Announcement

Collapse
No announcement yet.

Adi Utarini: Thử nghiệm "muỗi đặc biệt" để loại trừ sốt xuất huyết

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Adi Utarini: Thử nghiệm "muỗi đặc biệt" để loại trừ sốt xuất huyết

    Translated from Nature's article Adi Utarini: Mosquito commander

    Khi coronavirus COVID-19 càn quét qua thế giới trong năm nay, Adi Utarini vẫn tập trung vào việc chống lại một căn bệnh nhiễm trùng chết người khác: Sốt xuất huyết. Vào tháng 8/2020, nhóm của cô đã báo cáo một chiến thắng lớn có thể mở ra con đường đánh bại căn bệnh này - căn bệnh ảnh hưởng đến 400 triệu người mỗi năm - và có thể cả những bệnh khác do muỗi là ký chủ trung gian.

    By NISHA GAIND, on 14-12-2020, 01:00:00


    Nhà nghiên cứu sức khoẻ cộng đồng đã tiên phong thử nghiệm công nghệ mới để loại trừ bệnh Sốt xuất huyết. Nguồn ảnh: Ed Wray for Nature
    Khi coronavirus COVID-19 càn quét qua thế giới trong năm nay, Adi Utarini vẫn tập trung vào việc chống lại một căn bệnh nhiễm trùng chết người khác: Sốt xuất huyết. Vào tháng 8/2020, nhóm của cô đã báo cáo một chiến thắng lớn có thể mở ra con đường đánh bại căn bệnh này - căn bệnh ảnh hưởng đến 400 triệu người mỗi năm - và có thể cả những bệnh khác do muỗi là ký chủ trung gian.

    Utarini và các đồng nghiệp của cô đã tìm cách giảm 77% trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tại nhiều khu vực của một thành phố lớn của Indonesia bằng cách thả những con muỗi đặc biệt để ngăn chúng truyền virus. Các nhà dịch tễ học ca ngợi kết quả này là đáng kinh ngạc - và một chiến thắng được mong đợi từ lâu trước một loại virus đã gây hại cho nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có thu nhập thấp ở vùng châu Á, châu Phi và Nam Mỹ.
    Utarini, nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng tại Đại học Gadjah Mada (GMU) ở Yogyakarta - nơi cuộc thử nghiệm diễn ra - và là nhà khoa học nghiên cứu hàng đầu ở Indonesia cho biết: “Đó là một cứu cánh cho sức khoẻ cộng đồng."

    Dự án là thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên đầu tiên - tiêu chuẩn vàng trong nghiên cứu lâm sàng - về một phương pháp hoàn toàn mới để kiểm soát bệnh sốt xuất huyết. Kỹ thuật này gây giống muỗi vằn Aedes aegypti (loại muỗi truyền các virus gây bệnh sốt xuất huyết, Zika và chikungunya) cho chúng nhiễm/mang một loại vi khuẩn có tên là Wolbachia. Vi khuẩn này sẽ cạnh tranh và ức chế virus và ngăn không cho muỗi truyền virus sang người. Trứng từ những con muỗi có mang vi khuẩn này sau đó được đặt xung quanh thành phố, thường là trong nhà của người dân. Các thử nghiệm nhỏ ở Úc và Việt Nam đã cho kết quả đáng kinh ngạc. Nhưng Yogyakarta, một thành phố đông đúc gần 400.000 người với tỷ lệ lây truyền bệnh sốt xuất huyết cao, đã cung cấp một cuộc thử nghiệm với quy mô lớn hơn nhiều.

    Đây cũng là một bài kiểm tra quan trọng để xem liệu nhóm của Utarini có thể thu hút được sự ủng hộ từ cộng đồng nơi muỗi sẽ được thả thử nghiệm hay không. Oliver Brady, một nhà nghiên cứu về virus học về bệnh sốt xuất huyết tại Trường Vệ sinh & Y học Nhiệt đới London cho biết: “Đó là sự thành công rất lớn đối với nhóm mà Adi dẫn đầu". Nhóm đã sử dụng các thông báo trên phương tiện truyền thông, tranh vẽ trên tường, gặp mặt trực tiếp và thậm chí là cuộc thi làm phim ngắn để thông báo cho cộng đồng về phương pháp này và trả lời câu hỏi của mọi người về thử nghiệm. Đa số người dân trong cộng đồng rất muốn được tham gia vào thử nghiệm.

    Cuộc thử nghiệm tại Yogyakarta bắt đầu vào năm 2011, nhưng nhóm đã gặp phải một số vấn đề trong việc nhận được sự đồng ý của chính phủ. Utarini, một nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng giàu kinh nghiệm từng làm việc về bệnh lao và sốt rét, đã được tuyển dụng vào năm 2013 để giúp đỡ. Cô đã đàm phán với một số bộ của chính phủ, giành được sự chấp thuận của cơ quan quản lý ngay sau đó.

    Khi kết quả thử nghiệm được công bố, cộng đồng đã "rất hào hứng", cô nói. "Ngay cả trước khi có kết quả cuối cùng, chúng tôi đã nhận được yêu cầu từ người dân hỏi là khi nào thử nghiệm sẽ tiến hành trong khu vực của họ?", Utarini nói. "Giấc mơ đang thành sự thật."

    Các đồng nghiệp đồng ý rằng Utarini - người mà họ mô tả là trầm lặng nhưng có sức thuyết phục - là một phần quan trọng trong thành công của nghiên cứu. Theo ông Scott O'Neill, Giám đốc Chương trình Muỗi Thế giới tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, giáo sư Adi là “chất keo để gắn kết mọi thứ lại với nhau” trong quá trình thử nghiệm phức tạp. Ông O'Neill là người đã phát triển công nghệ tạo muỗi đặc biệt này và liên kết với các nhà nghiên cứu ở từng địa phương để triển khai và thử nghiệm nó. “Adi và nhóm của cô ấy đã thực hiện thử nghiệm chất lượng thực sự cao này, cung cấp cho chúng tôi bằng chứng tốt nhất về công nghệ này,” ông nói.

    Muỗi nhiễm Wolbachia hiện đang được thả trên khắp Yogyakarta và lần đầu tiên các nhà nghiên cứu bệnh sốt xuất huyết đang tính đến ý tưởng rằng họ có thể loại bỏ virus gây bệnh sốt xuất huyết khỏi một thành phố - hoặc thậm chí có thể là một quốc gia. Brady nói: “Công nghệ này được mô tả như một loại vaccine cho một vùng đất."

    Nhưng chiến thắng vẻ vang của Utarini trong năm nay cũng không trọn vẹn. Vào tháng 3, chồng cô, một nhà nghiên cứu về thuốc, đã chết vì COVID-19. Trong thời điểm khó khăn, cô đã chuyển sang đam mê khác của mình - chơi piano và đạp xe. “Bất cứ khi nào tôi gặp vấn đề khó khăn chưa giải quyết được, tôi đều cố gắng tìm cách để vượt qua nó.”

    Khi nói đến bệnh sốt xuất huyết, cô ấy bày tỏ sự lạc quan. Utarini nói: “Tôi tin vào công nghệ này. Có lẽ cuối cùng cũng có ánh sáng cuối đường hầm."

    Người dịch: Chau Tran

    Biên tập: Chau Tran
Working...
X