Announcement

Collapse
No announcement yet.

Nhớ về Xóm Chùa – Tân Định

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Nhớ về Xóm Chùa – Tân Định

    Tôi được sinh ra tại nhà bảo sanh Chung Nam Quế trên đường Trần Quang Khải và lớn lên trong khu xóm nhỏ cuối đường Nguyễn Hữu Cảnh nay là đường Nguyễn Văn Nguyễn.

    Mặt tiền chợ Tân Định (xây dựng từ năm 1926), thuở đầu được mệnh danh là chợ nhà giàu, vì ba mặt còn lại của chợ là nơi đậu xe hơi của khách hoặc xe ngựa.

    Từ đường Trần Quang Khải đi thẳng đường Nguyễn Hữu Cảnh, cuối đường có mũi tàu chia ra hai nhánh:

    – Nhánh bên phải là xóm lớn dẫn ra bờ kênh Nhiêu Lộc nay là đường Hoàng Sa, có chùa Vạn Thọ, một công trình kiến trúc đặc biệt mang dấu ấn của kiến trúc sư lão thành Cổ Văn Hậu, vừa tạ thế ngày 16/9/2021, hưởng thọ 87 tuổi. Mô hình Thư viện quốc gia Sài Gòn do ông thực hiện cũng đoạt giải thưởng quốc tế từ những năm 1970.

    – Nhánh bên trái chỉ gồm mươi hộ dân nên gọi là xóm mười căn, trong xóm có một ngôi chùa rất nhỏ là chùa Quảng Thành, không biết ai đã dựng nên và nó đã tồn tại ở đó bao lâu rồi.

    Chỉ một khu xóm nhỏ mà có đến hai ngôi chùa, có lẽ thế nên xóm được gọi chung là Xóm Chùa.

    Hai ngôi chùa trong khu xóm nhỏ,
    Bởi thế nên mới gọi Xóm Chùa.

    Lúc tôi còn nhỏ cả hai xóm đều chưa có nước máy (phông tên – fontaine) nên chính quyền có làm một cái giếng ngay đầu hai xóm để dân ra đây xếp hàng lấy nước về dùng. Mãi đến năm 1966 khu xóm Chùa mới có nước máy.

    Đám học trò nhà nghèo xóm Chùa chúng tôi đa số học tại trường con trai Tân Định, con gái học trường Đồ Chiểu, hai ngôi trường công lập lâu đời ở vùng Tân Định.

    Năm 1965-1966 vào lớp năm (lớp 1), sau vài ngày được phụ huynh đưa đón cho quen đường, lũ chúng tôi cùng rủ nhau rảo bộ đến trường, đến góc đường Trần Quý Khoách gặp Việt Nam học đường và trường Văn Lang, tiếp bước qua Hãng Sáo – Des Montreuil rồi ra đường Trần Quang Khải, tại đây nhìn sang bên kia đường là Hãng gạch bông Vân Sơn với những dãy kệ chưng gạch bông các loại, quẹo phải sang bên kia đường Hai Bà Trưng là nhà bảo sanh Lương Kim Vi, đi tiếp trăm bước đến đường Nguyễn Văn Mai, quẹo phải rồi đi thẳng đến đường Huỳnh Tịnh Của, quẹo trái đi tiếp đến trường.

    Bao nhiêu điều mới lạ, đi vô cổng trường được uống sữa Mỹ, nóng hổi thơm ngon lắm, rồi chào cờ, hát quốc ca, tập đọc, tập viết, được chơi đùa ở sân trường rộng lớn dưới bóng cây thấp và râm mát, so với khu nhà lụp xụp của chúng tôi tại Xóm Chùa thì đúng là một thiên đường.

    ​​​​​Chúng tôi rất thích và chăm đi học.

    Sau đây xin nhắc lại một số kỷ niệm về hai ngôi chùa gần nhà tôi:

    Chùa Vạn Thọ có thầy trụ trì Bửu Tuyền thường làm từ thiện, tặng quà cho người nghèo trong xóm mùa lễ Vu lan. Trong chùa có phòng khám miễn phí chuyên trị các bệnh về xương khớp bằng các bài thuốc đặc chế từ cây nga truật và một số loại thảo dược khác.
    Thầy Bửu Tuyền thật phúc hậu, đạo đức và được sự yêu mến của các phật tử cũng như xóm giềng.

    Chùa Quảng Thành có trụ trì là sư thầy Thích Nguyên Khánh. Cổng chùa luôn mở nên bọn trẻ xóm mười căn chúng tôi thường vào chơi.

    Thầy Thích Nguyên Khánh dáng đậm người, khoan thai, nét mặt hiền từ, tính tình ôn hòa. Ngoài việc kinh kệ, thầy chuyên tâm chế biến thuốc nam, sống cuộc đời bình dị, chan hòa với thiên nhiên. Thầy chuyên chữa các thứ bệnh bằng châm cứu, uống thuốc nam do chính thầy bào chế, rất công hiệu.

    Sau ngày 30/4/1975 cả nước đều khó khăn, trăm thứ thiếu thốn, thuốc để chữa bệnh hầu như không có, chỉ có thuốc Xuyên tâm liên chữa tất cả các loại bệnh (thuốc chữa bá bệnh).

    Sau khi ra trường, bước vào đời, tất bật mưu sinh tôi phải làm đủ nghề: chụp hình, sửa chữa điện cơ, …. Do tính chất công việc thất thường nên việc ăn uống không đúng giờ và thức ăn không thích hợp nên tôi bị chứng đại tiện ra máu.

    Nhớ tài chữa bệnh của thầy Nguyên Khánh, tôi chạy ngay qua chùa cầu cứu thầy. Thầy bắt mạch rồi lập tức châm cứu và cho tôi uống vài viên thảo dược, như phép lạ chứng này dừng ngay. Thầy tiếp tục chữa bệnh cho tôi hơn một tháng thì hết hẳn cho đến nay, không bao giờ tái phát.

    Những năm 1990 tôi có anh bạn người Đức – kỹ sư điện, qua Việt Nam du lịch và học tiếng Việt. Bữa nọ dẫn bạn đi ăn cháo vịt, chỉ bát tiết canh tôi hỏi bạn dám ăn không? Bạn gật đầu ăn hết còn khen ngon. Chở bạn về khách sạn xong, tôi về nhà chuẩn bị ngủ thì … bíp bíp tiếng máy nhắn tin của tôi kêu lên: Call me phone number …. (thời đó chỉ có máy nhắn tin), lại chạy đi nhờ điện thoại gọi đến khách sạn, bạn nói không ổn, đi ngoài cả chục lần rồi, mệt quá. Tôi nói bạn tạm lấy nước pha ít muối uống đỡ rồi sáng mai sẽ đưa bạn đến đi chữa bệnh.

    Hôm sau tôi chở bạn đến chùa, bạn ngạc nhiên lắm. Tôi mỉm cười nói yên chí, nhà sư này sẽ chữa cho bạn hết bệnh. Tôi trình bày với thầy Khánh bệnh tình của bạn, thầy kêu bạn nằm xuống để châm cứu, bạn tôi chần chờ vì sợ, hắn nói em sợ Sida, tôi nói lại với thầy. Thầy ngẫm nghĩ rồi nói vậy sẽ chữa bệnh mà không cần châm.

    Sau khoảng mười lăm phút được cứu ấm các huyệt đạo, bạn tôi khỏe hẳn và được thầy cho ba gói thuốc uống, bạn ngần ngừ vì thuốc có mùi cây lá. Tôi nói cứ uống đi, hiệu nghiệm lắm. Cả ngày hôm ấy và hôm sau, bạn không còn đau bụng và đi ngoài nữa, cười và luôn miệng khen, good good. Từ đấy về sau không bao giờ dám đụng đến món tiết canh.

    Trước khi về Đức, bạn nhờ tôi xin một mớ thuốc đem về nước phòng thân. Ngờ đâu mẹ của bạn đôi khi bị chứng này, bạn liền lấy thuốc cho uống, mẹ bạn cũng khen thuốc hay quá. Hầu như năm nào bạn cũng qua thăm tôi vào dịp Giáng Sinh, mỗi lần trở về Đức bạn đều nhờ tôi xin thuốc đem về cho mẹ.

    Lúc tôi hơn ba mươi tuổi, chưa vợ, nhận thấy cốt cách của tôi, thầy Khánh ngỏ ý nhận tôi làm đệ tử chân truyền để truyền dạy các món thuốc cứu người và một số môn bí truyền, song vô duyên nên tôi không được làm đệ tử của thầy.

    Lúc rỗi, thầy Khánh kể chuyện cuộc đời của thầy. Những lời thầy nói ra luôn có một khí chất riêng và khiến cho người nghe phải phục. Lúc trẻ thầy bị lính Bình Xuyên dí bắt, thầy chạy vô chùa trốn sau tượng Ông thiện Ông ác, có lẽ thầy được các thần che chở bảo vệ nên sau một lúc kiếm không thấy, chúng đành bỏ đi.

    Khí giận bốc lên trong lòng nên Thầy rắp tâm đi học võ để phòng thân.

    Hợp duyên thầy gặp được ông thầy Tàu trên núi, ngoài võ nghệ cao cường còn giỏi chữa bệnh, giỏi bấm độn, … nhận làm đệ tử.

    Thầy Khánh nói xin học võ để trượng nghĩa giúp đời, ông thầy Tàu chẳng nói chẳng rằng bắt thầy Khánh ngày qua ngày làm những việc vặt chẻ củi, rửa chén, nấu cơm, … Đang ngồi làm thì thầy Tàu đứng phía sau cầm gậy vụt vào lưng, biết đâu mà tránh, còn bị ông quở: "Muốn học võ mà người đánh không đỡ được thì không nên học, ngươi nên học làm thuốc chữa bệnh cho bá tánh".

    Nhân duyên là thế và nhờ trí óc minh mẫn, thầy Khánh thông tuệ y đạo, lãnh hội toàn bộ các bài thuốc chữa bệnh, cách nhận biết cây thuốc và vị thuốc, cách chế biến các loại thảo dược, thuật bấm độn và nhiều bí kíp khác của ông thầy Tàu.

    Xóm mười căn có anh chàng du thủ du thực, dân du côn, ai thấy cũng né. Bữa đó ngày rằm, thầy vừa tụng kinh xong, đang xếp áo tràng thì tên du côn không biết hứng chi chạy xộc vô chùa ôm cả dĩa trái cây trên bàn thờ Phật, bà con la ó rần, thầy Khánh chẳng nói gì chỉ bước nhanh đến vỗ nhẹ lưng anh chàng và hỏi: Đi đâu vậy con? Thế là hắn đứng ngay đơ không cục cựa, tay vẫn ôm dĩa trái cây.

    Thầy Khánh bắt đứng một lúc, mẹ chàng ta mới qua chùa lạy Phật xin tha cho, cả xóm nói nó bị Trời trồng. Thầy chỉ vỗ nhẹ giải huyệt, anh chàng vội bưng dĩa trái cây đặt lại vị trí cũ, quay ra xá thầy như tế sao, rồi ba chân bốn cẳng dông thẳng.

    Chưa hết, hôm sau hắn kéo thêm mấy đồng bọn du côn tới Chùa. Thầy nghĩ họ đến để phục hận, nhưng không, họ đến để hỏi thầy vị trí của huyệt nào mà đánh vô bị như vậy?

    Thầy nói thầy có làm gì đâu, việc đó là do Trời Phật phạt đó. Từ đó trở đi hắn không dám phá làng phá xóm nữa.

    Thầy giảng đây là bí kíp điểm huyệt, nhưng nếu nặng tay sẽ gây chết người. Phải là cao thủ mới thi triển được công phu này. Đây là việc thực trăm phần trăm, có lẽ tác giả Kim Dung cũng từng chứng kiến nên mới đưa vô các tác phẩm kiếm hiệp của ông.

    Lại nhớ có lần tôi bị nhức xương khớp, nhờ thầy Thích Nguyên Khánh chữa trị nhiều ngày. Hôm đó, tôi có việc về trễ, hơn năm giờ chiều tôi mới về nhà. Chị Hai, người làm công quả đã đóng cửa chùa nhưng thầy Khánh nói con ra mở cổng sắp có khách đến, y như rằng chỉ lát sau tôi qua chùa. Chị Hai hỏi sao thầy biết có khách, thầy nói nhờ bấm độn.

    Thầy Thích Nguyên Khánh đã mất hơn mười năm rồi, chỉ tiếc không có đệ tử ruột để truyền lại các bài thuốc và các món bí truyền. Các bí kíp này coi như tuyệt tích trên đời, thật uổng phí.

    Đó phải chăng là quy luật, có rất nhiều rất nhiều thứ trên thế giới này kể cả chúng ta, xuất hiện và tồn tại trên cõi đời rồi cuối cùng đều dần mất đi theo thời gian, bị con người lãng quên, không còn nhớ đến nữa.

    Ước gì cho thời gian trở lại để chỉ xin học thầy Thích Nguyên Khánh một vài bài thuốc đơn giản, trước là giúp cho bà con, sau là lưu giữ và truyền lại hồn cốt của dân tộc cho thế hệ mai sau. Nhưng thời gian vẫn luôn êm ả, miệt mài, lặng lẽ trôi xuôi chẳng bao giờ trở lại.

    Vẫn còn đó những ký ức thời thơ trẻ, nơi xóm cũ tôi đã sống những năm 1960 và 1970, xóm Chùa khu Tân Định – Sài Gòn.

    Khi còn nhỏ những trò chơi của lũ con trai (trên dưới mười tuổi) thường là năm mười, cá sấu lên bờ, chơi u. Lớn hơn một chút thì chơi chọt đáo, đánh bông vụ, tạc lon, cướp cờ, dích hình, búng thun, bắn bi.

    Thời điểm đó xóm Chùa chưa được bê tông hóa, vẫn còn đường đất lồi lõm bụi mù vào mùa nắng, bì bõm nhếch nhác vào mùa mưa. Lũ con trai bọn tôi rất tinh nghịch, quậy phá, thường bày những trò tai quái.

    Đến giờ đi học, mấy chị học trường Gia Long, Trưng Vương, .., mặc áo dài trắng vào mùa mưa vừa ra ngõ là bọn con trai thường giả bộ chơi đánh nhau, rượt nhau chạy ngang qua các chị lại canh ngay vũng nước dơ rồi đạp nước văng tung toé làm vấy bẩn áo dài của các chị. Các chị la làng, kêu trời kêu đất, đành phải về nhà thay quần áo trắng khác còn bọn tôi cười khoái trá rồi mạnh đứa nào đứa nấy trốn mất.

    Mùa mưa còn trò chơi bắn bi lỗ, giao ước khi bị thua phải ngậm viên bi do người thắng bắn ra xa (thường thì viên bi này được bắn để lăn vô vũng nước dơ), đem về cái lỗ nhả ra đúng vào lỗ thì mới được tha, nếu không thì bị bắn ra xa và lại đi ngậm đem về bỏ vô lỗ tiếp.

    Thời đó bi làm bằng thủy tinh trong suốt, bên trong có nhiều hoa văn màu sắc rất đẹp, có loại bi thủy tinh đục có vân cũng rất đẹp. Có đứa bạn tính keo kiệt không chịu bỏ tiền ra mua bi mà chuyên đi lượm những viên bi được loại ra do bị mòn, mờ, đục, mẻ … để chơi, hoặc lượm những viên đá, sỏi tương đối tròn rồi mài lại thành viên bi chơi. Một hôm hắn lượm được một viên khá tròn màu trắng lẫn xám xen vài chấm đỏ đem khoe bọn tôi và bắt đầu mài cho tròn, đang mài dưới đất thì viên đó vỡ vụn ra, hắn cầm mảnh vụn lên ngửi: cứt chó, hắn la lên rồi chạy mất làm bọn tôi được một trận cười như nắc nẻ.

    Mùa Tết đến lũ chúng tôi thường đi lượm pháo không nổ kịp bị văng ra từ những dây pháo dài, để gắn vào súng pháo bắn chơi. Chế súng bắn pháo rất đơn giản, chỉ là hai khúc cây dài khoảng 15cm, một đầu cột dây thun, đầu kia cột một cây đinh để kẹp tim pháo, dây thun được kéo vô đầu pháo chỉ cần lấy nhang đốt vô dây tim pháo là nó đứt ra bay theo hướng đầu súng.

    Một hôm trong xóm có nhà đốt dây pháo dài khoảng ba mét, trong lúc pháo vẫn nổ thì bọn con nít đã nhào vô giành giật những viên pháo chưa nổ bị văng ra ngoài, tôi cầm cây súng bắn pháo bắn đại vô đám đông lũ nhỏ đang lượm pháo, tiếng pháo nổ vang thì bỗng nhiên thấy thằng nhỏ bằng cỡ tôi đang lượm pháo tự nhiên la lên và khóc thét chạy ra ngoài tay ôm hạ bộ, cái quần tà lỏn bị bung ra phất phơ hai mảnh. Thì ra viên pháo của tôi bắn vô tình bay vào quần của nó và phát nổ.

    Mùa cúng cô hồn tháng 7, bọn nhóc chúng tôi cũng chuyên đi lòng vòng trong xóm để giựt đồ cúng, tiền xu (5 cắc, 1 đồng, ….). Trong nhóm đi giựt khác có mấy anh cao lớn, khỏe hơn thường đem cái rổ để hứng tiền từ chủ nhà ném ra, nhóm bọn tôi nhỏ hơn nên thường thua thiệt, không tranh lại họ, tôi nghĩ ra kế : lấy cây nhang đang cúng canh mấy anh đó vừa hứng được tiền là tôi chích nhang vô đít mấy anh, bị đau quá phải buông tay là rổ rơi xuống, thế là bọn nhỏ chúng tôi nhào vô giựt tiền, giữa đám xô bồ ồn ào, mấy anh đâu biết ai là thủ phạm.

    Nhà tôi ở ngay trên sông, kênh nhiêu Lộc bây giờ. Thời đó nước sông còn trong và sạch lắm, không ô nhiễm như bây giờ, bọn nhỏ chúng tôi thường xuyên bơi sông, chủ yếu là bơi kiểu …. chó vì đâu biết bơi các kiểu sải, ếch, bướm, ngửa và hay biểu diễn nhảy chúi xuống nước.

    Năm đó tôi khoảng 11-12 tuổi, có cô bé nhà bên rất dễ thương cũng đang tập bơi nhưng chưa biết nhảy chúi, tôi nổi máu anh hùng nhảy biểu diễn cho nàng xem, thường ngày chỉ đứng trên sàn nhà mình nhảy xuống sông cách mặt nước sông khoảng hai mét, nhưng hôm đó tôi leo lên mái nhà cách mặt nước sông khoảng sáu mét để nhảy xuống cho oai. Một, hai, ba ùm xuống sông rồi bỗng thấy phía dưới mình trông trống, đưa tay ra sau rờ mông thì mất tiêu cái quần tà lỏn (thời đó làm gì có quần bơi), thế là lặn luôn không dám trồi lên và bơi tới cái quần đang nổi lềnh bềnh trên mặt nước, túm lấy lặn tiếp ra thật xa mặc vào, trên bờ nàng cười quá làm tui quê một cục bơi thật xa.

    Có nhiều chuyện xảy ra trong đời, lớp bụi thời gian đã khiến tôi hầu như quên mất một số chuyện, không còn lưu lại chút thông tin nào nhưng những câu chuyện trên vẫn ghi đậm trong trí nhớ của mình về xóm Chùa, nơi tôi đã rời xa bốn mươi bốn năm dài.

    Nguyễn Kim Thuận,
    Sài Gòn 9/11/2021

    Attached Files

  • Font Size
    #2
    Những hình ảnh chỉ là kỹ niệm một thời Không còn nữa

    Comment

    Working...
    X