Announcement

Collapse
No announcement yet.

Lẩm cẩm về chuyện Financial Aid

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Lẩm cẩm về chuyện Financial Aid

    Mình được đài truyền hình Little Sàigòn Official mời tham dự buổi hội thoại về Financial Aid, kinh nghiệm của mình khi chuẩn bị cho hai đứa con vào đại học nên có viết sẵn để khi họ hỏi còn biết trả lời. Hôm nào họ phát sóng sẽ kèm theo về đây.

    Cứ vào đầu năm học, học sinh lớp 12 tại Hoa Kỳ, chả học hành gì cả, phải lo nộp đơn xin vào trường đại học, xin học bổng hay hỗ trợ tài chánh từ chính phủ và tư nhân khiến cho bọn chúng bị stress vì phải viết ra tiểu luận, nhất là muốn nạp đơn, chạy đua nước rút vào trường đại học danh tiếng. Cứ mỗi trường phải đóng đâu $70 cho một cái đơn xin ghi danh. Nếu ghi danh 10 trường là bay mất $700. Ngoại trừ đậu SAT hay ACT điểm cao mới ghi danh 1, 2 trường nếu không, phải nộp nhiều nơi.

    Con trai ghi danh đâu 6 trường thì được 3 trường nhận còn 1 còn lại thì dự khuyết. Con gái nộp 4 trường thì được 3 trường nhận.

    Mình không học đại học tại Hoa Kỳ nên bị ngọng khi con lớn, chuẩn bị vào đại học. Học đại học bên Âu châu xem như gần miển phí nhưng tại Hoa Kỳ thì tốn rất nhiều tiền nên phải cẩn thận, điều nghiên kỹ lưỡng vì nếu không học ra trường, không có việc sẽ ôm cái nợ to đùng.

    Một luật sư ra trường trung bình ôm cái nợ $200,000 còn bác sĩ thì trên $300,000 còn cử nhân thì từ $50,000 đến $100,000 nếu học đại học tư. Có anh bạn kể là tiền tốn cho cô con gái học xong cái bằng bác sĩ là tổng cộng 1 triệu đồng. Nghĩa là anh ta phải làm 2 triệu, trả thuế phân nữa. 4 năm cử nhân rồi 3 năm y khoa rồi 2 năm chuyên khoa. Chán Mớ Đời

    Đối với người giàu có, học phí đại học không là vấn đề chính, mà xin được tuyển vào đại học mong muốn. Như bà tài tử gì mới đi tù 1 tháng vì muốn con gái được vào đại học ở miền Nam Cali USC nên trả trên $300,000 để người ta làm hồ sơ giả mạo giúp cho con bà ta được chấp nhận vào trường nổi tiếng này.

    Ở tiểu bang Massachusetts họ mới tuyên án ông triệu phú nào đó, chạy chọt đút lót cho con vào Đại học Harvard. Con nhà giàu dễ vào đại học nổi tiếng nếu chịu khó một tí. Chớ lo chơi không thì khó mà được nhận. Chán Mớ Đời

    Khi thằng con lên trung học thì mình i tờ về đại học ở Hoa Kỳ nên có mua một cuốn sách, nói về việc chuẩn bị để con cái vào đại học nổi tiếng vì nghe nói, sẽ nhiều hi vọng có cuộc sống khá tốt sau này. Đọc cuốn này thì mình thất kinh, vì tác giả kêu người Mỹ khá giả chuẩn bị cho con họ từ khi mới ăn thôi nôi!

    Khác với thời người Việt mới sang Hoa Kỳ tỵ nạn, học sinh gốc Á châu, không còn được xem là thiểu số, để được ưu tiên tuyển vào các đại học danh tiếng. Trên phương diện dân số thì người Á châu rất ít nhưng về mặt học vấn thì chiếm đa số so với các cộng đồng thiểu số khác như gốc La-tinh. Có anh bạn kêu là nếu được tuyển chọn theo tiêu chuẩn ngày nay thì chắc chắn, anh ta không được nhận vào Đại học M.I.T.

    Con mình đang học trung học, phải đạt điểm cao toàn điểm A trong vòng 2 năm trời mới được cấp giấy khen trong khi một học sinh gốc La-tinh chỉ cần được 3 điểm C, là được cấp phát bằng khen nên thi vào đại học rất được ưu tiên. Mình nói đùa với thằng con, biết vậy bố đặt tên con là Jaime Gonzalez. Khỏi cần chơi thể thao, lấy bằng Đại bàng hướng đạo sinh Hoa Kỳ,...

    Sách còn cho biết, người Mỹ giàu có cho con học trường mẫu giáo nào, chơi thể thao loại nào, các hoạt động xã hội, nghệ thuật, đủ trò khiến cho mình điên lên vô hình chung tạo thêm áp lực cho mấy đứa con. Con họ chơi thể thao đắt tiền như cù, chèo thuyền, ice hockey ...toàn là những môn thể thao đắt tiền nên ít có sự cạnh tranh lại kiếm được quảng cáo nhiều.

    Con gái mình kể về bạn bè ở USC, đám con nhà giàu, xem vào các đại học danh tiếng như chuyện đương nhiên. Con mình bà ra sao, lại được tuyển vào chương trình chỉ nhận 15 sinh viên tại Hoa Kỳ và 30 sinh viên Ý Đại Lợi và Hongkong. Tổng cộng lớp chỉ có nhận 45 sinh viên của 3 đại học.

    Ngày nay, giới trẻ tại Hoa Kỳ phải tranh đua với các sinh viên ngoại quốc, du học tại Hoa Kỳ. Trung Cộng có đến 300,000 sinh viên hay Ấn Độ có trên 200,000 du học sinh. Dân số các nước này đông nên được tuyển lựa khá nhiều người học giỏi. Họ vừa giỏi vừa sẵn sàng đóng học phí cao. Hoa Kỳ lại theo chế độ lấy chất xám của ngoại quốc, đỡ tốn tiền đào tạo.

    Đọc ở đâu đó, báo chí cho biết là hàng năm các Đại học danh tiếng đuổi mấy ngàn du học sinh ngoại quốc vì không đủ trình độ tối thiểu. Vì con nhà giàu nên chúng nhờ thiên hạ viết tiểu luận, làm hồ sơ giả như bà tài tử Mỹ mới đi tù. Vào học thì i tờ, không theo kịp nên họ phải đuổi, do đó cách tốt nhất học đại học danh tiếng là học 2 năm trường đại học cộng đồng đợi rồi xin chuyển trường vào học 2 năm cuối của đại học danh tiếng.

    Điểm mình lo nhất là học phí. Trung bình theo học đại học tiểu bang Cali thì tốn độ $36,000/ năm ăn ở, còn đại học tư thì thêm $20,000 nữa. Do đó, mình nghe kể là, thiên hạ có tiền tại Việt Nam, Trung Cộng ... cho con họ du học ở cấp trung học vì sau hai năm ở Cali thì được xem là "Permanent Resident" (thường trú nhân tiểu bang Cali) thì bớt được khoảng tiền $20,000/ mỗi năm. Xem như $80,000 cho 4 năm đại học. Điển hình thằng con mình học UCSD ở San Diego tốn $32,000/ năm, bạn học của nó từ Houston qua, phải trả đến $52,000/ năm.

    May là có thể xin cấp học bổng, hoặc Financial Aid (Hỗ trợ tài chánh) hay Work-Study (làm việc trong khuôn viên đại học), hay mượn nợ, chương trình giúp gia đình binh sĩ, cựu chiến binh, học ở hải ngoại,…

    Grants: một loại hỗ trợ tài chánh mà sinh viên không phải trả lại ngoại trừ phi bỏ học thì phải hoàn tiền lại. Có nhiều loại Grant như Pell Grant, Federal educational Opportunity Grant (FSEOG), Teacher Education Assistance for College and Higher Education (TEACH) Grant, và Iraq and Afghanistan Service Grant.

    Học bổng: có nhiều tổ chức vô vụ lợi, tư nhân tặng học bổng cho sinh viên vô đại học. Thằng con mình thành lập hội Leos ở trường học với sự đỡ đầu của hội Lions International Club của thành phố nên khi vào đại học, hội Lions có tặng học bổng $1,000/ năm. Con gái mình được hội nào đó cho $5,000. Thật ra có nhiều trang nhà, kêu sinh viên viết tiểu luận thì họ cho $500, $1,000.,.. Nếu chịu viết thì cũng kiếm được vài ngàn tiêu xài khi đi học.

    Người Mỹ rất điên cuồng về thể thao nên họ cho con chơi thể thao để xin học bổng, chơi cho đội tuyển trường. Do đó có nhiều học sinh tuy dỡ nhưng được nhận vào các đại học danh tiếng, chơi thể thao miễn phí cho các đại học, giúp cho đại học làm tiền qua các trận đấu hàng tuần.
    Sinh viên không có thì giờ để học hành vì phải tập dợt mấy tiếng một ngày nên lúc ra trường toàn là tốt nghiệp huấn luyện viên thể dục. Ai giỏi thì có thể đi thi đấu chuyên nghiệp nhưng số này rất ít ỏi chỉ độ 1%. Trường hợp bị chấn thương thì bị cúp học bổng. Chán Mớ Đời

    Lúc đầu, mình không biết nên cũng theo tụi bạn Mỹ, cho con chơi thể thao. Bóng rổ thì con gái mình lúc 12 tuổi chỉ cao chưa tới 5 feet trong khi mấy con Mỹ trong đội cao đến 6 feet. Cho thấy người Á đông bị hạn chế về các môn thể thao vì sức vóc. Bóng bàn, người Mỹ chỉ nghe khi ông Nixon sang Trung Cộng buôn bán.

    Cuối cùng chỉ có môn bơi lội là có thể thi đấu ngang ngữa với học sinh trong thành phố. Có một cô gốc Việt Nam, đứng đầu Hoa Kỳ từ 10 tuổi rồi được Đại học Berkeley nhận nhưng cũng chả đi đến đâu. Khi thi đấu ở cấp tiểu bang thì chả nhằm nhò gì cả. Có mấy đứa bơi cùng thời với con mình, giỏi được nhận vào Stanford hay Berkeley rồi thì phải tranh đua với tất cả những tên bơi giỏi nhất thế giới vì các đại học này chọn các sinh viên từ các quốc gia khác nữa nên cuối cùng, không thấy mấy đứa bơi giỏi nhất được tuyển đi Thế Vận Hội hay gì cả. Mất 4 năm trời đại học, thay vì sống đời sống sinh viên bình thường như cùng lứa tuổi, cứ ăn rồi ngủ, rồi đi tập luyện cuối cùng. Nói chung làm nô lệ cho trường làm tiền trong 4 năm trời. Chán Mớ Đời

    Tóm lại thì chơi thể thao cho vui nhưng chuyện chính vẫn là học cho giỏi vì nếu vào đại học mà học không được thì lại tốn tiền vô ích. Nếu cho làm lại thì mình sẽ không bắt mấy đứa con đi bơi như điên. Chỉ cho chơi thể thao ở trường là đủ. Điều an ủi là mấy đứa con kêu bơi lội giúp chúng rèn luyện được ý chí, kỷ năng sống.

    Dạo ấy, đi seminar ở trường thì học sinh của trường trung học cho biết là 1/3 học sinh trong lớp chơi xì-ke. Do đó mình phải cho chúng chơi thể thao, tham gia hướng đạo sinh để không có thì giờ làm chuyện tầm bậy.

    Federal Work-Study Jobs: có chương trình giúp sinh viên làm việc bán thời gian để được thêm tiền mà học hành. 20 tiếng đồng hồ mỗi tuần như con gái mình làm Lifegard, nhân viên cứu hộ hồ bơi khi sinh viên tập bơi.

    Mượn nợ: ngoài ra có những chương trình cho mượn nợ nhưng cái nguy hiểm là tiền lời cứ gia tăng hàng năm (unsubsidized). Có một loại nợ gọi là Parent loan Plus thì theo mình không nên mượn vì loại này rất đắt, lại không được "subsidized" (tiền lời không gia tăng trong thời gian đi học). Bố mẹ phải ký tên. Mình không để ý nên mượn năm đầu tiên đâu khoảng $30,000 thì 4 năm sau phải trả tiền lời gần $6,000. Con gái vừa ra trường là mình trả dứt liền. Nghe kể có ông Mỹ nào mượn $120,000 cho 2 thằng con với tiền lời 7.6%. Nợ này là bắt buộc phải trả dù có khai phá sản, không xù được, chính phủ có thể rút tiền của quỹ hưu trí, hay tiền lương của mình mỗi tháng,… KHÔNG bao giờ mượn loan này cả và các "unsubsidized loan" khác.

    Hỗ trợ cho gia đình quân nhân: lính Mỹ có thể xin chính phủ tài chính để giúp đỡ cho chính mình hay con để theo học đại học. Phải tìm qua quân đội. Cách tốt nhất là cho con tham gia quân đội, huấn luyện trở thành bác sĩ hay kỹ sư rồi phải sống trong quân đội 10 năm mới được giải ngủ. Mình có quen 2 anh chàng Quân y gốc Việt, thấy kiểu này là hay nhất nhưng mụ vợ không cho. Chán Mớ Đời

    Hỗ trợ cho sinh viên theo học các trường ở hải ngoại: sinh viên đi học ở nước ngoài thường là một khoá 3 tháng hay 6 tháng, có thể tìm những nơi cho học bổng để đi học hay các công ty tư nhân. Người ta khuyến khích sinh viên đi học ở hải ngoại để có cái nhìn rộng hơn, thay vì chỉ biết đời sống tại Hoa Kỳ. Con gái mình học ở hải ngoại, có xin được chút chút tiền.

    Tại Hoa Kỳ, hàng năm có 245 tỷ đôla dành cho Financial aid nhưng chỉ có 69 tỷ được sử dụng (176 tỷ không dùng đến). Lý do là người xin không chịu xin thêm hay không biết cách để xin. Nhiều khi điền sai mẫu đơn do đó khi nhận kết quả, phải làm đơn khiếu nại thay vì chấp nhận.

    Tại Pháp muốn theo học vào trường lớn như Bách khoa, kỹ sư, Quốc gia Hành chánh thì phải qua các kỳ thi tuyển quốc gia nên mới có những năm dự bị, học toán lý hoá để thi concours vào các trường lớn. Rớt thì vào học các đại học thường. Ở Âu châu, đại học công mới có giá trị còn đại học tư thì không có danh tiếng lắm.

    Ngược lại, tại Hoa Kỳ các đại học tư lại có giá trị hơn nên chỉ số nhận sinh viên vào đại học danh tiếng như Harvard chỉ có 4.9% tổng số đơn nộp. Đại học nhận sinh viên dựa trên nhiều tiêu chuẩn: điểm học, kỹ năng, chơi thể thao, các công tác xã hội,…do đó, nếu ai muốn vào trường Y hay Nha, đều phải tình nguyện đi theo các phái đoàn y tế đến các nước nghèo như châu Mỹ La tinh hay Việt Nam.... hay làm thiện nguyện viên trong các nhà thương để được giới thiệu khi xin học ngành y.

    Cách đây mấy năm, có một sinh viên gốc Đại Hàn kiện Đại học Princeton, cho rằng kỳ thị vì anh ta đạt điểm 100% SAT trong khi một người bạn học da trắng, được nhận với chỉ số 90% SAT. Đại học Princeton cho biết anh ta chỉ biết học nhưng khiếm khuyết các kỷ năng khác như thể thao, xã hội,…thì không có.

    Con mình phải đi bơi, tham gia hướng đạo để lấy bằng Eagle Scout rồi đi làm việc từ thiện đủ trò, phải bao nhiêu tiếng đồng hồ như đi múc cơm cho các người vô gia cư, lượm rác ở bãi biển,….đủ trò.

    Xứ Mỹ có rất nhiều công ty tư vấn về đại học. Bà tài tử đi tù nhờ một công ty tư vấn để cho con bà ta vào đại học USC nơi con gái mình tốt nghiệp. Bà ta tốn $300,000 cho công ty này để khai man. Nghe kể, họ cho người đi thi SAT ở tiểu bang khác giùm luôn. Họ cố ý không đi thi ở Cali nên phải qua tiểu bang khỉ ho cò gáy dễ dàng cho người thế để vào thi giùm.

    Mình có đi tham dự một buổi giới thiệu của một tổ hợp tư vấn giáo dục, do người gốc Đại Hàn làm chủ. Việt Nam chắc có vài chỗ, thấy ở ngoài Bolsa nhưng không chuyên nghiệp bằng mấy tổ chức của người Tàu và người Đại Hàn ở vùng này. Nhóm Đại Hàn này từ Bắc Cali xuống làm ăn.

    Buồn cười là có một tên trẻ trong nhóm, tự xưng là tốt nghiệp đại học MIT, bây giờ đi làm cố vấn giáo dục, viết tiểu luận cho học sinh, nộp đơn vào đại học. Mình có một tên bạn Tàu Đài loan học MIT, rồi Master ở Stanford, đi làm, mất việc đành bỏ nghề kỹ sư cơ khí, làm quản lý phòng mạch bác sĩ của vợ. Cho thấy tốt nghiệp trường nổi tiếng, chưa chắc sẽ thành công, không nên chạy đua theo thời trang. Ông bố của tên bạn kể là hắn ở New Mexico, nên mới được nhận vào đại học danh tiếng này vì nếu ở Cali thì số người Mỹ gốc Á châu rất đông nên đại học chỉ nhận rất ít. Nếu không thì có đến 50% được tuyển vào là dân Cali gốc Á. Ai muốn vào các đại học Ivy Leagues thì nên cho con học 2 năm cuối trung học ở tiểu bang khỉ họ cò gáy như Alaska.

    Phải nghiên cứu kỹ để được nhận vào trường danh tiếng về môn gì đó. Nếu được nhận về môn xã hội học, khảo cổ học,...thì đa số các trường nhận rất nhiều các sinh viên mấy ngành này vì lấy tiền để trả tiền cho sinh viên kỹ thuật. Lớp có mấy trăm người trong khi lớp kỹ thuật chỉ có vài chục. Cho nên được nhận vào trường danh tiếng mà môn ra trường không có việc lại ôm cái nợ to đùng là khổ một đời.

    Dân Đại Hàn, họ có các trường dạy kèm như Kumon, các trung tâm dạy luyện thi SAT đủ trò. Hai đứa con mình phải đi học luyện thi 2 tuần trong lúc nghỉ lễ Giáng sinh. Công ty này có nhiều packages thậm chí là họ có thể viết luôn các tiểu luận cho con mình nếu mình trả tiền. Mình có thằng cháu, tự học cũng được nhận vào đại học Pennsylvania, vùng Đông Bắc.

    Mình học được cách mà họ chỉ để chuẩn bị thuế má, phân chia tài sản ra sao, cái nào thuộc về công ty, cái nào thuộc về cá nhân để khi con mình nộp đơn xin Financial Aid thì khoẻ.

    Khi con bắt đầu học lớp tiểu học, trung học đệ nhất cấp (Middle school) thì nên bắt đầu tham khảo, đọc sách. Đi dự mấy cái seminar về đại học, các trường đại học cũng có tổ chức những buổi này trong khách sạn, để tiếp thị trường của họ. Nên học trường đại học ở tiểu bang của mình ngoại trừ được học bổng toàn phần hay có tiền trợ cấp.

    Mình thì muốn con học 2 năm đầu ở đại học cộng đồng gần nhà, đỡ tốn tiền. Sau 2 năm thì xin vào học 2 năm cuối tại các trường danh tiếng dễ hơn. Tốt nghiệp Đại học danh tiếng với 2 năm với tiền học khá cao thay vì 4 năm. Hai năm trời đỡ được $60,000 tiền học phí, nghĩa là phải làm ra $100,000, đóng thuế $40,000 mới nộp cho trường. 2 đứa tốn mất $200,000 tiền lợi tức. Chán Mớ Đời

    Ít có ai để ý là tiền học phí là tiền trả sau khi đóng thuế. Chính phủ lại không cho khấu trừ lại tiền đóng thuế. Do đó học phí đại học rất đắt nên phải suy nghĩ, điều nghiên kỹ lưỡng. Ra trường chỉ được khấu trừ nghe đâu có $3,000 tiền nợ/năm.

    Vấn đề là thuyết phục được mấy đứa con nhất là đồng chí gái vì mấy đứa con tranh đua với bạn bè để xem đứa nào được nhận vào trường danh tiếng. Mình thì chỉ muốn học nhiều và ít tiền là giỏi, không cần trường danh tiếng gì cả. Con mình đi seminar với mình, và hiểu nguyên tắc đó nhưng đến phiên nó thì vẫn cứ xin đòi theo học đại học Cali. Chán Mớ Đời

    Con gái mình học chương trình quốc tế với các sinh viên Âu châu và Á châu nên năm đầu học ở USC còn lại thì đi học ở Hongkong và Ý Đại Lợi nên đành phải chi ra. Nó viết tiểu luận kêu là muốn sống cuộc đời như bố nó khi trẻ, sống tại nhiều quốc gia, nói được nhiều ngoại ngữ nên đành phải cho con theo học. Còn con trai thì học UCSD nên ít tốn hơn, nó xin được học bổng chỉ mượn 25% tiền học.

    Được cái là thường trú dân ở tiểu bang Cali thì chắc chắn sẽ được nhận vào đại học tiểu bang Cali. Nếu có tiền thì cho con đi học ở tiểu bang khác, còn muốn để dành tiền thì học tại tiểu bang mình ở cũng tốt rồi. Đại học danh tiếng có thể giúp làm bàn đạp nhưng chưa chắc sẽ thành công. Mình có vài người bạn tốt nghiệp tiến sĩ đại học danh tiếng như MIT nhưng nay có người phải chạy về Việt Nam để dạy học.

    Mình có chị bạn kể là chị ta ngu, nghe lời con nên bỏ tiền cho chúng học UCLA vì có tiếng nhưng vào đó, học không nổi vì ham chơi nên sau 5 năm, thay vì 4 năm, phải học đại môn gì ra trường nên tốt nghiệp ngành khảo cổ học. Tốn $150,000 cho 5 năm học nghĩa là chị ta phải đi làm $250,000, đóng thuế mất $100,000. Ra trường, con không có việc làm phải lái xe cứu thương rồi sau phải chạy qua tiểu bang khỉ ho cò gáy học cho rẻ, ngành tin học mới kiếm được việc làm.



    Đó là những lỗi lầm của cha mẹ con cái hay mắc phải vì cái bản ngã quá cao thay vì lựa con đường chắc ăn. Yếu tố thành công trong đời đâu phải là học trường danh tiếng mà có cuộc sống an lành, đạo đức, hạnh phúc, đóng góp cho đời thay vì chạy theo mộng tưởng, trường danh tiếng để rồi một ngày nào, kêu tất cả đều là vô thường thì đã quá muộn. Chán Mớ Đời

    Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen
    Nguyễn Hoàng Sơn
    Attached Files
Working...
X