Announcement

Collapse

Happy Easter

THÂN CHÚC MỘT MÙA LỄ PHỤC SINH AN LÀNH, ẤM ÁP, VUI VẺ
ĐẾN VỚI CÁC BẠN VÀ GIA ĐÌNH

LV
See more
See less

Suối Nguồn Tâm Thức, Tuyển Tập Thơ Thái Tú Hạp

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Suối Nguồn Tâm Thức, Tuyển Tập Thơ Thái Tú Hạp

    Tháng 11 năm 1990, từ miền Đông Hoa Kỳ về Nam California nắng ấm, anh chị Thái Tú Hạp - Ái Cầm ghé thăm và tặng mấy món quà, trong đó có tập thơ Miền Yêu Dấu Phương Đông. Anh chia sẻ, bây giờ xa cố hương, nơi chốn mịt mù… khi nào nhớ thì đọc. Vài tuần sau tôi viết cảm nghĩ về tập thơ nầy: Thái Tú Hạp & Miền Yêu Dấu Phương Đông cho tờ Saigon Times của anh. Lúc đó còn chân ướt chân ráo, chưa có phương tiện nên viết trên giấy, gởi về tòa soạn.

    Đúng 15 năm sau, cảm nhận từ những bài thơ với Quê Hương & Người Tình, vài tập thơ khác đã ấn hành, nhiều bạn văn đã viết rất chân tình. Với tôi, cùng nơi chốn ở phố cổ Hội An nên khi đọc thơ anh đã “dẫn dắt” tôi trở về cố hương từ dòng sông, con đường, góc phố, mái trường… với bao kỷ niệm của thuở học trò. Tôi viết: Thái Tú Hạp, Quê Hương & Ngôn Từ vào năm 2005 (bài vết nầy còn lưu trên trang web Saigon Times USA).




    Ngoài những bài về văn học nghệ thuật, viết về bạn bẻ, thân hữu… cho tờ Saigon Times, tôi không viết về thơ văn của anh bởi đã quá nhiều cây bút xa, gần đề cập đến tác phẩm mới vừa ấn hành.



    Và, lần nầy, đúng 15 năm, nhận được tuyển tập thơ Suối Nguồn Tâm Thức của anh, nhà xuất bản Sông Thu ấn hành vào tháng 9 năm 2019, nhưng lúc đó anh bị bệnh tim phải giải phẫu nên sau khi được hồi phục mởi gởi tặng thân hữu. Với tôi, tuyển tập thơ nầy như “đứa con tinh thần” mang nhiều ý nghĩa: kỷ niệm nhà thơ ở tuổi 80, tình nghĩa vợ chồng và 60 năm góp mặt trên thi đàn Việt Nam từ trong nước đến hải ngoại.



    Hơn nữa, theo lời anh, cô em gái ở Việt Nam góp nhặt những trang báo cũ của các tạp chí Văn Học xuất bản ở ở Sài Gòn có in thơ anh cất dấu trong các ngăn sách mối nhấm lâu năm gởi qua nên mới tìm lại những bài thơ kỷ niệm. Tuy nhiên cũng có một số bị hư hỏng phai nhòa qua thời gian nên không hoàn chỉnh như ý nguyên bản.



    Nhà thơ Trần Hoài Thư là người bỏ nhiều công sức để thực hiện “Di Sản Văn Hóa Miền Nam VN” đã sưu tập được một số bài trơ của anh Thái Tú Hạp trong các tạp chí văn nghệ ở thư viện tại đại học Cornell đẻ phổ biến trên Thư Quán Bảo Thảo và đăng trên tuyển tập nầy.



    Tuy sống trong thời chinh chiến nhưng hầu như anh em chúng tôi đều có “tủ sách gia đình”, sau 30/4/1975 bị đi tù, thân nhân ở nhà hoảng sợ nên đốt đi vì nếu lưu giữ, khi bị khám xét nhà sẽ kết tội “tàng trữ văn hóa đồi trụy”! Đó là thảm kịch như thời Tần Thủy Hoàng.



    Tuyển tập thơ Suối Nguồn Tâm Thức (SNTT) dày 738 trang, hơn 250 bài thơ, 33 bài thơ dịch sang Anh ngữ (Phan Tấn Hải, Thanh Thanh, Nguyễn Hữu Lý), 6 bài viết của thân hữu & 10 trang hình ảnh gia đình. Trong tuyển tập tập thiếu những bài thơ của anh được nhiều nhạc sĩ phổ thành ca khúc, nếu in vào cũng khoảng 800 trang, lưu niệm tuổi 80.



    Từ bài thơ đầu tiên Mùa Xuân Trên Quê hương đến bài thơ cuối cùng Chuyển Hóa Tâm Từ Ái… ý thơ trang trải qua dòng thời gian.



    Trong thời chinh chiến, các nhà thơ miền Trung như Luân Hoán, Triều Hoa Đại, Trần Hoài Thư, Phan Nhự Thức… khi khoác áo chiến y đã sáng tác nhiều bài thơ về lính. Nhà thơ Thái Tú Hạp cũng đề cập đến nhưng với hình ảnh khác về quê hương, mẹ và người tình:



    “Rồi ngày mai các anh về đơn vị

    Mỗi cánh chim mang nhung nhớ phương trời

    Em ở lại già nua đời phố cũ

    Bầy tương tư muôn cọi vấn vương đời

    … Anh về đâu miền Tây nao nức nhớ

    Sớm Hậu Giang chiều Đồng Tháp Cà Mau

    Tiếng quân reo dậy đôi bờ Sông Cửu

    Tin khải hoàn chuyển lửa ấm tình nhau”

    (Xin Lời Mang Tuổi Mộng)

    “Tôi đi giữa làng quê Việt Nam

    Hơi thở ngát thơm hương lúa mới

    … Mai quân về giữa thủ đô

    Đèn hoa thắp sáng đôi bờ yêu thương

    Chừ thôi nhắc chuyện lên đường

    Tóc mây em khép mười phương tang bồng”.

    (Hẹn Em Ngày Trở Về)

    “Ngày lên đường luyến lưu bao nỗi nhớ

    Những đồi trăng hư ảo mộng mơ xưa

    Đêm tỏ tình giữa trời cao chứng giám

    Nghìn thu sau mộng ước vẫn chưa phai

    … Mai anh đi chắc em buồn tuổi dại

    Rồi bướm hoa ai dệt mấy vần thơ

    Cho em thẹn như ngày vừa mới lớn

    Bàn tay ngà che nửa miệng ngây thơ”.



    Bài thơ Ước Mơ Của Người Lính Trẻ trong thời chinh chiến với tâm hồn nhân bản mong ước mới và lạ nào là “Khi vũ khí… thành lưỡi cuốc lưỡi cày. Khi viên đạn… trở thành bình hoa trong phòng khách. Khi giao thông hào biến thành con kinh… Khi ngọn hỏa châu thắp sáng như ngân hà…



    Thực thà kể chuyện đoàn viên

    Người lính mơ ước thanh bình hạnh ngộ”



    Thế nhưng ước mơ đó ngược lại quá phũ phàng với hình ảnh:



    “Giấc mơ xưa đã điêu tàn

    Nghe da diết nhớ lòng mênh mông buồn

    … Đến rồi đi cũng trắng tay

    Kiếp phù sinh đó vơi đầy nỗi đau”.

    (Nỗi Buồn Mai Sau)



    Giữa anh và chúng ta trong cơn binh lửa, hình ảnh người mẹ cao cả, bao la, thương yêu, lúc nào cũng mang nỗi buồn, lo lắng cho con. Và, tâm trạng của nhà thơ cũng là tâm trạng chung:



    “Mẹ u hoài vì đàn con đôi ngã

    Chiều chiến tranh âm ỷ cháy trong tim

    Giọng u sầu hiu hắt nỗi oan khiên

    … Mẹ chua xót mang niềm đau thế kỷ

    Nỗi buồn cao như núi cả sông dài

    Hồn như mây theo con ngoài vạn lý

    Nhớ thương hoài dòng tóc đẫm sương phai”

    (Lòng Mẹ)



    Với người tình, trong Chinh Phụ Ngâm: “Chàng ruổi ngựa dặm trường mây phủ... Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây” hình ảnh nầy thấp thoáng trong những dòng thơ:



    “Từ buổi ngựa hồng anh rong ruổi

    Em vẫn đợi chờ sau liếp mây

    Từng nắng chiều qua khung cửa nhớ

    Núi sầu xa mãi bóng chim bay”

    (Ngoài Chân Mây)



    Đọc bài thơ nầy chợt nhớ đến bài Mòn Mỏi của Thanh Tịnh với hình ảnh bi thương:



    “Có bóng tình quân muôn dặm ruổi

    Ngựa hồng tuôn bụi cõi xa mơ

    … - Ngựa hồng đã đến bên hiên,

    Chị ơi, trên ngựa chiếc yên... vắng người!”



    Trang 79 trong tuyển tập thơ Suối Nguồn Tâm Thức trích đăng lần lượt với 2 thi phẩm Chim Quyên Lạc Ngàn (1982) và Miền Yêu Dấu Phương Đông (1987).



    Trang 585, bài viết của nhà báo Bùi Bảo Trúc đề cập đến 2 thi phẩm nầy với dòng kết “Miền Yêu Dấu Phương Đông với ngôn ngữ ân cần của lục bát và cảm động của bảy chữ là mọt tập thơ đáng yêu như phương đông yêu dấu của ông”.



    Nhà thơ tự ví mình như chim quyên mà hình ảnh đó, thi hào Nguyễn Du đề cập “Ấy hồn Thục Đế hay mình Đỗ Quyên”, theo truyền thuyết, hồn Thục Đế An Dương Vương khi con gái Mỵ Châu bị lừa, trao nỏ thần cho chồng là Trọng Thủy nên phải thua trận, An Dương Vương và nhảy xuống biển tự tử. Vì nhớ nước nên hóa thành Đỗ Quyên, chim Cuốc, chim Quốc ngày đêm kêu lên những tiếng não ruột. Theo điển tích của Trung Hoa thì Thục Đế là vua nước Thục tên Đỗ Vũ bị bầy tôi dấy binh làm phản, Thục Đế thất bại, mất ngôi, chạy trốn vào rừng, khổ sở, nhớ ngai vàng, nhớ nước, Thục Đế chết hoá thành chim Đỗ Quyên ngày đêm kêu "cuốc cuốc” hay “quốc quốc”.


    Trong bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan, có câu:



    “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

    Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”



    Đứng trước thành Cổ Loa, xưa kia là cung miếu của vua Thục An Dương Vương, nhà thơ Chu Mạnh Trinh cảm nhận cảnh điêu tàn quạnh quẽ dưới ánh trăng mờ nhạt, tiếng cuốc khắc khoải trong đêm khuya vọng lên buồn bã:



    “Tịch mịch tiền triều cung ngoại miếu

    Đỗ Quyên đề đoạn nguyệt âm âm”

    (Cung miếu triều xưa đây vắng ngắt

    Trăng mở khắc khoải cuốc kêu thâu)



    Nhà thơ Yên Đổ Nguyễn Khuyến bày tỏ nỗi niềm của người dân yêu nước bị ngoại bang xâm lược:



    “Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ

    Ấy hồn Thục Đế thác bao giờ

    Năm canh máu chảy đêm hè vắng

    Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ”



    Những dòng thơ của anh Thái Tú Hạp tiếp nối tâm trạng, nỗi bi thương, thống hận như các bậc tiền nhân khi mất quê hương đành lưu lạc xứ người.



    Trang 245 với thi phẩm Hạt Bụi Nào Bay Qua. Những dòng thơ của anh đã thấm nhuần tư tưởng Phật Giáo. Theo lời tâm tình của nhà thơ: “Thời trung học nhà tôi gần ngôi Chùa cổ Hội An. Tôi thích cái không khí tĩnh mịch, yên lặng, nên hay rủ bạn bè vào chùa ngủ những đêm trăng sáng. Tiếng chuông khua trong chiều cô liêu, sân chùa thoảng mùi hương ngọc lan, mùi trầm hương từ chánh điện. Tôi cảm thấy tâm hồn an bình êm ả vô cùng, lòng yêu thương như giòng sông Thu tỏa rộng hòa nhập với đại dương. Nhờ thời gian lui tới nơi chốn thanh tịnh đó, tôi đã biết yêu thơ của các thiền sư Khuông Việt, Vạn Hạnh, Mãn Giác, Ngộ Ấn, Hương Hải, Không Lộ... biết những tên tuổi lừng lẫy của Đường Thi qua những tài danh lỗi lạc như Lý Bạch, Thôi Hiệu, Vương Duy, Lý Thương An, Đỗ Phủ... mới biết thế giới của André Gide, Hemingway, Kafka, Jean Paul Sartre, Nietzsche, Heidegger... cho dù tôi chỉ mới đứng ở bờ mé của biển học mênh mông tuyệt vời đó... và đang chỉ là hạt cát ngu dốt trên bờ sông Hằng.



    Tôi đã vô hình chung thẩm thấu ít nhiều hơi thở của tư tưởng Phật Giáo thế là tôi thầm lắng đi vào cõi thơ lãng đãng những mùi trầm hương và những đóa hoa sen giữa nguyệt hồ. Càng trải qua những biển dâu tang điền, tuổi càng ngất ngưỡng ở cửa tri thiên mệnh, tôi càng chiêm nghiệm lẽ vô thường, mọi hiện hữu đều sinh diệt như những ảo ảnh không thật, như huyễn hóa, như bọt sóng, như sương trên cành. Và tôi hiểu chỉ có con đường trở vào cõi tâm mới là nơi chốn an bình. Đích thực là thế giới thanh tịnh của Chân Như…”.



    Giáo sư Vũ Ký (1922-2008) gốc Quảng Nam, dạy học từ Hà Nội năm 1943, Quốc Học Huế, Petrus Ký Sài Gòn… nhà văn, nhà biên khảo, nhà phê bình văn học. Sau 30/4/1975, GS bị bắt giam tại Sài Gòn và ở cùng trại tù với anh Thái Tú Hạp tại Tiên Lãnh, Quảng Nam. Khi định cư tại Bỉ, GS Vũ Ký được mời làm Giám Khảo Viện Tú Tài Quốc Tế tại Genève (Thụy Sĩ), Viện Đại Học Southamotom và Đại Học Bath ở Anh Quốc.



    Trong bài viết của GS Vũ Ký giới thiệu về thi phẩm Hạt Bụi Nào bay Qua trang 689 đã dẫn chứng khá dài với đoạn kết: “Suốt tập thơ của Thái Tú Hạp là một đóa tâm tư vương rất nhiều ánh sáng hoàng hôn đầy những ngổn ngang hoài niệm với cung điệu xa vắng thuở nào, pha chút ít đó đây kỳ vọng mơ hồ của ản ảnh để gọi là sắc bình minh nở trên miền đất lạ…”.



    Luân Hoán & Thái Tú Hạp là bạn học từ thập niên 50 ở phố cổ Hội An, hai nhà thơ nầy như có “duyên” với nhau từ thuở học trò, thời quân ngũ và bốn thập niên ở hải ngoại. Trang 606, bài viết của nhà thơ Luân Hoán: Thái Tú Hạp, Hạt Bụi Nào Bay Qua. Trong bài viết nầy anh Luân Hoán viết về chân dung người bạn, tình yêu với chị Ái Cầm và trích dẫn những tác giả viết về anh Thái Tú Hạp. Tôi thấy cũng đủ nên không đề cập đến các bài viết khác.



    Là Phật Tử thuần thành từ nhỏ, học triết học Đông Phương và sau nầy tìm hiểu triết lý trong Phật Giáo nên khi đọc thi phẩm Hạt Bụi Nào Bay Qua, cảm nhận được vi diệu trong nhân sinh quan mà anh Thái Tú Hạp đã “ngộ” được nên trang trải trong ý thơ.



    “Mây huyễn hoặc cõi phương đông

    Hạt kinh khuya rớt xuống dòng tịch liên”

    (Màu Hoa Tự Tại)



    “Nhất quán rồi – mộng mai sau

    Tâm vô lượng mở - có nhau luân hồi”

    (Luân Hồi Có Nhau)



    “Cái vô lượng nhập với đời

    Cái trong chánh niệm với trời vô chung

    … Tâm hoài niệm vũ trụ ngoài

    Cõi thiên đường đó miệt mài yêu nhau”

    (Trong Tùng Sát Na Tâm)



    “Ta về cổ tự nghe kinh

    Suối mây chim hót trên cành tĩnh tâm

    … Bụi nào xóa sắc sắc không

    Nghe chuông đại nguyện hóa thân chim trời”

    (Thắm Tờ Kim Cang)



    “Thời gian miên viễn vô cùng tận

    Lòng ta nguyên thủy với núi sông

    Lên cao cảm thọ đời hư huyễn

    Định mệnh đôi bờ sắc với không”

    (Đôi Bờ Sắc Không)



    “Sắc tức thị không, không tức thị sắc” trong kinh Bát Nhã, nói lên lẽ vô thường, vạn vật cứ thế biến đổi tuần hoàn trong vòng sinh tử luân hồi… Bản dịch của ngài Huyền Trang được chuyển sang Hán Việt để trì tụng hằng ngày: “Xá Lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị...” (Nầy Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc, sắc chính là không, không chính là sắc, thọ tưởng hành thức cũng đều như thế…). Với Ngũ Uẩn:



    Sắc uẩn, bao gồm bốn yếu tố địa đại (chất rắn), thủy đại (chất lỏng), hỏa đại (nhiệt độ) và phong đại (chất khí) hình thành nên cơ thể sinh vật lý của con người và thế giới vật chất bên ngoài con người, trong đó có các đối tượng tiếp xúc của các giác quan. Thọ uẩn là những cảm giác, cảm nhận phát sinh do mắt, tai, mũi, lưỡi, thân tiếp… Tưởng uẩn là những tri giác, suy nghiệm về sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp và những khả năng hồi tưởng, liên tưởng, tưởng tượng. Hành uẩn, là thái độ, ý chí, ý muốn. Hiện tuợng tâm lý biểu hiện thôi thúc, dẫn dắt tâm ý theo xu hướng thiện hoặc ác qua sáu căn tiếp xúc với sáu trần sẽ sinh ra sáu thức là nhãn thức (cái biết của mắt), nhĩ thức (tai), tỉ thức (mũi), thiệt thức (lưỡi), thân thức (cái biết của thân) và ý thức (cái biết của ý) của con người.



    Nói về sát na, ý niệm trong Phật Giáo là một đơn vị đo thời gian. Ông Vallée Poussin, khi nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề này, đã diễn tả rằng: “Trong Phật Giáo, cũng giống như trong tất cả thế giới, từ sát na được hiểu như là một khoảng thời gian rất ngắn, nếu chúng ta so sánh với thời gian của ngày, đêm, hoặc giờ. Chỉ có sát na hiện tại là có thực, cho nên chúng ta không nên lo lắng về quá khứ hay tương lai, hãy sống trọn vẹn với giây phút hiện tại với tâm chánh niệm”.



    Thời gian trong cuộc sống có thời gian quy ước, định luật tự nhiên (ngày giờ phút giây còn gọi là vật lý) và thời gian tâm lý (cảm nhận thời gian khi cô đơn buồn bã thì thấy lâu, khi vui thì thấy qua mau)… Theo triết học thì đó là thời gian vô tình và thời gian hữu tình.



    Trong bài Sát Na Hạnh Ngộ của anh Thái Tú Hạp:



    “Có không nào ai biết

    Hoa cỏ giuẫ hư không

    Trong sát na hạnh ngộ

    Niết bàn cõi tánh không

    … Em có bao giờ hiểu

    Trong từng sát na tâm

    Buồn vui không nói hết

    Thôi cũng đành vô ngôn”.



    Và, theo anh: “Tất cả mọi thứ trên thế gian nay đều ẩn chứa những ý nghĩ trải nghiệm qua tâm lỉnh, hoàn cảnh thực tế bằng trí tuệ riêng tư của nó để chuyển hóa vào đại dương như Dòng Thơ Suối Nguồn Tâm Thức...”.



    “Trong mỗi sát na

    Hiện thực trong đời sống

    An bình quán tưởng

    Tĩnh tâm nguyện cầu”

    (Chuyển Hóa Tâm Từ Ái).

    “Còn gì trong sát na

    Đời buồn mai thức dậy”

    (Say Chút Rượu Trầm Luân)



    Sát na là khoảng thời gian rất ngắn, có thể là 1/90 giây nhưng cũng có thể dài vô tận như thời gian tâm lý:



    “Trăm mùa xuân hốt hoảng

    Sát na tưởng chừng dài hơn thế kỷ lo âu”

    (Hạnh Phúc Đời Ban Cho)

    “Cuộc đời tàn theo ta

    Sát na rồi vỡ nát”

    (Dấu Tan Ngoài Cuộc Huyễn)



    “Tìm thấy được gì em

    Những hoài nghi phi lý

    Những biến đổi vô thường

    Từng sát na mù mịt”

    (Về Qua Phố Hội An)



    Khi anh Thái Tú Hạp lâm trọng bệnh, chị Ái Cầm gọi điện thoại cho biết tình trạng của anh quá nguy cập, khi giải phẫu về tim thì chết sống trong gang tấc. Trong giờ phút sinh tử nầy, tùy theo đức tin tôn giáo mà cầu nguyện, gia đình chị chỉ cầu mong Hồng Ân Tam Bảo gia hộ. Khi anh được bình phục, chị Ái Cầm báo tin vui như ước nguyện của anh



    “Buổi sáng cầm tay em

    Đất trời hoa rực rỡ

    Buổi chiều vuốt tóc em

    Mây ngàn bao dung mở”

    (Mùa Tịnh An)



    Đúng 30 năm, chúng tôi gặp nhau nơi đất khách quê người, cách nhau 15 năm với một bài viết về người bạn, người cố quận: nhà thơ Thái Tú Hạp. Mỗi dịp Xuân về, anh chị gọi điện thoại cho biết về Giai Phẩm Xuân của Saigon Times phải có bài của tôi. Thôi thì tùy anh chị, chọn bài nào cũng được. Đã bao lần anh chị nói với tôi viết về “tình sử” thưở xa xưa ở phố cổ Hội An, món nợ nầy đành chịu thua!



    Little Saigon, Sept 01, 2020

    Vương Trùng Dương
    Attached Files
Working...
X