Announcement

Collapse
No announcement yet.

Nói được nhiều ngoại ngữ, lợi hay hại đây??

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Nói được nhiều ngoại ngữ, lợi hay hại đây??

    Mình còn nhớ thời gian đầu về lại Paris sau khi làm việc tại Ý Đại Lợi. Khi nói chuyện với Tây đầm thì trong đầu mình chỉ nghĩ đến tiếng Ý. Phải mất cả tháng mới nói tiếng Pháp với suy nghĩ tiếng Pháp trong đầu. Lúc gặp lại cô em, vượt biển sang, mình hơi bị lóng cóng khi nói tiếng Việt. Nhất là nghe những từ ngữ lạ thời hậu 75. Lý do là ít quen người Việt tại Paris để nói tiếng Việt từ khi qua Tây năm 1974. Chán Mớ Đời

    Từ mấy năm nay, mình đã gia nhập hội Toastmaters để tập cách nói trước công chúng. Lý do là khi mình nói chuyện với người Mỹ, có tật nói rất nhanh, khiến cho họ không quen, nên thường hỏi lại. Đi họp hàng tuần, mình nhận được lời phê bình từ các hội viên khác, chịu khó nói chậm lại và nhấn dấu cho chuẩn để cho người Mỹ hiểu khi chuyện trò. Vấn nạn là lúc mình học một ngoại ngữ vẫn còn bị lộn xộn khi phát âm ra.

    Nói và viết được 1, 2 ngoại ngữ sẽ giúp cho chúng ta học hỏi thêm về văn hoá, nhất là ngày nay thế giới mặt phẳng, chúng ta luôn cần phải biết ít nhất thêm 1 ngoại ngữ. Có ai đã nói, biết được thêm một ngoại ngữ, chúng ta như bổ sung thêm một nhân cách mới. Vấn đề là khi học ngoại ngữ, khiến cho đầu óc chúng ta hơi bị lộn xộn vì bộ não làm việc có lúc khác, không như mình mong muốn.

    Nghe người lớn kể lại, hồi nhỏ mình học vườn trẻ Ấu Việt, rặt chương trình Pháp, về nhà cứ xổ tiếng Tây khiến cho chị người làm bị ngọng. Vào Petit Lycee cũng khiến cho mình nói ngọng ngọng tiếng Việt ở nhà như con mình ngày nay. Nhưng khi đã lớn lên, học thêm tiếng Việt ở trường, đi chơi với đám hàng xóm, học chương trình Việt nên từ từ cũng hiểu được tiếng Việt và biết chửi thề mệt thở.

    Mình nhớ cả đời, năm học 10ème (*lớp 2), có hôm, đoàn cải lương Hương Mùa Thu từ Sàigòn lên Đà Lạt trình diễn. Ban ngày, họ mướn một chiếc xe Lam, gắn mấy panneau của tuồng cải lương rồi, chạy khắp phố Đà Lạt, có một ông ngồi cạnh tài xế xe lam, nói oang oang, giới thiệu tuồng cải lương sẽ hát đêm đó tại rạp Ngọc Hiệp. Bà hàng xóm người Nam, ông chồng là bạn với ông Đổ Cao Lụa, bố của trung tướng Đổ Cao Trí, hay đến nhà nhậu mỗi chiều. Ông này ghét Hùng Cường nên khi đài radio mở bài "Tôi đi giữa hoàng hôn", là ông ta kêu tắt radio đi. Bà Hai mê cải lương, kêu mình chạy xuống đường xem họ hát tuồng gì. Mình chạy xuống đường Hai Bà Trưng, đợi xe lam đang oang oang quảng cáo, chạy từ bên đường Phan Đình Phùng, qua La Sown Phụ Tử rồi quẹo về Hai Bà Trưng. Khi xe lam chạy qua xóm Công Chánh, mình chạy theo xe này để đọc và cố lượm cho được tờ program nhưng đám con nít ở Xóm Địa Dư giành chụp lấy hết.

    Khi về báo lại cho bà Hai là họ hát tuồng "Hai Lan Thu Hen" khiến bà ta ngọng luôn. Mình đọc theo kiểu đám Tây đầm đọc tiếng Việt. May mà có con Thuý hàng xóm, đứng ra thuyết minh, kêu mình ngu, nói là họ hát "Hai Lần Thu Hẹn". Đó tiếng Việt giỏi cực đỉnh từ bé nên mấy bác hay còm, kêu em ngu, viết chính tả sai đủ trò. Em biết em thuộc gia đình thuần nông, từ bé đã vô Suối Túa làm vườn, nay lại trở về nghề nông dân.

    Mình đọc một cuộc nghiên cứu về những người biết nhiều ngoại ngữ, hay bị lộn xộn khi sử dụng ngoại ngữ. Có một tên Tàu sinh sống ở Paris, kể lại một hôm hắn bò vào tiệm bánh mì, bổng nhiên hắn xổ tiếng Tàu khi ông Tây hỏi, khiến cho tên bán bánh mì Tây bị ngọng. Hắn kể là tuy nó gốc Tàu nhưng sử dụng tiếng Anh ngữ là chính vì ở Luân Đôn, còn tiếng Quan thoại ít sử dụng. Các chuyên gia nghiên cứu ngôn ngữ cho rằng đó là sự lầm lẫn đương nhiên khi sử dụng nhiều thứ tiếng nói.


    Thác Mulnomath tại Oregon

    Mình nhớ một anh bạn quen trong thời gian đi làm ở Ý Đại Lợi. Anh ta, dân Quảng Nam, du học ở Ý Đại Lợi năm 1972, ra trường, qua Thuỵ Sĩ đi dạy ở đại học Bách khoa Lausanne. Anh ta giới thiệu mình vào làm phụ tá ở trường. Anh ta kể đang nói tiếng Tây với sinh viên rồi không biết chữ tiếng Tây, bí quá nên anh ta xổ luôn tiếng Ý, sinh viên nào hiểu không được thì kệ xác chúng. Anh ta nói tiếng Việt giọng Quảng Nam mình nghe chưa được, huống chi dân Thụy sĩ. Chán Mớ Đời

    Theo các nghiên cứu thì người biết nhiều ngoại ngữ, khi nói chuyện, trong đầu họ các ngôn ngữ họ đã biết sẽ hiện ra cùng một lúc. Các ngôn ngữ có thể xen kẽ vào như người Việt tại Hoa Kỳ, Pháp,..nói tiếng Việt rồi lại chêm các từ ngữ địa phương vào. Hay đang nói tiếng Mỹ với người Việt lại chêm tiếng Việt vào. Đối với người Việt với nhau thì hiểu được còn đang nói chuyện với tên Mỹ trắng hay cô đầm mà xen kẽ tiếng Việt sẽ khiến cho họ ngọng. Do đó khi mình nói tiếng Việt với người Việt thì mình cố gắng không xổ tiếng Anh.

    Tạo ra thói quen để khi gặp người ngoại quốc thì không chêm tiếng Việt vào khi nói chuyện với họ. Mình có xem nhiều cuộc hội thảo của người Việt, giới trẻ ở Việt Nam thì khám phá ra họ chêm tiếng Anh rất nhiều. Đi Sơn Đoòng, có mấy anh chị trẻ thành đạt của Việt Nam, họ nói tiếng Anh ngữ khá, nên cứ thấy họ nói tiếng Việt, lại pha chế thêm tiếng Anh. Mình ở hải ngoại, tìm cách nói tiếng Việt cho thuần Việt, trong khi trong nước thì họ xổ tiếng Mỹ vang trời.


    Có vài nghiên cứu về ngôn ngữ học. Họ làm test, cho một người Tây Ban Nha đọc một đoạn văn bằng tiếng Anh rồi bằng tiếng Tây Ban Nha. Họ khám phá ra người này có thể đọc được tiếng Anh, nhưng thay vì đọc chữ "but" lại đọc ra "pero". Lẫn lộn giữa tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ. Có ông thần người Pháp, song ngữ, nói là khi muốn nói "dog" thì chữ "chien" hiện ra cùng một lúc nên bị chới với. Mình hay bị vụ này nên hơi bị cà lăm. Não bộ chúng ta không làm việc như mở công tắc, bật đèn lên, tắt tiếng Việt, mở công tắc tiếng Anh, hay tiếng Tây,… khi chúng ta nói các ngoại ngữ, các chữ bằng ngoại ngữ đều hè nhau cùng làm việc, nhảy múa trong não bộ cùng lúc. Nhiều khi chữ tiếng Việt đến trước nên phải mò từ ngữ dịch ra Anh ngữ hay Pháp ngữ,… tương tự khi viết tiếng Việt, nhiều khi chữ tiếng Tây hay Mỹ lòi ra. Nhiều khi viết tiếng Anh lại lòi ra tiếng Đức, viết sai lỗi chính tả,…

    Do đó, người khi phát âm ra, cần phải biết kiểm soát đầu óc, chia cách các ngôn ngữ mà họ biết. Phương pháp này được gọi kềm chế các ngoại ngữ. Các ngoại ngữ khác nhau như Anh/ Pháp/ Đức thì dễ nhưng nếu Anh/ Đức thì hay bị lộn chữ lắm. Khi kiểm soát không được thì tự nhiên có từ ngữ này nhảy vào, từ ngữ khác nhảy ra như vợ mình nói tiếng Việt hay chêm thêm tiếng Anh vào vì quên chữ tiếng Việt hay không biết chữ tiếng Việt nào khả thi để diễn đạt ra. Điển hình khi mình nói chữ "đại vực" là mụ vợ nhìn mình, hỏi là cái chi, mình phải dịch là "Grand Canyon". Bà xã sống ở Việt Nam lâu hơn mình nhưng ngày nay tiếng Việt lại kém hơn mình. Nhất là từ ngữ thời hậu 75. Chán Mớ Đời

    Như trường hợp mình trở lại Paris để học tiếp sau khi ở Ý Đại Lợi một năm, mình xổ tiếng Ý Đại Lợi hơi bị nhiều. Tiếng nào không sử dụng thì từ từ sẽ bị mai mọt. Ngược lại năm sau, mình đi Tây Ban Nha về, ghé qua Ý Đại Lợi thì nói tiếng Ý lại lọng cọng với tiếng Tây Ban Nha. Tiếng Đức là khá "châm" vì văn phạm sẽ khác với các ngoại ngữ mình đã học. Lý do là động từ được để phía sau cùng của câu nói. Nghe thiên hạ nói tiếng Đức, là chới với vì họ chia động từ ở cuối câu. Mình học tiếng Đức được vài câu với ông cha Louis Leahy ở Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt khi xưa nhưng phải qua Thuỵ Sĩ, vùng nói tiếng Đức, mình mới được học đàng hoàng. Công ty trả tiền cho mình đi học ở trường Bertliz hàng đêm. Khi xưa, đi giang hồ, đến nước nào là mình mua cuốn sách Bertliz để học, bảo đảm sau 1 tháng là có thể khạc được vài chữ như tiếng Ả rập,…vẫn còn nhớ đến ngày nay. Chán Mớ Đời

    Có lần mình đi xe lửa từ Paris về Lausanne,Thụy Sĩ với anh bạn người Hoà Lan, làm chung. Anh chàng này nói được tiếng Hoà Lan, tiếng Anh, tiếng Đức và đang học tiếng Pháp. Phải công nhận cách giáo dục của Hoà Lan, Đức và các nước Bắc Âu rất hay vì đa số học sinh trung học đều nói được Anh ngữ rất rành rẽ. Ngược lại ở các vùng la tinh như Pháp, Ý Đại Lợi, Tây Ban Nha thì khạc không ra một chữ tiếng Anh dù có học 6 năm ở trung học. Ngày nay chắc cũng có thay đổi vì thấy mấy đứa cháu bên Tây cũng ngáp ngáp được tiếng Anh.

    Mình thì đang học Đức ngữ nên thoả hiệp với anh ta là khi nói chuyện, anh ta trả lời với tiếng Pháp còn mình thì tiếng Đức. Trong xe lửa, thiên hạ ngồi chung quanh chả hiểu hai thằng người ngoại quốc này. Người nói tiếng Tây với giọng Hoà Lan và thằng mít nói tiếng Đức. Khi mình nói sai thì anh ta sửa hay ngược lại. Tây đầm nhìn hai đứa như 2 thằng điên. Ngày nay, vẫn như vậy, anh ta liên lạc với mình bằng Pháp ngữ còn mình thì trả lời bằng Đức ngữ. Cách đây mấy năm, mình có đưa bà xã sang Hoà Lan thăm anh ta. Bà nhìn hai tên này như bọn điên khùng, mình nói Đức ngữ với anh ta trong khi anh ta trả lời bằng Pháp ngữ với mình, không quen thì chịu. Chỉ khi trả lời cho mụ vợ thì bằng Anh ngữ. Mình hỏi về Klaudia và Ute, hai cô người Đức mình quen khi xưa, làm chung sở.

    Nhớ khi đi xe lửa từ Paris với bà xã đến Hoà Lan thăm anh bạn này. Trên xe lửa, ông soát vé nói tiếng Tây rồi đến Bỉ thì ông lại nói tiếng Hoà Lan, rồi khi xe chạy đến vùng tiếng Pháp là Liège thì ông soát vé khác lại nói tiếng Tây rồi khi xe qua biên giới Bỉ và Hoà Lan để đến Maastricht thì lại phải nghe tiếng Hoà Lan. Hay có lần mình đi Áo quốc, Hung Gia Lợi và Tiệp thì thiên hạ nói tiếng Đức với mình rất nhiều.

    Theo kinh nghiệm của mình thì khi học một ngoại ngữ thì nên quen một cô nói tiếng đó. Dạo mình ở Thuỵ Sĩ, vùng Đức ngữ thì có quen một cô gái đức tên Klaudia nên dễ học hơn. Tương tự ở Ý Đại Lợi hay Tây Ban Nha. Hình như tình yêu đưa mình vào thiên đàng ngôn ngữ nhanh hơn.

    Khi mình tìm chữ để nói, nên giúp nói chậm lại thay vì chêm những từ vô nghĩa như ở, à, …
    Thêm nữa người biết nhiều ngoại ngữ, họ phải hạn chế dùng từ của tiếng mẹ đẻ nên hay quên từ ngữ của tiếng mẹ đẻ hay một ngoại ngữ khác như trường hợp mình khi đi Tây Ban Nha rồi ghé qua Ý Đại Lợi. Khi nói tiếng Ý với bạn bè là mình chới với lúc đầu vì cứ lộn chữ Tây Ban Nha và chữ Ý Đại Lợi. Ngược lại khi mình đi Tây Ban Nha lần đầu lại lộn tiếng Ý với Ý Đại Lợi nhưng sau 2 tuần thì trơn tru. Vì hơi giống tương tự.

    Ngoài ra, có người biết nhiều ngoại ngữ khi họ nói chuyện hay xổ ra giọng khác như dạo mình sang Anh quốc, mình nói tiếng Anh nhưng lại mang âm hưởng tiếng Tây. Còn nói tiếng Tây thì âm hưởng mít. Chán Mớ Đời

    Thí dụ đưa ra là một người biết ngoại ngữ, sử dụng lúc đầu như một người thuận tay phải rồi bắt đầu sử dụng tay trái để viết hay ăn cơm. Lúc đầu hơi ngượng nhưng lâu dần nhất là những người ở nước ngoài, khi họ sử dụng tay trái quen rồi nên lại quên sử dụng tay phải. Khi mình sang Tây, ít giao tiếp với người Việt nên lâu lâu gặp Việt Nam thì mình hay hơi bị ngọng, cà lăm để tìm chữ.

    Ngày nay, mình sử dụng 3 tiếng trong đời sống hàng ngày. Gặp khách hàng thì nói tiếng Anh, gặp thợ hay vào tiệm ăn, mua đồ hay người thuê nhà thì đa số gặp người gốc Mexico nên nói tiếng Tây Ban Nha, về nhà, gặp vợ con lại nói tiếng Việt-Mỹ. Đọc sách báo thì lại tìm báo Tây, Ý Đại Lợi, để đọc nên rốt cuộc mình hơi bị lộn xộn về đầu óc. Có lẻ mình, con nhà thuần nông dân nên hơi bị lộn xộn còn mọi người chắc không có bị chuyện này.

    Có chuyên gia về ngôn ngữ cho biết, não bộ rất mau thích nghi. Khi chúng ta sử dụng một ngoại ngữ làm cho chúng ta hay so sánh với tiếng mẹ đẻ.

    Họ nghiên cứu về một nhóm người Ý Đại Lợi, di dân qua Gia-nã-đại và học Anh ngữ khi đã lớn tuổi. Mấy người này cho biết là tiếng Ý của họ bị hao mòn, rỉ sét vì ít sử dụng thường nhật. Họ cho mấy người di dân Ý, xem các câu nói bằng tiếng Ý, trong khi bộ não của họ được đo đạt bởi electroencephalography (EEG). Sau đó, họ so sánh các câu trả lời với người Y sống tại Ý Đại Lợi.

    Họ khám phá ra các người di dân Ý không đồng ý với các câu bằng tiếng Ý, cho rằng không xài đúng văn phạm, không đúng với cách phát biểu trong Anh ngữ. Khi họ càng thông thạo tiếng Anh thì họ càng ít sử dụng tiếng Ý. Nên nhớ văn phạm tiếng Ý tương tự tiếng Pháp, và khác với tiếng Anh.

    Họ nhận thấy não bộ hai loại người Ý, tại Ý Đại Lợi và tại Gia-nã-đại khi cho họ đọc một câu bằng tiếng Ý, có thể chấp nhận được cho cả hai thì não bộ của người di dân Ý có sự hoạt động khác biệt với người Ý tại nước họ.

    Mình nhớ dạo còn ở Đà Lạt, mỗi thứ tư mình bò vào Giáo Hoàng Chủng Viện để học đàm thoại với ông cha người Gia-nã-đại, tên Louis Leahy. Ông ta cứ hỏi mình về văn phạm của Việt ngữ khiến cho mình ngọng. Khi mình nói thì cứ phang đại, đâu có biết rành về văn phạm Việt ngữ vì theo học chương trình Pháp từ bé, ngoại trừ hai năm cuối cùng trung học. Lỗi chính tả sai mút mùa lệ thuỷ nay ông Tây lại đi hỏi cắc cớ. Chán Mớ Đời.

    Ngày nay nhiều khi mình nói tiếng Việt lại thấy có chút gì sai sai so với văn phạm Anh văn nên mới hiểu những câu hỏi ngày xưa của ông linh mục Dòng Tên. Ông này dạo ấy cho biết nói được tiếng Anh, tiếng Tây, tiếng Tàu, tiếng La tinh, tiếng Việt và tiếng Bồ Đào Nha. Sau Việt Nam, ông qua Nam Dương và các xứ ở Phi châu nên chắc cũng nói thêm được nhiều tiếng khác.

    Môn Anh ngữ dựa theo thứ tự các chữ trong cấu trúc văn phạm hơn tiếng Ý. Họ cho rằng ngôn ngữ không đứng một chỗ mà thay đổi theo thời gian. Mình nhớ khi về thăm Paris, gặp lại bạn bè người Pháp, họ cười, kêu tiếng lóng mình dùng đã quá xưa. Lý do là sinh ngữ thay đổi và các từ ngữ cạnh tranh lẫn nhau. Có lẻ vì vậy, càng về già chúng ta sẽ càng khó để theo học một ngoại ngữ. Chúng ta cứ cổ thủ, bám vào ngôn ngữ đã biết nên không có chỗ để học thêm những chữ mới.

    Mình rất ngạc nhiên khi đi chơi ở Thổ Nhĩ Kỳ năm vừa rồi. Khi xưa, mình có thể học dễ dàng những câu xã giao của người bản xứ như đi Hy Lạp, Ma-rốc,… nhưng kỳ này, rất khó, lập lại câu nói cho chuẩn, trong khi mấy đứa con thì học, và lập lại rất nhanh. Ngược lại khi mình nói tiếng Ả rập khi thăm viếng Ai Cập và Jordan thì người dân bản xứ nhận ra tiếng Ả rập mình dùng là tiếng Ma-rốc thuần túy.

    Theo kinh nghiệm cá nhân của mình thì muốn học một ngoại ngữ, quan trọng nhất là nên đọc thêm chuyện viết bằng ngôn ngữ mình đang học, cũng như báo chí. Giúp cho mình hiểu, làm quen với các chữ mới và cách áp dụng trong nhiều trường hợp.

    Những người biết song ngữ, có khả năng thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ kiểm soát điều hành, quản trị chẳng hạn như trong các hoạt động khi người tham gia phải tập trung vào thông tin phản trực giác. Nói được nhiều ngôn ngữ, sẽ giúp trì hoãn các triệu chứng bị sa sút trí tuệ, bệnh Alzheimer. Cái này thì mình thấy hay, để nghiệm qua thời gian sẽ cho biết sau.


    Mình thấy câu này khá đúng với mình. Khi xưa càng học càng ngu. Ngày nay thì nhận thấy mình càng ngu càng học. Chán Mớ Đời

    Mình tính đi hành hương 88 ngôi chùa ở Nhật Bản, đi bộ trong vòng 60 ngày, tương tự El Camino, ở Tây Ban Nha mà các người con dân của Chúa trên thế giới hay đi hành hương. Có vợ chồng anh bạn đi hành hương này mất 60 ngày trên 725 cây số. Có một chị gốc ở Phan Thiết, em gái của Đinh Quốc Tuấn, vô địch quần vợt Việt Nam Cộng Hoà, nói tháng 5 này, sẽ đi hành hương ở đây. Chúc chị thành công.

    Khi còn ở Việt Nam, học lịch sử phong trào Đông Du nên mình tò mò đi học Nhật ngữ tại trường Việt Anh được một năm nhưng nay quên hết. Mình tính năm nay, học lại tiếng Nhật để có thể đàm thoại khi đi hành hương sang năm. Lý do người Nhật Bản ít có ai nói Anh ngữ. Dạo hồi năm 2019, mình đi thì họ có chuẩn bị Thế vận hội nên có mướn sinh viên ngoại quốc làm việc trong các khách sạn để tiếp khách ngoại quốc, ở nhà ga có chỗ nói tiếng Anh, khác với 13 năm về trước, khi hỏi tiếng Anh thì không có ai trả lời. Để xem có học nổi hay không vì não ngày nay toàn là trái bơ không. Chán Mớ Đời

    Có bác nào biết phương pháp nào học Nhật ngữ tốt không? Cho em xin, cảm ơn trước.

    Tự truyện lẩm cẩm


    Attached Files

  • Font Size
    #2
    Tôi thấy anh chàng này khi nói đến chuyện lợi hại nếu được học thêm ngoại ngử cũng không có gì mới mẽ, chỉ tiếc là tiếng Việt còn viết cẩu thả, lung tung, không ra câu văn, cú pháp nào cho đúng cả (chưa kể đến lổi văn phạm, chính tả). Cho nên hãy tự nhìn nhận, và đánh giá lại bản thân trước khi lý luận này nọ, e không có hợp tình hợp lý cho lắm!!!

    Comment

    Working...
    X