Announcement

Collapse
No announcement yet.

Thời đại đơn độc

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Thời đại đơn độc

    Đọc cuốn sách về đại dịch ma tuý trên thế giới khiến mình thất kinh khi họ nói đến thời đại ngày nay, với khoa học kỹ thuật lên đến cực đỉnh, lại làm cho con người bị tha hoá, tự kỷ nhất là cô độc, đơn côi, bệnh trầm cảm, khiến cho một số người phải tìm đến ma tuý, nghiện ngập các loại kích thích như rượu bia,…

    Ngày nay, con người sống lâu hơn xưa, khi người phối ngẫu qua đời, người ở lại phải sống thêm 10, 20 năm nữa đơn độc. Khi đã lớn tuổi thì khó đi thêm bước nữa vì ngại gia đình, con cháu, nhất là sức khoẻ kém. Mình xem một phim tài liệu về sự đơn độc trong thế giới ngày nay bên Anh quốc. Hoá ra ngày nay, người Mỹ nuôi chó nhiều vì họ sống trong cảnh đơn độc. Theo thống kê, Hoa Kỳ có đến 46 triệu con mèo, 72 triệu con chó với dân số đâu khoảng 330 triệu người.

    Họ có phỏng vấn vài phụ nữ, đàn ông, chồng hay vợ chết nên phải sống đơn độc. Họ có con và cháu nội và ngoại nhưng không ở chung nên vẫn cảm thấy cô độc. Có ông tương đối giàu có, có tàu bè riêng đi biển, đậu ở bên Tây Ban Nha nhưng vẫn có vấn đề là tìm thêm bạn gái để vui chơi. Mấy người này cho biết họ có con cháu nhưng vì không sống chung nên vẫn thấy cô đơn, hiu quạnh bên đời.

    Tưởng chỉ có người cao niên, trên thực tế giới trẻ bỏ gia đình đi học xa, không quen ai hết nên cảm thấy đơn độc, bị trầm cảm. Có cô nói, thấy bạn bè tải hình ảnh đi chơi trên mạng, lại khiến cô ta càng chới với, tâm hồn bị rướm máu.


    Ngay Bộ Y tế Hoa Kỳ cũng lên tiếng về đại dịch cô độc của người Mỹ. Căn bệnh cô độc này rất nguy hiểm cho tính mạng, giống như hút 15 điếu thuốc lá mỗi ngày. Họ cho phát hành bản tường trình "Our Epidemic of Loneliness and Isolation", cho biết có đến phân nữa những người Mỹ lớn tuổi lâm vào tình cảnh này. Hoàn cảnh này có thể dẫn đến 29% bị bệnh tim, 32% bị đột quỵ và 50% bệnh mất trí nhớ.

    Từ nhiều thập niên qua, người Mỹ di chuyển nhiều, thay đổi công ăn việc làm như thay áo. Họ như bị mất cội nguồn, bạn bè càng về già càng khó tìm thấy. Cái này đúng cho mình. Từ ngày đi Tây, mình có quen một ít bạn bên đó rồi mò sang Ý Đại Lợi, Thuỵ Sĩ, Anh quốc rồi đến New York làm việc trong suốt 12 năm nên bạn thân không có. Chỉ sống mỗi chỗ vài năm rồi lại đi nên không có bạn nào thân thích lắm.

    Ngoài ra các tiến bộ về khoa học kỹ thuật đã thay đổi cuộc sống của chúng ta, cách mà chúng ta nói chuyện với nhau. Chúng ta cảm thấy đơn độc dù có nhiều người ở chung quanh. Cứ xem gia đình, bạn bè họp mặt, ai nấy đều suốt ngày cầm cái điện thoại cho thấy rằng, chúng ta chỉ là những "ốc đảo" dù đang sống kề cận bên nhau. Chúng ta thiếu đi sự gắn bó về kết nối, giao tiếp cá nhân.

    Trưa nay, hai vợ chồng cùng hai đứa con đi ăn ngày Từ Mẫu trước một tuần vì con gái về lại New York tối nay. Đồng chí gái kêu không được lấy điện thoại ra, ngoại trừ để chụp ảnh mấy món ăn khiến cho mình vui mừng. Trước đây là cứ thấy mấy đứa con và mụ vợ, lúc nào cũng cầm điện thoại. Trước khi ăn, người ta hay đọc kinh để cảm ơn Thiên Chúa cho bữa ăn thường ngày, nay thì mọi người tự động móc điện thoại cầm tay ra để chụp hình mấy món ăn để tải lên mạng theo "tôn giáo tự kỷ của thời đại". Có lẻ chúng ta cô độc nên muốn thiên hạ chú ý đến mình nên phải tải những chuyện không nhập nhằng gì cả.

    Bản báo cáo cho biết người Mỹ từ 20 năm qua, gặp mặt nhau ít hơn xưa, giới trẻ từ lứa tuổi 15-24 có đến 70% liên lạc với bạn hữu. Giới trẻ liên lạc qua các phương tiện truyền thông hiện đại, được xem là chất lượng rất kém về sự liên kết giữa người với người.

    Khi một ai đó lên mạng, là để tìm một cộng đồng hợp với mình, tiếc thay là đa số không tìm ra được. Do đó chúng ta cần nên hạn chế sử dụng kỹ thuật, hạn chế thời gian trên mạng xã hội và khuyến khích giới trẻ cố gắng họp mặt off-line nhiều hơn.

    Mình có tham gia vài nhóm trên mạng, ở vùng Bolsa. Trước Covid, thấy họ hay rủ nhau ốp-lai, nay thì chắc đều rệu hết nên không thấy ơi ới hẹn đi ốp lai. Thật ra, khi đã có gia đình rồi, mình không cảm thấy phải cần tìm bạn thêm. Có một mụ vợ là xong. Mỗi ngày cãi nhau, nội chiến từng ngày, không cần phải khẩu chiến với mấy người bạn khác. Một mai, một trong hai người hát bản Khúc Thuỵ Du thì chắc sẽ buồn. Dì của đồng chí gái khi xưa, nói với mình: "Từ ngày chú chết buồn lắm anh Sơn, không có ai cãi nhau". Chán Mớ Đời

    Mình thấy vợ một người thầy dạy mình khi xưa tại Đà Lạt. Lâu lâu lại tải hình ảnh thầy và những câu thơ hay bài hát trên mạng khiến cho mình ngậm ngùi.

    Một bài báo năm 2022 của Đại học Johns Hopkins cũng cho thấy, những người lớn tuổi bị cô lập về mặt xã hội có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn so với những người cùng lứa tuổi. Cái này mình làm chứng được. Tuần trước mình đi ăn cưới, gặp anh bạn kể từ khi Covid, anh ta về hưu. Chích một mũi Covid khiếncho anh ta bị lộn xộn, đầu óc bắt đầu quên, mắt mờ không thấy đường để chạy xe hơi xa và ban đêm nên từ từ bị cô lập hoá. Bạn thân ở xa rủ xuống Bolsa nhưng anh ta không lái xe đi xa được. Mỗi lần chạy lên Los Angeles, nếu còn thì giờ mình chạy ghé qua nhà hỏi thăm vài câu. Có lẻ vì vậy đám cưới con gái, anh ta chỉ mời có vợ chồng mình. Con gái chỉ cho mời đúng một cặp.

    Một ông tài xế taxi kể có lần ông ta được gọi đến nhà để đón một người khách. Đến nơi, không thấy ai nên ông ta nhấn còi. Không thấy ai ra, nên đợi một tí rồi lại nhấn còi. Cuối cùng ông ta mở cửa xe, bước đến cửa nhà. Gõ cửa thì từ trong nhà có người kêu nhỏ nhẹ, đợi một tí rồi tiếng sột soạt. Cuối cùng thì xuất hiện một bà lớn tuổi, áo quần như trong phim trước chiến tranh. Bà ta nhờ ông ta đem cái vali ra xe. Ông ta nhìn vào nhà thấy không có ai ở chung, nhiều thùng đựng các tấm ảnh cũ.

    Ông ta đem vali nhỏ của bà ra xe, rồi trở lại. Bà ta nắm tay ông ta đi chậm chậm đến xe. Khi lên xe bà ta cho ông ta địa chỉ điểm đến rồi hỏi ông có thể chạy qua trung tâm thành phố. Ông ta nói là đường xa hơn, tốn tiền nhiều hơn. Bà ta trả lời, Không sao, tôi không cần đến chỗ hẹn sớm. Hôm nay, tôi rời nhà, vào viện dưỡng lão. Tôi không còn thân nhân, bác sĩ cho biết tôi không còn sống lâu.

    Ông taxi nghe vậy, tự động tắt cái đồng hồ xe rồi hỏi bà muốn đi đường nào.
    Trong suốt 2 tiếng đồng hồ, bà ta nói ông ta chở đi qua những nơi bà đã từng làm việc, qua khu chung cư nơi vợ chồng ở khi mới cưới nhau, chỉ cho ông cái tiệm bán đồ gỗ, nơi khi xưa từng là vũ trường mà bà và bạn bè đến đó khiêu vũ.

    Nhiều lúc, bà ta kêu xe ngừng trước một dãy phố, không nói gì trong yên lặng, rồi cuối cùng bà ta nói, Tôi mệt rồi, thôi đến viện dưỡng lão.


    Đại lộ Hoàng Hôn (Sunset Boulevard của thành phố Los Angeles) khi xưa
    Khi xe đến viện dưỡng lão thì có hai người đem xe lăn ra đón bà ta. Bà ta hỏi ông bao nhiêu, ông ta nói không tốn đồng nào, chúc bà yên vui sống hạnh phúc.

    Cuối tuần, mình hay nói chuyện với mẹ mình ở Đà Lạt, thấy bà cụ vui lắm. Tuần vừa rồi, có con gái về chơi nên kêu nó chuyện với bà nội nên mẹ mình mừng lắm. Lâu lâu được nói chuyện với cháu là một điểm vui mừng. Mẹ mình có mấy người con ở Đà Lạt nhưng cũng ít gặp, chỉ có cô em lo cho mẹ mình và một cô khác ở gần nhà thì hay gặp, còn những người khác lo bận công việc nên ít về thăm.

    Năm vừa rồi, có một số người bạn, lớn tuổi hơn mình, ăn sáng với họ từ trên 25 năm qua, đều rủ nhau lần lượt đi Tây hết. Nay mình phải tìm mấy nhóm khác để ăn sáng để nói chuyện về địa ốc cũng như con cháu. Chán Mớ Đời

    Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen
    Nguyễn Hoàng Sơn




    Attached Files
Working...
X