Announcement

Collapse
No announcement yet.

Nhạc sĩ Phạm Duy và “mối tình tri kỷ” trong bài hát Nghìn Trùng Xa Cách: “Đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người…”

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Nhạc sĩ Phạm Duy và “mối tình tri kỷ” trong bài hát Nghìn Trùng Xa Cách: “Đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người…”


    Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi
    Còn gì nữa đâu mà khóc với cười

    Phạm Duy đã viết những lời ca băng lạnh như vậy ngay mở đầu ca khúc Nghìn Trùng Xa Cách, nhưng trong một đêm nhạc tại Hà Nội vào năm 2011, ông lại kể rằng: “Trước đây hát bài này, Thái Thanh lần nào cũng khóc”. Dường như có một sự nhập tâm và đồng cảm sâu sắc mà danh ca Thái Thanh dành cho nhạc phẩm này, bởi trong cuộc đời mình, bản thân bà cũng từng phải đi qua những cuộc chia ly “nghìn trùng xa cách”. Những lời ca nỉ non, da diết có lúc như tự sự, tâm tình, có khi như nức nở của nữ danh ca Thái Thanh cuốn người nghe bước lên chuyến xe chia ly mà nhạc sĩ Phạm Duy là nhân vật chính trong đó.

    Mời người lên xe về miền quá khứ
    Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu


    Click để nghe Thái Thanh hát Nghìn Trùng Xa Cách trước 1975


    Nhiều người hẳn sẽ thắc mắc tại sao trong cuộc tình ly này, chẳng hề có đớn đau, chẳng hề có níu kéo. Hai câu hát thả xuống nhẹ tâng, lịch lãm như thể của một quý ông đang từ biệt một người phụ nữ mà ông ngưỡng mộ chứ không phải là yêu đương, mong muốn sở hữu, kề cận.

    Đó là bởi, theo nhạc sĩ Phạm Duy kể trong hồi ký của mình, đây là cuộc chia tay với mối tình văn nghệ trong sáng, đáng tự hào nhất trong tình sử của ông, một người vốn nổi tiếng là đào hoa và thậm chí là “bê tha” nhất trong khía cạnh tình ái. Cô gái ấy chính là người đẹp Lệ Lan (Alice), nhỏ hơn Phạm Duy khoảng 20 tuổi, là con gái của một bóng hồng mà Phạm Duy đã từng tương tư khi còn trẻ. Những năm cuối thập niên 1950, khi Phạm Duy đang lao đao, chán chường, bị cả nước khinh ghét vì vụ án “ăn chè nhà Bè” đầy tai tiếng thì ông tình cờ gặp lại người xưa cùng với cô con gái Lệ Lan (Alice) 16 tuổi của bà. Phạm Duy kể lại trong hồi ký như sau:

    “Tôi ngỡ ngàng khi thấy Alice. Cô bé giống mẹ như đúc. Cũng như các nữ sinh khác, cô bé đã biết tới những bài hát của tôi như Tình Kỹ Nữ, Bên Cầu Biên Giới, Tình Ca, Tình Hoài Hương… Có lẽ trong tiềm thức của cô thiếu nữ 16 tuổi này đã có dư hương vòng tay bế bồng của tôi lúc cô mới lên bốn cho nên cô quấn quít tôi như người quen biết từ lâu. Đang có một thảm kịch trong lòng sau vụ ái tình được cả nước biết, tôi đi tìm an ủi ở người bạn cũ Helene. Nhất là ở người con gái giống mẹ như đúc. Trong lúc đang có cảm giác bị mọi người chung quanh khinh khi, ghét bỏ, tôi thấy nguôi ngoai trong lòng khi nghe cả hai mẹ con nói rằng tôi chẳng có tội gì cả ! Họ nói thế vì họ muốn kéo tôi ra khỏi một sự nhục nhằn, tôi biết vậy!”
    Alice thập niên 1970
    Suốt hơn 10 năm sau đó, Lệ Lan giống như một suối nguồn tươi trẻ tưới tắm cho tâm hồn Phạm Duy, là nguồn cảm hứng cho ông viết khoảng hơn 40 ca khúc khác nhau. Phạm Duy tâm sự:

    “Vì chênh lệch tuổi tác và vì không muốn làm phiền những người chung quanh một lần nữa, tôi quyết định ngay từ đầu rằng đây chỉ là một mối tình giữa hai tâm hồn mà thôi. Tôi cố gắng tránh mọi đụng chạm về xác thịt và tôi hãnh diện để nói rằng nàng vẫn là một trinh nữ khi rời xa tôi để lên xe hoa về nhà chồng. Là một nghệ sĩ, tôi cần tình yêu để sáng tác, giống như con người cần khí trời để thở. Tôi không cần phải chiếm đoạt ai cả, nhất là chiếm đoạt một người con gái còn ít tuổi. Mỗi cuối tuần gặp nhau, thế là quá đủ.”

    Nàng thiếu nữ thơ ngây, nhiều mơ mộng 16 tuổi hẳn đã đem đến cho nhạc sĩ Phạm Duy một cuộc tình thanh tân với những ký ức ngọt ngào, để rồi tròn 10 năm sau đó, khi chia tay, ông đã viết:

    Đứng tiễn người vào dĩ vãng nhạt mầu
    Sẽ có chẳng nhiều đớn đau
    Nối gót người vào dĩ vãng nhiệm mầu
    Có lũ kỷ niệm trước sau

    Vì yêu chỉ để yêu, để trao nhau những bài thơ, bài nhạc, để nâng nhau lên cùng thăng hoa trong nghệ thuật, trong cảm xúc, để bầu bạn chuyện trò nên trong mối tình ấy, cả hai người đều hiểu rằng sẽ chẳng có điều xa xôi nào chờ họ phía trước, không mong cầu, không kỳ vọng, không chiếm hữu nhau, vậy nên khi chia tay cũng “sẽ có chẳng nhiều đớn đau”. Khi bước qua rồi, nhìn lại sẽ chỉ thấy những “lũ kỷ niệm”“dĩ vãng nhiệm mầu”.

    Vài cánh xương hoa nằm ép trong thơ
    Rồi sẽ tan đi mịt mù
    Vạt tóc nâu khô còn chút thơm tho
    Thả gió bay đi mịt mù



    Mối tình ấy đầy ắp những sắc màu đặc trưng của những cuộc tình thơ ngây của các cô cậu học trò mới lớn: ép hoa khô vào trang thơ để tặng nhau, trao nhau mớ tóc làm kỷ niệm,.. Nhưng tại sao không phải là tóc đen mà lại là tóc nâu? Ấy là bởi Lệ Lan mang trong mình tới 3 dòng máu Anh – Hoa – Việt, một cái tên rất Tây là Alice, và một gương mặt, vóc dáng lai Tây rõ nét.

    Năm 1969, Lệ Lan quyết định dứt áo theo chồng, nàng cắt đứt mối tình thơ mộng với nhạc sĩ Phạm Duy bằng những dòng thư điềm đạm, nhẹ nhàng mà sâu lắng như chính mối tình của họ. Nhạc sĩ Phạm Duy kể:

    “Qua một lá thư viết bằng bút chì, nàng giã từ tôi, không buồn rầu nuối tiếc, không ân hận xót xa: “10 năm, quá đủ cho một mối tình đẹp và một đời người ngắn ngủi… Từ đây đến ngày cưới, có thể L. sẽ xin gặp chú một, hai lần nữa. Chẳng để làm gì cả. L. chắc chú cũng nghĩ như L. Chẳng có gì bi thảm. Chẳng có gì tiếc hận. Một mối tình đẹp kết thúc một cách êm ái…”. Xong rồi, mối tình của tôi phải chấm dứt ở đây rồi. Tôi soạn bài “Nghìn trùng xa cách”, coi như lời tiễn biệt người yêu”.

    Khi đọc lá thư chia tay của người tình, nhạc sĩ Phạm Duy dù trong tâm thế chấp nhận, ông có lẽ đã vô cùng hụt hẫng:

    Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi
    Còn gì nữa đâu mà giữ cho người

    Bởi hơn cả tình yêu, mối tình trong sáng, tinh khôi này đã đem đến cho Phạm Duy những cảm xúc thăng hoa tinh khiết, để ông vực dậy chính mình sau những bê bối, sau danh sách dài dằng dặc những người tình. Có lẽ là lần đầu tiên, ông biết trân trọng, nâng niu và gìn giữ cho một người con gái suốt hơn 10 năm ròng rã kề cận. Vậy nên, khi cô gái dứt áo ra đi, dù nhạc sĩ không níu giữ, dù chấp nhận, trong lời hát, vẫn nghe loáng thoáng chút tiếc nuối, chút chua xót “phũ phàng”: Còn gì nữa đâu mà giữ cho người”. Phải, chia tay rồi, rũ áo ra đi rồi, còn gì nữa đâu để nói, để hứa hẹn, để gìn giữ. Vậy nên, đành xin trả lại:

    Trả hết về người chuyện cũ đẹp ngời
    Chuyện đôi ta buồn ít hơn vui
    Lời nói, lời cười
    Chuyện ngắn chuyện dài

    Trả hết cho người, cho người đi
    Trả hết cho ai ngày tháng êm trôi
    Đường em đi trời đất yên vui
    Rừng vắng ban mai, đường phố trăng soi

    Những ca từ lặp đi lặp lại: Trả hết.. trả hết.. thả xuống ngỡ như dằn dỗi, như giận hờn, như sẽ xô đổ tất cả, giống như người ta trả lại cho nhau những kỷ vật khi chia tay. Nhưng không! Những kỷ vật đã trao nhau, đó là “Những cánh hoa khô nằm ép trong thơ”, “Vạt tóc nâu khô còn chút thơm tho” vẫn còn đó, nhạc sĩ không hề đem trả, ông cũng không hề “thả gió bay đi” như trong lời hát, mà trân trọng, nâng niu, cất giữ trọn vẹn trong một chiếc hộp tại nhà riêng, như lời tâm sự của chính ông vào những năm cuối đời.

    Ông chỉ trả lại những “chuyện cũ đẹp ngời”,ngày tháng êm trôi”, ” lời nói lời cười”, “chuyện ngắn chuyện dài,… như những lời nhắn gửi ngọt ngào dành cho người thương rằng: Em hãy cứ đi, nhưng nhớ mang theo hành trang là những kỷ niệm ngọt ngào, tươi đẹp của đôi ta, không phải để nuối tiếc, để đoái thương mà để vững vàng, yên vui trên “đường em đi” tới. Bởi vì em và tôi đã có một cuộc tình trong sáng và tinh khôi trọn vẹn, không có gì phải hối tiếc, lo lắng hay u hoài về những tháng ngày đã qua.

    Trả hết cho người, cho người đi
    Trả hết cho ai cả những chua cay
    Ngày chia tay, lặng lẽ mưa rơi
    Một tiếng thương ôi, gửi đến cho người
    Trả nốt đôi môi gượng cười

    Dù rằng trong lòng tôi có chút chua cay, chút đoái thương, chút buồn lặng, hụt hẫng và cả mất mát nhưng chẳng hề gì cả, tôi vẫn sẽ gượng cười tiễn bước em đi.

    Nghìn trùng xa cách đời đứt ngang rồi
    Còn lời trăn trối gửi đến cho người
    Nghìn trùng xa cách người cuối chân trời
    Đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người

    Ca khúc kết lại bằng những lời ca thật đẹp, chau chuốt, chỉn chu và cao thượng vô ngần: “Đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người”. Cuộc tình dù đã “đứt ngang”, người tình quay lưng bước đi, nhưng trong lời “trăn trối” cuối cùng của kẻ tình si vẫn là những lời chúc đầy yêu thương và bao dung.

    Có thể nói, vượt ra ngoài những rào chắn của thứ tình cảm yêu đương gái trai vị kỷ, Nghìn Trùng Xa Cách là khúc hát yêu thương đậm sâu của những mối duyên tri kỷ thanh tao. Toàn bộ ca khúc là những giai điệu, ca từ giản dị, say đắm mà nồng đượm, ngọt ngào, thấm sâu vào trái tim người nghe. Chính vì ý nghĩa ca từ và giai điệu xuất sắc của ca khúc mà nhiều người cho rằng đây chính là bài tình ca hay nhất trong gia tài âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy.

    Khi nhạc sĩ Phạm Duy mất vào những ngày đầu năm 2013, trong giờ phút tiễn biệt cuối cùng, trước huyệt mộ của ông, gia đình và khán giả đã đồng thanh cất lời hát ca khúc Nghìn Trùng Xa Cách như một tiễn biệt đầy yêu thương và trân trọng. Tương tự, trong đám tang của nữ danh ca Thái Thanh vào cuối tháng 3 năm 2020, danh ca Ý Lan cùng gia đình đã kêu gọi khán giả đồng thanh hát ca khúc Nghìn Trùng Xa Cách để đưa tiễn mẹ mình với lời dẫn giải vô cùng xúc động: “Đây là ca khúc mẹ tôi dành cả một đời để làm đẹp nó”.

    Bài: Niệm Quân
    Bản quyền bài viết của nhacxua.vn
    Attached Files
Working...
X