Announcement

Collapse
No announcement yet.

Đột phá: Thuốc làm liền sẹo hiệu quả 100%, đến độ cả mắt thường và thuật toán AI đều không phát hiện được

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Đột phá: Thuốc làm liền sẹo hiệu quả 100%, đến độ cả mắt thường và thuật toán AI đều không phát hiện được

    Đó là thành quả nghiên cứu kéo dài đến 34 năm của bác sĩ Longaker và các cộng sự của ông tại đại học Stanford, USA.

    Sẹo luôn là nỗi ám ảnh đối với những người phải qua phẫu thuật, những nạn nhân bị chấn thương, đặc biệt là bị phỏng. Mặc dù trên thị trường đã có một số loại thuốc bôi liền sẹo, nhưng chúng chỉ có hiệu quả với các vết sẹo nhỏ như sẹo rỗ gây ra bởi mụn trứng cá.

    Việc điều trị sẹo do các vết cắt sâu như sẹo do bị phỏng hay qua phẫu thuật gây ra, vẫn là một thách thức đối với cả ngày y và phẫu thuật thẩm mỹ. Một số bệnh nhân ung thư vùng đầu cổ đã chấp nhận chọn các phương pháp phẫu thuật nội soi phức tạp, đắt tiền, với mức độ rủi ro cao hơn gấp nhiều lần chỉ để tránh để lại vết sẹo ở vị trí dễ nhìn thấy.

    (Ảnh minh họa)
    Một ví dụ điển hình là phẫu thuật nội soi tuyến giáp không để lại sẹo, yêu cầu luồn con dao mổ từ nách lên hoặc từ bên trong miệng xuống đáy cổ. Cả hai thủ thuật đều yêu cầu rạch một đường mổ dưới da rộng hàng trăm lần so với mổ tại vị trí ban đầu.
    Nó không chỉ làm cho bệnh nhân bị đau đớn nhiều hơn, sự hồi phục kéo dài hơn mà còn đặt họ vào nguy cơ bị biến chứng cao nhiều hơn. Đổi lại, mổ nội soi sẽ không để lại vết sẹo ở chân cổ như những bệnh nhân mổ tuyến giáp bình thường khác.

    "Nhiều người lo ngại về vết sẹo của họ còn hơn là chính căn bệnh ung thư của mình", bác sĩ Jason A. Spector, một giáo sư phẫu thuật thẩm mỹ và tai mũi họng tại Đại học Y Weill Cornell cho biết.
    Không chỉ là vấn đề thẩm mỹ, mô sẹo còn để lại một vùng da yếu, kém linh hoạt, không có nang lông và tuyến mồ hôi. Đó là lý do tại sao các bệnh nhân bị phỏng bây giờ vẫn thường phải được ghép da để điều trị sẹo và phục hồi lại chức năng của làn da.
    Sẹo nói chung là một bài toán rất khó giải quyết của y học. "Hiện vẩn chưa có bất kể một loại thuốc hoặc kỹ thuật phân tử nào có thể đảo ngược được quá trình hình thành sẹo", bác sĩ Michael Longaker, giám đốc Viện Sinh học Tế bào gốc và Y học Tái tạo, Đại học Stanford, Mỹ cho biết.

    Từ hiệu ứng lành sẹo thần kỳ của một con cừu 34 năm về trước
    Làn da của chúng ta làm việc giống như một hàng rào ngăn chặn sự xâm nhập của mầm bệnh vào trong cơ thể. Vì vậy, mỗi khi nó bị hở, cơ thể cần phải có các cơ chế hàn kín nó lại một cách nhanh nhất nếu có thể.

    Nó bắt đầu bằng việc co cơ dưới da, kéo các mép của vết thương lại gần nhau. Sau đó, một cục máu đông hình thành che kín miệng vết thương như một rào cản tạm thời.
    Bên dưới nó, cơ thể nuôi dưỡng một tá các cuộn collagen bắc cầu từ bên này sang bên kia miệng vết thương, nhanh chóng lấp đầy khoảng trống. Và khi cục máu đông bong ra, những sợi collagen này sẽ hiện ra dưới hình dáng của một vết sẹo.

    "Sẹo là một vết hàn tại chỗ, nó bao phủ nhanh chóng vết thương bảo vệ bạn khỏi nhiễm trùng và chảy máu đến chết. Nhưng cái giá phải trả sẽ là hình thức và chức năng của làn da ở khu vực sẹo", bác sĩ Longaker cho biết.
    Sẹo là hậu quả của quá trình chữa lành vết thương quá nhanh bằng các sợi collagen dưới da.(Ảnh minh họa)

    Tùy thuộc vào vị trí hình thành sẹo, nó có thể gây mất thẩm mỹ, mất chức năng nang tóc, nang lông hay thậm chí co kéo da khiến cho bạn không thể gập khuỷu tay, khủyu chân, và cổ lại.
    Trong sự nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ nhi khoa của mình, bác sĩ Longaker đã tận mắt chứng kiến không biết bao nhiêu đứa trẻ phải chịu đựng những vết sẹo lớn ngay trên mặt mình sau phẫu thuật hở hàm ếch.
    Động lực đó đã thôi thúc ông mở một phòng thí nghiệm chỉ làm việc để tìm ra cách ngăn ngừa sẹo mổ và sẹo bỏng.
    ***
    Trên thực tế, bác sĩ Longaker đã bắt đầu để ý đến những hiệu ứng liền sẹo thần kỳ từ năm 1987. Đó là khi ông mới chân ướt chân ráo bước vào làm việc ở một phòng thí nghiệm Đại học California, dưới vai trò nghiên cứu sinh sau tiến sĩ.
    Phòng thí nghiệm được điều hành bởi tiến sĩ Michael R. Harrison, khi đó đang chạy một chương trình nghiên cứu về phẫu thuật trên thai nhi. Ông đã gợi ý cho bác sĩ Longaker làm một thí nghiệm nhỏ. Trong đó, họ sẽ mở tử cung của một con cừu mẹ đang mang thai ở giai đoạn 2/3 của thai kỳ.
    Để mô phỏng một cuộc phẫu thuật trên bào thai, bác sĩ Longaker sẽ rạch một đường trên da của con cừu non rồi khâu lại. Bào thai cừu sau đó được đặt trở lại tử cung của cừu mẹ để phát triển nốt 1/3 thai kỳ còn lại.
    Công việc tiếp theo là chờ đợi thí nghiệm kết thúc. Đến ngày con cừu lâm bồn, bác sĩ Longaker đã trực tiếp đỡ đẻ cho nó. Ông nhớ lại trống ngực mình đã đập trong giây phút hết sức hồi hộp ấy. Nhưng con cừu non không chỉ sống sót mà trên da chỗ vết rạch cũ của nó còn láng mịn không hề có một vết sẹo nào. Nó như chưa từng bị rạch và khâu lại.

    (Ảnh minh họa)
    "Tôi sẽ không bao giờ quên được cái khoảnh khắc đó", bác sĩ Longaker nói. Nó không chỉ là sự kỳ diệu của một sinh linh mới chào đời, mà còn là hiệu ứng chữa lành kỳ diệu từ môi trường tử cung của cừu mẹ. Nhưng tại sao điều kỳ diệu ấy có thể xảy ra?
    "Câu hỏi đó đã chiếm lấy tâm trí của tôi suốt một năm, rồi bốn năm, rồi đến nay đã hơn ba thập kỷ", bác sĩ Longaker nói.

    Đến một liệu pháp làm lành sẹo mổ 100%, không thể phân biệt được bằng mắt thường
    Cùng với bác sĩ Geoffrey Gurtner, cũng là một giáo sư phẫu thuật tại Stanford, bác sĩ Longaker đã tìm ra sức căng của da chính là yếu tố quyết định mấu chốt trong việc hình thành sẹo. Những người càng trẻ tuổi, có da càng căng thì càng dễ hình thành sẹo. Ngược lại, "một người 95 tuổi có làn da chùng nhão thì rất khó hình thành sẹo bởi độ căng trên da của họ không còn nữa", bác sĩ Longaker nói.

    Đó cũng là lý do mà bào thai cừu, và cả những đứa trẻ sơ sinh được phẫu thuật khi còn trong bụng mẹ không bao giờ có sẹo. Bác sĩ Longaker cho biết trong hai quý đầu tiên của cuộc đời bào thai, da của chúng ta và các động vật đều có dạng sền sệt và nhăn nhúm. Chúng nhão đến độ sẹo không hình thành được vì không có sức căng của da.
    Nhưng gốc rễ tại sao độ căng của da lại dẫn đến việc hình thành sẹo? Làm việc cùng với nhau, bác sĩ Longaker và Gurtner đã tìm thấy một gene được gọi là "gen khắc" có khả năng kết hợp với một loại protein được gọi là YAP xuất hiện trên nguyên bào sợi. Đó chính là loại tế bào da sản sinh ra collagen bịt kín vết thương.
    Gene khắcYAP có khả năng cảm nhận được hiệu ứng căng trên da, và khi chúng phát hiện ra hiệu ứng này, gene khắc sẽ liên kết với YAP và kích hoạt quá trình tạo ra collagen một cách nhanh chóng. Đó là một chiếc kiềng 3 chân, mà hậu quả là vết sẹo được hình thành.

    (Ảnh minh họa)
    Để giải quyết vấn đề, bác sĩ Longaker biết rằng, mình cần phải chặt được một trong 3 chân của chiếc kiềng này. Ông đã lai tạo một số con chuột không có protein YAP và kết quả là chúng đã có khả năng làm lành vết thương mà không để lại sẹo.
    Hướng thứ hai là tạo ra các con chuột biến đổi gene để không có gene khắc. Tuy nhiên, việc can thiệp vào gene hay protein của động vật, và cuối cùng là con người, không chỉ khó khăn mà còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

    Do đó, bác sĩ Longaker chuyển sang chiếc chân kiềng cuối cùng. Ông tự hỏi: Liệu có cách nào chặn được tín hiệu ứng căng trên da truyền đến gene khắc và YAP hay không? Trên lý thuyết, nếu gene khắcYAP không nhận được tín hiệu ứng căng, chúng sẽ không kích hoạt quá trình hình thành sẹo. Đó là một hướng đi đơn giản và an toàn hơn rất nhiều.
    Trong quá trình sàng lọc các hợp chất có khả năng làm tắt tín hiệu ứng căng trên da, bác sĩ Longaker đã tìm ra verteporfin, một loại thuốc tiêm tĩnh mạch đã được cấp phép từ 20 năm trước để điều trị bệnh thoái hóa hoàng điểm.
    Nhưng khi được tiêm vào mép vết thương, verteporfin có thể chặn tín hiệu ứng căng trên da và ngăn sẹo hình thành. Trong thí nghiệm trên chuột, ngay cả khi da chúng được căng ra bằng một thiết bị như khung thêu, tiêm verteporfin vào mép vết thương vẫn có tác dụng xóa sổ việc hình thành sẹo.

    "Điều khiến chúng tôi sốc bị hơn nữa là toàn bộ lông ở vùng vết thương của những con chuột đã mọc trở lại", bác sĩ Longaker cho biết. Điều đó có nghĩa là các tuyến da của chúng cũng được chữa lành hoàn toàn, từ nang lông, tuyến nhờn và mồ hôi.
    Tiêm verteporfin chung quanh mép vết thương hở đã có thể làm liền 100% sẹo trên da chuột, ngay cả khi nó được căng ra hết sức bằng một khung tròn như khung thêu.

    Hiệu ứng liền sẹo sau khi tiêm verteporfin thần kỳ đến nỗi gần như không thể phân biệt được vùng da sau mổ và vùng da không mổ ban đầu bằng mắt thường. Bác sĩ Longaker thậm chí đã đào tạo một thuật toán AI để phát hiện ra các khác biệt nhỏ giữa chúng, nhưng thuật toán cũng không tìm thấy bất cứ khác biệt nào giữa vùng da không mổ và vùng da được tái tạo bằng verteporfin.
    Sức căng trên da, độ khỏe mạnh và các tuyến của nó giống hệt với da chưa từng bị cắt xẻ. "Nó quá là ngoạn mục", bác sĩ Longaker nói.

    Đây sẽ là một bước đột phá không thể tưởng tượng
    Đánh giá về nghiên cứu mới của bác sĩ Longaker và các đồng nghiệp ở Stanford, giới chuyên môn trong lĩnh vực phẫu thuật và phẫu thuật thẩm mỹ đều cho rằng đó sẽ là một đột phá với vô vàn ứng dụng.

    Valerie Horsley, một nhà sinh học phát triển mô tại Đại học Yale cũng đang nghiên cứu về chữa lành vết thương, cho biết: "Hiếm khi tôi mới đọc được một bài báo rồi phải thốt lên rằng,'Chà, đây thực sự là một bước tiến lớn'. Nhưng lần này thực sự là vậy, đó là một tiến bộ lớn thực sự".
    Marjana Tomic-Canic, giám đốc Chương trình Y học Phục hồi và Chữa lành Vết thương tại Trường Y Đại học Miami Miller, nói rằng nghiên cứu này "thực sự là một bước nhảy vọt". Ông cho biết thêm tất cả các bác sĩ trong ngành đều cảm thấy "hào hứng" với kết quả này.

    Hãy tưởng tượng có một bệnh nhân sau khi được phẫu thuật hở hàm ếch, cắt bỏ vú, đắp da do bị bỏng hay bất kể loại hình phẫu thuật nào khác, bác sĩ chỉ cần tiêm thêm một mũi verteporfin chung quanh vết thương để chặn quá trình hình thành sẹo cho họ.
    Nó sẽ chẳng khác nào một mũi tiêm thần kỳ. Bệnh nhân sẽ không còn bị ngứa, không bị co kéo da làm hạn chế vận động, không bị vết sẹo làm mất thẩm mỹ trên da… "Điều đó thậm chí có thể thay đổi cả cuộc sống của họ", bác sĩ Longaker nói.

    Trong một số trường hợp, ngăn ngừa sẹo thậm chí có thể cứu sống tính mạng bệnh nhân theo đúng nghĩa đen. Đó là trường hợp các ca phẫu thuật trên nội tạng như gan, tim, phẫu thuật xơ cứng hoặc các cặp song sinh dính bụng.
    "Các nhà nghiên cứu ước tính có khoảng 45% người Mỹ có thể tử vong vì một căn bệnh liên quan đến sẹo ở một số dạng nào đó", bác sĩ Longaker cho biết. Chẳng hạn sẹo trên gan chính là những vết xơ không còn chức năng tế bào biến lá gan của bệnh nhân thành vô dụng.
    Nếu chúng ta có thể làm liền các vết sẹo trong cả nội tạng, các bệnh xơ gan và xơ phổi sẽ đều được chữa trị. "Thành thật mà nói, tôi đã chờ đợi 34 năm để làm được điều này", bác sĩ Longaker nói.

    Bác sĩ Michael Longaker, giám đốc Viện Sinh học Tế bào gốc và Y học Tái tạo, Đại học Stanford

    Bước tiếp theo trong nghiên cứu của ông là thúc đẩy các thử nghiệm trên người và nội tạng để chứng minh sự an toàn và hiệu quả của những mũi tiêm verteporfin trên người với Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).
    Điều thuận lợi là loại thuốc này đã từng được FDA cấp giấy phép cho bệnh thoái hóa hoàng điểm từ 20 năm về trước, do đó, quá trình xin cấp phép cho nó sẽ được rút ngắn lại đáng kể.
    "Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi sẽ cắt ngắn quy trình", bác sĩ Longaker nói. "Có lẽ ở giờ phút này không có ai nóng nòng hơn chính bản thân tôi khi chờ đợi những mũi tiêm verteporfin đầu tiên được ứng dụng vào thực tế. Nhưng chúng tôi phải làm thêm một số thí nghiệm để đảm bảo rằng loại thuốc này đảm bảo độ an toàn và hiệu quả nhất có thể".

    Tham khảo Nytimes, Stanford

Working...
X