Announcement

Collapse
No announcement yet.

Nữu Ước ngày trở lại

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Nữu Ước ngày trở lại

    Nhớ dạo còn học Hội Việt Mỹ ở Đà Lạt, cuốn English For Today II có một bài nói về thành phố lớn, Big City nhưng đến khi mình sang New York thì mới hiểu ra cảnh tượng mà cuốn sách mô tả về đời sống ở thành phố lớn. Cho dù mình đã sống tại các thành phố lớn ở Âu châu như Paris, Luân Đôn, Roma,.. nhưng chỉ khi ở New York mới hiểu những gì được kể trong bài học mùa đông, đi làm trời còn tối và khi về cũng trời tối. Cả ngày trong văn phòng, ít khi ra đường ăn trưa vì lạnh nên gọi tiệm ănđể họ mang đến công ty. Các toà nhà cao ngất trời, che hết ánh mặt trời vào mùa đông, mưa, tuyết, trời luôn luôn âm u, buồn như cuốn phim "3 ngày Condor" mà tài tử Robert Redford trong vai một nhân viên CIA thoát chết, chạy trốn đến nhà của một phụ nữ cô độc Faye Dunaway.

    Người dân thành phố lớn, luôn luôn đi nhanh khi di chuyển, họ sợ trễ chuyến xe lửa đi về nhà sau giờ tan sở, cũng như khi đi làm việc. Họ rất bận rộn, ít khi nào dừng lại để chỉ đường cho du khách.
    Tương tự khi mình viếng thăm Đông Kinh lần đầu, cũng cảm nhận được sự vội vã trong cuộc sống của người dân sở tại.

    Mình sống tại Nữu Ước gần 5 năm rồi dọn qua Cali lập gia đình. Trong 32 năm qua mình trở lại New York kỳ này là lần thứ 3. Một thành phố để lại cho mình khá nhiều kỷ niệm. Sau bao nhiêu năm lêu bêu ở vùng trời Âu châu, mình sang Hoa Kỳ làm việc thì bổng nhiên mình có sự thèm khát trở về nguồn, giao thiệp sinh hoạt với người Việt nhiều hơn khi sống tại Âu châu, mua sách báo Việt ngữ để đọc, học tiếng Việt mà mình đã quên từ khi rời Đà Lạt. Thật ra tiếng Việt mình không khá lắm vì theo học chương trình Pháp khi xưa.

    Hôm qua đi xe lửa từ New York sang New Jersey thăm người bạn. Ngồi xe lửa nhất là khi về lại NỬu Ước vào trời khuya bổng nhớ lại thời gian sinh sống tại vùng này. Đúng là ở đâu thì quen đấy. Ngày nay chắc mình ở vùng này không được nữa. Hình ảnh ngồi gật lên gật xuống trong xe lửa về đêm thật quá thê lương.

    Đi ngoài đường thấy ít xe taxi hơn xưa. Các xe taxi dài lòng thòng khi xưa được thay thế bởi các xe van hay SUV. Các xe Limousine đen khi xưa được thay thế bằng mấy xe Suburban Chevrolet, kiểu xe an ninh cho Tổng thống. Nay có Uber và Lift nên cũng dễ kiếm xe đi và về. Không thấy xe taxi chạy như bay khi xưa để đón khách. Đời sống Nửu Ước đã thay đổi nhiều theo thời gian.

    Mình nghĩ nhờ qua 8 năm điều hành bởi ông thị trưởng tỷ phú Bloomberg, các đường xá nay đã có chỗ đậu xe. Cạnh lề đường, đặc biệt là có làn xe cho người đi xe đạp. Khắp nơi có các bãi đậu xe đạp thường có, xe đạp điện có. Chỉ cần đến nơi, mở app ra để mở khóa rồi chạy đến chỗ nào đó, bỏ lại. Có lẻ nhờ vậy mà xe cộ chạy chậm lại hơn xưa. Mùa hè nên có nhiều du khách, đi lớ ngớ, chậm chạp còn dân cư thành phố thì đi như bay.

    Mỗi ngày hai vợ chồng đi bộ trên 7 dậm, tối đi ăn với con gái xong thì lấy Uber về khách sạn. Mình tính đi xuống Phila thăm gia đình cô em gái nhưng cô ta lại đang ở Việt Nam. Con gái tiệm kính Anh Lân Đà Lạt xưa thì đang ở Maine, nuôi cháu mới sinh. Lúc đầu tính xuống Virginia thăm mấy người bạn học cũ nhưng cứ nghĩ đến lái xe là oải nên thôi hẹn khi khác vì sắp đi chơi với đồng chí gái vào cuối tháng này.

    Cuộc đời phải có duyên mới gặp lại nhau. Điển hình là mình hẹn hai ông phụ rể của mình ăn cơm trưa trước khi lên đường đi Bermuda, đến ngày hẹn thì một ông nhắn tin kêu con gái bị dính Covid nên hết gặp. Tối thì hẹn với người quen của đồng chí gái ở Hội An khi xưa, khi mở cửa vào nhà thì có một chị chạy ra, ôm mình rồi kêu anh Sơn khiến mình ngọng. Mình đâu có hẹn ai ở đây đâu. Hoá ra một chị bạn quen khi xưa, lần chót gặp ở đám cưới của mình 32 năm về trước.

    Cuộc đời lạ lắm. Tương tự, lúc bay qua Boston ăn cưới cô cháu thì có anh bạn, đúng hơn là em của của hai người bạn mình quen khi xưa ở New York. Mình mất liên lạc từ khi rời New York 32 năm về trước. Thật ra mình có gọi điện thoại cho anh ta khi thằng con chuẩn bị xin vào đại học. Mình nhờ anh ta nới chuyện với thằng con vì trẻ hơn mình, lại tốt nghiệp đại học Yale nên dễ nói chuyện với con mình hơn. Bổng nhiên anh ta gọi điện thoại cho mình rồi hẹn gặp nhau ở Boston. Hai đứa ngồi nói chuyện suốt 3 tiếng đồng hồ đến giờ mình phải đi ăn đám cưới.

    Nói chung thì New York vẫn tiếp tục xây cất lại các toà nhà. Dịch Covid đã khiến cho một số cửa tiệm phải đóng cửa. Thấy bảng đề cho mướn tiệm khắp nơi. Dân tình nghe nói cũng bỏ chạy khá nhiều sau Covid vì nhà cửa quá đắt. Tên bồ của con gái kể là mướn căn hộ trả 4,000 USD/ tháng, nay chủ nhà lên thêm 2,500 USD, xem như phải trả 6,500 USD/ tháng xem như một năm đóng tiền nhà đến 72,000 USD nên đang tìm đường dọn đi chỗ nào khác rẻ hơn. Con gái mình share phòng trả 1 căn phòng nhỏ bé 2,000 USD/ tháng. Kinh. Nói chung New York nay khác xưa nhiều, sạch sẻ hơn. Đi đường thấy bán cần sa, thiên hạ hút cần sa đầy đường khiến cho mình bị chới với như đang hút xì ke.

    Hai ngày nay, mua vé hop on-hop off, chạy vòng vòng thành phố khá vui. Hình như mình có thấy ở Sàigòn mấy xe buýt du lịch này. Cứ mua vé, chạy lên ngồi xem thành phố rồi hứng thì nhảy xuống đi vòng vòng rồi bò lên lại.

    Có lẻ cảm động nhất là viếng thăm Trung tâm Giao Thương Thế giới, nơi mà hai toà nhà bị máy bay đánh xập. Thấy 2 hố sâu nước chảy như nước mắt của gia đình khóc cho những người không may bị giết trong hai vụ nổ máy bay này. Leo lên tầng 102 của tòa nhà để xem thành phố khắp nơi nhưng có lẻ kiến trúc của Oculus, Mắt Thần của kiến trúc sư Calavatras, trên nhà ga xe lửa, xe điện ngầm quá đẹp, sáng tinh, không có tối om như các nhà ga trên thế giới.

    Nhà cửa xây cất rất nhiều trong 32 năm qua nhất là cạnh bờ sông Hudson, chia cắt hai tiểu bang New York, và New Jersey. New Jersey thì xây cất nhà cửa khá nhiều, không thua gì New York ngày nay. Thành phố Jersey City khi xưa nổi tiếng mất an ninh nay đã mở rộng ra, thay đổi hẳn, không nhận ra luôn. Có lẻ mười mấy năm qua, do tiền lời rẻ nên thiên hạ đua nhau xây cất nhiều.

    Thiên hạ đang bàn tán, lo vụ tiền lời đang tăng lên khiến cho các công ty lo mượn tiền để mua văn phòng, các chung cư cho thuê. Lý do là mấy cái nợ này chỉ cho mượn trong vòng 7-10 năm thì phải mượn nợ khác để trả. Từ thời Covid tiền lời xuống quá thấp nên khi hết hạn, các chủ chung cư hay thương mại sẽ khóc vì tiền lời nay đã lên gấp đôi.

    Mình mua lại một trung tâm thương mại được chủ bán cho vay lại trong vòng 25 năm, sau 10 năm mình có thể bán cho thiên hạ, vay lại dựa trên số tiền của chủ cho vay, lại không phải trả thuế vì thuộc vùng Opportunity Zone. Cho nên kinh tế được tiên đoán là sẽ bị khủng hoảng trước hay sau bầu cử 2024. Cũng chưa biết được, các kinh tế gia cứ kêu trời là chính phủ in tiền nhiều quá, cứ kêu là kinh tế suy thoái mà chả thấy đâu cả. Không ai hiểu được lý do.

    Gặp con gái, thằng cháu ở New York, thấy chúng rên quá vì đời sống mắc mỏ, thêm thằng bồ kêu trả tiền nhà 4,000 USD/ tháng khiến mình muốn xỉu luôn. Mình kêu chúng muốn thì bay về Cali tham dự seminar về tài chánh, để chúng hiểu về căn bản về tài chánh. Mình sẽ trả tiền seminar cho chúng. Nghe mấy đứa cháu ở Cali cũng muốn theo học nên mình đồng ý trả tiền cho chúng hết. Hy vọng chúng học được chút chút, để giúp chúng để dành tiên mà đầu tư cho tương lai thay vì tiêu xài như điên. Lớp này mình theo học cũng 5 lần, càng học thì lại khám phá ra mình dốt, học hoài mà chưa thấm. Đúng là nông dân ngu lâu dốt bền.

    Con gái kêu, nói chuyện với hai vợ chồng cô cháu, triệu phú. Họ mới bán một công ty được 27 triệu nên đi chơi mệt thở. Con gái nói là họ cho con họ học trường tư, với tư tưởng khác với người Mỹ trung lưu hay người Á châu. Trường dạy làm sao phải tranh đua với Elon Musk thay vì cứ khuyến khích con đi học y khoa, nha khoa. Mình có một người cháu khác, mở công ty bán đồ gắp kít chó, khá thành công, mới bán năm ngoái công ty được 8 triệu. Chả học đại học gì cả. Từ khi còn học trung học đã mở công ty bán qua mạng.


    Mình thích con mình chơi với dân làm ăn buốn bán, đầu tư hơn. Mình rất mừng là đi ăn đám cưới cô cháu, mấy anh em chú bác, cô cậu từ Cali bay qua hết, chúng họp mặt, nói chuyện, mấy đứa lớn thành công giảng dạy lại cho mấy đứa trẻ hơn. Mình nói với ông anh cột chèo là mấy đứa anh em cô cậu hay chú bác đều bay qua là nhờ khi xưa mình tổ chức đi nghỉ hè chung với đại gia đình nên các cô cậu thương mến nhau, giữ được cái tình thân đến bây giờ chớ cha mẹ mà không thân thiết với anh chị em trong nhà thì khó mà có con cháu xum họp vui vẻ. Đó là một cái đức của ông bà để lại. Đa số là thấy anh em trong nhà ganh tỵ nhau, thưa kiện ra toà để được chia gia tài.

    Hai đứa con mình ra đời, bắt đầu thấm mùi đời nên nay quay về hỏi bố, xin đi học về tài chính. Khi xưa chả đứa nào muốn đi học, vì hàng năm mình cứ kêu chúng đi. Nay thì đi làm thấy tiền làm ra bị đánh thuế phân nữa, trả tiền nhà xong là thấy có ít tiền dư để xài.

    Hôm qua, dẫn đồng chí gái đi viếng thăm viện bảo tàng Guggenheim, nơi có trưng bày một bức ảnh của hoạ sĩ Nguyễn Quỳnh, nổi tiếng một thời ở Sàigòn mà mình có collection về tranh của ông ta, mấy chục tấm, nhất là những tấm tranh mới sáng tác sau này.

    Đi bộ qua Central Park để viếng Columbus Circle mà bên cạnh có một toà nhà do mình vẽ ra khi mới làm việc tại New YOrk. Tính dắt vợ đi kiếm một toà nhà khác cao 45 tầng mà mình có vẽ, nhưng vợ kêu mệt vì mình không nhớ là ở đường 43 và Park Avenue hay 5th Avenue. Lần trước đến mình có dắt vợ con đi xem nhưng chả ai để ý cả, tương tự khi viếng Đông Kinh, mình có dẫn đến viếng International Forum khi mình làm cho kiến trúc sư Raffael Vignoly. Có lẻ mẹ mình thích hơn còn đồng chí gái và vợ con chỉ đóng chụp hình rồi đi kiếm nhà vệ sinh.

    Hôm nay, ngày cuối hai vợ chồng mướn xe đạp chạy dọc bờ sông Hudson xuống Battery Park rất đẹp. Họ có làm đường riêng cho người bộ hành và một đường khác dành cho xe đạp, trồng cây hoa khắp nơi. Họ cũng có làm một công viên nổi trên bờ sông Hudson như mấy quả nấm, khá dễ thương. Nếu có dịp viếng New York lại, có lẻ hay nhất là mướn xe đạp chạy vòng vòng khắp nơi tiện hơn. Đi bộ thì cũng có giới hạn vì phải lết bộ khá mệt.

    Mình rất ngạc nhiên khi thấy khu vực thường được gọi Little Italy, "tiểu Ý Đại Lợi, gần như bị xoá sổ vì Phố Tàu China Town xâm chiếm gần hết. Hôm mới đến, đi ăn ở Phố Tàu, vịt Bắc kinh và mì hoành thánh khá ngon. Tối hôm qua ăn ở một tiệm Việt Nam do Bắc kỳ 75 làm chủ, đầu bếp lại anh Mễ. Anh ta ra nói chuyện với mình bằng tiếng Mễ vì có phục vụ viên hỏi phở có ngon không. Mình nói không phải phở vì họ làm nước lèo chua chua như Tom yum của Thái và chút chút bún bò vì cay. Cô phục vụ chạy vào bếp nói gì đó với đầu bếp khiến cho anh ta chạy ra. Anh ta cho biết là fusion biến chế các món ăn. Mình kêu biến chế thành Confusion luôn.

    Có hai bữa ăn ngon là ở khách sạn Mandarin, mấy món đậu hũ chiên rất ngon. Con gái dẫn qua Brooklyn ăn tiệm, nghe nói có 1 sao Michelin, mình xơi món Bavette mà từ lúc mình rời bỏ Paris cho đến nay mới ăn lại. Cũng lại fusion. Hôm đi viếng World Trade Center nơi mà họ xây lại toà nhà mới để thay thế cho 2 toà nhà đã bị đánh bom ngày 11/9. Ăn lại hamburger to đùng nổi tiếng của New York, rất ngon. Ngoài ra đồng chí gái thích ghé mấy tiệm như Paris Baguette và Le Pain Quotidien để ăn bánh mì, bánh croissant. Mình thấy một cái croissant giá 4 USD nên thấy no, hết muốn ăn. Vợ nói muốn ăn, còn mình thì nhìn vợ ngấu nghiến cũng đủ vui. Đi trên du thuyền qua Bermuda, sáng nào cũng ăn croissant với pain au chocolat mệt thở nay phải trả 4 USD/ cái. Kinh
    Nói chung, chuyến đi này khá vui, gặp bạn bè không hẹn mà gặp rồi lại tìm lại chút hương xưa của thành phố mà mình đã sống một thời. Vui nhất là có vợ bên đời. Ngày xưa, ở New York có một mình nên lơ bơ rồi dọn qua Cali, tạo dựng một chặng đường đời khác. Nếu có dịp trở lai vùng này, chắc phải ở lâu hơn một tí để đi thăm thiên hạ trước khi trả bộ nhớ về con số 0.

    Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen
    Nguyễn Hoàng Sơn
    Attached Files
Working...
X