên cứu sẽ tiếp tục được sử dụng, cho dù tác dụng phụ tiềm ẩn về tâm lý sẽ ra sao.

    "Bạn cũng biết đấy, chúng ta vốn là con người mà", Mischkowski nói. "Chúng ta uống rất nhiều loại thuốc mà không hẳn lúc nào cũng tốt cho mọi tình huống. Tôi luôn sử dụng ví dụ về rượu bia, bởi vì nó cũng là thuốc giảm đau như paracetamol. Tôi uống rượu vì tôi cảm thấy nó có ích cho mình, và cũng tốt thôi miễn là bạn uống trong đúng tình huống và bạn không uống quá nhiều".

    Nhưng để có thể giảm thiểu bất cứ tác dụng không mong muốn nào và tận dụng được tối đa số số lượng thuốc nhiều đến choáng ngợp mà chúng ta uống mỗi ngày, MIschkowski lặp lại rằng, chúng ta cần phải nâng cao kiến thức hiểu biết nhiều hơn.

    Vì, theo ông cho biết, hiện giờ cách mà các loại thuốc đang tác động vào hành vi của từng người và thậm chí tác động đến cả xã hội, vẫn còn là điều bí ẩn.

    Nội dung bài viết chỉ nhằm cung cấp các thông tin tổng quát, không thay thế cho cho các tư vấn về chăm sóc sức khỏe từ bác sĩ hay các chuyên gia y tế. BBC không chịu trách nhiệm hay có trách nhiệm pháp lý nào với những sự chẩn đoán mà độc giả đưa ra dựa trên nội dung bài viết. BBC không ủng hộ cho các sản phẩm hay dịch vụ nào được nêu trong bài hay được tư vấn trên các trang mạng. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn thấy lo ngại về sức khỏe cá nhân.

    Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.
Working...
X