Announcement

Collapse
No announcement yet.

Món ăn Việt Nam ở Mỹ, căn cước dân tộc không đơn giản

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Món ăn Việt Nam ở Mỹ, căn cước dân tộc không đơn giản


    Cô Soleil Ho – cây bút bình luận ẩm thực nổi tiếng (được nhiều tờ báo Mỹ, trong đó có Washington Post và Glamour, viết về cô) (ảnh: communications.yale.edu)
    Share
    Joaquin Nguyễn Hòa

    Món ăn Việt Nam, nhà hàng Việt Nam đã trở thành một nét văn hóa tại nước Mỹ đa sắc tộc, nhất là những khu vực thành thị đa dạng có nhiều sắc dân sống cạnh nhau.

    Thoạt đầu, đa số tiệm ăn người Việt dành cho thực khách người Việt. Dần dà người các sắc dân khác cũng kéo tới thưởng thức. Những từ chỉ món ăn Việt Nam như “Phở”, “Bánh Mì” bắt đầu đi vào dòng chính của tiếng Mỹ. Và cũng như mọi hiện tượng văn hóa khác, thức ăn Việt tại Mỹ không đứng một chỗ mà thay đổi, biến đổi, theo nhiều kiểu cách khác nhau – kiểu thì cho người nói tiếng Việt, kiểu thì cho người Mỹ không phải gốc Việt… Sự đa dạng đó dẫn tới việc đánh giá các nhà hàng món ăn Việt, giống như đánh giá nhà hàng món ăn Mexico, Trung Hoa, Pháp, Ý… Tại vùng Vịnh San Francisco, miền Bắc California, có một cây bút bình luận món ăn nổi tiếng của tờ báo địa phương San Francisco Chronicle (SFC), nữ nhà báo Soleil Ho, người Mỹ gốc Việt. Cô Soleil không chỉ bình luận về thức ăn Việt Nam mà còn là đồng phụ trách mục bình luận thức ăn nói chung của tờ SFC.

    Những món ăn Việt Nam được Soleil Ho giới thiệu trên trang Instagram của cô



    Thuộc một gia đình người tị nạn Việt Nam rời bỏ đất nước ngay lúc xảy ra biến cố 30-4-1975, cô Soleil sinh trưởng tại Mỹ. Cô là đầu bếp món ăn Việt Nam, sau nhiều năm phụ giúp quán ăn gia đình. Với một trải nghiệm như vậy, có phải cô Soleil sẽ tự tin và độc giả sẽ rất hài lòng khi cô viết về thức ăn Việt Nam? Sự thực phức tạp hơn như thế!

    Sau một bài viết điểm những nhà hàng Việt Nam mà cô cho là ngon nhất Vùng Vịnh San Francisco, đăng trên báo SFC, cô nhận được nhiều phản hồi, tích cực có, tiêu cực có, đến nỗi cô viết tiếp một bài tự vấn rằng viết về món ăn của chính mình thì như thế nào cho phải! Cô Solei kể rằng khi bắt đầu viết bài về những nhà hàng Việt Nam ở Vùng Vịnh San Francisco, cô phải đối diện với một mặc cảm mà cô gọi là “mặc cảm kẻ giả danh” (impostor syndrome), tức là không biết rằng mình có tư cách để viết về thức ăn của chính mình hay không!

    Bài viết này được sự phản hồi rất tích cực của độc giả. Điều thú vị ở chỗ, những chỉ trích lại đến từ những người cùng có căn cước Việt Nam như tác giả. Cô Soleil nêu trường hợp một quán ăn có tên là Claws of Mantis (Vuốt Ngựa trời), được cô xếp vào danh sách các quán ngon nhất Vùng Vịnh San Francisco, do các đầu bếp thuộc thế hệ người Việt trẻ tuổi làm chủ. Thức ăn ở đây là một sự pha trộn để bán cho thực khách đại chúng, bao gồm cả những người không phải gốc Việt Nam. Đối với người có đầu óc cởi mở thì chuyện này không có gì lạ, vì đây là một kiểu pha trộn văn hóa trong ẩm thực thường gọi là fusion, vốn bắt nguồn từ Vùng Vịnh San Francisco đa sắc tộc của California.



    Cô Soleil nói rằng có một sự giằng kéo trong suy nghĩ như hai người đang cãi nhau, một người bảo nếu cô thực sự là người Việt Nam thì làm sao mà lại ca ngợi những thức ăn “như thế” là đồ ăn Việt Nam ngon lành! Còn đối với người lạ (không phải Việt) thì sao? Cô Soleil kể rằng điều đó còn tùy, có khi người ta thấy rất thú vị, khi khác thì cảm thấy giống như đang quảng cáo vậy. Trong những hồi âm mà cô Soleil nhận được khi viết về thức ăn Á châu, có người bảo sao lại viết ưu tiên cho thức ăn của sắc tộc mình? Người khác bảo rằng không phải ai cũng ưa thức ăn Á châu đâu nhé! Có người còn nói viết về thức ăn của các sắc tộc thiểu số tại California là không hợp, bởi vì dân thiểu số ở tiểu bang này cộng lại thành đa số còn gì nữa! Mặt khác, một điều mà độc giả sẽ khó hình dung là không khí chính trị căng thẳng hiện nay đã lấn vào cả lĩnh vực thức ăn. Cô Soleil trào lộng rằng, không khéo khi viết về ẩm thực châu Á, người ta lại bảo rằng người viết là… tay sai của Cộng sản Trung Quốc thì chết!

    Chả phải có người cứ huyên thuyên gọi virus Covid-19 là “china virus” là gì! Khiến cho sự kỳ thị chống dân Á châu tăng vọt trong năm vừa qua đấy sao? Mà lịch sử cũng đã có chuyện như thế. Hồi đầu chiến tranh Việt Nam, dưới cái bóng của chủ nghĩa McCathy, cái gì liên quan Á châu đều có thể bị xếp vào… cộng sản hết! Bạn đọc đã thấy chưa, chuyện thức ăn xem ra không đơn giản, mà dính tới cả chính trị. Và không phải cứ người nào thức ăn nấy, và cứ thoải mái viết về tô phở, ổ bánh mì xá xíu ăn hàng ngày là làm mình lẫn độc giả hài lòng! Những tác giả như Soleil Ho là những người băn khoăn giữa hai giòng nước, như cô thú nhận ở cái mặc cảm “người giả danh” mà chúng ta đề cập ở đầu bài viết. Cô Soleil từng nói rằng hồi nhỏ cứ mắt tròn mắt dẹt nhìn cha mẹ ăn những thức ăn “lạ lùng” kiểu Việt Nam mà trong những bữa ăn trưa ở trường với chúng bạn người Mỹ không bao giờ có.

    Nhưng mà nếu chúng ta xem xét kỹ cái danh sách mà cô Soleil xếp hạng những quán ngon nhất ở Vùng Vịnh San Francisco, chúng ta thấy cả hai giòng nước đó. Một giòng là của một người biết ăn bún mắm ở quán Bạc Liêu tại San Francisco, quán rất nổi tiếng trong những người Việt sành ăn vùng Bắc California. Giòng kia là một cái nhìn từ bên ngoài, thuộc trào lưu fusion (thức ăn lai) như quán Vuốt Ngựa Trời (Claws of Mantis) chẳng hạn. Rất công bằng. Mà không chỉ món ăn, khi đụng chạm đến mọi nét khác biệt về văn hóa khác, giữa sắc tộc thiểu số và đại chúng đa số, có phải những người thuộc thế hệ thứ “một rưỡi” hoặc “thứ hai” đều bâng khuâng như thế, với chỉ một câu hỏi cứ hay quay về: ta là ai?

    Soleil Ho tự nhủ rằng câu hỏi “ta là ai” sẽ lại được suy nghĩ bên cạnh tô phở ngon lành mà cô sắp sửa thưởng thức tới đây.
Working...
X