Announcement

Collapse

Happy Easter

THÂN CHÚC MỘT MÙA LỄ PHỤC SINH AN LÀNH, ẤM ÁP, VUI VẺ
ĐẾN VỚI CÁC BẠN VÀ GIA ĐÌNH

LV
See more
See less

Hải chiến Hoàng Sa, trận thăm dò đầu tiên của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Hải chiến Hoàng Sa, trận thăm dò đầu tiên của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông

    SANTA ANA, California (NV) – Trận hải chiến Hoàng Sa diễn ra trong bối cảnh hết sức thất lợi cho Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).

    Người dân Việt Nam trong một cuộc biểu tình ở Hà Nội chống Trung Quốc nhân ngày kỷ niệm mất Hoàng Sa cầm biểu ngữ có tên Hải Quân Trung Tá Ngụy Văn Thà, vị hạm trưởng anh hùng chết theo tàu. (Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP via Getty Images)

    Một, giữa lúc quân và dân miền Nam Việt Nam phải đối phó với những cuộc tấn công trở lại của Cộng Sản Bắc Việt bên trong lãnh thổ sau ngày Hiệp Định Paris 1973 về chấm dứt chiến tranh Việt Nam được ký kết.

    Hai, phải đối phó với hậu quả việc Hoa Kỳ cắt giảm dần viện trợ quân sự và kinh tế, đe dọa nghiêm trọng cho sự sinh tồn của Miền Nam Tự Do.

    Quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands), nằm ở ngoài khơi bờ biển hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Nam tại Biển Đông, thuộc quyền quản lý của Nhà Nguyễn từ thế kỷ thứ 19 (thời Vua Minh Mạng) và đã được nhà cầm quyền Pháp nắm quyền bảo hộ Việt Nam sau đó xác nhận bằng việc thiết lập một trung tâm khí tượng trên đảo Hoàng Sa (Pattle Island).

    Sau năm 1954, Hoa Kỳ gởi cố vấn ra đảo làm việc với một trung đội Địa Phương Quân Tiểu Khu Quảng Nam có nhiệm vụ trấn giữ quần đảo này.

    Nhưng lịch sử đã xoay chiều khi Cộng Sản Trung Hoa khởi sự làm lành với Hoa Kỳ, dẫn đến việc người bạn đồng minh Mỹ chuẩn bị bỏ rơi miền Nam Việt Nam vào tay Cộng Sản Quốc Tế. Đến đầu năm 1974, Bắc Kinh cảm thấy thời cơ đã đến để họ có thể đem quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của VNCH mà không e ngại gặp phản ứng bất lợi nào từ phía Washington.

    Diễn tiến trận Hải Chiến Hoàng Sa theo Wikipedia

    Sáng sớm ngày 19 Tháng Giêng, 1974, chiến hạm Trần Bình Trọng (HQ 05) của Hải Quân VNCH thả quân xuống đảo Quang Hòa (Duncan Island) – nằm ở phía Nam đảo Hoàng Sa (Pattle Island) – nhưng bị quân Trung Quốc có mặt sẵn trên đảo đẩy lui.

    Kế đó, tàu chiến của hai bên cứ vờn nhau mãi cho đến khoảng 10 giờ 24 phút thì tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ 16 ) và hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ 10) khai hỏa bắn vào các tàu Trung Quốc. Hai chiến hạm Trần Bình Trọng (HQ 05) và Trần Khánh Dư (HQ 04) của VNCH cũng đồng loạt khai hỏa.

    Trận hải chiến kéo dài khoảng 40 phút, theo đó các tàu chiến của Trung Quốc, vì kích cỡ nhỏ hơn, đã mau lẹ xáp tới gần các chiến hạm của VNCH để giảm thiểu hiệu năng của các ổ trọng pháo tầm xa của đối phương. Cuộc giao tranh quyết liệt đã khiến tàu chiến của cả hai bên đều bị trúng đạn pháo và hư hại, trong đó hộ tống hạm Nhật Tảo của VNCH bị thương nặng nhất, ngay tại bộ phận máy tàu, khiến chiến hạm này không còn di chuyển được nữa.
    Thủy thủ đoàn của Nhật Tảo đã được lệnh đào thoát khỏi con tàu đang chìm dần, nhưng Hải Quân Trung Tá Ngụy Văn Thà, hạm trưởng hộ tống hạm, vẫn ở lại và chết theo tàu.

    Chiếc Lý Thường Kiệt, bị nghi là trúng phải hỏa lực bạn (friendly fire) từ chiếc Trần Bình Trọng, bị hư hại nặng và phải rút lui, trước khi hai chiếc Trần Khánh Dư và Trần Bình Trọng, bị yếu thế, phải đoạn chiến. Ba chiến hạm bị hư hại của VNCH đã tìm cách rút về Đà Nẵng.

    Sang ngày 20, các phản lực cơ Trung Cộng từ đảo Hải Nam đã bay đến oanh tạc các đảo Hoàng Sa, Duy Mộng và Quang Hòa, nơi một số binh sĩ VNCH còn cố thủ. Sau đó, quân Trung Quốc khởi sự đổ bộ lên chiếm đảo, buộc quân bạn trên đó phải đầu hàng quân Trung Cộng. Thế là các lực lượng Cộng Sản Trung Hoa, từ nay, chiếm cứ toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.

    Bản đồ hải chiến Hoàng Sa. (Hình: vi.wikipedia.org)

    Trong trận này, Hải Quân Trung Quốc còn có thêm hai tiềm thủy đỉnh mang số 281 và 282 trợ chiến ở vòng ngoài. Một tàu chiến của Trung Quốc, chiếc mang số 389, đã bắn hỏa tiễn vào các chiến hạm VNCH, gây thiệt hại đang kể cho các tàu đó.

    Kết quả trận đánh, phía VNCH có 53 chiến sĩ hy sinh và 16 người bị thương. Phía Trung Quốc cho biết họ chỉ có 18 binh lính tử trận và 67 người bị thương. Trung Quốc bắt giữ 48 tù binh, trong đó có cả một cố vấn Mỹ, nhưng sau đó tất cả tù binh đều được phóng thích.

    Hậu quả việc Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa

    Sau trận hải chiến, Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã lập ngay kế hoạch tái chiếm quần đảo Hoàng Sa mới vừa bị mất vào tay Trung Quốc bằng một lực lượng Hải Quân hùng hậu hơn và có các phản lực cơ F-5E của Không Quân trợ chiến.

    Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã lập tức dùng áp lực mạnh mẽ để ngăn chặn kế hoạch này, không cho nhà lãnh đạo VNCH có dịp phục thù, mặc dù cả Hải và Không Quân VNCH đều bày tỏ ý chí quyết chiến, quyết thắng cao độ.

    Có lẽ Hoa Kỳ, biết mình sắp sửa phủi tay ra đi, đã không muốn thấy cuộc xung đột lan rộng hơn khiến cho Washington phải lâm cảnh “khó xử” với Bắc Kinh.

    Trận hải chiến Hoàng Sa đã đi vào lịch sử thế giới và được coi là trận đánh thăm dò đầu tiên của Cộng Sản Trung Hoa trước khi họ quyết định tiến hành kế hoạch độc chiếm Biển Đông. Tuy nhiên, mãi cho đến năm 1988, là năm Cộng Sản Trung Hoa đánh chiếm bãi đá Gạc Ma (Johnson Reef) thuộc quần đảo Trường Sa (Speatley Islands) của Cộng Sản Việt Nam, hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó dĩ nhiên là có cả Hoa Kỳ, vẫn chưa hiểu rõ những hậu quả nghiêm trọng của việc Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay VNCH.

    Người ta còn nhớ, hầu như Hoa Kỳ và các nước bạn của miền Nam Việt Nam đều không cho việc Hải Quân Trung Quốc tiến chiếm quần đảo Hoàng Sa của VNCH là một bước phiêu lưu nguy hiểm của Bắc Kinh trong vùng Biển Đông.

    Hoa Kỳ, qua cái nhìn của Bộ Ngoại Giao dưới quyền lãnh đạo của Henry Kissinger, đã kín đáo vui mừng khi bỗng dưng lại có một món quà ý nghĩa tặng không cho Cộng Sản Trung Hoa, người bạn mới quen mà họ nghĩ là sau này sẽ giúp họ cô lập và làm suy yếu Liên Bang Xô Viết (Liên Xô).

    Hoa Kỳ vẫn nghĩ rằng, trong khi cả miền Nam Việt Nam rồi đây sẽ mất vào tay Cộng Sản, có sá chỉ một hòn đảo hoang sơ và bé nhỏ (như đảo Hoàng Sa) bị làm con chốt thí trên bàn cờ quốc tế giữa lúc chủ quyền của nó chưa được bất cứ nước nào trên thế giới công nhận là thuộc về quốc gia nào trong vùng.

    Điều hiển nhiên là với tầm hiểu biết như thế, Hoa Kỳ đã thản nhiên để mất VNCH vào tay Cộng Sản Quốc Tế, để rồi chỉ hơn một thập niên sau, khi phải khởi sự đối đầu với mộng bá chủ hoàn cầu của Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo Mỹ tại Washington mới “ngộ” ra rằng mình đã phạm một lỗi lầm có tính sinh tử đối với quyền lợi của chính đất nước Hoa Kỳ.

    Phần mình, Cộng Sản Bắc Việt, vì không nhận ra nguy cơ sau này Cộng Sản Trung Hoa sẽ làm tới mà đánh chiếm luôn các đảo và bãi đá khác tại quần đảo Trường Sa, đã tỏ dấu vui mừng vì kẻ thù VNCH vừa bị đàn anh Trung Quốc của họ giáng cho một vố đau điếng.
    Hơn nữa, trước lúc trận hải chiến Hoàng Sa xảy ra, Thủ Tướng Phạm Văn Đồng của Cộng Sản Bắc Việt, qua một công hàm gởi cho Thủ Tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, không hề có chỗ nào phản đối lời tuyên bố chủ quyền của nước đàn anh tại quần đảo Hoàng Sa.

    Nhưng kể từ khi nhóm đảo Gạc Ma ở Trường Sa bị Trung Quốc đánh chiếm sau một trận hải chiến ngắn ngủi với Hải Quân Cộng Sản Việt Nam hồi năm 1988, thế giới mới chợt tỉnh cơn mê, bàng hoàng ngồi nhìn Trung Quốc lần lượt lấn chiếm hòn đảo này, bãi đá nọ trong vùng biển quốc tế đó, dù nó đang thuộc quyền cai quản của Việt Nam hay Philippines hay Indonesia…

    Bắc Kinh đã trưng ra tấm bản đồ chín đoạn (nine-dash line) do họ tự vẽ nên để nói rằng nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa có chủ quyền đến gần 90% số biển đảo trong vùng, kể từ thời rất xa xưa trong lịch sử.

    Trên đà bành trướng, Hải Quân Cộng Sản Trung Hoa, hồi năm 2012, đã dùng vũ lực đánh chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines trước sự bất lực của Manila và quốc tế. Chưa hết, từ đầu năm 2021 đến nay, các tàu dân quân biển và Hải Quân Trung Quốc cứ liên tiếp bao vây, khống chế nhóm đá Ba Đầu (Whitsun Reef) nằm ngay bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, với mục tiêu rõ ràng là lấn chiếm cho bằng được nhóm bãi đá này giữa tiếng kêu than tuyệt vọng từ Vịnh Manila.

    Thế giới liên tục chứng kiến cảnh, ngày cũng như đêm, hàng hàng, lớp lớp tàu biển và chiến hạm của Trung Quốc kéo tới phun bùn, đổ đá, bồi đắp, và nới rộng các hòn đảo cùng bãi đá mà họ vừa chiếm được từ tay của các nước khác trong vùng chỉ vì những nước này không có lực lượng phòng thủ biển đảo đủ mạnh để chống lại lực lượng xâm lăng hùng hậu của Trung Quốc.

    Ngày này qua tháng nọ, người Trung Hoa tiến hành xây dựng những hòn đảo và bãi đá đó từ chỗ hoang sơ tới chỗ con người có thể ở được, và dần dà dựng nên những quân cảng, phi đạo dành cho chiến đấu cơ, kế đó là đặt các giàn trọng pháo và hỏa tiễn trên các tiện nghi mới lập nên.

    Nhà nước Cộng Sản Trung Hoa đã nhiều lần bắn tiếng cho biết họ đang chuẩn bị lập một số Vùng Nhận Dạng Phòng Không (Air Defense Identification Zone, ADIZ) bên trên các nhóm đảo và bãi đá mà họ đã tuyên bố chủ quyền, có nghĩa là tàu bè và phi cơ của bất cứ nước nào, cho dù đó là Hoa Kỳ, Nhật, Úc, Ấn Độ, Canada, Anh, Pháp, Đức… muốn đi qua đó đều phải được phép của các lực lượng trú phòng Trung Quốc mới được.

    Đã thế, Hải Quân Trung Quốc thỉnh thoảng lại tổ chức tập trận chừng vài ba tháng trên một số nơi tại Biển Đông, vì thế họ ra lệnh cấm tàu bè các nước khác, cả dân sự lẫn quân sự, không được bén mảng đến gần.

    Lâu lâu, nhà cầm quyền Trung Quốc lại ra lệnh cấm ngư dân các nước lân cận, từ Việt Nam và Philippines cho tới Malaysia và Indonesia, không được mon men tới đánh cá tại chỗ này, chỗ nọ trên những vùng biển mà họ cho là mình có chủ quyền, không cần đưa ra lý do gì cả. Vì các quốc gia nhỏ bé chung quanh Biển Đông đều sợ uy quân Trung Quốc, tất cả đề lặng lẽ lỉnh đi cho được yên thân.

    Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa ở quần đảo Hoàng Sa. (Hình minh họa: STR/AFP via Getty Images)

    Các nước Tây phương và Ấn Độ, vừa thấy gai mắt trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc vừa lo sợ có ngày Bắc Kinh sẽ tự ý cản trở lưu thông trên hải lộ huyết mạch đi từ Tây Thái Bình Dương sang Đông Ấn Độ Dương.

    Các nước này bắt đầu bảo nhau đưa tàu chiến đến Biển Đông để thực thi điều mà họ gọi là “quyền tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế,” bao gồm tàu của các cường quốc như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Ấn Độ…

    Mới đây nhất, một số quốc gia có quyền lợi hàng hải trực tiếp trong vùng, gồm Hoa Kỳ, Nhật, Úc và Ấn Độ, đã nói đến việc thành lập một Bộ Tứ (the Quad Group) với ý định răn đe Trung Quốc chớ có liều lĩnh thâu tóm hết Biển Đông vào tay mình mà làm cản trở hoạt động tự do hàng hải của tàu bè quốc tế.

    Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra ở đây là: “Liên minh quốc tế làm được gì để ngăn chặn Trung Quốc tại Biển Đông?” Trên thực tế, đa số các cường quốc trong liên minh đều không ở ngay tại chỗ để trực tiếp chịu đựng những hành động dọa nạt của Trung Quốc mà thỉnh thoảng mới có dịp ra oai, xuôi tàu ghé qua vùng biển phía Tây Thái Bình Dương này, nơi đã từ lâu rồi chẳng hề “thái bình” chút nào cả. (Vann Phan) [qd]

    Vann Phan/Người Việt
Working...
X