Announcement

Collapse
No announcement yet.

Một đêm ở Little Saigon (NTN)

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Một đêm ở Little Saigon (NTN)

    Có một bản nhạc với lời hát là: “Nhà anh nhà em…tuy xa mà gần, tuy gần mà xa”. Lời nhạc này rất thích đáng với khoảng cách giữa nhà tôi và khu phố người Việt Little Saigon trên đường Bolsa Ave. ở Orange County. Tuy rằng xa 70 miles (120 km), thế nhưng chỉ cần lái xe một giờ rưỡi là đến.
    Buổi sáng dậy sớm tôi không muốn nghe tiếng xe xích-lô máy của bác Năm, tiếng xe Lam của ba thằng Méo xéo ngang trước nhà tôi sửa soạn chạy kiếm khách lúc tôi ở gần chợ Bàn Cờ thời thơ ấu,




    ảnh trên Intenet
    tôi cũng không muốn nghe tiếng cải lương trên TV nhức đầu inh ỏi đến hơn nửa đêm tối Chủ Nhật; vì thế khi đến Mỹ, tôi quyết định ở một nơi không “thanh lịch trong thành phố”, mà tôi chọn ở chốn khỉ ho cò gáy nơi hoàn toàn không có một chiếc xe đò lục tỉnh. 70 miles (120 km) là khoảng cách xa đủ vừa để tôi không bị láng giềng người Việt đêm khuya thanh vắng đến gõ cửa mượn một chai nước mắm.
    Thế nhưng vì tôi mang dòng máu An Nam Mít dùng xà-bông tẩy đến mấy cũng không ra, tôi vẫn thèm những món ăn như bánh cuốn, bánh mì thịt, xí mại, bún chả Hà Nội, nem nướng, bánh xèo, gỏi bò khô đu đủ, mì vịt tiềm, bánh tiêu, bánh cay, hủ tiếu mì…, thành thử nếu chỉ có một giờ rưỡi lái xe từ nơi khỉ ho cò gáy của tôi là đã đến hương vị quê nhà hột vịt lộn Long An thì là quá gần.
    Weekend rồi, vì con Covid-19 chuyển dạng hạn chế làm dân không dám đi chơi xa vì lắm phiền phức, vợ chồng tôi cùng vợ chồng Hùng, anh bạn chơi tennis với tôi, đến thành phố Anaheim ngủ hotel một đêm chỉ để ăn hàng ở khu phố Little Saigon. Khách sạn chúng tôi ở trên đường Harbor Blvd, gần Disneyland, cách khu phố Bolsa 20 phút lái xe. Tôi thường lái xe xuống khu Việt Nam sáng đi chiều về, nhưng lần này thì ngủ khách sạn qua đêm cho vui.


    Con đường Harbor Blvd toàn là khách sạn, vì nó sát cạnh Disneyland. Có cả một tiệm phở Việt Nam:








    Tiêm phở này trên đường Harbor, chỉ cách khách sạn của tôi bốn blocks
    Nếu ai muốn tìm khách sạn ngay trung tâm phố Bolsa thì có Little Saigon Inn trên đường Brookhurst, bảo đảm có báo tiếng Việt cho khách đọc (nhưng không bảo đảm là không dùng tiếng Việt sau 1975 như “tiếp cận”, “đối với”, “chất lượng”, căn bản”, “nghiệp dư”, “nhất quán”…), bước ra đường là có cô Tư bán bún riêu, Dì Bẩy bán cơm tấm, Hột vịt lộn Long An, hay xa hơn một tí mướn xích lô máy đi vào phố Bolsa chỉ có năm phút là Ramada Plaza Garden Grove /Anaheim South trên đường Garden Grove.
    Tôi không dám ở khách sạn với đa số là khách Việt, sợ nửa đêm về sáng phòng bên cạnh bật nhạc vàng hải ngoại vang dội sang phòng tôi ngủ không được, nên vì thế tôi mướn khách sạn gần Disneyland.
    Khi Walt Disney mở Disneyland, khách sạn và nhà hàng tư nhân chung quanh Disneyland mọc lên như nấm, đặc biệt trên con đường Harbor Blvd, ăn lời trên xương máu của Disney. Vì thế, khi xây Disney World ở Florida, Disney thề không phạm cùng lỗi lầm đó: Disney World xây trên mảnh đất mênh mông rộng 200 km vuông của Disney, không tư nhân được phép vào nên tất cả khách sạn, tiệm ăn là của Disney làm chủ.
    Trên con đường Harbor Blvd, cách hotel chúng tôi độ bốn blocks là một tiệm mà khi lái ngang qua ba lần vào ban ngày, tôi thấy khách đông như kiến, xếp hàng rồng rắn. Tò mò, một tối lái về khách sạn lúc 10:30 PM , tôi ghé vào để điều tra. Hoá ra là tiệm bán kem, với số người đợi trong hàng phải hơn một trăm người: Joe’s Ice cream, 2201 S Harbor Blvd, Anaheim, CA 92802.




    Chưa bao giờ tôi thấy một tiệm nào ở Mỹ mà khách đợi mua đông khủng khiếp như thế, ban ngày cũng như ban đêm (một tiệm khác tôi thấy xếp hàng khủng khiếp là Georgetown Cupcake ở Georgetown, Washington DC. Thế nhưng hàng đợi khoảng 50 người là cùng, không như tiệm kem này).


    Hàng dài đứng đợi mua Georgetown Cupcake ở gần Thủ đô Washington D.C. (Ảnh từ Blog Eating Around DC).
    Sáng hôm sau, chúng tôi trở lại lúc 10:30AM trên đường xuống Bolsa. Đứng ở cửa sổ đặt mua kem ( có đến 9 cửa!), chúng tôi vừa nói chuyện, vừa chụp hình.
    Thấy chúng tôi luẩn quẩn ở cửa sổ bán hàng, một cô trong tiệm mở cửa, nói là tiệm 11 giờ mới mở, chúng tôi có biết không? Anh bạn tôi đùa trả lời là chúng tôi biết nhưng muốn đến sớm là người số Một đứng xếp hàng, kẻo không đến 11 giờ thì trăm người đến.
    Cô bán hàng chắc nghĩ là chúng tôi điên vì lúc bấy giờ chẳng có một khách!








    Vợ chồng tôi đã có dịp đến khu Việt Nam của những thành phố lớn trên nước Mỹ và Canada: Orange County, San Jose, San Diego ở California; Houston, Dallas, ở Texas, Seattle ở Washington State, Atlanta ở Georgia, Eden Center ở Falls Church, Virginia; Philadelphia ở Pennsylvania, Boston ở Massachusetts; Vancouver và Mississauga (cạnh Toronto) ở Canada; nhưng tất cả không một nơi nào to bằng Little Saigon ở Orange County, California.
    Đến đây thì tha hồ ăn uống, món gì cũng có. Mấy bà vợ Việt Nam ở đây không thể nào bắt nạt hay đe dọa chồng như những nơi không có hàng quán thức ăn Việt: nếu nàng đe dọa không nấu cơm cho mình thì dễ quá, lái xe xuống đây ăn đủ thứ món, không cần giam mình trong nhà với ăn trưa là mì gói Ba con Tôm, ăn tối là mì gói Tám con Cá.
    Trước bãi đậu xe của Mall Phước Lộc Thọ vào mùa hè (18-June đến 05-Sep-2021) buổi tối từ 7 đến 11 giờ đêm có Phố đêm, khá đông người. Đại đa số là hàng bán thức ăn. Có một khán đài cho các ca sĩ chưa-lên-mà đã-xuống hay hát-hay-không-bằng-hay-hát, hát-không-hay-không-hát-hay-hơn, hát cho bà con từ Rạch Giá đến Sóc Trăng nghe giải trí.


























    Khi tôi đến thì có một anh ca sĩ, được giới thiệu hát bài “Ngựa hoang”, vừa mở miệng thì anh ta hát thật to: “Ngựa hoan!”, không có g, làm tôi nghe xong là bủn rủn tay chân. Cảm tưởng đầu tiên của tôi khi nghe anh ta phát âm sai hoang thành hoan là thấy tía cho ngôn ngữ Việt Nam. Bắc, Nam, Trung không cần biết, một khi làm nghề xướng ngôn viên hay ca sĩ thì phải phát âm cho đúng. Phát âm sai thì lạy anh lạy chị, xin đừng làm ca sĩ bắt nạt tai người nghe.


    Vợ tôi mua hai cái bánh dừa đậu xanh gì đó, nhỏ tí mà hai cái giá là $5 dollars. Tôi vừa ăn là phun ra ngay vì dở quá. Dở kinh khủng như thế mà họ không cảm thấy lương tâm tội lỗi, vẫn bán cho khách như thường. Thật là chán cái mớ đời dân Việt Nam.




    Chúng tôi ở không quá 20 phút rồi tẩu là thượng sách, ngộp hơi người, ngộp hơi… Covid.
    Việt Nam mình có hai món thức ăn thông dụng: bánh mì và phở. Tôi nghe nhiều tin đồn, không biết thất thiệt hay không, là Phở Holic, 14932 Bushard St, Westminster, rất ngon (holic, khi cộng vào phần cuối của một danh từ, thì có nghĩ là ghiền. Thí dụ: alcoholic là người nghiện rượu, workaholic là người say mê làm việc, sexaholic là người ghiền sex. Ở đây Phở holic là họ chơi chữ, có nghĩa là người ghiền phở).


    Tiệm phở này lúc nào cũng có người xếp hàng đợi. Chúng tôi đến lúc 11:15 AM thì đã có khoảng 25 người đợi, phải mất 45 phút mới được gọi vào. Tiệm này nhỏ nên không có “kỹ thuật tân kỳ” ghi tên đợi trên iPad mà khách chỉ ghi tên mình trên giấy đợi theo lối cổ lỗ sĩ.
    Trời nắng chang chang nên chúng tôi đợi trong bóng râm ở xa. Thỉnh thoảng một cậu cầm giấy ghi tên người đợi từ trong tiệm đi ra trước cửa gọi khách vào theo thứ tự ghi tên. Chỗ tôi đứng không nghe nên vợ tôi mới đến ngay cửa, hỏi cậu ta là chúng tôi đứng quá xa không nghe, lỡ cậu ấy gọi mà chúng tôi không biết thì sao? Câu trả lời của cậu ta làm chúng tôi phì cười: “Xin lỗi chị, giọng nói vang xa của em có giới hạn”.


    Anh mặc áo đen là người “Xin lỗi chị, giọng nói vang xa của em có giới hạn”.


    Tôi và anh bạn đứng dưới bóng râm trong bãi đậu xe, hai nàng phu nhân thì đứng gần cửa để nghe tên gọi. Đến một lúc, vợ tôi ngoắc tay báo hiệu là đến lượt chúng tôi được vào (khi mới đến, tôi cho ba người xuống rồi tìm chỗ đậu xe nên bạn tôi ghi tên của anh ấy vào giấy đợi: Hùng). Hai cô vợ đợi chúng tôi đến cửa rồi cả bọn cùng một lúc bước vào trong tiệm; thế nhưng một chuyện hi hữu chưa bao giờ xẩy ra trong đời tôi là khi đến bàn chỉ định thì đã có bốn người khác vừa ngồi xuống trước chúng tôi.
    Vợ tôi ngoắc anh của tiệm phở vừa gọi tên chúng tôi đến để giải thích là đã có người ngồi vào bàn. Anh ta hỏi tên thì một người đàn ông trong nhóm bốn người nói là tên Hùng, nghe gọi tên Hùng nên họ vào. Hóa ra là hai người trùng tên Hùng, và thay vì chúng tôi đến trước -đợi đã 45 phút- thì bốn người này vào ngồi. Anh ở tiệm phở mở sổ danh sách tên đợi, hỏi anh kia tên anh ta ở đâu thì anh ta chỉ -cũng tên Hùng-, nhưng dưới tên Hùng của bạn tôi hơn 200 cây số. Bạn tôi nêu ra điểm này cho mọi người biết và chỉ vào tên Hùng chính anh ấy viết ở trên cao trong danh sách.


    Vợ tôi và vợ chồng anh bạn đứng giải thích tên của bạn tôi ghi trước trên sổ ghi tên đợi.
    Người đàn ông nhận thức là tên anh ta ở dưới danh sách, nhưng người đàn bà hỏi anh bạn tôi là “Anh có chắc chữ này là chữ của anh không?” Tôi nghe câu hỏi mà hết ý kiến. Rõ ràng là tên của họ ở dưới danh sách mà bà này còn hỏi vặn lại bạn tôi là có chắc chữ viết đó là của anh ấy hay không?
    Hùng bạn tôi trả lời dĩ nhiên là chữ của anh ấy. Lúc này thì bốn người kia mới đứng lên nhường bàn lại cho chúng tôi.
    Đến một tiệm ăn mà hàng đợi dài hơn 5, 10 phút là tôi bỏ đi, không bao giờ muốn đợi. Hôm nay vì Hùng thích đợi, và vì cũng tò mò muốn biết Phở Holic ra sao mà tôi miễn cưỡng đợi, thế mà lại có chuyện xẩy ra. May mà họ tự nhận sai và nhường bàn lại cho chúng tôi, chứ nếu không thì đã có Máu nhuộm bãi Thượng Hải.
    Bên trong Phở Holic không lớn lắm, tươm tất, so với vẻ ngoài trông xập xệ. Giá một tô phở là $10 đô-la, trung bình như các tiệm khác. Tôi húp thử nước lèo trước khi ăn phở thì cảm thấy rất béo -béo hơn đa số tiệm phở khác-, nhưng hơi ngọt, phải thêm nước mắm.




    Tiệm cho một bát thịt vụn miễn phí. Tôi để chìa khóa khách sạn cạnh bên để cho thấy bát nhỏ như bát ăn cơm.
    Trông qua những bàn khác, tôi biết ngay tại sao khách thích đến đây: Tiệm này bán xí quách $4 dollars một tô, và hầu như bàn nào cũng mua một tô xí quách.


    Ở giữa là tô xí quách
    Nước phở của Phở Holic nhất định là béo hơn các tiệm phở khác, thế nhưng không đáng 45 phút đợi. 5, 10 phút đợi thì OK.
    Nếu ai đi chơi tối, muốn tìm tiệm nước ngọt bán chè lỉnh kỉnh như chè ba mầu, đến tiệm Bambu Desserts & Drinks 10161 Bolsa Ave, Westminster, mở cửa đến 11 giờ đêm. Trong góc của Plaza này có một tiệm ăn mở khuya, có sân khấu để ai thích hát nhạc karaoke bài Ngựa hoan thì lên hát.




    Rời nhà lúc 11:00 AM sáng, ở khách sạn một đêm, ngày hôm sau 3:30 PM chúng tôi lái xe về, sau khi trở lại tiệm Bambu ngồi uống nước ngắm trời mây non nước lần thứ hai.





    Trong một ngày ngày rưỡi, chúng tôi ăn ốc và lẩu, phở, bánh tiêu, bánh mì, bánh dầy, bánh rán, uống nước mía, chè ba mầu, chè hầm bà lằng, chưa kể là buổi sáng ăn điểm tâm trứng chiên, xúc xích, ở khách sạn.


    Mỗi lần chúng tôi đi du lịch ở khách sạn, Mỹ hay ngoại quốc, khi khám phá có tiệm ăn Việt Nam gần khách sạn là tôi mừng như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng.

    Huống chi ở khách sạn ngay trong khu doanh thương người Việt đông nhất ở hải ngoại. Ăn uống thỏa thích cho đến khuya, biết rằng chỉ mất dăm mười phút lái xe về hotel là được lăn mình đánh một giấc trên giường nệm của khách sạn, rồi hôm sau khi check out mình không phải dọn dẹp, giặt giũ, hay xếp dọn gì cả…, đó là một đời sống sướng như tiên mà tôi sẵn sàng lập lại khi có dịp.


    Nguyễn Tài Ngọc
    August 2021
    https://saigonocean.com/trangNTN.htm
Working...
X