Announcement

Collapse
No announcement yet.

Trận Tống Lê Chân vang danh người lính Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Trận Tống Lê Chân vang danh người lính Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân

    SANTA ANA, California (NV) – Tống Lê Chân là một tiền đồn của Biệt Động Quân Biên Phòng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nằm giữa hai tỉnh Tây Ninh và Bình Long và ở gần vùng Mỏ Vẹt của Cambodia.


    Trung Tá Lê Văn Ngôn và vợ, bà Võ Thị Bé, trong ngày cưới. (Hình: Gia đình cố Trung Tá Lê Văn Ngôn cung cấp)
    Cứ điểm đèo heo hút gió này được thế giới biết đến qua cuộc vây hãm ráo riết kéo dài gần hai năm trời của bộ đội Cộng Sản Bắc Việt và quân Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, từ ngày 10 Tháng Năm, 1972, dẫn đến cuộc rút lui hầu như nguyên vẹn lực lượng trú phòng khỏi căn cứ này vào ngày 11 Tháng Tư, 1974, sau 510 ngày cầm cự.

    Bối cảnh trận Tống Lê Chân

    Căn cứ Tống Lê Chân thuộc một hệ thống tiền đồn, gọi là Trại Lực Lượng Đặc Biệt, do Hoa Kỳ thiết lập dọc theo biên giới Việt Nam-Cambodia tại Vùng III Chiến Thuật từ cuối thập niên 1960. Khi Kế Hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh được thực hiện sau cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân 1968, các đơn vị đồn trú tại các tiền đồn này trở thành lực lượng Biệt Động Quân Biên Phòng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

    Hồi Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, trước khi tấn công vào Lộc Ninh, Chơn Thành và An Lộc, Cộng Quân đã tấn công và chiếm đóng các căn cứ biên phòng tại Thiện Ngôn, Kà Tum, Bổ Túc, Bù Gia Mập…

    Chỉ riêng Căn Cứ Tống Lê Chân còn hiên ngang đứng vững giữa vùng kiểm soát của bốn sư đoàn Cộng Quân sau khi Lộc Ninh bị chiếm giữ và thị xã An Lộc đã bị bao vây.

    Căn Cứ Tống Lê Chân đã không rút lui mà vẫn duy trì công cuộc phòng thủ do lực lượng Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân Biên Phòng trấn đóng, dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tá Lê Văn Ngôn – sau đó được vinh thăng Trung Tá ngay tại tiền đồn – với quân số khoảng 300 người.

    Cộng Quân vây hãm Căn Cứ Tống Lê Chân suốt 510 ngày

    Nếu lấy Hiệp Định Paris 1973 làm cột mốc thì các cuộc tấn công và vây hãm Căn Cứ Tống Lê Chân diễn ra qua hai giai đoạn:

    -Giai đoạn trước Hiệp Định Paris: Cuộc tấn công và vây hãm Căn Cứ Tống Lê Chân của Cộng Quân đã khởi sự từ ngày 10 Tháng Năm, 1972, trong Mùa Hè Đỏ Lửa, tức là gần một năm trời trước khi Hiệp Định Paris chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình tại Việt Nam được ký kết vào ngày 27 Tháng Giêng, 1973.

    Nhờ lòng tự tin cao độ và tinh thần chiến đấu anh dũng, các chiến sĩ Mũ Nâu liên tục đẩy lui các cuộc tấn công biển người của Cộng Quân, gây cho địch những tổn thất nặng nề về nhân mạng, khiến cho họ phải e dè và tự động xuống thang để quay sang chiến thuật vây hãm dài ngày, với mục đích làm tiêu hao dần lực lượng phòng thủ bên trong căn cứ. Tình trạng này tiếp diễn mãi cho tới cuối năm 1973.

    -Giai đoạn sau Hiệp Định Paris: Theo bài viết “Tống Lê Chân, tiền đồn quá xa” của Trần Đỗ Cẩm trên trang mạng doanket.orgfree.com, đến năm 1974, trong khoảng thời gian liên tiếp ba ngày, từ 22 đến 24 Tháng Ba, Cộng Quân dùng đủ loại đại pháo 130 ly, hỏa tiễn 122 ly, súng cối 82 ly… nã hơn 1,000 quả đạn vào tiền đồn Tống Lê Chân.

    Tuy phi cơ được gọi đến oanh kích và thả trái sáng yểm trợ, nhưng hỏa lực phòng không vô cùng dữ dội của địch đã đan một màn lưới lửa đầy đặc quanh Tống Lê Chân, khiến mọi hoạt động của phi cơ kém hiệu quả.

    Bên trong căn cứ, nhiều công sự phòng thủ cũng như vị trí chiến đấu bị hư hại vì các đợt mưa pháo. Tuy nhiên, Trung Tá Lê Văn Ngôn, vị tiểu đoàn trưởng, tuy mới có 25 tuổi nhưng dày dạn kinh nghiệm chiến trường, vẫn bình tĩnh đôn đốc và ra lệnh cho binh sĩ trực thuộc chuẩn bị phản công sau mỗi đợt pháo kích.

    Thế rồi, liên tiếp trong hai đêm 21 và 22 Tháng Ba, sau đợt tiền pháo dữ dội, khoảng một trung đoàn bộ binh địch mở cuộc xung phong từ cả bốn phía, quyết san bằng tiền đồn nhỏ bé bị vây hãm đã lâu ngày này. Nhưng quân trú phòng chống trả kịch liệt, đẩy lui nhiều đợt tấn công biển người của địch.

    Có lúc, vì một số Cộng Quân đã lọt vào lớp hàng rào phòng thủ, nhiều trận chiến bằng lựu đạn diễn ra ác liệt. Quân trú phòng được lợi thế vì trú ẩn bên trong các hầm hố kiên cố nên đã gây thiệt hại nặng cho địch quân. Trước tinh thần chiến đấu dũng mãnh và can trường của các chiến sĩ Mũ Nâu, địch đành rút rui và để lại nhiều xác chết cùng nhiều vũ khí.

    Giao tranh ác liệt quanh căn cứ

    Tuy vẫn giữ vững được vị trí nhưng tình trạng bên trong căn cứ rất bi đát. Thương binh mỗi lúc một nhiều thêm vì không được tản thương, trong khi đạn dược gần cạn vì các trận đánh liên tục, đồng thời lương thực và nước uống lại thiếu thốn vì không được tiếp tế qua nhiều ngày Đã thế, sau mỗi đợt tấn công bị thất bại, Cộng Quân lại pháo kích dữ dội hơn vào đồn để khủng bố tinh thần lực lượng phòng thủ.

    Trước tình thế nguy hiểm đó, Trung Tá Ngôn biết rõ nếu không được tản thương, tăng viện, yểm trợ và tiếp tế hữu hiệu ngay lập tức thì việc giữ Tống Lê Chân hầu như không thể thực hiện nổi. Trung Tá Ngôn đã gởi công điện khẩn cho Ðại Tá Nguyễn Thành Chuẩn, chỉ huy trưởng Liên Ðoàn 3 Biệt Động Quân tại An Lộc, yêu cầu thả dù tiếp tế gấp khí giới, đạn dược và lương thực cho quân trú phòng, đồng thời gởi ngay quân tiếp viện và gia tăng sức yểm trợ của phi pháo. Nhưng các phi cơ dù liều lĩnh cũng không thể nào bay qua được hàng rào phòng không, và quân tiếp viện cũng chẳng bao giờ tới vì các quân bạn đã dàn mỏng ra quá mức tại các mặt trận khác rồi.

    Ròng rã trong các đêm 24, 25 và 26 Tháng Ba, 1974, Cộng Quân lìên tục mở những đợt xung phong biển người, ồ ạt quyết san bằng Tống Lê Chân. Các chiến sĩ Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân vẫn gan dạ chờ địch trong những giao thông hào đổ nát vì đạn pháo kích. Ðịch quân đã xâm nhập hàng rào kẽm gai phòng thủ ngoài cùng, nhưng lập tức bị khựng lại vì gắp phải bức tường lửa từ trong bắn ra.

    Xác địch chồng chất trên trận địa hay vất vưởng trên hàng rào kẽm gai. Nhưng chẳng bao lâu, Cộng Quân lại tràn tới hàng rào thứ hai, để rồi làm mồi cho hàng loạt mìn Claymore nổ tung. Ðịch quân quá đông, lớp này chết, lớp khác đạp lên xác đồng bạn tiến tới. Ðịch đã tràn tới gần hàng rào phòng thủ sau cùng, buộc lòng quân trú phòng phải dùng tới lựu đạn để ngăn chặn hai đợt xung phong dữ dội nữa của Cộng Quân. Sau khi đợt xung phong cuối cùng của họ đã bị chận đứng, biết không thể làm gì được nữa vì quân số đã hao hụt nặng nề, Cộng Quân bèn rút lui.


    Bản đồ vị trí tiền đồn Tống Lê Chân. (Hình: ydan.org)

    Trận đánh sau cùng của các chiến sĩ Biệt Động Quân trước khi rời căn cứ

    Ngày 11 Tháng Tư, Cộng Quân lại mở những cuộc tấn công ác liệt, quyết giành cho được chiến thắng bằng mọi giá. Họ pháo kích liên tục bằng cả ngàn quả đạn pháo vào căn cứ đã tan nát trong các đợt tấn công trước. Lần này, các chiến sĩ Mũ Nâu lại anh dũng đẩy lui đợt tấn công mới nhất của địch.

    Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân, sau gần hai năm trời bị vây hãm, bị pháo kích và tấn công liên miên dưới tay một lực lượng địch quân được trang bị đầy đủ và đông đảo hơn gấp bội, đã thiếu đạn dược, lương thực, rồi nay lại thêm quân số hao hụt dần mà không được bổ sung. Trong tình thế tuyệt vọng đó, Trung Tá Ngôn đã đưa ra một quyết định vô cùng táo bạo, đó là dùng toàn lực phá vòng vây, rời bỏ căn cứ, để may ra có thể đưa đơn vị tới một nơi an toàn.

    Vào khoảng nửa đêm 11 Tháng Tư, 1974, căn cứ Tống Lê Chân báo cáo về Bộ Quân Đoàn III nguy cơ sắp bị địch quân tràn ngập. Dưới sự chỉ huy gan dạ và đầy mưu lược của của vị tiểu đoàn trưởng trẻ tuổi, cộng với tinh thần kỷ luật cao độ của các chiến sĩ Mũ Nâu, Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân đã lặng lẽ rút lui trong vòng trật tự, mang theo tất cả những thương binh, sau khi liên lạc vô tuyến với các đơn vị bạn đã bị cố tình gián đoạn để bảo mật cho cuộc rút quân.

    Mãi tới 9 giờ sáng ngày hôm sau, 12 Tháng Tư, 1974, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III mới bắt được liên lạc với Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân trên tần số hành quân, lúc họ đã an toàn rời khỏi Tống Lê Chân và đang trên đường di chuyển về An Lộc.

    Trận Tống Lê Chân báo hiệu kết cục bi thảm của cuộc Chiến Tranh Việt Nam

    Có thể nói rằng trận Tống Lê Chân đã làm vang danh người lính Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân mà cũng đồng thời làm rạng danh luôn cả binh chủng Biệt Động Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, với người anh hùng nổi bật là Trung Tá Tiểu Đoàn Trưởng Lê Văn Ngôn.

    Trung Tá Ngôn đã thành công đưa các đồng đội vượt khỏi trùng vây của Cộng Quân để an toàn trở về An Lộc sau 510 ngày đêm ròng rã chiến đấu cam go để giữ vững tiền đồn hiểm yếu đó.

    Nhưng trận Tống Lê Chân đã cho thấy Hiệp Định Paris 1973, được ký kết giữa các phe lâm chiến cùng với sự bảo đảm của các cường quốc thế giới, chỉ là một tấm giấy lộn không hơn, không kém, khi quốc tế đành bất lực ngồi nhìn phe Cộng Sản ngang nhiên vi phạm hiệp định này qua việc tấn công và chiếm đoạt Căn Cứ Tống Lê Chân của Việt Nam Cộng Hòa mà không có biện pháp nào để ngăn chặn.

    Sự bất lực của quốc tế trước cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài của Cộng Sản Quốc Tế vào miền Nam Việt Nam cùng với hành động phủi tay của Đồng Minh Mỹ trước tình trạng nguy ngập của Việt Nam Cộng Hòa đã khích lệ phe Cộng Sản tiến hành thêm các cuộc tấn công khác.

    Từ trận Phước Long ở Vùng III Chiến Thuật cho tới trận Ban Mê Thuột và trận Long Khánh ở Vùng II Chiến Thuật, dẫn đến việc quân Cộng Sản đánh chiếm luôn thủ đô Sài Gòn của Việt Nam Cộng Hòa chỉ chưa đầy hai năm sau khi Hiệp Định Paris được ký kết.

    Cùng với các trận Kon Tum, An Lộc, và Quảng Trị diễn ra ít lâu trước Hiệp Định Paris, tinh thần chiến đấu anh dũng và kiên cường của người lính Việt Nam Cộng Hòa trong trận Tống Lê Chân trước và sau Hiệp Định Paris đã góp phần đập tan luận điệu xuyên tạc của giới báo chí truyền thông thiên lệch.

    Trận này cũng phản bác những đánh giá hồ đồ của các sử gia quốc tế cho rằng vì Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thiếu ý chí chiến đấu nên đã để mất miền Nam vào tay Cộng Sản vào ngày 30 Tháng Tư, 1975, trong thế kỷ trước. (Vann Phan) [qd]

    Vann Phan/Người Việt
Working...
X