Announcement

Collapse
No announcement yet.

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp dãy núi thiêng Annapurna trên ‘nóc nhà thế giới’

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Chiêm ngưỡng vẻ đẹp dãy núi thiêng Annapurna trên ‘nóc nhà thế giới’

    KATHMANDU, Nepal (NV) – Một dãy núi dài hơn 2,400 km chạy suốt dọc theo biên giới các xứ Trung Á, Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Hoa, Nepal, Bhutan và chấm dứt ở Myanmar. Dãy núi này so ra vẫn chưa phải là dãy núi dài nhất thế giới, nhưng lại nổi tiếng vì có rất nhiều đỉnh núi cao nhất thế giới. Đó chính là dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalayas).
    Đỉnh núi thiêng Annapurna. (Hình: ATNT Tours & Travel)
    Nếu bạn là người yêu thích các bản nhạc của The Carpenters, chắc hẳn bạn sẽ yêu thích bản nhạc lừng danh thế giới “Top of the World” do người nữ ca sĩ khả ái Karen Carpenter trình bày. Ngày trước, khi nghe phớt qua tên bản nhạc tôi cứ tưởng đây là bản nhạc nói ít nhiều về dãy núi cao nhất thế giới Hy Mã Lạp Sơn. Tuy nhiên, bản nhạc này lại không nói gì về Hy Mã Lạp Sơn cả, “Top of the World” ở đây ám chỉ về tình cảm của một người thiếu nữ mộng mơ đã bay được lên đến đỉnh cao nhất của thế giới tình yêu “Your love’s put me at the top of the world” thay vì nàng được người yêu đưa đến Nepal hay Tibet (Tây Tạng) để chinh phục “Top of the World” đỉnh nóc nhà cao nhất thế giới Hy Mã Lạp Sơn.

    Trở lại với dãy núi Hy Mã Lạp Sơn, các nhà nghiên cứu địa chất cho rằng 70 triệu năm trước lục địa Ấn Độ không dính liền với phần đất Châu Á như ngày nay. Lục địa Ấn lúc đó như kẻ không nhà, trôi nổi trên biển Indian Ocean và tiến dần về phần đất Châu Á. Sau mấy mươi triệu năm di chuyển, lục địa Ấn cập bến Châu Á và chúng “kết hôn” cách đây khoảng 50 triệu năm. Sự cập bến này đã tạo ra một sự va chạm mạnh giữa hai lục địa. Kết quả phần đất bị va chạm được đội cao dần lên và cho ra đời dãy núi Hy Mã Lạp Sơn. Sự “âu yếm” của hai lục địa này cho đến ngày nay vẫn còn tiếp tục, vì thế người ta nhận thấy chiều cao của Hy Mã Lạp Sơn mỗi năm đều tiếp tục được đội cao thêm 2 đến 4 cm nữa. Có ai biết một vài triệu năm nữa thì Hy Mã Lạp Sơn sẽ ra sao! Núi vẫn cao thêm hay núi sẽ tan vỡ, hay núi sẽ chôn vùi dưới biển. Sơn Tinh – Thủy Tinh ai sẽ thắng ai!

    Phần lớn các đỉnh núi cao nhất thế giới của Hy Mã Lạp Sơn đều chạy dài dọc theo biên giới giữa hai vùng đất của Nepal và Tây Tạng. Có tất cả 14 đỉnh núi cao trên 8,000 mét dọc theo dãy núi. Trong số đó có tám đỉnh núi đã thuộc về lãnh thổ Nepal, Tây Tạng, Trung Quốc (kể cả đỉnh Everest). Ngoài ra còn có hàng trăm các đỉnh núi cao 7,000 mét hiện diện ở dãy núi lớn này.
    Đỉnh Everest cao 8,848 mét. (Hình: ATNT Tours & Travel)
    Nhờ độ cao ngất trời, dãy núi Hy Mã Lạp Sơn còn được con người đặt cho một biệt danh là “nóc nhà thế giới” với đỉnh ngọn Everest cao 8,848 mét so với mặt biển, còn bảy đỉnh núi cao khác, mỗi đỉnh đều có các nét văn hóa tôn giáo riêng và vẻ đẹp riêng của nó.

    Thường thì khi đến Nepal, du khách sẽ được giới thiệu đến thưởng ngoạn thắng cảnh dãy núi Annapurna (cũng thuộc về Hy Mã Lạp Sơn) với ngọn núi Machhapuchhare linh thiêng của Ấn Độ Giáo, tên tiếng Anh là Fishtail Mountain, vì hình dáng núi từ xa nhìn giống như đuôi cá nên được gọi là “Fish Tail.” Đây là ngọn núi có độ nghiêng rất dốc, rất nguy hiểm và không dễ dàng chút nào cho các nhà leo núi chuyên nghiệp.

    Người ta cho rằng ngọn núi này là nơi trú xứ của Thần Siva Ấn Độ Giáo nên con người không môt ai được phép leo đến trên đỉnh núi làm ô uế trú xứ của thần. Người Ấn Độ Giáo không dám làm Thần Siva nổi giận bởi vì họ tin Thần Siva là vị thần hủy diệt điều xấu và tái tạo điều tốt. Họ sẽ không tha thứ cho những ai dám làm Thần Siva nổi giận (người dân Nepal khoảng 85% là tín đồ Hindu Ấn Độ Giáo).

    Vào khoảng thập niên 1950, có nhà leo núi chuyên nghiệp người Anh đã thành công khi leo đến gần đến đỉnh, nhưng khi còn cách đỉnh núi 50 mét ông cũng xuống núi vì không dám đặt chân lên đỉnh núi linh thiêng, xúc phạm đến đức tin của một tôn giáo lớn. Vì lẽ đó mà Fishtail Peak vẫn là đỉnh núi duy nhất trong dãy Hy Mã Lạp Sơn mà con người chưa đặt chân đến mặc dù đỉnh núi này chỉ cao 6,993 mét, còn thua xa đỉnh Everest cách xa đó khoảng hơn 400 km.
    Hy Mã Lạp Sơn nhìn từ trên máy bay. (Hình: ATNT Tours & Travel)
    Để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dãy núi thiêng Annapurna này, du khách phải di chuyển đến thành phố Pokhara của Nepal. Đây cũng là một thành phố hữu tình, tuy đường giao thông trong thành phố vẫn còn nhiều ổ gà, ổ voi. Pokhara chỉ cách dãy Annapurna khoảng 40 km, nhưng để làm hành trình một vòng đến thăm núi, du khách có thể mất thời gian từ 10 đến 14 ngày đi về tùy theo sức khỏe. Điều này không hề dễ dàng cho du khách. Thôi thì hãy đến Pokhara, đặt chân lên đỉnh cao Sarangkot của ngọn đồi thành phố, thưởng ngoạn toàn vẹn không gian mặt trời lên trên dãy núi Annapurna và thung lũng Pokhara, lúc này du khách mới cảm nhận được thế nào là vẻ đẹp của Hy Mã Lạp Sơn và không tiếc công đã vất vả đến nơi đây.

    “Nóc nhà thế giới” vẫn có những nét riêng biệt của nó, chưa có ngọn núi nào hùng vĩ như các đỉnh núi ở Hy Mã Lạp Sơn với băng tuyết luôn luôn trắng xóa trên đỉnh quanh năm. Ngồi trên máy bay đi từ Kathmandu sang Bhutan (hay ngược lại), du khách có cơ hội ngắm nhìn các đỉnh núi cao tuyết trắng đâm thủng xuyên qua các tầng lớp mây dày, đỉnh núi trắng vươn mình ngạo nghễ nhìn lên bầu trời xanh biếc. Hình ảnh quả là tuyệt đẹp cho người thưởng ngoạn. Cảm giác này biết diễn tả làm sao! Tôi cố tìm lục lại những tấm hình mình có được về Hy Mã Lạp Sơn để chia sẻ với độc giả hơn là ngôn ngữ.

    Tôi đã có dịp đến “base camp” của ngọn núi Everest bên cao nguyên Tây Tạng, ngắm nhìn Everest lúc bình minh và hoàng hôn, quả là một không gian hùng vĩ tuyệt đẹp! Nhưng cuộc hành trình này không phải ai cũng có đủ sức khỏe để có thể chịu đựng áp suất không khí ở trên một độ cao 5,300 mét. Còn thành phố Pokhara chỉ ở một độ cao khoảng 1 km nên du khách thoải mái hơn rất nhiều khi đến đây thưởng ngoạn vẻ đẹp của Hy Mã Lạp Sơn.
    Họa đồ chỉ sự hình thành dãy núi Hy Mã Lạp Sơn. (Hình: ATNT Tours & Travel)
    Ngoài các đỉnh núi cao của “nóc nhà thế giới,” Nepal cũng là nơi ra đời của Thái Tử Tất Đạt Đa, một vĩ nhân của nhân loại hơn 2,500 năm trước tại khu vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni). Sự hùng vĩ thiên nhiên và tôn giáo Phật Giáo là hai yếu tố đã thu hút thế giới đến với Nepal. Ca Tỳ La Vệ ngày xưa, quê hương Đức Phật, cũng chỉ cách xa Hy Mã Lạp Sơn gần 200 km đường chim bay.

    Ở gần Hy Mã Lạp Sơn như vậy, nhưng không biết Thái Tử Tất Đạt Đa đã có dịp ngắm nhìn Hy Mã Lạp Sơn chưa? Nếu chưa thì quả thật hơi uổng cho thái tử. Nhưng tôi biết ở Lumbini tại Nepal có một ngọn núi còn hùng vĩ, cao gấp muôn ngàn lần Hy Mã Lạp Sơn. Ngọn núi này không phải dễ chinh phục khi tâm mình vẫn còn nhiều vướng ngại bụi trần. [qd]

    NV
Working...
X