Announcement

Collapse
No announcement yet.

Xóm giếng

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Xóm giếng

    Click image for larger version

Name:	6b3s-O6e6uxvQ2l1aSi2eg.1604219964.jpg
Views:	417
Size:	55.7 KB
ID:	160535
    (ảnh minh họa)

    Xóm tôi, chính xác tên gọi là xóm Miểu, cái miểu đó hầu như làng quê nào cũng có. Trước miểu là bia đắp nổi tượng ông Hổ, sau miểu là đình, kế đình là chùa.

    Nhưng tôi thích gọi xóm cũ của tôi là xóm Giếng. Giếng là của chung cả xóm, ngay sau nhà nội tôi. Kế giếng là sân chơi của trẻ con, bên sân chơi là ngôi nhà to đẹp của một ông nhà giàu, ông là chủ đất của hầu hết dân cư xóm giếng.

    Tuổi thơ của tôi chỉ quanh quẩn nhiêu đó không gian mà thôi. Xóm giếng là nơi thời thơ bé anh em tôi sống cùng bà nội từ thập niên 60 của thế kỷ trước, nghĩa là về mặt thời gian đã rất xa xôi rồi.

    Tôi thích nhìn sáng sáng chiều chiều các dì các chị loảng xoảng thùng thiếc chờ lấy nước. Tiếng cười rộn rả, chuyện làng chuyện xóm được lan truyền to nhỏ từ ở đây mà đi khắp từng nhà.

    Chiều mát, bọn trẻ tụ tập ở sân chơi. Ui, kể sao hết những trò chơi hấp dẫn: Đánh trổng, đánh đủa, lò cò, năm mười.. tiếng reo cười râm ran như còn đọng lại đâu đây.

    Tối tối, cả đám được phép vào nhà ông chủ đất coi "vô tuyến truyền hình". Nhà ông rộng mở, không hề phân biệt đứa nào sạch, dơ hay nghèo mạt. Ông sở hữu đất đai của một khu vực rộng lớn, xung quanh gần như nhà ai cũng ở trong đất của ông. Tuy nhiên, tôi chưa thấy nội tôi đóng cho ông đồng nào tiền thuê đất. Khi cây mận đỏ ngọt lịm trong vườn bà kết những chùm chín tới bà hái một rổ mang tới nhà ông "ăn lấy thảo", như một lời cảm ơn.

    Tôi hay ngắm nhìn cô con gái lớn của ông ấy, chiều chiều dạo bước trong hoa viên, chị có nét đẹp dịu dàng đến khó quên.

    Hình như trong mắt tôi, các thiếu nữ xóm giếng đều xinh đẹp, lời ăn tiếng nói, trang phục đều "gia giáo" đến từng chi tiết nhỏ.

    Ngày đó từ lớp "đệ thất" đến hết lớp đệ nhất thì thi "tú tài" 1, tú tài 2. Thi cử lúc đó cực kỳ khó như thi đại học bây giờ vậy, chuyện thi rớt tú tài là.. bình thường.

    Các nữ sinh trung học mặc đồng phục áo dài trắng quần đen đến trường. Trên con đường nhỏ, các nàng học sinh với áo dài, nón lá và chiếc cặp ôm nghiêng, nhìn thấy.. hay hay. Các cô tôi có khi vừa đi học về liền cột tà áo lại, leo lên cây mận của nội hái trái ăn vô tư.

    Lớp "vỡ lòng" thời tôi học là một mái tranh đơn sơ, cô giáo rất trẻ rất xinh của xóm giếng đã kiên nhẫn dạy tôi "tập đồ" những chữ đầu tiên. Chiếc bình mực tòn ten, ngòi viết "lá tre", hai bàn tay đầy mực tím.. là những hình ảnh làm tôi nhớ thật lâu.

    Hầu hết các cô gái đến tuổi "vu quy" đều lấy chồng "chiến binh".. thời loạn mà, phải vậy thôi.

    Xóm giếng có nhiều người nghèo. Chủ yếu họ làm công nhân ở Nhà máy Cưa BIF. Một nhà máy nổi tiếng cổ xưa chuyên xẻ gỗ, được thành lập từ thời Pháp. Kế Nhà máy Cưa là "Nhà Xanh" nơi lịch sử ghi nhận 2 người Mỹ (cố vấn) đầu tiên tử thương tại việt Nam (07.7.1959).

    Khi đến tuổi đi làm, số phận sắp đặt cho tôi làm ở ngay nhà máy này. Ba tôi, anh tôi và em trai cũng từng làm những công việc khác nhau ở nhà máy đó. Đến thời kỳ tôi làm việc thì nhà máy này đã khoảng 100 năm. Người dân thường cạy vỏ be về dừng vách, khá là bền bỉ so với vách lá.

    Giếng của xóm không biết ai đã xây, nó đã có mặt từ bao giờ. Chỉ biết nó có cái guồng để quay, trơn tru, nhẹ nhàng. Xung quanh láng xi măng sạch sẽ. Một cây lựu trổ hoa đỏ nghiêng mình bên cạnh.

    Nước giếng trong vắt, ngọt ngào.
    Các cô gái nhà nghèo làm thêm nghề gánh nước mướn. Bà nội đã già nên phải thuê người gánh nước. Nước được đổ đầy trong hàng lu "mái vú" bự chảng, trong cái khạp nhà tắm, trong hàng "ảng" thâm thấp để nội giặt đồ cả nhà trong vườn trước nhà. Nước giếng tưới đẫm những trụ trầu, hàng cau, nước tưới tươi rói những bụi bông trang bên "bàn thiên" trước nhà.. bao nhiêu là công sức của người gánh nước. Nhà nội không khá giả, có lẽ công xá cho người gánh nước mướn cũng rẻ bèo như số phận của họ.

    Thế rồi, khoảng năm 65, 66 gì đó.. lính Mỹ vào miền nam. Cả xóm giếng tưng bừng vì có thêm dịch vụ giặt đồ cho lính Mỹ. Nào giặt, nào hồ, nào ủi.. đủ các công đoạn theo yêu cầu. Tụi nhóc chúng tôi lục tung các túi áo, túi quần đầy mùi Mỹ ấy, nếu tìm thấy đồng xu hay cục kẹo socola.. còn sót lại thì mừng lắm. Một niềm vui nho nhỏ.
    Dân trong xóm có việc làm "ổn định", dần dần những mái nhà tranh biến mất, các ngôi nhà tô nho nhỏ lố nhố thay thế.

    Vài cô gái bỏ nghề gánh nước, các "sở Mỹ" thu nhận họ làm dịch vụ dọn phòng, bán cantin.. hay gì gì nữa.. tôi không rõ lắm.

    Lâu lâu một vài anh lính Mỹ ghé xóm thăm "bạn gái". Những thanh niên tóc vàng, cao ráo.. đẹp như trong phim. Các cô dạy cho mấy anh "bạn trai ngoại" này những câu hát Việt Nam được cải biên, kiểu : "Ai đang đi trên cầu Bông, té xuống sông, ướt cái quần ni lông", họ hát bằng giọng ngọng nghịu làm các cô cười ngất.

    Xin đừng phê phán, chê bai những cô gái "làm sở Mỹ" ấy . Có thể họ vì tiền, như những cô gái lấy chồng Đài Loan, chồng Hàn quốc.. bây giờ. Họ không muốn suốt đời gánh nước mướn, không muốn cả nhà chen chúc trong căn nhà vỏ be. Cũng có thể vì yêu những chàng trai đẹp đẽ, cao ráo, oai dũng.. như diễn viên ấy.

    Biết đâu, bây giờ.. bên nước Mỹ, có một cựu binh già nào đó đang nhớ nhung về mối tình dở dang với cô gái xóm giếng, hồi cái thời xa lắc xa lơ.

    Rồi có một ngày tôi rời xa xóm giếng. Chỉ có dịp quay về khi giỗ nội. Tôi hay ra sau nhà, nhìn về phía cái giếng cũ. Không còn vết tích nào nữa, nhà cửa ken đầy.

    Căn nhà ngói cũ kỹ của nội cũng đã bị đập ra, con cháu đông đúc, phải chia từng phần mới đủ cho tất cả các thành viên "kế thừa" cất nhà riêng.

    Xóm giếng không còn. Vườn trầu, hàng cau không còn, cây mận ngọt lịm cũng bị chặt bỏ lâu rồi.
    Chỉ còn tiếng cười, tiếng nói xôn xao, tiếng lanh canh, tiếng nước xối.. trong ký ức của tôi mà thôi.

    Vân Huỳnh FB
Working...
X