Announcement

Collapse
No announcement yet.

‘Nổi da gà’ khi xem đấu bò ở Tây Ban Nha

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    ‘Nổi da gà’ khi xem đấu bò ở Tây Ban Nha

    MADRID, Tây Ban Nha (NV) – Đấu bò là một show thể thao mà hầu hết người dân Tây Ban Nha (Spain) ưa chuộng và trở thành một môn thể thao nghệ thuật trong đời sống của họ. Bạn đến Tây Ban Nha, và nhất là đến thủ đô Madrid hay Seville, nên đi xem trận “đấu bò/ Bull Fight” một lần cho biết vì chỉ khi nào bạn chứng kiến “tận mắt nghe tận tai” trận đấu thì bạn mới có đủ thẩm quyền nói với chính tâm tư bạn về một cảm giác lạ lùng khi xem trận đấu.


    Matador vờn bò Toro Bravo. (Hình: Jorge Guerrero/AFP via Getty Images)

    Đấu trường “Bullfight” lớn và nổi tiếng nhất của Tây Ban Nha nằm trong hai thành phố Madrid và Seville. Mùa đấu bò thường được tổ chức từ Tháng Năm cho đến Tháng Mười hằng năm. Các khách sạn đều có lịch trình đấu để quảng cáo cho du khách.

    Mỗi lần các trận đấu có sự tham dự của một người đấu bò (matador) nổi tiếng, người dân Tây Ban Nha bản xứ đi xem đông kín cả đấu trường, không khác gì các trận đấu túc cầu ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, có lẽ số lượng du khách đi xem lại không quá đông cho dù các trận đấu được quảng cáo rầm rộ.

    Các đấu trường Bullfight được thiết kế theo hình dáng vòng tròn theo phong cách của các đấu trường La Mã ngày xưa. Đấu trường Madrid khá lớn, có thể chứa đến hàng chục ngàn khán giả. Trước cổng chính vào, một cặp tượng người đấu bò và con “Toro Bravo” đang trong tư thế chiến đấu với nhau. Phía sau cổng là một phòng bảo tàng nhỏ giới thiệu về các con bò “Toro bravo,” các bộ y phục của những người đấu bò, các loại kiếm, lao mà người đấu bò sử dụng trong trận đấu.

    Cũng cần biết sơ qua một chút về các danh xưng của người đấu bò trước khi xem trận đấu. Thông thường có khoảng tám đến chín người đấu bò tham gia vào trận đấu. Người đấu bò chính gọi là Matador, năm hay sáu người đồng đội khác gọi là Banderillero và hai người cưỡi ngựa gọi là Picador. Những người này đều mặc y phục quần áo chẽn bó sát, rất trang trọng và tạo dáng cho người xem thật là đẹp mắt.

    Đặc biệt hai con ngựa to lớn của Picador đều được bao bọc giáp sắt quanh mình từ đầu đến chân, mắt ngựa được bịt lại để chúng không nhìn thấy chung quanh. Chúng đi tiến lùi theo cách điều khiển của người ngồi trên lưng chúng.

    Người Picador ngồi trên mình ngựa và sử dụng cây giáo thật dài. Còn các Banderillero mỗi người cầm theo các lá cờ màu hồng hay màu đỏ (các lá cờ này thực sự cũng là những cây lao nhỏ) và hai cây lao lớn. Mỗi người kể trên đều có những nhiệm vụ riêng trong trận đấu.

    Còn về loại bò dùng để đấu được gọi là Toro bravo (fighting bull), không biết tiếng Việt có phải gọi là “bò mộng” không. Mỗi con cân nặng khoảng 500 kg và được nuôi khoảng bốn năm.


    Cuộc so tài giữa Picator và bò Toro bravo. (Hình: Cristina Quicler/AFP via Getty Images)

    Sở dĩ phải nói tỉ mỉ như thế để bạn cảm thấy sự bất cân xứng trong trận đấu bò. Ngày xưa tôi lầm tưởng trận đấu bò diễn ra thì chỉ có một người đấu bò và con bò mộng mà thôi vì có như thế thì mới nhìn thấy sự tài giỏi và gan dạ của người Matador. Nhưng thực tế thì không như thế!

    Sau một vài nghi lễ chào khán giả, một chú “bò mộng” được thả ra. Trên thân thể chú bò, người ta đã vẽ khoanh từng chỗ, có lẽ người ta đã ghi dấu từng khu vực thịt của chú sẽ phân chia như thế nào chăng! Khi Toro bravo vừa được thả ra khỏi chuồng, khán giả mới nhận thấy sức khỏe khủng khiếp của bò mộng, vừa ra khỏi cửa là bò đã chạy lòng vòng tìm đối thủ. Thế chạy của chú hết sức là sung mãn và tự tin. Các Banderillero thay phiên nhau chạy ra dẫn dụ chú bò chạy đuổi khắp đấu trường. Có lẽ đây làm màn cho người xem thấy được sức khỏe vô song của bò Toro Bravo.

    Sau đó hai Picador cao lớn ngồi trên lưng ngựa xuất hiện. Các Banderillero dẫn dụ chú bò chạy về phía hai con ngựa này. Thấy ngựa, Toro bravo lấy trớn và dùng hết sức chạy đến, cuối đầu xuống và húc tung cả ngựa lẫn Picador lên.

    Gặp chú bò khỏe, chú có thể dùng sừng nhấc lên cả người Picador lẫn ngựa lên cao. Nhưng nhờ mang giáp sắt và mắt đã bị bịt nên ngựa vẫn không bị hề hấn hay sợ hãi gì (vì có nhìn thấy đâu). Chỉ chờ thế, người Picador dùng giáo đâm thật mạnh vào một yếu điểm trên lưng bò.

    Khi đâm xuống, Picador còn xoáy cả ngọn giáo vào yếu điểm này, cố ý làm vết thương lớn và sâu hơn. Đây là một màn hồi hộp trong trận đấu vì lúc này chú bò còn rất khỏe, khán giả Tây Ban Nha vỗ tay hò hét vang cả một góc trời. Sau một vài cái húc vào ngựa, “bò mộng” lại bị các Banderillero dẫn dụ ra nơi khác.


    Trận chiến giữa Banderillero và bò Toro bravo. (Hình: Cesar Manso/AFP via Getty Images)


    Đây là lúc Banderillero ra tài, họ dùng lá cờ đỏ dẫn dụ để bò nhìn thấy và tấn công họ. Khi bò chạy đến gần và chúi đầu xuống dùng sừng húc ngược lên thì đây cũng là lúc họ xoay người và đâm cả hai ngọn lao vào lưng bò.

    Một người Banderillero tài giỏi thì đâm cắm lao sâu và dính chắc trên lưng, không bị rơi ra trong lúc bò chạy. Lúc này máu từ lưng bò chảy ra khá nhiều từ những vết thương. Chú bò nào hung hăng quá thường bị bốn đến sáu ngọn lao đâm. Những vết thương làm “bò mộng” mất sức khá nhiều, nhưng đồng thời những cơn đau đớn làm bò nổi điên lên, bò chạy húc bất cứ những gì trước mắt.

    Khi bò đã bắt đầu yếu sức, không còn hung hăng như lúc đầu được nữa thì người Matador xuất hiện với lá cờ đỏ trên tay. Đây là màn chính của cuộc đấu “Bullfight.” Có lẽ màn nghệ thuật chính cũng nằm ở đây. Sự bình tĩnh gan dạ và những màn tránh né ngoạn mục của Matador với bò làm khán giả vỗ tay hoan hô mỗi khi màn hồi hộp vượt qua. Một người Matador giỏi né tránh được những cú húc sừng của bò rất sát người họ, đến nỗi cả thân bò đều cọ xát vào anh ta khiến máu bò đỏ thấm ướt sang cả bộ quần áo của mình. Nhưng cũng có khi Matador sơ sẩy chúi nhoài hay ngã thì tất cả Banderillero đều chạy ra tiếp ứng cứu ngay, người thì chạy ra dẫn dụ đánh lạc hướng bò, người thì chạy đến cứu Matador.

    Sau một lúc quần thảo, bò đã gần như hết sức và phần kết thúc diễn ra. Người Matador nhận cây kiếm dài từ tay đồng đội. Đây là thanh kiếm mà Matador sẽ phải nhắm vào thẳng vết thương trên lưng bò (đã được Picador cưỡi ngựa đâm sâu lúc đầu) và kết thúc mạng sống bò. Matador phất cờ dụ bò chạy đến húc mình và chỉ cần một cái lách mình nhẹ, ngọn kiếm trên tay anh ta đâm suốt thân bò và bò chết gục ngay xuống. Khán giả Tây Ban Nha đứng lên điên cuồng hò hét vỗ tay “tán thưởng” tay Matador tuyệt nghệ này.


    Tư thế của Matador nhằm kết thúc trận đấu. (Hình: Cesar Manso/AFP via Getty Images)

    Khi bò vừa gục chết, ngay lúc đó một cỗ xe ba ngựa chạy ra kéo xác bò ra khỏi đấu trường ngay. Tôi vẫn nghĩ trận đấu thật không cân xứng vì “bò mộng” đã bị quần, đã bị xa luân chiến cho đến khi kiệt sức thì trận đấu mới kết thúc. Nhưng giả thử bò không mất sức thì tính mạng của người Matador ra sao nhỉ! Có lẽ đây cũng chính là điều làm tôi xốn xao, không dễ chịu trong tâm tư mình mỗi khi nghĩ đến trận đấu bò ở Tây Ban Nha.

    Một lần xem buổi diễn Bullfight như thế, thường thì có tất cả sáu trận. Mỗi người Matador đấu hai trận. Tổng cộng có sáu chú bò bị làm thịt cho các nhà hàng. Tội nghiệp cho sự hung hăng của các chú “bò mộng.” Chú ỷ có sức mạnh nên chú tấn công tất cả những gì trước mặt. Nhưng chú là bò nên mới bị con người dùng xa luân chiến mà ra nông nỗi như thế.

    Người ta dự định bãi bỏ các trận đấu bò “Bullfight” ở Tây Ban Nha vì trận đấu tàn nhẫn quá. Sự tàn nhẫn của trận đấu đã bị nhiều nước khác chống đối nên có thể Tây Ban Nha sẽ hủy bỏ các trận Bullfight trong tương lai gần (không biết người dân Tây Ban Nha có hủy bỏ được môn thể thao này hay không). Các đấu trường ở một vài thành phố khác đã trở thành các khu mua sắm đắt tiền cho du khách. (Trần Nguyên Thắng) [qd]

    Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours & Travel
Working...
X