Announcement

Collapse

Happy Easter

THÂN CHÚC MỘT MÙA LỄ PHỤC SINH AN LÀNH, ẤM ÁP, VUI VẺ
ĐẾN VỚI CÁC BẠN VÀ GIA ĐÌNH

LV
See more
See less

‘The Paper Tigers’ phim kung fu của đạo diễn Mỹ gốc Việt

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    ‘The Paper Tigers’ phim kung fu của đạo diễn Mỹ gốc Việt

    WESTMINSTER, California (NV) – Đạo diễn người Mỹ gốc Á Châu ít khi làm phim võ. Đó là lý do tại sao nhiều khán giả ngạc nhiên xen lẫn thích thú khi Trần Quốc Bảo, đạo diễn người Mỹ gốc Việt, thực hiện bộ phim võ hài tựa đề “The Paper Tigers” (tạm dịch: Những Con Cọp Giấy).
    “The Paper Tigers” kết hợp chủ đề phim võ xưa của Hồng Kông với văn hóa võ thuật của Mỹ. (Hình: asiancinevision.org)
    Lấy bối cảnh Seattle, Washington, ngày nay, phim kết hợp chủ đề phim võ xưa của Hồng Kông với văn hóa võ thuật của Mỹ. Nội dung kể về ba võ sĩ tuổi trung niên truy lùng kẻ sát hại sư phụ cũ của họ để trả thù, dù ai cũng đang có cuộc sống khó khăn.

    Những màn kung fu tuyệt vời

    Cách đây gần 30 năm, Danny (do Alain Uy đóng), Hing (Ron Yuan) và Jim (Mykel Shannon Jenkins) là bạn thân và là môn đệ của võ sư Cheung (Roger Yuan). Kể từ đó, họ không những cách xa nhau mà còn mất liên lạc với sư phụ.

    Danny thì vừa phải lo việc kinh doanh vừa phải nuôi đứa con trai sau khi ông ly dị vợ. Hing thì sống nhờ tiền bảo hiểm thương tật từ sau cú ngã nặng trong lúc làm thợ xây dựng. Jim thì vẫn luyện võ nhưng trong lòng còn thù Danny một chuyện ngày xưa.

    Tuy nhiên, nhiều tình huống đáng ngờ quanh cái chết của sư phụ khiến cả ba nghĩ rằng ông qua đời không phải đơn giản là do đau tim. Vậy là họ quyết định cùng nhau lên đường điều tra chuyện gì thực sự xảy ra đêm đó.
    Đạo diễn Trần Quốc Bảo. (Hình: sdaff.org)
    Mặc dù cốt truyện dường như không có gì mới so với thể loại phim võ xưa của Hồng Kông, nhưng việc đạo diễn Trần Quốc Bảo chọn nhân vật chính là ba người đàn ông trung niên là ý tưởng hoàn toàn mới lạ. Vì đã lớn tuổi và từng trải hơn trong cuộc sống, ba nhân vật chính cũng già dặn hơn, cẩn thận hơn, và dè chừng hơn với võ công của họ.

    Tuy nhiên, điều đó không thể ngăn cản họ cố gắng luyện lại những đường quyền mà thời trẻ họ làm dễ dàng. Nhưng đa số lần, họ đều thất bại. Đặc biệt, Danny nay chỉ tập một chút là đuối hơi nhanh đến ngạc nhiên.

    Cả ba đều thất vọng – họ còn nhớ tất cả đòn, thế, nhưng cơ thể lớn tuổi không còn theo kịp trí óc. Họ không còn “bất khả chiến bại” như thời xưa nữa. Thay vào đó, họ đành dùng mưu chứ không dùng sức.
    Từ trái qua, nhân vật Hing (do Ron Yuan đóng), Danny (Alain Uy), và Jim (Mykel Shannon Jenkins). (Hình: baaff.org)
    Khi Danny, Hing và Jim đụng độ ba tên du côn trẻ tuổi biết võ, sự khác biệt hiện ra rõ ràng. Hình ảnh ba đối thủ còn trẻ và hung hăng khiến ba nhân vật chính nhớ lại thời còn trẻ.

    Qua miêu tả ba nhân vật chính như trên, người mê phim kung fu có thể nghĩ rằng những màn đánh đấm trong “The Paper Tigers” chắc là không “đã.” Hoàn toàn không đúng như vậy. Những cảnh đấu võ do nhà biên đạo Ken Quitugua hướng dẫn rất nhanh, mạnh, quyết liệt và cực kỳ hấp dẫn. Nhiều lúc, khán giả sẽ quên mất rằng những nhân vật đánh đấm chí mạng trong phim là ba người đàn ông trung niên… đến khi đạo diễn Trần Quốc Bảo nhắc nhở điều đó bằng cảnh họ đuối hơi hoặc bất tỉnh sau những lần té ngã.

    Có lẽ ví dụ rõ nhất cho việc này cách đạo diễn Bảo và nhà biên đạo Quitugua dàn dựng cảnh đấu võ cho Hing, người bị tật ở chân do tai nạn lao động. Những cảnh đánh đấm của Hing là sáng tạo nhất trong nhóm và có thể nói là xem vui nhất. Màn đấu võ nổi bật nhất trong suốt bộ phim là Hing cầm cây giáo quyết chiến với Carter (Matthew Page), đối thủ thời thiếu niên của họ.

    Tất cả những yếu tố đó biến “The Paper Tigers” thành bộ phim không thể bỏ qua với người mê phim võ. Các nhà làm phim này cũng tuyên bố những màn kung fu trong phim là hay nhất trong số những phim thuộc thể loại này.
    Ba nhân vật chính tuổi trung niên đụng độ ba kẻ du côn trẻ tuổi biết võ. (Hình: baaff.org)
    “The Paper Tigers” – đam mê thuở nhỏ trở thành hiện thực

    “The Paper Tigers” là phim chính kịch đầu tiên của đạo diễn người Mỹ gốc Việt 39 tuổi Trần Quốc Bảo, sau nhiều năm anh làm người điều phối cảnh đóng thế (stunt), dựng phim, và thực hiện vài phim ngắn. Anh cũng là người viết kịch bản cho phim này.

    Hồi nhỏ, Trần Quốc Bảo là cậu bé lười vận động, suốt ngày ngồi xem tivi. Cha mẹ phải ép anh tập võ Taekwondo của Nam Hàn để năng động hơn. Anh rất mê phim võ Hồng Kông của những hãng phim như Shaw Brothers và Golden Harvest. (Anh gọi “The Paper Tigers” là “Shaw Brothers trong một trận đấu võ trên đường phố”).

    Anh kể, ngay từ thời trung học, anh bắt đầu làm video cảnh đấu võ ở sân sau nhà để bắt chước phim Thành Long. Anh may mắn quen biết Corey Yuen Kwai, đạo diễn kiêm biên đạo phim võ nổi tiếng người Hồng Kông. Mỗi lần làm xong video là chàng thanh niên Trần Quốc Bảo đem đến nhà ông Kwai để nhờ ông góp ý. Ông Kwai là bạn của gia đình anh và cùng sống ở Seattle.
    Đạo diễn Trần Quốc Bảo (đội nón) và nhà biên đạo võ thuật Ken Quitugua làm thử một cảnh đấu võ trong phim. (Hình: iexaminer.org)
    “Tôi mang ơn ông ấy. Hồi nhỏ, tôi cứ làm phiền ông ấy với mấy cái video tôi tự làm ở nhà, và lúc nào ông ấy cũng chỉ bảo tôi,” đạo diễn Trần Quốc Bảo trả lời phỏng vấn báo New York Post đầu Tháng Mười. “Tôi chưa bao giờ học ở trường điện ảnh nào, cho nên, đó chính là trường dạy làm phim của tôi. Đó thực sự là lớp học chuyên nghiệp!”

    Trần Quốc Bảo cho hay anh làm phim “The Paper Tigers” lấy cảm hứng từ Lý Tiểu Long (Bruce Lee).

    “Ông ấy là võ sĩ thứ thiệt, và ở Seattle, nơi tôi sinh sống, ảnh hưởng của ông ấy vẫn còn rất rõ, vì ông ấy từng sống ở đây,” anh nói với New York Post.

    “Bruce gặp nhiều chuyện rắc rối ở Hồng Kông vì ông ấy thường tham gia những cuộc thách đấu trên mái nhà. Có thể nói đó là phiên bản hiện đại của những cuộc thách đấu mà chúng ta thường thấy trong phim võ.”
    Đạo diễn Trần Quốc Bảo hướng dẫn cảnh đấu võ cho hai diễn viên trong phim. (Hình: iexaminer.org)
    “The Paper Tigers” là phim độc lập (không do các hãng phim danh tiếng sản xuất) và có kinh phí thực hiện rất thấp. Tuy nhiên, không vì vậy mà các nhà làm phim thiếu trau chuốt về kịch bản và dàn dựng. Điều đó, cộng với tài diễn xuất của ba nhân vật chính, biến “The Paper Tigers” thành bộ phim thú vị cho cả gia đình.

    Phim ra mắt lầu đầu tiên tại Liên Hoan Phim Quốc Tế Fantasia ở Quebec, Canada, cuối Tháng Tám, và công chiếu ở Mỹ ngày 23 Tháng Mười. (Thanh Long) [qd]
    Attached Files
Working...
X