Announcement

Collapse
No announcement yet.

16-6-1954: Quốc trưởng Bảo Đại mời Ngô Đình Diệm lập chính phủ mới

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    16-6-1954: Quốc trưởng Bảo Đại mời Ngô Đình Diệm lập chính phủ mới


    Quốc trưởng Bảo Đại (trái) và Hoàng thân Bửu Lộc. Hình: Wikipedia.

    “Đã mấy lần, tôi từ chối chính-quyền mặc dầu Đức-Quốc-Trưởng Bảo-Đại ân cần khẩn khoản. Lần nầy, tôi nhận.”[i]

    Biết được rằng một nhà nước Việt Nam chống cộng sản chỉ có khả năng tồn tại với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ và chỉ với một chính phủ mới, đoạn tuyệt với tất cả những gì có liên quan đến quá khứ thực dân, Quốc trưởng Bảo Đại đã mời các lãnh tụ chính trị Việt Nam đến Cannes để chỉ cho họ xem “sự cần thiết đặt một đường hướng mới, và gợi ý họ là cho thay thế Hoàng thân Bửu Lộc bằng Ngô Đình Diệm, để cầm đầu chính phủ. Tất cả hoan nghênh ý kiến của tôi.”[ii]

    Hoàng thân Bửu Lộc xin từ chức và sau khi thảo luận với Forster Dulles và Quốc trưởng Bảo Đại mời Ngô Đình Diệm thành lập chính phủ mới. Việc bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm thủ tướng cho thấy tầm nhìn chính trị tinh tế của Bảo Đại.

    Trong quyển hồi ký “Con rồng An Nam”, ông cho biết: “Trước đây đã dùng Diệm, tôi biết rằng ông ta vốn khó tính. Tôi cũng biết ông ta rất cuồng tín, và tin vào đấng Cứu Thế. Nhưng trong tình thế này, không còn có thể chọn ai hơn. Thật vậy, từ nhiều năm qua, người Mỹ đã biết ông, và rất hâm mộ tính cương quyết của ông. Trước mắt họ, ông là nhân vật có đủ khả năng đối phó với tình thế, vì vậy Washington sẵn sàng hỗ trợ ông. Nhờ thành tích cũ, và nhờ sự có mặt của em ông, đang đứng đầu Mặt trận Đoàn kết Cứu quốc, ông được nhiều nhà quốc gia cuồng nhiệt ủng hộ; các vị này từng làm đổ chính phủ Tâm và chính phủ Bửu Lộc. Tóm lại, nhờ cương quyết và cuồng tín, ông là người chống Cộng chắc chắn. Đúng vậy, đó là người của hoàn cảnh.”[iii]

    Nhiều nhà báo và sử gia đã suy đoán rằng Quốc trưởng Bảo Đại bổ nhiệm ông Diệm làm thủ tướng vì áp lực từ phía chính phủ Mỹ hay từ Đức Hồng Y Francis Spellman. Thế nhưng cho tới nay, người ta không có bằng chứng cho những đồn đại suy đoán đó, không có trong các hồ sơ của CIA và cũng không có những hồ sơ đã được giải mật của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Ngược lại, một sử gia đã ghi nhận rằng tài liệu có được cho thấy tới tháng 5 năm 1954, Ngoại trưởng Mỹ Dulles và các quan chức cấp cao khác của chính phủ Eisenhower chỉ “biết mơ hồ”.[iv]

    Không cần người Mỹ góp ý hay làm áp lực, Bảo Đại cũng hiểu rằng con người đứng đầu chính phủ bây giờ phải có những đức tính như ông Diệm: phải là một người chống cộng sản và cũng phải là người chống lại sự thống trị mang tính thực dân của người Pháp, vì đó là những yêu cầu mà Washington đưa ra như là tiền đề để ủng hộ cho một chính phủ phi cộng sản ở Việt Nam. Và không có sự ủng hộ của Hoa Kỳ thì một chính phủ chống cộng sản ở Việt Nam sẽ hoàn toàn không có một triển vọng nào. Vào thời điểm này, ông Diệm là người duy nhất đáp ứng được những yêu cầu này và Hoa Kỳ cũng không cân nhắc ủng hộ ai khác vào lúc đó. Đơn giản là vì ông Diệm là lãnh tụ người Việt duy nhất đã sang Mỹ để tự giới thiệu mình.

    Tại Paris, chính phủ Pháp cũng không phản đối do đang có nhiều mối lo hơn là việc ai sẽ là người thủ tướng sắp tới của chính phủ Việt Nam: “Vì người Pháp đang đánh đắm con tàu nên họ không còn quan tâm đến việc ai đứng ở trên đài chỉ huy lúc tàu chìm.”[v] Giới chính trị gia người Việt cộng tác với Pháp cũng không có nhiều chống đối. Nhiều người trong số đó tin chắc rằng Ngô Đình Diệm sẽ thất bại khi đảm nhiệm chức vụ đứng đầu phần còn lại của nước Việt Nam, bị chia cắt và mất hết tinh thần một khi Hội nghị Genève đi đến một thỏa thuận.

    Sau khi được Bảo Đại trao cho toàn quyền về dân sự và quân sự, Ngô Đình Diệm rời Paris ngày 24 tháng 6 trở về Sài Gòn. Trong đoàn trở về Sài Gòn còn có người em trai Ngô Đình Luyện, luật sư Trần Chánh Thành là người được Ngô Đình Nhu, em ruột Ngô Đình Diệm, gửi sang Paris để chuẩn bị cho chuyến trở về của anh mình. Ngoài ra còn có Nguyễn Văn Thoại, người có họ hàng với ông Diệm và là người nổi tiếng duy nhất ở nước ngoài sẵn sàng tham gia chính phủ của ông Diệm. Còn Nguyễn Ngọc Bích và Nguyễn Mạnh Hà, hai trí thức nổi tiếng từng theo Việt Minh trước đây đều từ chối tham gia.

    Về đến Sài Gòn ngày 25 tháng 6[vi], tuy đã được Bảo Đại trao cho toàn bộ quyền hành về dân sự và quân sự nhưng trên thực tế thì quyền lực của Ngô Đình Diệm chỉ nằm trên giấy. Quân đội, vẫn còn nằm dưới sự chỉ huy của người Pháp và bao gồm các sĩ quan người Việt thân Pháp, do Pháp đào tạo và Bảo Đại bổ nhiệm, họ chống lại ông. Lực lượng Bình Xuyên, được người Pháp trao cho quyền hành cảnh sát lẫn mật vụ tại Sài Gòn và được phép vận hành sòng bạc Đại Thế Giới (Casino Grande Monde), phớt lờ các mệnh lệnh của Ngô Đình Diệm. Các giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo với lực lượng quân đội riêng thống trị nhiều vùng rộng lớn ở miền Nam cũng đứng đối lập với tân thủ tướng. Nhân viên cộng tác với người Pháp trong guồng máy hành chánh thuộc địa phá hoại mọi cố gắng của Ngô Đình Diệm hầu kiểm soát được guồng máy này. Tầng lớp địa chủ thì lo sợ ông Diệm sẽ tiến hành một cuộc “cách mạng toàn diện”[vii] dẫn tới một cuộc cải cách ruộng đất triệt để. Giới trí thức khoanh tay đứng nhìn vì không tin chính phủ Ngô Đình Diệm có thể thành công. Và không phải tất cả người Mỹ ở Sài Gòn trong lúc ấy đều hoàn toàn ủng hộ ông Diệm.

    Trong khi đó, đất nước đã bị tàn phá nặng nề qua mười năm chiến tranh: một phần ba đất trồng trọt bị bỏ hoang, đường xá cầu cống bị hư hại, nước Pháp rút về hầu hết các chuyên viên và kỹ sư trong mọi lãnh vực gây thiếu nhân sự trầm trọng[viii], sản xuất gạo giảm từ 5,3 triệu tấn năm 1938 xuống còn 2,6 triệu tấn năm 1954[ix].

    Cộng thêm vào đó còn là mối nguy hiểm đe dọa sự sống còn của nhà nước non trẻ: lực lượng Việt Minh Cộng Sản vẫn bí mật ở lại miền Nam sau Hiệp định Genève, đi ngược lại với mọi cam kết tại Hội nghị.

    Trước một tình hình bất lợi đến như thế, hầu như không ai tin rằng ông Ngô Đình Diệm có thể thành công trong việc tạo dựng một nhà nước Việt Nam tự do, phi thuộc địa và chống cộng sản. Nhưng rồi lịch sử cho thấy ông Diệm đã lật ngược được tình hình đúng vào lúc “ngàn cân treo sợi tóc”, và ông đã thành công.

    Nguồn:

    [i] Ngô Đình Diệm, tuyên bố khi nhận lập Chánh-phủ (Ba-Lê, 16-6-1954)

    [ii] Bảo Đại, Con rồng Việt Nam. Xuân Thu Publishing, CA, 1990, trang 514.

    [iii] Bảo Đại, trang 516.

    [iv] Miller, Edward. Misalliance: Misalliance: Ngo Dinh Diem, the United States, and the Fate of South Vietnam, trang 52.

    [v] Warner, Denis. The last Confucian. Macmillan, New York, 1963, trang 65. (Trích dẫn theo Joseph Buttinger, trang 87)

    [vi] Miller, Edward. Misalliance: Misalliance: Ngo Dinh Diem, the United States, and the Fate of South Vietnam, trang 1. Buttinger ghi là ngày 26 tháng 6 (trang 91).

    [vii] Ngô Đình Diệm. Hiệu triệu quốc dân khi về tới Sài Gòn, ngày 25-6-1954. Trích dẫn theo Miller, trang 5.

    [viii] Nguyễn Tiến Hưng. Khi Đồng Minh nhảy vào. Cơ sở xuất bản Hứa Chấn Minh, 2016, trang 300.

    [ix] Buttinger, Joseph. Der kampfbereite Drache – Vietnam nach Dien Bien Phu. Europa Verlag Wien, 1968, trang 199.
    Attached Files
Working...
X