Announcement

Collapse
No announcement yet.

Khi nào mới cần thuốc bổ (vitamin)?

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Khi nào mới cần thuốc bổ (vitamin)?



    Do có nhiều chuyên gia quảng cáo trong ngành dược xuống giọng quá ngọt nên không ít "người tiêu dùng" (không thể gọi là bệnh nhân vì thường khi chưa mắc bệnh) đang có khuynh hướng dùng thuốc bổ, lúc thì như thuốc tăng lực, lúc thì như phương tiện phòng bệnh và trì hoãn tuổi già. Đáng tiếc hơn nữa là nhiều sản phẩm gọi là thực phẩm chức năng đang đươc lưu hành với giá cắt cổ trên thực tế chỉ là một nhúm sinh tố (vitamin) nào đó! Thuốc bổ, như tên gọi "vitamins", đúng là cần thiết cho sự sống và sức sống, nhưng việc lạm dụng thuốc bổ không hẳn lúc nào cũng "không gây ra phản ứng phụ" như thông tin ngọt xớt trên tờ quảng cáo bướm. Giữa cái "NÊN""CẦN" bao giờ cũng có một khoảng cách cần được tôn trọng nếu muốn thuốc thực sự ra thuốc!

    Tóm lại, trước khi dùng thuốc bổ nào đó nên bình tâm điều nghiên một số điểm như sau:
    - Người có chế độ dinh dưỡng đa dạng và cuộc sống cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi hầu như khó thiếu sinh tố, nghĩa là ít khi phải cần đến bất cứ thuốc bổ nào. Với chế độ dinh dưỡng theo kiểu người VN mình, với khẩu phần phong phú về rau quả tươi, tất nhiên với điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, rất hiếm khi cơ thể bị thiếu sinh tố, trừ khi cơ thể bất ngờ có nhu cầu bội tăng ngoài dự kiến, như bệnh hoạn, thi cử, tranh đua thể thao…

    - Đừng tưởng càng nhiều càng hay. Rất ít khi phải dùng thuốc bổ ở liều cao nếu chỉ nhằm mục tiêu bổ sung nguồn dự trữ sinh tố. Thông thường chỉ cần thuốc ở liều thấp nhưng nên chứa nhiều loại sinh tố khác nhau. Nếu thuốc được phối hợp với khoáng tố và ít chất đạm cần thiết cho tiến trình hấp thu và biến dưỡng sinh tố thì lại càng tốt.
    - Thuốc bổ đơn phương và ở liều cao thường chỉ dùng cho mục tiêu điều trị bệnh đặc biệt. Thuốc vì thế chỉ nên dùng khi có chỉ định của bác sĩ.
    - Nếu phải nhờ đến thuốc bổ, nên dùng thuốc trong nhiều ngày liên tục, nhưng không nhất thiết phải dùng thuốc trong thời gian kéo dài nếu không có sự theo dõi của bác sĩ. Đừng quên là một số thuốc vitamin, như A, D, E, K, B12… có thể gây ra nhiều phản ứng phụ bất lợi nếu bị tích lũy trong cơ thể do dùng quá liều.

    Vitamins
    - Đừng vội tin vào lời "quảng cáo đường mật" rồi vét túi cho thuốc bổ nào đó với ảo vọng sẽ ngăn ngừa được bệnh chứng nghiêm trọng. Đừng quên rằng, thuốc bổ chỉ giữ vai trò xúc tác phản ứng biến dưỡng. Không loại thuốc vitamin nào có khả năng ngừa bệnh ung thư hay ngăn sự lão hóa nếu gia chủ tự cứ tiếp tục đầu độc mình bằng thuốc lá, rượu bia… hay tạo điều kiện tốt cho bệnh ác tính phát triển qua nếp sống trái ngược với quy luật của thiên nhiên.

    Nói chung, chỉ các đối tượng thuộc các nhóm dưới đây nên dùng thuốc bổ, tất nhiên dưới sự hướng dẫn của bác sĩ hay dược sĩ:
    - Người phải thường ngày đối đầu với cuộc sống căng thẳng cần vitamin C, E, đa vitamin B, khoáng tố selen, kẽm, magnesium để đương đầu với stress. Nếu thuốc có thêm arginin, chất đạm cần thiết cho hoạt động của cơ tim, thì càng hay.

    - Thai phụ, người đang mong thụ thai cũng như phụ nữ trẻ suy nhược đi kèm với rối loạn kinh nguyệt nên bổ sung vitamin B, acid folic, C và sắt, càng thường xuyên càng tốt.
    - Trẻ con không nên thiếu chất vôi, 3-Omega, acid folic và kẽm vì nhu cầu tăng trưởng liên tục và vì cơ thể còn non yếu trước nguy cơ bội nhiễm. Nhưng đừng vì thế mà ép trẻ uống thuốc thay vì các món ăn ngon miệng, đầy đủ chất bổ dưởng.
    - Người phải làm việc với cường độ nặng, vận động viên, người sau cơn bệnh nặng, sau lần bị chấn thương, sau đợt hóa trị hay xạ trị rất cần kali, magnesium, kẽm, sinh tố B, C và E nhằm tối ưu hóa phản ứng dưởng chất phục hồi và kiến tạo trong cơ thể đã làm tiêu hao nhiều năng lượng cũng như dưỡng chất.

    - Người cao tuổi đừng quên vitamin B, nhất là acid folic và B12, chất vôi và sinh tố D vì đây là những nhân tố dễ thiếu hụt do khả năng hấp thu cũng sẽ giảm thiểu thấy rõ khi tuổi đời chồng chất.

    Bất cứ tác nhân hóa chất nào, dù là hóa chất tổng hợp hay hoạt chất thiên nhiên cũng thế, khi đưa vào cơ thể đều sẽ có phản ứng phụ, không nặng thì nhẹ, không sớm thì muộn, không nhiều thì ít, nếu không sử dụng đúng cách, đúng lúc. Thuốc bổ cũng giống vậy mà thôi. Đừng nghĩ rằng, thuốc nếu không bổ bề dọc cũng bổ chiều ngang. Cũng đừng tưởng thuốc bổ nếu không có hiệu quả như mong muốn thì cùng lắm ngã về không. Không đơn giản như thế vì thuốc nếu không triển khai tác dụng như mong đợi, sẽ gây ra toàn phản ứng phụ, bất lợi cho sức khỏe! Do đó nếu không dùng thuốc bổ thì thôi, nhưng đã dùng thì phải dùng đúng liều, đúng theo sự chỉ dẩn của thầy thuốc.

    Trước khi dùng thuốc bổ hay thuốc trị bệnh, đừng quên một yếu tố tối quan trọng. Đó là vai trò tham khảo, góp ý không thể thay thế của bác sĩ và dược sĩ. Đây lại là vấn đề cốt lõi trong bối cảnh y tế hiện nay của nước mình vì không ít thầy thuốc đang bình chân như vại với thái độ "im lặng là vàng"!

    Bác sĩ Lương Lễ Hoàng.
    Last edited by trungthuc; 01-31-2022, 05:51 PM.
Working...
X