Announcement

Collapse

Happy Easter

THÂN CHÚC MỘT MÙA LỄ PHỤC SINH AN LÀNH, ẤM ÁP, VUI VẺ
ĐẾN VỚI CÁC BẠN VÀ GIA ĐÌNH

LV
See more
See less

Người làm nghề tang lễ, lo hậu sự cuối đời

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Người làm nghề tang lễ, lo hậu sự cuối đời


    Nơi tổ chức thăm viếng, lễ tang người quá cố tại nhà quàn An Lạc tại Garden Grove. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

    Trong chu kỳ biến thiên của Sinh-Lão-Bệnh-Tử, thì cái chết là giai đoạn cuối cùng của một đời người mà ai ai cũng phải trải qua. Nhưng thông thường tâm lý con người sẽ không thích nghĩ đến và bàn tính đến cái chết, đôi khi còn cho đó là điều cấm kỵ, không nên nói đến vào những dịp tốt lành như Năm Mới, sinh nhật, vì có nhiều người quan niệm rằng nói về cái chết trong những dịp tốt lành là không tế nhị, có thể gây họa và mang lại vận rủi ro.

    Đối với nhiều người, cái chết là một điều xúi quẩy đầy kiêng kỵ cũng như bao hàm nỗi buồn và sự thương tiếc to lớn. Nhưng trong một bài báo phổ biến trên internet có tiết lộ, trên thế giới có khoảng 100 người đã tử vong mỗi phút, và đã giúp cho hơn 120,000 người lao động và 19,000 nhà tang lễ có công ăn việc làm.

    Trong khảo sát vào năm 2017 cho thấy, có khoảng 2,7 triệu ca tử vong đã giúp cho ngành tang lễ đạt giá trị đến 16 tỷ Mỹ kim. Cũng trong bài báo này cho biết, tại Hoa Kỳ, các công ty cung cấp dịch vụ tang lễ không chỉ bán ra những sản phẩm truyền thống như quan tài, quấn áo,... mà còn phải kiêm luôn các loại hình thức phục vụ đặc biệt như bắn tro cốt của người đã mất lên trời, tổ chức các đám tang theo phong cách kỳ lạ hay thậm chí chôn cất người đã mất theo kiểu cách mà từ trước nay chưa từng có.

    Người Việt chúng ta có quan niệm "nghĩa tử là nghĩa tận", và vấn đề này rất được chú trọng trong việc ứng xử cũng như tổ tiến hành tổ chức các nghi thức tang lễ cho người thân đã qua đời. Niềm thương tiếc và nỗi nhớ của mọi người, nhất là người thân đối với người đã khuất được thể hiện qua việc tổ chức tang lễ và thờ cúng theo phong tục tập quán của mổi dân tộc để đưa tiễn người qua đời về thế giới bên kia.

    Dù đã ra sống tại xứ người, dẫu có khác xa về không gian địa lý, lịch sử, kinh tế-văn hoá–xã hội, nhưng nghi thức tang chay của người Việt vẫn được xem là mỹ tục và những nơi mà người Việt sống đông nhất ở ngoài nước như tại Quận Cam ở Cali, việc cố gắng duy trì những tập tục ma chay luôn được các nhà quàn phục vụ riêng cho người Việt quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho các thân nhân của người mất thực hiện một cách trang trọng nhất. Hơn nữa, đi song hành với hình thức mai táng này thì tập tục kiêng kỵ trong và sau tang lễ của người Việt cũng rất đa dạng. Mục đích lớn nhất của những tục kiêng kỵ không có gì khác hơn là nhằm tránh được những "điềm xấu, gở", thậm chí cả tai họa có thể đến với gia đình, người thân, con cháu về sau.


    Nhà Quàn An Lạc và những pháp lý của dịch vụ tang lễ

    Bên ngoài văn phòng của nhà quàn An Lạc. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

    Ông Khang Lê, là chủ nhân của nhà quàn An Lạc (An Lac Funeral Service) tại thành phố Garden Grove (7441 Garden Grove Blvd Suite C. Garden Grove, CA 92841. Điện thoại (714) 489-5571) là nhà quàn có giấy phép hợp pháp được thẫm quyền thu xếp tang lễ cho những gia đình có thân nhân qua đời.

    Nhà quàn An Lạc phục vụ các lễ nghi cho mọi tôn giáo, kể cả lễ nghi cho các cựu chiến binh. Nơi đây có đầy đủ mọi thứ cần thiết cho một đám tang: quan tài, mộ bia, khăn tang, sổ lưu niệm, hũ đựng tro cốt… Nhà quàn An Lạc nhận giúp đỡ những tang gia có hoàn cảnh tài chính khó khăn. Trên trang web của nhà quàn An Lạc:
    www.anlacfuneralservices.com có trang cáo phó phân ưu để phục vụ miễn phí cho các tang gia.

    Ông Khang Lê, chủ nhân của nhà quàn An Lạc tại Garden Grove. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

    Ông Khang Lê cho biết, "Nước Mỹ là quốc gia của luật lệ. Muốn làm Counselor cho một đám tang thì phải qua khóa huấn luyện về Law Review & Arrangement, được tổ chức bởi tiểu bang. Muốn cung cấp trọn gói mọi dịch vụ cho một tang lễ thì phải nắm vững và nói rõ cho khách hàng biết về 'full package' là gồm có những dịch vụ gì".

    "Để mở ra một nhà quàn, chủ nhân cần phải thi lấy bằng Funeral Director của State Board. Để thi lấy bằng Funeral Director, cần phải có bằng cao đẳng (Associate Degree). Thi lấy bằng Funeral Director, chủ yếu là về luật lệ tiểu bang, liên bang có liên quan, những lý thuyết về ngành tang lễ, ướp xác, nghĩa trang, hỏa táng, bảo hiểm về nhân thọ… Thi lấy bằng tại State Board ở thủ phủ Sacramento. Khi muốn mở nhà quàn, nhà quàn luôn luôn phải có nhà xác để đảm nhận công việc giữ thi hài người mất trước khi xin được giấy phép để chôn cất hay hỏa táng hoặc chuyển quan tài người mất về Việt Nam hoặc các nước khác để lo hậu sự".

    Theo ông Khang Lê, nhiều người Việt sống tại Mỹ tìm đến nhà quàn An Lạc đặt mua dịch vụ đưa thi hài người mất về an táng tại Việt Nam hoặc chỉ đưa tro cốt về.

    Đối với ý định đưa thi hài về Việt Nam, ông Khang cho biết cần phải qua các thủ tục như sau: "Người nhà bên Việt Nam phải lên tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ ở Sài Gòn, làm thủ tục xin đưa thi hài về Việt Nam, gửi qua cho nhà quàn của chúng tôi, và ký giấy tờ ủy quyền cho nhà quàn lấy thi hài. Sau khi nhận thi hài, chúng tôi phải xin giấy tờ thuộc cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Mỹ thì mới mang hũ tro cốt về Việt Nam được".
    "Thời gian làm các giấy tờ này lâu hay mau tùy theo trường hợp, nhanh nhất vào khoảng 3- 4 ngày, còn trung bình khoảng 7 ngày. Có những trường hợp 10 ngày, nếu qua đời vì tai nạn hoặc vì nguyên do không rõ thì có thể lâu hơn. Nhà quàn bên Mỹ phải có hợp đồng với nhà quàn bên Việt Nam để bên Việt Nam nhận quan tài ngay khi máy bay đáp xuống phi trường"
    .
    "Sau đó, tùy gia đình ở đâu, ở tỉnh nào thì gia đình hợp đồng thêm với nhà quàn để họ chở quan tài đến, hoặc nếu người nhà có xe thì họ tự chở về nhà, nói chung là tùy theo từng trường hợp một. Thường thì quan tài mang về Sài Gòn chi phí rẻ hơn, vì có nhiều máy bay đến đây. Còn nơi khác thì giá cao hơn, ví dụ như Đà Nẵng, giá sẽ gần gấp đôi".

    Ông Khang Lê chia sẻ, "Những người hành nghề tang lễ là người chuyên nghiệp, phải được đào tạo bài bản, có đủ mọi giấy phép hành nghề cần thiết, biết rõ mọi yêu cầu của luật pháp, tư vấn cho tang gia làm đúng luật, tránh gặp rắc rối sau này. Đã có một số người mang hài cốt người thân từ Việt Nam sang Hoa Kỳ không đúng luật thì sẽ không thể chôn cất được, mà cũng không thể đem về Việt Nam lại".
    "Chuyện hỏa táng người chết ở Mỹ là một vấn đề quan trọng, cũng phải làm đúng luật, vì nó tương tự với hình thức tang lể chôn cất bình thường. Người xin thủ tục hỏa táng phải có liên quan trực hệ với người chết. Hũ đựng tro cốt phải đi kèm với giấy phép hỏa táng có địa chỉ nơi đặt, nếu muốn dời chỗ phải xin giấy phép, muốn đem rải tro cũng phải thông báo nơi chốn để rải tro cốt cho chính quyền nơi đó".


    Ông Khang Lê cho biết nếu trước đây có khoảng 60 phần trăm người Mỹ chọn hình thức chôn cất khi từ giã cõi đời, hỏa táng chỉ có dưới 30 phần trăm. Thì những năm gần đây người Mỹ chọn cách hỏa táng đã lên đến hơn 70 phần trăm. Trước đây người theo đạo Công Giáo không hỏa táng, nay thì bắt đầu người Công Giáo hỏa táng càng ngày càng nhiều. Nếu mua đất chôn cất, có thể mất khoảng hơn 20 ngàn. Nhưng hỏa táng thì chỉ khoảng vài ngàn thôi. Giảm được chi phí rất nhiều.


    Vậy thì, sau khi hỏa táng xong, tro cốt sẽ để đâu?

    Ông Khang Lê đề nghị, "Nếu quý vị muốn để trong chùa hay tại nhà hoặc rải biển… chỉ cần đề nghị nhà quàn, nhà quàn làm giấy tờ hợp lệ cho thân nhân người chết là hợp pháp. Còn nếu người thân của người mất đang ở nhà thuê, chỉ thuê phòng ở, nhưng muốn giữ tro cốt của người thân tại nơi mình ở. Rất đơn giản, quý vị hãy mua một chậu to để tro cốt vào trong chậu, rồi trồng bông hoa lên trong chậu đó, để ngay vườn nhà nơi mình thuê phòng. Đến khi phải dọn đi, chỉ bê chậu hoa đó đi. Muốn thắp nhang hay tưởng nhớ người thân, mình có thể thắp nhang hằng ngày. Còn nếu đem tro cốt chôn ở nghĩa trang, tốn ít nhất là 5,000 đô la, chứ không rẻ đâu".

    Ông Khang Lê nói, muốn làm nghề dịch vụ tang lễ, đầu tiên phải yêu nghề.
    Ông cho biết, "Sau khi làm việc cho các nhà quàn của người Mỹ một thời gian, tôi mở ra nhà quàn An Lạc để mình đứng ra làm chủ, tôi chú trọng về đạo đức, lương tâm nhiều khi hơn là chuyện lời lỗ. Người chết, mình phải kính trọng họ, chứ không thể nghĩ đây là xác chết, mình muốn làm gì thì làm. Điều này mang tính cách tâm linh một chút".
    "Khi tôi làm nghề này từ năm 2000 đến nay, tôi thấy rằng, xác chết người ta nằm đó, linh hồn người chết phù hộ cho mình. Tôi đã được hưởng những điều huyền diệu, nên tôi mới hiểu được. Tôi không theo tôn giáo nào hết. Nhưng khi làm công việc này, tôi mới thấm được điều đó. Vì đã có nhiều sự huyền nhiệm xảy ra với tôi, nên tôi nghĩ khi mình làm nghề này với lương tâm nghề nghiệp thì linh hồn người chết sẽ phù hộ cho mình. Chỉ cần mình làm tận tình với hết khả năng, lương tâm của mình, thì người chết người ta sẽ biết đến".


    Duyên với nghề

    Nhắc lại mối duyên đưa đẩy ông làm nghề lo tang lễ này, ông Khang Lê cho biết khi đến Mỹ định cư năm 1992, ông đã ngoài 40 tuổi, cái tuổi dở dang "nửa thầy nửa thợ", nên đã xin vào làm một hãng chế biến thực phẩm của người Nhật làm chủ. Ông làm ca đêm, làm công việc kiểm tra chất lượng sản phẩm. Làm việc tại đây khoảng hơn 10 năm trước khi bị mất việc. Trong thời gian trước khi bị lay off, nhìn thấy các đồng nghiệp bị mất việc, ông cũng lo lắng cho tương lai của mình, nên đã vào thư viện để tìm hiểu những ngành nghề khác ở Mỹ.

    Ông Khang Lê kể lại, "Tình cờ tôi tìm thấy tài liệu về ngành học về dịch vụ tang lễ. Tôi nghĩ, ai cũng phải chết. Nếu mình làm nghề này, thì đâu có bao giờ bị lay off. Sau đó tôi ghi danh học hàm thụ (lý thuyết) học trên online của một trường đại học ở tiểu bang Washington, nhưng tôi vẫn sống tại Quận Cam này. Theo học ngành học này kéo dài khoảng 2 năm. Sau khi tôi học xong lý thuyết, đến phần thực tập thì trường mới giới thiệu cho mình đến trung tâm Orange County Coroner để thực hành. Nhưng tôi chỉ hoàn tất các chứng chỉ về lý thuyết của ngành học, còn phần thực hành ướp xác thì tôi bỏ ngang, không học tiếp được. Vì tôi không có đủ can đảm để làm công việc tiếp xúc với thi hài người chết mỗi ngày".

    "Sau khi hoàn tất hết các chứng chỉ lý thuyết, khi tôi đến thực tập phần ướp xác, đến trung tâm Orange County Coroner, phải tiếp xúc với rất nhiều xác chết. Đây là trung tâm giữ lại những người bị chết bất thường để cho nhân viên cảnh sát điều tra nguyên do bị tử vong. Nhìn thấy những xác chết vì điện giật, nhìn dễ sợ lắm. Hơn nữa vào nhà xác tại đây, phải ngửi nhiều mùi hóa chất, rất khó chịu, khiến cho tôi bị chảy nước mắt, nước mũi do bị dị ứng. Nên tôi biết, nếu tôi có ráng học cho xong phần thực hành để lấy bằng tốt nghiệp, thì cũng không thể theo học được".

    "Thêm nữa là phần học ướp xác có môn chuyên phục hồi cho gương mặt người chết (dành cho những người bị chết vì tai nạn hay đạn bắn, không còn đầy đủ gương mặt). Tôi lại không khéo tay, không có khả năng phục hồi gương mặt. Phải dùng chất nhân tạo tựa như đất sét để đắp lên mặt người chết, tái tạo lại gương mặt người chết. Nên tôi thấy mình không đủ duyên với công việc ướp xác. Vì vậy vào năm 2000, sau khi mất việc tại hãng Nhật, tôi đã xin vào làm trong nhà quàn của người Mỹ, là nhân viên Counselor, tiếp khách hàng, giới thiệu các dịch vụ tang lễ của nhà quàn, làm hợp đồng cho khách… Tôi từng làm đầu tiên ở nhà quàn Melrose Abbey. Sau đó chuyển qua nhà quàn Dimond & Shannon Mortuary và một số nhà quàn khác của người Mỹ. Một thời gian sau tôi thi lấy bằng Funeral director của tiểu bang và mở ra nhà quàn An Lạc này".


    Ngành học dịch vụ tang lễ

    Ở Mỹ để tốt nghiệp ngành học lo tang lễ, học viên phải hoàn thành các môn học như Giải Phẫu Học, Sinh Lý Học, Bệnh Lý Học, Định Hướng Dịch Vụ Tang Lễ, Lý Thuyết Xác Ướp, Kỹ Thuật Ướp Xác, Nghệ Thuật Phục Hồi Thi Thể, Luật Dịch Vụ Tang lễ và Quản trị Kinh doanh.

    Chương trình học kéo dài từ 2 đến 4 năm, tùy từng trường, trong đó, sinh viên sẽ thực tập khoảng một năm. Sau khi kết thúc khóa học, học viên sẽ phải vượt qua kỳ thi khảo sát để nhận bằng cử nhân Khoa Học Tang Lễ. Muốn có giấy phép hành nghề ướp xác, sau khi hoàn tất phần học lý thuyết và thực tập trong trường rồi, phải thực hành ướp xác tại nhà quàn khoảng 100 xác, mỗi lần ướp xác một thi hài xong, phải báo lên State Board, do người có bằng hành nghề ướp xác đang làm việc tại nhà quàn xác nhận. Sau khi tốt nghiệp, họ có thể trở thành nhân viên tại các nhà tang lễ, bệnh viện, văn phòng giám định y khoa, giảng viên các trường y hoặc nhân viên điều tra về những cái chết bất thường.

    Theo ông Khang Lê cho biết, quy trình ướp xác đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Mỗi trường hợp đòi hỏi cách xử lý khác nhau ví dụ như yêu cầu về khử trùng, bảo quản, phục chế.

    Nhưng quy tình ướp xác tại nhà quàn ở Mỹ bao gồm những bước căn bản như:
    - Thi hài người chết được đặt lên bàn phẳng sau khi đã được tắm rửa sạch sẽ.
    - Dung dịch ướp xác được bơm vào các mao mạch máu thông qua một ống tube nhỏ kết nối với máy ướp xác. Dung dịch này là hỗn hợp gồm nước và các chất có tác dụng bảo quản như formaldehyde (ở Việt Nam gọi là foóc-môn) sẽ hút bớt nước và làm khô các tế bào. Sự có mặt của các chất này sẽ giúp xác chết khó bị phân hủy hơn do vi sinh vật và vi khuẩn khó có thể sản sinh được trên vật chủ do bất lợi về mặt môi trường.

    Số lượng của chất ướp xác được sử dụng sẽ khác nhau, tùy từng trường hợp.
    - Máu sau đó sẽ được hút bỏ khỏi hệ thống tuần hoàn.
    - Mạch máu được bó lại và khâu lại vết cắt.
    - Các phần còn trống bên trong cơ thể được xử lý bằng cách hút bỏ các chất lỏng và khí còn lại, đồng thời bơm thêm vào chất ướp xác đã sử dụng ở bước 2.
    - Lau rửa và mặc trang phục cho người chết.
    - Trang điểm để khôi phục vẻ ngoài cho người chết.

    Trong suốt quá trình ướp xác, người thực hiện phải hết sức cẩn thận và nhẹ nhàng khi điều chỉnh dung dịch ướp xác và cắt bỏ nội tạng. Chỉ cần những lúc làm hơi mạnh tay sẽ khiến cho người chết bị mất nước nhanh và cơ thể bị căng phồng.


    Nhà quàn "ma"

    Ông Khang Lê, chủ nhân của nhà quàn An Lạc (An Lac Funeral Services) tại thành phố Garden Grove, Quận Cam cho biết, ma ở đây không phải ma quái thuộc về siêu hình mà là ma mãnh giữa con người và con người với nhau.

    Theo ông Khang Lê, thường những nhà quàn "ma" này là do một người mà ông tạm gọi là người trung gian, tự làm flyer quảng cáo kèm hình chụp mộ bia, quan tài… quảng cáo như là một nhà quàn, có số điện thoại để khách hàng liên lạc. Nhưng lại không có số license nhà quàn. Những flyer này được đem phân phát, bỏ ở những nơi như tại các nhà thờ, chợ,...

    Có thể người trung gian này có một cơ sở thương mại. Nhưng không phải về lãnh vực tang lễ, mà họ đến làm quen với một nhà quàn nhỏ nào đó, rồi tự tìm khách hàng và làm hợp đồng với khách. Rồi tìm đến nhà quàn để cho nhà quàn lo những dịch vụ căn bản như lấy xác, ướp xác, thủ tục giấy tờ chôn cất hay hỏa táng… Nhưng phần tổ chức tang lễ thì người trung gian tự đảm nhận. Thường trong những trường hợp này, với các khách hàng không tổ chức thăm viếng tại nhà quàn, mà tổ chức thăm viếng ngay trong nhà thờ.

    Ông Khang Lê nói, "Lúc trước khi tôi còn làm tại những nhà quàn của người Mỹ mở. Nhà thờ không có đồng ý cho tổ chức lễ tang với chuyện thăm viếng tại nhà thờ, mà chỉ có dự thánh lễ thôi, sau đó di quan đến nghĩa trang chôn cất. Như thế thì không có chuyện gì xảy ra hết. Sau này khoảng vài năm gần đây thì nhà thờ lại cho phép thăm viếng. Nếu trong thời gian diễn ra thăm viếng tại nhà thờ, xảy ra chuyện như quan tài rớt… thì lúc bấy giờ cảnh sát sẽ gọi đến nhà quàn để hỏi, thì nhà quàn sẽ chẳng biết gì hết".

    "Vì nhà quàn không tiếp xúc trực tiếp với khách hàng của người đã mất, mà chỉ thông qua người trung gian để thực hiện những dịch vụ căn bản như lấy xác, ướp xác, xin giấy phép. Còn tổ chức lễ tang thì không làm tại nhà quàn, mà do người trung gian và gia đình khách hàng tự thỏa thuận để thực hiện với nhau. Người trung gian lấy tiền của khách hàng, rồi người trung gian gửi trả cho nhà quàn, chứ không phải khách hàng trả tiền trực tiếp cho nhà quàn. Bình thường thì không vấn đề gì hết, nhưng nếu không may có chuyện gì xảy ra thì sẽ quy trách nhiệm cho ai? Nhất là khi có luật sư nhảy vào, xảy ra kiện cáo… Khi đó người trung gian sẽ bỏ của chạy lấy người".

    Ông Khang Lê kể, "Tôi có biết trước đây đã từng xảy ra chuyện như vậy rồi. Có một khách hàng thuộc gia đình có tiền, là dược sĩ, làm hợp đồng với người trung gian, trả tiền để mua dịch vụ tang lễ. Khi làm hợp đồng có đề nghị đặt mua quan tài đắt tiền. Nhưng khi lễ tang diễn ra, người trung gian lại nói, nhà quàn đưa loại quan tài rẻ tiền. Gia đình người mất đã đến gặp nhà quàn để than phiền thì nhà quàn cho biết vì người trung gian yêu cầu quan tài rẻ tiền, nên họ chỉ làm theo yêu cầu của người trung gian. Gia đình người đã mất lúc này chỉ biết ôm "cục tức" thôi. Chứ không thể làm gì được".

    "Chuyện thứ hai, một gia đình có người thân qua đời, đã liên lạc với nhà quàn. Sau gần một tuần, chỉ chờ tổ chức làm nghi thức tang lễ. Không hiểu vì sao, người trung gian móc nối được với gia đình, giành giật hợp đồng của nhà quàn và cho gia đình đó biết có giá thấp hơn nhà quàn đó khoảng vài trăm đồng và còn tặng thêm các vật dụng để lo tang lễ. Khách hàng thấy rẻ, đồng ý bỏ hợp đồng với nhà quàn, mà quên rằng mình đã liên lạc với nhà quàn để lo mọi thủ tục như lấy xác, giữ xác, thủ tục giấy tờ để chôn cất… Nhà quàn sẵn sàng chuyển hợp đồng đi, nhưng sẽ tính các chi phí giữ xác…. Và gia đình lại phải mất thêm tiền. Người khách hàng không được lợi gì cả".


    Trong quan niệm truyền thống của người Việt, lễ tang là một nghi lễ lớn, là nghi lễ cuối cùng trong đời một con người, vừa có nhiều nghi thức, vừa để chứng tỏ sự tôn kính và chia tay cuối cùng với người đã khuất của người còn sống. Đối với những gia đình lần đầu tiên có người mất, lúc tang gia bối rối, khi tìm đến sắp đặt an táng tại các nhà quàn, thường thì khi các nhân viên của nhà quàn nói gì, tang chủ nghe vậy, nếu gặp phải nhà quàn không đàng hoàng, đưa ra những chi phí dịch vụ quá cao hoặc không cần thiết, nhưng vì quá thương người vừa mới nằm xuống, thân nhân đành chấp nhận chi trả cao cho dịch vụ đám tang.

    Đưa ra lời khuyên, ông Khang Lê nói, "Khách hàng nên đến thẳng nhà quàn, xem có phải là nhà quàn có giấy phép hợp pháp hay không. Chứ không nên vì ham rẻ, nhìn thấy flyer quảng cáo mà đồng ý làm hợp đồng với người trung gian. Điều này là sai. Vì gia đình đóng tiền cho người trung gian, mà không phải trực tiếp với nhà quàn. Nếu khi tang lễ diễn ra, có chuyện gì không hay xảy ra, thì nhà quàn chịu trách nhiệm, còn mình hợp đồng với người trung gian thì người trung gian sẽ đổ thừa này nọ, phủi tay với mình, mình sẽ lãnh đủ, chịu mất tiền và rước thêm sự bực mình… Nhà quàn của tôi không bao giờ hợp tác với những người trung gian như vậy. Chỉ có những nhà quàn nhỏ ở xa, mới đồng ý kết hợp với những người trung gian".

    Ông Khang Lê gợi ý, "Nếu gia đình có người thân qua đời, hãy đi đến nhà quàn A, rồi đi thêm nhà quàn B hoặc C. Không nên chỉ đi một nơi, mà hãy đi xem thêm hai, ba nhà quàn để xem. Quan sát họ làm việc có đàng hoàng và giấy tờ hợp lệ hay không. Đừng vì thấy tiền rẻ hơn chút xíu, mà làm việc không uy tín, thì không nên làm hợp đồng với họ. Hãy tìm đến những nhà quàn làm việc đàng hoàng. Vì có chuyện gì, mình còn thưa kiện được. Còn thông qua trung gian thì không ai biết chuyện gì xảy ra".


    Không nên mua trước đất chôn, mà chỉ mua trước dịch vụ tang lễ

    Nhận xét trong cộng đồng người Việt, có nhiều người chọn đặt mua trước đất nghĩa trang để khi từ giã cõi đời sẽ được an táng tại phần đất đã được chuẩn bị trước. Ông Khang Lê nói, "Không nên đặt mua trước phần đất ở nghĩa trang, mà chỉ nên mua phần dịch vụ cho lễ tang. Vì có thể, sau này mình chuyển sang tiểu bang khác để sống thì sao? Người Mỹ họ chỉ mua phần tang lễ trước. Vì mua phần tang lễ thì khi chết ở đâu cũng đều sử dụng được. Tiền dịch vụ tang lễ có giá trị tại 50 tiểu bang nước Mỹ. Hãy tìm đến nhà quàn có giấy tờ hợp lệ để mua. Tiền mua trước để lo tang lễ là không phải trả cho nhà quàn, mà là trả cho cho công ty bảo hiểm chuyên về dịch vụ tang lễ có giá trị tại 50 tiểu bang nước Mỹ. Nhà quàn chỉ đứng ra bán giùm, để nhận tiền hoa hồng (nếu người mất không sử dụng dịch vụ tang lễ tại nhà quàn này). Còn nếu người mất sử dụng dịch vụ tang lễ tại nhà quàn mà họ đã mua dịch vụ tang lễ khi họ còn sống, thì nhà quàn sẽ có tiền do công ty bảo hiểm chi trả".

    Được biết giá tiền dịch vụ tang lễ ví dụ mua thời điểm bây giờ (*năm 2017)khoảng 6,000 USD, được mua trả góp không tiền lời trong một thời gian tùy theo hợp đồng. Đến 20 năm sau gia đình có người thân mất, thì thời giá của 6,000 USD bây giờ đến 20 năm sau không còn như vậy nữa, có thể sẽ là 60,000 USD, nhưng giá trị phục vụ thì vẫn giống như thời giá mình mua lúc trước. Hiện nay giá tiền của dịch vụ tang lễ sẽ tăng lên mỗi năm. Có thể tăng 700, 800 hay cả ngàn USD, tùy theo từng loại dịch vụ mà quý vị mua.

    Ở Hoa Kỳ, dịch vụ tang lễ của các nhà quàn có nhiều giá cả khác nhau. Riêng về hỏa táng, có nhiều kiểu, nhiều giá khác nhau để khách hàng lựa chọn. Rẻ nhất là không tổ chức thăm viếng, đưa thẳng thi hài từ phòng lạnh ra thẳng nơi hỏa táng, không quàn, không có quan tài, mà chỉ thuê một quan tài gọi là Beckham Rental, khi vào phòng hỏa táng, nhà quàn sẽ giở nắp quan tài mang đi, và thi hài sẽ còn lại với một tấm gỗ dưới lưng.

    Hoặc cách thứ hai, thân nhân đến nhìn lần cuối trong ngày hỏa táng, sẽ có nghi thức đọc một thời kinh theo tôn giáo của người đã mất. Cách thứ ba là thăm viếng tại nhà quàn khoảng 3 tiếng đồng hồ, mời cha (Thiên Chúa), hay mời thầy (Phật giáo) đến đọc kinh, cúng cơm, cầu nguyện tại phòng nhà quàn. Hoặc cách thông thường của người Việt là thăm viếng hai ngày, có nghi thức nhập liệm, phát tang, cầu siêu, cúng cơm, đưa tiễn…

    Khác biệt trong những giá này là tiền áo quan (quan tài). Có loại áo quan mướn, áo quan rẻ nhất khoảng 795 USD, áo quan trung bình khoảng 2,995 USD, hoặc những áo quan đẹp hơn giá khoảng 6,000 đến 8,000 USD.

    Ông Khang Lê cho biết, riêng tại nhà quàn An Lạc của ông có chương trình giúp cho những gia đình có người thân qua đời, nhưng không có tiền lo tang lễ, nhà quàn An Lạc sẽ giúp khách hàng liên lạc với ngân hàng cho mượn tiền để lo tang lễ, sau đó khách hàng trả tiền cho ngân hàng mỗi tháng, với tiền lời thấp. Ngoài ra, hiện nay chỉ có nhà quàn An Lạc mới nhận hỏa táng người mất với giá tiền rất thấp, chỉ có 585 USD (*năm 2017). Trong khi những nhà quàn của Mỹ, giá thấp nhất là 995 USD.

    Ông Khang Lê giải thích, "Tại Mỹ có chương trình của chính phủ gọi là 'General Relief' (GA) chuyên giúp cho những người nghèo khi qua đời, với lệ phí là 425 USD, do chính phủ trả tiền này cho nhà quàn, bao gồm đi lấy xác, rồi hỏa táng, không có thăm viếng. Gia đình có thân nhân qua đời phải đến xin phép chương trình này ở sở Xã Hội. Nhưng mấy năm nay, dần dần chương trình này không còn nữa. Vì chi phí lò thiêu càng ngày càng lên giá. Nên hầu hết các nhà quàn không chấp nhận lệ phí 425 USD này nữa. Nhà quàn An Lạc nhận hỏa táng, không thăm viếng với giá là 585 USD, thì mới đủ chi phí để thực hiện, nhưng vẫn rẻ hơn những nhà quàn khác. Tôi làm với giá này là một cách để giúp người nghèo. Thường những người theo đạo Tin Lành khi qua đời không có phần thăm viếng, mà chỉ hỏa táng rồi lấy tro cốt và làm lễ tưởng niệm. Họ đưa hủ tro cốt đến nhà thờ làm lễ, tiết kiệm được chi phí. Họ chỉ trả lệ phí hỏa táng 585 USD khi đến An Lạc".

    Ông Khang Lê có lời khuyên, "Những Viện dưỡng lão không có nhà xác, nên khi có người thân vào Viện dưỡng lão, nhân viên tại đây luôn hỏi người nhà người thân đó đã có nhà xác chưa? Vì khi người đó qua đời, Viện dưỡng lão chỉ giữ thi hài người mất trong bốn tiếng thôi. Sau đó phải chuyển đi nơi khác. Vì vậy người nhà có người thân đưa vào Viện dưỡng lão, luôn phải chuẩn bị nơi sẽ lo tang lễ cho người thân của mình. Nếu không chuẩn bị trước, khi người thân mất, Viện dưỡng lão sẽ chuyển thi hài người mất đến nhà xác của một nhà quàn A, hay B. Lúc đó người nhà sẽ phải tốn chi phí trả cho nhà quàn đó, nếu không đồng ý cho nhà quàn đó tổ chức tang lễ. Tiền chi phí giữ thi hài này khoảng 500 USD. Nếu giữ 1 tuần, thì mỗi ngày sẽ tính 75 USD. Vì vậy nếu có người thân đưa vào Viện dưỡng lão, người nhà nên chuẩn bị trước phần chi phí của nhà quàn. Thì khi người thân mất, Viện dưỡng lão gọi người nhà không được, sẽ gọi cho nhà quàn mà người nhà đã báo cho Viện dưỡng lão, để Viện dưỡng lão gọi cho nhà quàn để đưa thi hài đi. Gia đình sẽ không mất chi phí nhà quàn giữ xác. Nhà quàn được khách hàng đồng ý ký hợp đồng để lo dịch vụ tang lễ, thì sẽ không tính chi phí giữ thi hài trong nhà xác. Thường nhà quàn chỉ tính khi gia đình đổi sang nhà quàn khác để lo tang lễ thôi".

    Ông Khang Lê cho biết, "Ví dụ có người thân của người quá cố đi theo tàu đánh cá, phải ba tháng sau mới về. Thì người mất được nhà quàn giữ thi hài trong phòng lạnh ba tháng, đợi người con về đến mới tổ chức tang lễ. Giá cả dịch vụ tang lễ vẫn vậy, không tính thêm tiền giữ thi hài trong nhà xác. Đây là sự ưu đãi của nhà quàn An Lạc. Còn những nơi khác thì tôi không biết. Thường nhà quàn của người Mỹ sẽ tính thêm tiền, vì giữ thi hài trong phòng lạnh chật chỗ của họ. Nên họ phải tính thêm chi phí thôi. Một ngày ít nhất là 75 USD. Nếu gia đình có người thân mất, phải chờ ba tháng mới làm tang lễ, và có phần thăm viếng, thì chúng tôi phải ướp xác, để ba tháng sau hay một tháng sau tổ chức lễ viếng, thi hài vẫn còn tươi. Còn nếu không ướp xác thì phải đặt trong cooler không di chuyển được nếu chật chỗ khi có thêm thi hài thì hơi kẹt cho nhà quàn. Còn đã ướp xác rồi, thì những khi chật chỗ thì đưa ra khỏi cooler cũng không sao. Vì trong phòng Prep Room vẫn có độ lạnh cần thiết, nếu đã ướp xác thì không cần để thi hài nằm trong cooler, thi hài vẫn còn tươi".

    Ông Khang Lê nói, "Khi tôi mở ra nhà quàn An Lạc, tôi luôn chú trọng về đạo đức, lương tâm nhiều hơn là chuyện lời lỗ. Tôi làm công việc này hơn 20 năm nay, đã có nhiều sự huyền nhiệm xảy ra với tôi, nên tôi nghĩ khi mình làm nghề này với lương tâm nghề nghiệp thì linh hồn người chết phù hộ cho mình. Chỉ cần mình làm tận tình với hết khả năng, lương tâm của mình, thì người chết người ta biết. Quý vị nào cần tìm hiểu thắc mắc gì về các dịch vụ tang lễ để lo cho người thân của mình, mời quý vị hãy đến nhà quàn An Lạc. Tôi sẽ hướng dẫn với lương tâm và giải thích cặn kẽ cho quý vị".

    Bài của Băng Huyền (viendongdaily)

    Nhà Quàn An Lạc, địa chỉ 7441 Garden Grove Blvd Suite C. Garden Grove, CA 92841.
    Điện thoại 1-714-489-5571
    Email:info@anlacfuneralservices.com

    *** Lưu ý: Do bài này được đăng hồi năm 2017 nên những con số trong bài viết sẽ không còn đúng với thời gian nữa, xin các bạn chú ý khi đọc qua.




    Attached Files

  • Font Size
    #2
    rảnh rỗi xem mấy bài này để hiểu hơn về tang lễ tại Mỹ.

    Comment


    • Font Size
      #3
      Originally posted by Cao Nguyên View Post
      rảnh rỗi xem mấy bài này để hiểu hơn về tang lễ tại Mỹ.
      Vì trước sau gì mình cũng sẽ đi qua con đường này, chỉ mong sao con cháu đừng bày vẽ gì thêm cho tốn kém rườm rà vô ích, khi đã xong kiếp người, vở tuồng đã đóng lại rồi, chỉ cần đôi lúc tưởng nhớ lại, "đó là ba, là mẹ" thế là quá đủ rồi! Xây mộ, cúng kiếng chỉ là hình thức bận bịu không cần thiết và tốn kém vô ích!

      Comment


      • Font Size
        #4
        Originally posted by Cao Nguyên View Post
        rảnh rỗi xem mấy bài này để hiểu hơn về tang lễ tại Mỹ.
        Originally posted by trungthuc View Post

        Vì trước sau gì mình cũng sẽ đi qua con đường này, chỉ mong sao con cháu đừng bày vẽ gì thêm cho tốn kém rườm rà vô ích, khi đã xong kiếp người, vở tuồng đã đóng lại rồi, chỉ cần đôi lúc tưởng nhớ lại, "đó là ba, là mẹ" thế là quá đủ rồi! Xây mộ, cúng kiếng chỉ là hình thức bận bịu không cần thiết và tốn kém vô ích!
        Thì em nào cũng có phần. Hahahahhaha

        Comment

        Working...
        X