Announcement

Collapse
No announcement yet.

Một mảnh kỷ niệm với thằng bạn lính Lê Hữu Hà

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Một mảnh kỷ niệm với thằng bạn lính Lê Hữu Hà

    Click image for larger version  Name:	!    !!!!med.jpg Views:	1 Size:	74.2 KB ID:	47064

    Đúng vào ngày 8/6/1969 khi Tổng Thống Mỹ Nixon gật đầu cho tiến hành kế hoạch Việt Nam hoá chiến tranh, tôi bị lùa vào lính với những thanh niên thế hệ cùng thời theo lệnh Tổng động viên.

    Một cú đấm thẳng vào tương lai chúng tôi làm tan vỡ tất cả những ước vọng mặc dù điều đó đã manh nha từ sau Tết Mậu Thân 1968.

    Những thằng bạn thân từ lớp Đệ Nhất của Trường Trung học Ban Mê Thuột gặp lại nhau ở Sài gòn và hẹn sẽ đi trình diện cùng ngày ở Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ Trại Nguyễn Tri Phương Quang Trung gồm cặp đôi Nguyễn Ty và tôi, Đỗ Văn Cư. Tuồng như chúng tôi vẫn thường hẹn nhau đi bắn trộm gà ở Đạt Lý đem về nhậu với whisky Suntory của Nhật hồi cuối năm Đệ Nhất. Lại có thêm thằng Hải mập bạn chơi của Nguyễn Ty ở trong hẻm gần nhà đường Võ Tánh Sài gòn.

    Sau khi nhận quân trang cùng số quân, trong khi chờ đợi chỗ trống bên Trại Võ Tánh, chúng tôi mất một tuần lễ ăn không nằm rồi. Dĩ nhiên là không được đi phép cuối tuần.

    Lúc đó Vườn Tao Ngộ mới được thành lập nhưng chưa hoàn chỉnh, dành làm chỗ thăm nuôi cho các Khoá sinh Dự bị Sĩ quan, còn lính quân dịch không được đi phép thì thăm nuôi ở vườn Cộng Hoà.

    Chính lúc đó tôi mới biết LÊ HỮU HÀ và em trai của ca sĩ Hà Thanh ở cùng trung đội khoá sinh và gặp cô ca sĩ nổi tiếng đất Thần kinh đi thăm nuôi em trai.

    Sau khi chuyển qua trại Võ Tánh thì chúng tôi được xếp ở chung phòng.

    Đến giai đoạn đó, trong những lúc sau giờ cơm chiều chờ kẻng báo giờ đi ngủ, chúng tôi những thằng vừa cởi áo học trò hay túm tụm từng nhóm để… kể chuyện đời xưa. Chừng đó mới biết Lê Hữu Hà từng là nhạc công guitar solo ở phòng trà. Môi trường đó quả thật quá lạ lẫm với chúng tôi nên cứ ngồi nghe Hà kể chuyện một cách say sưa.

    Với cặp kính cận gọng nhựa mà tròng kính sắp tiến tới độ cái đít chai, giọng Bắc đã có phần pha giọng Nam, Hà cứ từ tốn kể những câu chuyện của mình, không khoa trương hay nổ banh nhà lồng về bản thân mình.

    Phần thằng Hải mập thì ba nó là Thiếu Tá Quân Vận nên hy vọng ông già “chạy thuốc” cho nó về cùng ngành khi ra trường. Đỗ Văn Cư thì bị gắn một đoạn platin chỗ xương quai xanh hy vọng sẽ được xếp vào loại phụ dịch.

    Thây kệ! Tụi bây cứ việc sống với giấc mơ của mình đi. Hồi sau sẽ rõ!

    Lính mới tò te vừa thay áo học trò nên còn nhiều chất lãng mạn. Ra bãi học chiến thuật hay ra bãi bắn, giờ nghỉ trưa mạnh thằng nào thằng nấy cứ chụp hình kỷ niệm gởi về nhà lung tung xoè. Mấy tay quân nhân cơ hữu xách máy hình dạo quanh mặc tình mà lượm tiền. Chỉ là những tay ngang, nhưng bọn họ lượm đâu mấy tấm ảnh nghệ thuật quá đẹp quảng cáo khiến mình phải xiêu lòng đứng chống nạnh trước ống kính. Đến khi giao hình thì… chán chết! Còn thua mình chụp lúc còn đi học.

    Cũng đúng dịp ca sĩ Hùng Cường bị bắt quân dịch. Nhưng đi bãi thì có xe gắn máy của Huấn luyện viên đưa đón, tối thứ bảy lên sân khấu ngoài sân vận động Trung Tâm hát mấy câu vọng cổ cho đám quân dịch nghe và sáng chủ nhật có tờ giấy phép vù về Sài gòn đi chơi với đào.

    Rồi 9 tuần lễ quân sự giai đoạn 1 ở Quang Trung cũng qua nhanh với những trò chà láng bờ mương mỗi sáng và những cái đuôi chuột cống phải nạp để đổi lấy tờ giấy phép cuối tuần chôn xuống đào lên không biết bao nhiêu bận tới độ phần da bao bên ngoài đã rữa nát nhão nhoét.

    Chuyển lên Trường Bộ Binh Thủ Đức học tiếp giai đoạn 2.

    Vừa nhảy xuống xe GMC mang ba lô và vác cái sac marin lên vai để vào tập họp phân chia đơn vị, mấy ông thần huynh trưởng tiếp nhận đã hò hét diệu võ giương oai như “ngáo ộp”… thấy ghê làm bọn tôi thất lạc nhau. Hải mập và Đỗ Văn Cư bị đẩy sang Đại đội khác, chỉ còn Nguyễn Ty, Lê Hữu Hà và tôi níu áo nhau mà được về chung một trung đội.

    Môi trường mới và sau 9 tuần lễ dầm mưa dãi nắng ở Quang Trung khiến chúng tôi rắn rỏi hơn. Mấy tuần lễ ở giai đoạn Tân khoá sinh gọi là giai đoạn huấn nhục cứ hể ra khỏi sân Đại đội là phải chạy coi như… đồ bỏ! Qua được hết.

    Rất nhiều người hiểu lầm ý nghĩa của từ Huấn Nhục. Họ cho rằng chữ Nhục ở đây là Nhục nhã. Nhưng đâu phải vậy! Nhục đây là Nhục thân, giúp cho cơ thể thêm cường tráng để chuẩn bị tinh thần chịu đựng gian khổ của một sĩ quan trung đội trưởng bộ binh, đi bộ là chính.

    Hết giai đoạn tân khoá sinh, gắn lên ngực cái alpha vàng là… phẻ re như bò kéo xe. Ra đường khỏi phải chào mấy thằng huynh trưởng cốt đột, cuối tuần là có cái giấy phép về Sài gòn vi vu…

    Mới mấy tháng mặc áo lính mà dáng điệu đã chững chạc với bộ mặt ăn nắng đen đúa, phép cuối tuần về bắt đầu tập tành ăn nhậu và làm… chuyện người lớn.

    Những câu chuyện khi trở lại trường mang âm hưởng những chuyện người lớn nhiều.

    Những buổi nói dóc tầm phào theo thời gian đã biến thành những buổi tối tâm sự bằng câu chuyện riêng tư của mỗi người. Buổi tối sau giờ cơm, tắm rửa sạch sẽ thay bộ đồ sạch khiến tôi thấy tâm hồn trở nên nhẹ nhàng.

    Hôm nào không phải đi ứng chiến tuyến được ở nhà thì tụ năm tụ ba lại nói chuyện chơi.

    Nói chuyện nầy ra đây không phải là để bôi nhọ vong linh của Lê Hữu Hà mà chỉ muốn chứng tỏ sự thân tình giữa nhóm chúng tôi.

    Chúng tôi chỉ là những con gà trống tơ, trong khi đó thì Lê Hữu Hà đã có vợ. Hình như giai đoạn phải cày bừa trong quân trường làm thân thể mệt mỏi nên đã có một sự trục trặc trong chuyện vợ chồng. Hà cố gắng khắc phục nhưng… lực bất tòng tâm! Chúng tôi chỉ biết cười tủm tỉm thông cảm chớ có biết làm gì hơn?

    Phía sau dãy phòng ngủ có một mô đất nhỏ nổi lên. Đó là chỗ chúng tôi cùng ngồi để trút bầu tâm sự, nói cho nhau nghe những suy nghĩ, những ao ước của mình. Tôi và Hồng Cận thường ngồi trong ánh sáng chập chờn hắt ra từ phòng ngủ mà nói chuyện đến tận giờ điểm danh buổi tối.

    Những kỷ niệm phơn phớt như mây hồng thế mà tôi vẫn nhớ tới bây giờ chứng tỏ nó đã in sâu trong vùng kỷ niệm của riêng tôi.

    Thập niên 60, sự có mặt của quân đội Mỹ ở Việt Nam kèm theo nhu cầu giải trí của binh sĩ, các ban nhạc trẻ vội vã được thành lập khắp nơi để trình diễn trong các club Mỹ. Thậm chí Đài Phát thanh Sài gòn còn tổ chức hẳn những Đại nhạc hội cuối tuần dành riêng cho các ban nhạc trẻ tranh tài trên sân khấu. Trong đó gây ấn tượng mạnh với khán giả là ban nhạc The Penitans (kẻ đền tội), các nhạc công lên sân khấu với chiếc mũ trùm đầu màu đen dành cho những tử tội sắp bị hành hình thời Trung cổ ở Âu Châu.

    Hình ảnh các chàng trai với cây đàn guitar điện trong ánh đèn màu trên sân khấu đã cuốn hút tâm hồn tôi.

    Trên đài truyền hình của Mỹ, 4:00 chiều chủ nhật có chương trình nhạc trẻ do một ban nhạc trình diễn gồm Tùng Giang, Nam Lộc, Đức Huy và Jo Marcel là giọng ca chính. Tôi không bỏ lỡ bữa nào cả, lý do chính là tôi ngắm nghía say mê những sợi dây đeo đàn to bản với những hoạ tiết cách điệu tinh xảo của họ.

    Khoá đàn anh ra trường thì ban nhạc tiểu đoàn sinh viên cũng đương nhiên rã gánh.

    Không biết được ai giới thiệu, Lê Hữu Hà nhận lệnh lên gặp Tiểu đoàn trưởng khóa sinh để thành lập một ban nhạc sinh viên mới.

    Trong 1.800 sinh viên sĩ quan cùng khoá làm sao có khả năng tìm kiếm những người chơi “ăn jeux” trong một ban nhạc trẻ? Chỉ biết tìm tòi hỏi thăm trong Đại đội mình.

    May thay! Chỉ cần trong trung đội tôi cũng đủ người cho một ban nhạc trẻ thời ấy: Lê Hữu Hà nhà ở Phú Nhuận chơi guitar solo, Nguyễn Văn Phú nhà ở Nguyễn Cư Trinh nguyên là nhạc công organ phòng trà chơi guitar accord, Hồng Cận ở dưới Vũng Tàu chơi guitar bass, Nguyễn Phương Lâm ở Đà Lạt chơi dàn trống jazz. Lê Hữu Hà và Hồng cận thay nhau làm ca sĩ trong những bản nhạc ngoại quốc có lời. Đúng là góp hương tự bốn phương để giúp các sinh viên sĩ quan sau những bài tập quân sự gian khổ có được dịp thưởng thức âm nhạc cho nó… nhẹ cái mình.

    Tối rủ vài thằng lên Hội quán Sinh viên nghe nhạc. Bỏ 5 đồng mua một chai sữa đậu nành ướp lạnh, ngồi ghé lên lan can nghe nhạc mê tơi, vì thường là những bản nhạc thời thượng mà thằng thanh niên nào cũng biết.

    Lê Hữu Hà với Love Potion number 9, Knock three times, Hồng cận với I started a rock….

    Lê Hữu Hà có biệt tài chơi đàn bằng răng hoặc vòng đàn ra sau ót mà chơi. Kính nể thiệt!

    Tuy nhiên, bỏ đàn ra thì nó vẫn là một thằng bạn lính bình thường và dễ thương.

    Cũng có một chút ưu ái là khỏi phải ra tuyến trực chiến đêm. Xay lúa thì khỏi bồng em chớ!

    Tụi nó làm cho trung đội tôi rất hãnh diện, kèm theo là sự thiệt thòi. Khi ra ứng chiến thì phải gồng mình trám những chỗ trống đó trong những phiên gác đêm.

    Mãn khoá, trên cổ áo được gắn cái quai chảo thay thế cái alpha trên ngực áo, chúng tôi như những con bồ câu ra ràng tung bay bốn hướng chẳng ai biết về ai. Chỉ đôi khi tình cờ gặp lại thì lôi nhau ra quán nhậu uống cho say để quên đời. Tôi chỉ biết Lê Hữu Hà có tên trong danh sách trình diện Cục Quân Nhu sau khi hết phép cuối khoá.

    May cho nó mà cũng may cho những người yêu nhạc. Chiến tranh vốn tuỳ tiện, không phân biệt giữa người thường với nhân tài có khi đã xơi tái nó mất rồi!

    Không lâu sau, tình cờ nghe được trong những băng nhạc tape recorder Shotgun của Nguyễn Ngọc Chánh có ban nhạc Phượng Hoàng trình diễn. Tò mò nhìn lên hộp đựng băng nhạc tôi thấy có mặt nó nhưng giờ đổi tên là LÊ HỰU HÀ.

    Tôi cười cái thằng bày đặt! Chữ Hựu không hề có trong tiếng Việt và vô nghĩa. Nhưng thôi, cứ mặc kệ nó đi! Tôi thích thú với những sáng tác của nó như:



    Click image for larger version

Name:	!         ed12a56c.jpg
Views:	33
Size:	73.2 KB
ID:	47065
    (Tôi muốn)

    Cười lên đi em ơi
    Cười để giấu những dòng lệ rơi
    Hãy ngước mặt nhìn đời
    Nhìn tha nhân ta buông tiếng cười
    Ta không cần cuộc đời
    Toàn những chê bai và ganh ghét
    Ta không cần cuộc đời
    Toàn những khoe khoang và thấp hèn
    (Hãy ngước mặt nhìn đời)



    Click image for larger version

Name:	!       !!!!es.jpg
Views:	30
Size:	6.4 KB
ID:	47066

    Sau nầy khi tình cờ tra từ điển Hán-Nôm tôi biết chữ Hữu 有 cũng có thể đọc là Hựu.

    Ừ, thì nó thích khác người một chút thì Hữu hay Hựu cũng xong!

    Nó đổi tên là cách để quên hẳn khoảng đời gian khổ tập làm lính với chữ Hữu. 9 tháng quân trường sát cánh bên nhau, dù gì cũng có với nhau một vài kỷ niệm khó quên.

    Mãi sau nầy mới nghe tin nó qua đời trong cô độc.

    Cầu mong linh hồn nó được siêu sinh mà lên thiên đàng để tiếp tục biểu diễn cách đánh đàn độc đáo cho mấy nàng tiên nữ mê… rụng rún luôn!



    HÙNG BI
Working...
X