Announcement

Collapse
No announcement yet.

Có Ai Còn “Chơi” Băng VHS, CD Và Đĩa Than?

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Có Ai Còn “Chơi” Băng VHS, CD Và Đĩa Than?

    Ngày 16-03-2021

    By ĐOAN THƯ
    Tôi còn nhớ mình đã xem Band of Brothers – một trong những kiệt tác của điện ảnh truyền hình – từ những cuốn băng tape VHS (Video Home System) cách đây 20 năm. Phim mờ căm và có nhiều đoạn bị nhòe. Khi xem đôi lúc còn bị gián đoạn vì băng bị kẹt. Bây giờ có thể xem lại toàn bộ serie này với hình ảnh “trong veo” trên HBO Max. Những tưởng “kỷ nguyên” băng VHS đã bị dẹp tiệm vĩnh viễn. Nhưng không. VHS vẫn còn được nhiều người mê mệt…
    (Ảnh: Đoan Thư)
    Đầu máy VCR cuối cùng, theo Dave Rodriguez, quản thủ thư viện kỹ thuật số ở Đại học Florida, được sản xuất vào năm 2016 bởi công ty Funai Electric ở Osaka (Nhật). Tuy nhiên, băng tape VHS vẫn tồn tại. Thị trường VHS tiếp tục bùng nổ. Trên Instagram, nhiều người vẫn rao bán băng VHS, chẳng hạn phim Kangaroo Jack (2003) của Jerry Bruckheimer với giá 190 USD! Nếu cảm thấy việc bỏ ra 190 USD để mua một cuộn phim VHS nói về chuột túi là chưa đủ “khùng điên ba trợn” thì bạn chắc chắn trố mắt khi biết cuộn băng VHS The Little Mermaid của Disney sản xuất năm 1989 đang được rao trên Etsy.com với giá 45.000 USD! Chỉ còn một cuốn! Nếu biết có ngày băng VHS có thể kiếm được bộn tiền thì tôi đã không ném một cách không thương tiếc hàng trăm cuốn băng VHS (thậm chí cả băng VHS quay đám cưới của tôi – sau khi tôi “sang” lại vào đĩa DVD). Tại sao VHS còn sống?

    Thật ra VHS chỉ “sống” với những người sưu tập. “Dân chơi” VHS có thể là người mê điện ảnh nhưng máu nghiện “đồ cổ” và thích sưu tập như một đam mê mới là yếu tố chính. New York Times ngày 20-2-2021 cho biết, April Bleakney, 35 tuổi, nghệ sĩ thuộc Ape Made (công ty in ấn tác phẩm nghệ thuật ở Cleveland) có thể được xem là một trong những dân chơi VHS đáng nể hiện nay. Bộ sưu tập VHS của April Bleakney có đến 2.400-2.500 băng VHS, trong đó có nhiều băng mà cô được “thừa hưởng” từ bà ngoại.

    VHS được sản xuất ở Nhật năm 1976, đến Mỹ năm 1977 và đến Việt Nam lúc nào thì tôi… không biết nhưng nó đã làm một cuộc “cách mạng” giải trí “chấn động” ở Sài Gòn với việc xuất hiện hàng ngàn cửa hàng cho thuê băng phim. Tôi đã xem Die Hard với Bruce Willis từ băng VHS. Bạn có thể đã xem Ghost với Demi Moore từ băng tape. Bạn cũng có thể đã háo hức mượn một cuốn VHS để xem Terminator với Arnold Schwarzenegger… Băng VHS, như nhận xét của James Chapman, giáo sư lịch sử điện ảnh thuộc Đại học Leicester (Anh), là “kỹ thuật đầu tiên cho phép giải trí đại chúng tại nhà tiếp cận với điện ảnh”.

    Cuộn VHS The Little Mermaid được rao trên Etsy.com với giá 45.000 USD! (ảnh chụp màn hình)

    Nói cách khác, chơi băng VHS có thể được xem là một thú vui của những người hoài cổ, đặc biệt khi tuổi thơ hoặc thời niên thiếu gắn liền với “văn hóa VHS” một thời. Nói đến VHS cũng cần nhắc đến sự đóng góp trong việc làm thay đổi diện mạo giải trí của người Nhật đối với thế giới. Chắc bạn còn nhớ cái Sony Walkman. Tôi không thể quên được cảm giác lần đầu tiên sở hữu được cái Walkman sau thời gian dài dành tiền để bằng mọi giá mua được, sau không biết bao nhiêu lần nhìn ngắm thèm thuồng ở chợ Huỳnh Thúc Kháng. Tương tự VHS, băng cassette cũng chưa chết. NME (New Musical Express) – một trong những kênh tin tức âm nhạc nổi tiếng nhất thế giới – cho biết, riêng tại Anh, doanh số băng cassette đã tăng 103% trong năm 2020. Đã có những tiếng kêu thống thiết về sự bức tử của cassette khi CD xuất hiện từ thập niên 1980 nhưng cassette vẫn sống. Lạ quá. Tính đến cuối năm 2020, những băng cassette bán chạy nhất là nhạc của Lady Gaga, 5 Seconds of Summer và Yungblud.

    Và tương tự cassette, CD cũng sống nhăn răng. Digitalmusicnews ngày 11-11-2020 cho biết, gần 11 triệu CD đã được tiêu thụ trong nửa đầu năm 2020, với tổng doanh thu 129,9 triệu USD – chỉ riêng tại Mỹ. Thật lạ là ở thời mà bạn có thể “streaming” nhạc từ Spotify, Amazon Music hay Apple Music, người ta vẫn mê CD. Và đặc biệt nhất là sự hồi sinh của đĩa than (vinyl). Tờ Los Angeles Times ngày 10-9-2020 cho biết, tính đến giữa năm 2020, doanh số đĩa than đã lần đầu tiên qua mặt CD sau 34 năm kể từ năm 1986, tại thị trường Mỹ. Hiệp hội công nghiệp ghi âm Hoa Kỳ (RIAA) ghi nhận, trong sáu tháng đầu năm 2020, doanh số đĩa than đã vọt lên 232,1 triệu USD trong khi CD đạt 129,9 triệu USD (và doanh số nhạc ở format kỹ thuật số giảm 22%, xuống còn 351 triệu USD).

    Cần nói thêm, trong khi việc “chơi” VHS hay cassette ít nhiều mang yếu tố sưu tập và hoài cổ thì việc chơi đĩa than là mốt của dân có tiền. Hồi cassette mới xuất hiện ào ạt ở Sài Gòn với những cuốn tape nhập lậu từ Thái Lan vào thập niên 1980, người ta đã hình dung về sự biến mất chẳng sớm thì muộn của đĩa than. Chơi đĩa than phức tạp quá. Phải có đầu phát. Phải mua đầu kim xịn. Phải vệ sinh đĩa cẩn thận. Đĩa cũ một chút thì kêu rẹt rẹt hoặc nổ lốp bốp. Đang nghe ngon lành thì đĩa bị “nhảy”. Tóm lại là công nghệ cassette và sau đó CD hoàn toàn xứng đáng khai tử đĩa than. Lầm to. Vì sao?

    Nếu việc nghe nhạc từ cassette hoặc CD thuần túy là… nghe nhạc thì việc chơi đĩa than là một “nghi lễ” của việc thưởng thức nhạc. Cái thú này không chỉ dành cho giới sưu tập mà nó còn thật sự dành cho giới “audiophile”. Gần như hoàn toàn không có giới hạn cho việc sắm một dàn hi-end audiophile để nghe đĩa than cho thật sự “đã lỗ tai”. Giá nào cũng có. Một amplifier giá vài ngàn là chuyện nhỏ. Có những ampli có giá đến 100.000 USD; có những đầu phát đĩa than (turntable) có giá 50.000 USD, và có những dàn loa (speaker) có giá 100.000 USD trở lên. Chỉ riêng “cọng cáp” nối từ ampli sang loa cũng có thể tốn vài chục ngàn đô. Nghề chơi cũng lắm công phu. Với dân audiophile chơi đĩa than, nghề chơi không chỉ công phu mà phải thật nhiều tiền. Dĩ nhiên còn phải thật sự yêu nhạc, và đặc biệt có một đôi tai đủ mẫn cảm và tinh tế đến mức có thể nghe được từng “sợi nhạc” mỏng như tơ…

    Tâm Điểm
Working...
X