Announcement

Collapse
No announcement yet.

Giữ Rịt Tiếng Nói Lục Tỉnh Để Muôn Đời Làm Người Miền Nam

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Giữ Rịt Tiếng Nói Lục Tỉnh Để Muôn Đời Làm Người Miền Nam

    Click image for larger version

Name:	1434344641-nvezrom1__hvma.jpg
Views:	441
Size:	72.8 KB
ID:	160287
    (ảnh minh họa)

    Người Miền Nam trong xưng hô, khi ám chỉ ngôi thứ 3 mà không có mặt người đó thì hay xài kiểu "ảnh, "chỉ", "ổng", "bả", "con mẻ", "thằng chả".

    Khi quen nhau ta nghe người đó xưng "anh" và kêu là "em" ngọt xớt. Anh và em là thông dụng, kể cả thằng chồng nhỏ tuổi hơn con vợ cũng là anh, vợ phải kêu là anh xưng em. Vợ mà kêu trỏng trỏng kiểu "cái thằng đó" hay "ê mậy" là sẽ bị nói là mất văn hóa.

    Nhiều bà chị dâu Sài Gòn ngọt hơn đường cát, nói chuyện với em chồng khi nhắc chồng kiểu "Anh hai của mấy đứa", nói với má chồng lại "Trưởng nam của ba má".

    Chị dâu mà xưng chị, kêu "cưng" nghe nó đã gì đâu á. Nhưng cũng coi chừng, mật ngọt chết bầy ruồi đó.

    "Cười lên cho ấm phút chia phôi
    Em ơi chớ sầu bi, anh đi nữa anh về"

    Người Nam Kỳ ngộ lắm, mới yêu nhau thì viết thơ kêu "hai đứa mình"

    "Thức trắng đêm nay ghép lại nhật ký của hai đứa mình
    Đã nói cho nhau những lời âu yếm nhất trên cõi đời"

    Lấy nhau thì xưng anh em, mình và tui, ba thằng này, má con kia. Còn khi căng căng, giận nhau, hơi có chút lẫy thì nói trỏng kiểu ông bà và tui.

    Nhiều lần đã nói, người Miền Nam không có "nhé" và "ạ", câu thường xuyên xài trong văn nói của người Nam Kỳ là "nghen".

    Mùi nào đặc trưng của Lục Tỉnh mình hả các bạn?

    Rơm vừa đập lúa xong rồi phơi nắng gió, sương vài bữa, xong thì kéo về chất thành cây rơm, rơm dập làm rơm bay mùi thơm ra, cái mùi thiệt đã, mùi cứ thoang thoảng đâu đây, thơm quá xá là thơm, mùi rơm rạ sau khi đã được tuốt hết những hột lúa.

    Cái mùi hắc hắc, nhưng nó không có nặng mùi bùn nha, ruộng khô rồi, nó thơm nhẹ mùi của cỏ cây đã khô, quyến luyến chút mùi cỏ dại, thêm chút mùi lúa chín, rồi hòa cùng gió đồng chiều.

    Những ai từng ở quê sẽ có vườn và cây, nhớ cảnh trèo cây mỗi ngày. Có ba mùi ta nhớ da diết, mùi bông ổi, mùi lá ổi và mùi trái ổi.

    Mỗi khi bị cảm nồi lá xông có lá ổi, lá sả là niềm đam mê của người dân miền quê.

    Thèm quá đi, mùi lá chuối trong những món bánh trái, gói xôi bọc bằng lá chuối, nhớ tới cái bánh quy có miếng lá chuối tròn vo lót dưới đít, miếng lá chuối lót dưới xửng xôi vị, nhớ tới trái chuối nướng bọc lá chuối đang nướng tròn quây mập ú, mùi lá chuối mới của bánh ít.

    Hương đồng gió nội

    Đó là quê nhà, là xứ sở bùn sình của ông bà mình, đó là đồng ruộng thẳng cánh cò bay, có những con đê nhỏ xíu, có tiếng dế ré te te, mùi lúa, mùi của những giọt mồ hôi, mùi của niềm vui khi vụ mùa bội thu

    Thích hơi gió, yêu mùi bùn, nhớ mùi rơm, thèm mùi cơm mới

    "Nhớ ơi là nhớ
    ngày xa
    thuở còn trẻ tuổi
    đi xa lâu về
    chỉ vừa mới tới bến quê
    mùi rơm rạ"

    Và ghiền nghe cái mùi của giọng nói Miền Nam nữa. Nhớ mỗi khi em út năn nỉ gì thì hay kèm theo câu "hén anh!", "hen chị!", "nghen", "hen", "hén"

    “Thôi, tui dìa nghen!”,“Ừ, dzậy anh dìa hén!”

    Cái chữ 'nghen' "hén' là chữ mùi mẫn, ngọt ngất trong lời nói Miền Nam

    Nam Kỳ mình có câu "mùi" khi đi coi hát

    Mùi là hát hay, hát cái giọng nó êm ru mà thấm vô từng chưn lông sợi tóc, tóc tay dựng đứng, khán giả khóc ràn rụa nước mắt, cứ nghĩ trên sân khấu cũng là chính cuộc đời mình.

    Diễn là mùi mẫn, còn hát thì ít khi xài mùi, nhưng nói hát mùi quá cũng không sai, câu ca mùi bậc nhứt chốn ruộng đồng.

    Hát thì ngọt như mía lùi, ngọt như đường phèn ngọt như mật ong

    “Trời ơi, con nhỏ này hát ngọt như mía lùi tụi bây ơi”

    Chữ mùi này độc quyền Nam Kỳ, chỉ khi ca cải lương vô vọng cổ, xuống xề, hát lý, hát nhạc vàng mà ca sĩ có giọng mang chút dân ca Nam Kỳ thì mới xài chữ mùi đặng.

    Người Nam Kỳ hát mới ra chữ mùi nha, như cô Hoàng Oanh, cô Hương Lan

    Người Nam thích xưng thứ, ít khi kêu tên tục. Nhưng thứ thì hàng trăm, tỷ như trong xóm có tới mười ông bà thứ Tư thì kêu làm sao cho khỏi lộn.

    Dễ ẹt! kêu theo nghề, có bà Tư bánh ít, có bà Tư hột vịt lộn. Rồi có bà Tư ốm, bà Tư ù, bà Tư chèn nhẹt.

    Trong xóm có ông kia thứ tư tên là Bốn nên tên là Tư Bốn, mà gặp thì "Con thưa ông Tư", nhưng phải có biệt danh gì ghi nhớ để phân biệt chứ. Có liền, hồi xa xưa có lần ổng xỉn xớ rớ thò tay "chúm" ngay boong bà kia, vậy là ổng có tên là ông Tư Chúm.

    Nhiều bạn hỏi vậy chứ giọng Sài Gòn khác giọng các vùng khác ở Miền Nam không?

    Cơ bản là không khác, âm Nam Kỳ cũng như nhau. Cái giọng mùi, ngọt ngất cùng một kiểu mà thôi.

    Nhưng giọng người Sài Gòn thì khác chút đỉnh, nó không kéo dài ra, nó khá hiện đại thực dụng, âm nó dứt khoát. Người Sài Gòn phân biệt rõ âm chữ "g" và "r"

    Còn vài vùng Miền Tây thì hơi "mùi" một chút khi âm khá "sến" ,họ nhựa nhựa một chút, chữ r phát âm thành chữ "g" hết, thí dụ: rồi thành gồi, rượu thành gụ, cá gô gột gẹc.

    Nghe than "Chời đất ưi! sao mà tui gầu thúi guộc nè chời!"

    Dân Cần Thơ nói hồn nhiên “ăn cơm dồi”, "dõ dàng", "dậm dật", "mưa dáo dòi", Ông Chín Rồi mà kêu cứ thành Ông Chín Gồi không hà.

    Vĩnh Long nói cái gì nhiều thì gì cũng "nhóc luôn", lúa nhóc luôn, tiền nhóc luôn, con cháu nhóc luôn, trái cây chín đầy vườn cũng nhóc luôn.

    Long An thì nhiều là "Hàng hà", "minh mông", "tràng giang đại hải", lớn là "bành ky", "tổ chảng"

    Miền Tây nhậu nặng đô dữ dội, chuyện này có từ ngày xưa lận. Hồi xưa nhậu lai rai, tài tử, nhậu sương sương chơi sau những giờ làm đồng nặng nhọc thôi. Vài chung cửng cửng, ôm đờn lên dây làm một tăng đờn ca tài tử nghe rỉ rả nát cả lòng người.

    "Dí dầu cầu ván đóng đinh
    Cầu tre vắt vẻo, ghập ghềnh khó đi
    Khó đi mượn chén ăn cơm
    Mượn ly uống rượu, mượn đờn kéo chơi
    Kéo chơi ba tiếng đờn cò
    Ðứt dây đứt nhợ quên hò sự xang"

    Ngày nay dân Miền Tây nhậu cho quên đời, cho chết, cho banh gan banh phổi, nhậu mải mê làm giàu cho bác sĩ.

    Chưa bao giờ dân Miền Tây lại nhậu ngất trời như bây giờ, nhậu chiều say sáng chôn, đàn bà nhậu, đàn ông nhậu, con nít nhậu.

    Bạn bè gặp nhau, câu thăm hỏi đầu tiên "Lúc này nhậu dữ dằn không?", "Nhậu có lên đô không?", và kết thúc bằng câu "Mày quỡn hông, đi làm vài ve (vài xị) với tao?"

    "Chim khôn thì kiếm cây lành mà đậu
    Còn gái khôn thì kiếm trai ăn nhậu mà nhờ
    Ngày sau chết bụi chết bờ khỏi chôn"

    Bị thụt lùi, bị thời cuộc bỏ quên trong xã hội. Cái vùng dân đông, mọi thứ coi mòi đi xuống, cuộc sống làm thuê làm mướn, tha hương, và chung "gụ" là ánh sáng cứu vớt một số người.

    Một số người Miền Tây có "gụ" vô mới tự tin, mới dám phát ngôn, mới có cảm giác làm một người bình thản.

    Ai cũng nói rằng người Nam Kỳ hiếu khách, hào phóng, hào sảng, thích làm thân mau lẹ, rột rẹt vậy mà biết thương con người đồng văn, biết nhìn ngó nét mặt người khác.

    Nhưng sao mà cái nỗi buồn Phương Nam này ngày càng sâu, càng đậm, nỗi đau thân phận triền miên, chung rượu có cứu vớt đời nhau được không?

    "Người Phương Nam buồn thì buồn sâu
    Nỗi nhớ cố hương còn chếch choáng
    Văng vẳng ầu ơ, giọng ví dầu"

    Được cho nhiều mỹ tự huyễn hoặc nhưng phận người Miền Nam như cọng rau đắng đất mọc ngoài bờ ruộng, bờ hè vậy, bơ vơ và lẻ loi nhưng bám riết lấy đất làng đất ấp.

    Nhớ hồi xưa,ông bà mình hay nói những chữ "y" rất ngộ. Tỷ dụ như vàng 24 kara kêu là "vàng y". Bắc kêu là vàng mười. Rồi thì giống quá kêu là “y hệt”, “y chang”,"y thinh"

    Sống côi cút một mình xưng là "tui nhứt y nhứt quởn". Còn đi một mình kêu là "mình ên", “Dạ, em đi mình ên”

    Đi mà cà hướt cà hửi, đi vung tay vung chân, đi kiểu đó kêu là "tè be tè bảnh"

    Còn làm gì mà không xong, có mòi không ra cái gì kêu là "trớt quớt"

    Người Miền Tây có kiểu kêu vui, những ai không thành công, trớt quớt là "huốt", "huốt rồi" là trắng tay rồi.

    Nhiều bộ phim cốt kịch bản là Miền Tây mà biên kịch cho người ta đi mượn tiền mua gạo mà nói "vay" tiền là không xong.

    Nam Kỳ phân biệt rõ, giúp đỡ nhau tiền gọi là “cho mượn”, không bao giờ nói là “cho vay”, còn cho vay là có tiền lời.

    Ngày nay văn hóa Miền Nam bị lai tạp dữ dằn, con nít nói tạp nham phát rầu, các bậc phụ huynh đang coi con mình uốn nắn lại.

    Lâu lâu đi xa nghe tụi nhỏ làm màu thấy thương quá xá, gì mà "hoy", "mệt à!" rồi "quải chè đậu quóa", "mệt thấy ông bà ông vãi"

    Vui á, nghe rất vui, đưa lỗ tai ráng nghe tụi nhỏ nói chuyện mà cười

    “Hổng còn gì nói với tao nữa, dzậy thôi nghen!”. Hay nghen là tao xách đít dzìa á.

    “Hay hén mậy?” là khen á, là lát... rủ nhậu à. Rủ là phải đi nha, không là bị quê xệ, quê khó quề (huề) à.

    Ngôn ngữ Nam Kỳ có nhiều chữ có bà con với người Tàu, nó là đặc sản luôn.

    Xúc là chú, Ché là chị, Có là anh, Mủi là em, Xẩm là thím, Dí là dì. Tàu hay thêm chữ A vô trước, thí dụ kêu A Ché à, A Mủi à.

    Người Tàu mà, vợ chồng xưng hô cứ mày tau làm tới.

    Nhiều bà xẩm lấy chồng Việt, tiếng Việt bả không có rành nhiều, thành ra chửi lộn mà không có lợi ông chồng, bả chửi chồng mà châm thêm tiếng Quảng cười lộn ruột. Có mỗi câu ”Chời lất quỷ thần ơi, mày là thằng quỷ à” mà bả chửi suốt.

    Người Nam Kỳ chúng ta trầy vi tróc vẩy để có miếng đất nhỏ xíu này làm nhà, làm cửa, làm ruộng, làm vườn, lập xứ để lại cho con cháu.

    Cái nền văn hóa Nam Kỳ Lục Tỉnh không phải tự nhiên mà có, ông bà tổ tiên dày công mà ra.

    Chúng ta thương và kính trọng vì cái ơn đó.

    Tuy nhiên hãy nhìn nhận ở mức độ văn hóa, tư tưởng và quyền lợi. Đừng quan trọng và nghiêng về nhang khói vì bản chất kính thờ tổ tiên, kính thờ tiền nhân rất đơn giản.

    "Bần hàn" là một chữ của người Nam Kỳ Lục Tỉnh. Bần hàn là nghèo khó nhưng không rách nát. Sống bần hàn có thể thiếu thốn vật chất, rồi sẽ khá hơn, song cái đầu, cách sống của nhân cách không thể bần hàn được.

    Ăn nhậu hoài là bần hàn, nhìn ngó thòm thèm cuộc sống như người ta nhưng không phấn đấu, lại đi thọt thẹt, chửi rủa cho đã tức rồi rước sói vô nhà là bần hàn.

    Tránh sống kiểu bần hàn nhân cách, người Nam Kỳ nhứt định không bần hàn về đầu óc.

    Nguyễn Gia Việt
    Nguồn: Fb Miền Nam Việt Nam - Trước 1975
Working...
X