Announcement

Collapse
No announcement yet.

Vết thương lòng của một đứa bé 10 tuổi…

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Vết thương lòng của một đứa bé 10 tuổi…


    Di tản tháng 3-1975 - Ảnh: Internet

    LÊ BẢO LIÊN

    Đó là một ngày tháng 3-1975…

    Ba mẹ đưa bốn chị em chúng tôi lên xe ra đi lặng lẽ giữa buổi bình minh sương mù dày đặc. Đà Lạt không một tiếng súng, nhưng trường Võ Bị Quốc gia Việt Nam được lệnh rút quân. Người dân và gia đình sĩ quan, như gia đình tôi, chạy theo sau một đoàn xe nối đuôi nhau dài dằng dặc hàng mấy cây số. Ban ngày xe chạy; ban đêm dừng, tắt máy, tắt hết đèn đóm, không có cả đốm lửa thuốc lá. Trong bóng đêm mịt mùng đặc quánh ấy, những người lớn đi tới đi lui từ xe này sang xe khác như những bóng ma, nói thì thầm, thì thầm…Tôi tưởng như mình đang ở một thế giới nào khác, như địa ngục giữa trần gian.



    Tôi say xe, ói cả mật xanh mật vàng, ruột gan quặn thắt, kiệt sức không ăn uống gì suốt mấy ngày trời. Tôi chỉ mong ba tôi dừng xe lại, trải tấm chăn xuống lề đường cho tôi nằm nghỉ một hai phút lấy sức để… ói tiếp. Tôi luôn miệng rên rỉ: “Ba ơi, cho con nằm xuống đất, con muốn nằm xuống đất…”. Mẹ tôi sợ tôi chết, và xem câu nói ấy như điềm gở. Mẹ khóc!

    Buổi trưa, đoàn xe thường ngừng lại ăn cơm. Mẹ tôi nhảy ngay xuống xe, quơ vài cây củi xung quanh nhóm lò nấu cơm. Ba tôi lượm nón sắt lính bỏ lại bên đường để nấu nước uống. Tôi tha thẩn chơi, thấy quân phục bị cởi bỏ vất đầy bên vệ đường. Thấy trong túi áo có tờ giấy, tôi tò mò lục xem, chữ viết nguệch ngoạc:

    – “Tôi tên… đơn vị… nhà ở…, ai nhận được thư này xin báo về cho cha mẹ tôi là ông bà…, vợ tôi là cô… rằng tôi đã vĩnh viễn ra đi. Con xin lỗi ba mẹ… Xin em và con tha thứ cho anh. Vĩnh biệt!…”

    Một lá thư, hai lá thư, sau tôi phát hiện ở hầu hết bộ quân phục lấm bẩn đất cát, loang lổ máu ấy đều có những lá thư vĩnh biệt viết vội như thế. Lòng tôi day dứt: “Ra đi” là đi đâu? Sao họ còn sống, còn viết thư mà lại là “Vĩnh biệt”? Những điều mà một đứa trẻ như tôi lúc đó không thể nào hiểu nổi. Tôi hoang mang, lo sợ và buồn da diết. Xe ba tôi cứ đi lùi dần, nhường cho các xe khác đi trước. Họ tranh nhau, giành giật, húc cả vào nhau để được đi gần hơn đoàn công-voa của trường Võ Bị, có xe tăng yểm trợ, để được bảo vệ, để thấy an toàn (có lẽ thế).

    Đến gần Bình Tuy, do một thứ giác quan đặc biệt nào đó, hay do ba tôi không phải là “quân nhân bàn giấy” kiểu các sĩ quan Võ Bị bình thường khác với kinh nghiệm và linh tính của người lính từng chinh chiến trên chiến trường Plây-me, Quảng Trị, nên ba tôi bỗng quyết định tách ra không chạy theo đoàn xe ấy nữa. Vì vậy gia đình tôi thoát chết trong gang tấc.

    Chúng tôi đi vào một xóm nhỏ cách xa đường quốc lộ. Người dân ở đây đã đi di tản gần hết. Ở tạm trong căn nhà trống hoác mà sao tôi thấy bình yên sung sướng quá. Chung quanh toàn là cát trắng, khác hẳn Đà Lạt, bốn chị em tha hồ nghịch cát. Nắng đổ lửa, không có nước. Một phụ nữ địa phương gánh đôi nước đến bán cho mẹ tôi với giá rất mắc. Chúng tôi không được tắm, nước chỉ để ăn uống mà thôi. Chúng tôi ngồi giữa bãi cát, nhìn lên trời, trực thăng quần đảo suốt ngày kêu gọi người dân di tản vì vùng này không an toàn. Mẹ lo lắng lắm, nhưng ba nhất định ở lại đây. Đêm đến, tôi giật mình thon thót vì tiếng đạn pháo. Ba không ngủ, ngồi nhìn phía xa. Qua khung cửa, tôi thấy bầu trời nơi ấy rực sáng, đạn bay đỏ lừ. Giấc mơ tôi sợ hãi, điên loạn…

    Trời còn mờ tối, ba đã bế thốc từng đứa chúng tôi lên xe Jeep, lái đi. Một chốc sau, ngày chưa sáng rõ, chúng tôi đi đến cái “vùng trời” đêm qua đó. Một cảnh tượng kinh hoàng! Đoàn xe của quân đội VNCH đã bị pháo kích. Cả đoàn người dân vô tội với hàng trăm chiếc xe đi cùng đều bị giết chết. Những chiếc xe tăng mới hôm qua hùng dũng thế, giờ cháy đen, nghi ngút khói. Những chiếc cam nhông chở đầy lính tráng, giờ lật ngang nằm méo mó. Máu nhuộm đỏ mặt lộ, máu chảy thành dòng hai bên vệ đường, xác người nằm ngổn ngang khắp mọi nơi.

    Xe ba tôi không ngừng dằn xóc vì buộc phải cán qua những tử thi ấy. Không còn cách nào khác. Ba cố lách xe tránh cán qua đầu họ, sợ rằng có người bị thương còn sống. Mẹ bắt tôi nằm xuống, tay giữ chặt đầu tôi xuống ghế không cho tôi nhìn. Nằm trên ghế, theo hướng ba mẹ chỉ, tôi trông thấy chiếc xe hơi màu trắng của vị thiếu tá đã đồng hành cùng chúng tôi mấy hôm trước vẫn đang cháy. Ông ấy, bộ quân phục đẫm máu, chừng như kiệt sức, đang cố gắng kéo lê xác đứa con trai lớn đến bên cạnh xác người vợ và đứa con trai nhỏ. Không ai giúp ai cả, mọi người chạy trối chết trong nỗi khiếp hãi. Lần đầu tiên thấy ba tôi khóc, miệng méo xệch, nước mắt từng giọt nặng trĩu rơi lã chã trên tay lái.

    Chạy một quãng, có ba người mặc quân phục (quân phục vất dọc đường rất nhiều, ai cũng có thể lấy mặc), họ chặn chúng tôi lại, chĩa súng vào xe: Cướp!

    Ba rút phắt khẩu colt ra, nói rít răng:

    – Tụi mày không phải lính. Tao chấp ba thằng mày, mạng đổi mạng!

    Mẹ tôi sợ hãi gào khóc níu chặt lấy tay ba, rút nhanh bóp tiền đưa họ. Ba nhìn mẹ, nhìn bốn đứa trẻ chúng tôi, rồi nhẫn nhục trao súng cho chúng. Mắt ba vằn máu!

    Lòng tôi tan nát, rã rời.

    – Những lá thư vĩnh biệt trong bộ quân phục vứt bên vệ đường?

    – Những chiếc xe tăng cháy đen nghi ngút?

    – Con đường rải đầy xác người lênh láng máu?

    – Ba tên cướp mặc quân phục…

    – Hay là những giọt nước mắt của ba tôi?

    Không biết điều gì đã khiến cho lòng tôi đau đớn mãi?

    *****

    Chập tối, chúng tôi đến Phan Thiết. Cả thị xã náo loạn sôi sục như chảo lửa. Tiếng súng đì đoàng không ngớt. Người ta cướp giật trắng trợn, người ta chạy đi chạy lại khiêng vác, hôi của ở các cửa hàng ngoài phố. Tôi ngạc nhiên nhìn. Những thùng hàng ly tách chén đũa, những cây vải sặc sỡ, những bàn ghế giường tủ, những bộ salon sang trọng…, họ lấy để làm gì? Gia đình tôi đã bỏ hết, bỏ hết, vượt qua đường trường chết chóc, chỉ mong được sống mà thôi. Hàng trăm ngàn người đã bỏ xác dọc đường, phơi thây giữa trời không một mảnh chiếu đắp, xác thân thối rữa không ai chôn cất, mùi tử khí ngùn ngụt đất trời… Thế mà ở đây người ta nô nức đi hôi của mang về nhà. Thật mai mỉa cho lòng tham lam của người đời!

    Lại gặp cướp. Hai người đàn ông lăm lăm súng trên tay, chở nhau trên chiếc Honda, tấp vào sát xe chúng tôi. Người ngồi sau chìa cặp kính mát vào mặt mẹ tôi, nói nhẹ nhàng:

    – Chị cho tôi cầm đỡ cặp kính lấy tiền đi đường!

    Mẹ tôi móc bóp vét hết tiền đưa chúng. Hắn giật lấy xấp tiền, cười nhạt, bỏ trở lại cặp kính vào túi áo, phóng xe đi. Cũng may cho chúng tôi, tên cướp rất đàng hoàng lịch sự. Hú hồn.

    Nhưng vài phút sau, tôi chứng kiến một màn cướp ghê rợn. Giữa phố, một người đàn ông mặc thường phục cầm khẩu súng ngắn bắn thẳng vào người ngồi trên xe máy. Người kia ngã xuống đường, máu loang nhanh trên áo đỏ thẫm. Tên cướp điềm nhiên leo lên xe rồ ga chạy đi. Đám đông xung quanh giương mắt nhìn, xe chúng tôi cũng chạy ngang qua không dừng lại. Ai sẽ cứu giúp nạn nhân ấy? Tôi nghiệm ra rằng, trong xã hội loạn lạc, con người sẽ bộc lộ hết phần “con” tàn bạo độc ác, nhẫn tâm, ích kỷ và hèn nhát của mình.

    Đêm Phan Thiết. Ba tôi lái xe vào trụ sở của Ủy hội kiểm soát đình chiến ICSC. Cả tòa nhà vắng lặng rợn người. Tất cả cửa kính xung quanh tòa nhà đều vỡ nát, mảnh chai lạo xạo dưới chân. Không dám bật lửa, chúng tôi lần mò trong bóng tối vào nhà tá túc một đêm. Ba dùng tờ báo quét dọn mảnh chai lấy một chỗ nằm cho cả nhà. Hình ảnh cuối cùng tôi nhìn thấy trước khi chìm vào giấc ngủ mệt nhọc hoảng loạn là bầu trời Phan Thiết đen kịt, dệt tấm lưới đỏ lừ những đường đạn đan chéo chi chít. Thỉnh thoảng, ánh hỏa châu rực sáng giữa trời, rồi rơi xuống lừ lừ như đe dọa…

    Đến cửa ngõ Bình Tuy. Đó là chiếc cầu sắt nhỏ, giữa cầu giăng kẽm gai, bên kia cầu, lính dàn quân chiến đấu. Tỉnh trưởng Bình Tuy không cho phép đoàn người di tản vào tỉnh lỵ, trong khi hầu hết tỉnh thành chúng tôi đi qua đều bỏ trống vô chính phủ. Bên này cầu, tàn quân từ Tây Nguyên kéo về cũng dàn trận quyết đấu với sự sôi sục oán hận. Họ đã phải vượt qua làn tên mũi đạn, đi qua đoạn đường dài sinh tử tử sinh, giờ lại bị đồng đội chặn đường để bảo vệ sự bình yên cho một tỉnh lỵ thì bất nhẫn quá.

    Đoàn người dân di tản quay đầu xe chạy tán loạn trước nguy cơ bom rơi đạn lạc. Ba tôi cũng quay đầu xe chạy vào một xóm nhỏ ở xa. Chúng tôi tá túc ngoài hiên một căn nhà nhỏ trong vườn cây ăn trái. Bốn chị em quanh quẩn trong vườn lượm củi cho mẹ nhóm lửa nấu cơm, nướng cá khô. Chủ nhà mang ra biếu mấy chị em rổ trái cây ngọt lịm, họ cười nói thăm hỏi thân tình, ẵm bồng đứa em út của tôi âu yếm. Quang cảnh thanh bình một cách kỳ lạ, cứ như lạc vào thiên thai giữa chốn địa ngục vừa trải qua. Kỷ niệm ấy như giọt nước mát rượi tưới tắm tâm hồn tôi khô cằn, cay cực.

    Một đêm bình yên. Sáng sớm chúng tôi lên đường. Cửa ngõ Bình Tuy đã thông xe. Bên nay cầu, súng ống chất cao như núi. Thì ra tỉnh trưởng Bình Tuy đã dàn xếp mọi việc ổn thỏa: đoàn quân di tản chỉ được vào tỉnh lỵ sau khi hạ vũ khí. Một quyết định sáng suốt, vừa tránh được cảnh huynh đệ tương tàn vừa giữ được an ninh cho Bình Tuy. Không biết ai là Tỉnh trưởng Bình Tuy lúc ấy nhưng đó là một người đáng kính trọng. Xe vừa đến được nhà người bạn của ba mẹ ở Bình Tuy thì tắt máy. Không còn giọt xăng nào. Ba tôi phải đẩy xe vào nhà. Chỉ cần hết xăng sớm hơn vài mươi phút thì cả nhà không biết ra sao… Đã nói ba tôi mạng lớn sống lâu, nên gia đình hưởng phúc lây. Chỉ có thể nói là Trời Phật độ trì cho chúng tôi mà thôi.

    Hôm sau cả nhà đi ghe ra Long Hải để về Sài Gòn. Đến Long Hải khi đêm xuống, chúng tôi đành ngủ lại trên bãi biển, giữa mùi xú uế bốc nồng nặc. Ba nói mùi phân người đối với ba là… sạch sẽ lắm. Khi còn chiến đấu ở Quảng Trị, ngày đêm ba phải ở trong những căn hầm đầy tử khí. Nếu xác định đúng vị trí, chỉ cần dùng xẻng xúc vào vách hầm vài tấc đất là đụng ngay phải xác người chôn vội đang phân rã, của quân bên này lẫn bên kia…

    Về đến Sài Gòn, gia đình tôi được đón như những người từ cõi chết trở về. Nước mắt mừng vui đoàn tụ chưa ráo thì nước mắt phân ly lại trào. Dì Hai tôi là nhân viên xếp lịch bay cho phi cơ quân sự ở Phi trường Tân Sơn Nhất, đã sắp xếp cho cả gia đình ra đi trên một trong những chuyến bay cuối cùng, nhưng bất ngờ, ông bà ngoại quyết định ở lại Việt Nam. Cả đại gia đình ngập trong nước mắt, tất cả người lớn đều khóc. Dì Hai quỳ sụp dưới đất, năn nỉ ông bà ngoại đi cùng. Dì Hai nói:

    – Con là người thuộc quân lực Mỹ, con xếp lịch bay cho các chuyến bay quân sự, con mà ở lại, Việt Cộng vào sẽ cắt cổ con, con khấu đầu xin ba má hãy đi với con.

    Cuối cùng, sau những vật vã dằn xé đau lòng, dì Hai quỳ lạy ông bà ngoại tôi lần cuối để ra đi, xem như là tử biệt, không ai nghĩ rằng sẽ còn gặp lại nhau trên cõi đời này. Ba tôi nhất quyết không đi vì còn cả gia đình bên nội ở Huế chưa có tin tức. Tử biệt sinh ly tưởng là chuyện đời thường, nhưng ai có trải qua thời khắc ấy mới hiểu thế nào là đớn đau. Chiến tranh loạn lạc tưởng đã quen thuộc với người dân Việt, nhưng đi vào lửa đạn mới thấy hết sự khốc liệt tàn bạo vô luân của nó.

    Tôi thầm thương mình đã trải qua biến cố lịch sử ấy khi tuổi còn quá nhỏ. Nó khiến cho tôi rời xa thật xa tuổi ấu thơ của mình. Quãng thời gian dài hơn 45 năm mãi không thể xóa nhòa niềm đau của tuổi lên mười năm ấy…

    *****
Working...
X