Announcement

Collapse
No announcement yet.

Điệp viên CIA đầu tiên chết tại Việt Nam: Một phụ nữ bí ẩn?

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Điệp viên CIA đầu tiên chết tại Việt Nam: Một phụ nữ bí ẩn?


    Barbara Annette Robbins chụp tại Nha Trang, 1964. Ảnh: CIA
    Năm 2011, lần đầu tiên, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) công khai thừa nhận Barbara Annette Robbins là nhân viên CIA, sau 46 năm kể từ ngày cô thiệt mạng tại Việt Nam.

    Người phụ nữ bí ẩn và những lá thư để lại

    Barbara Annette Robbins thuộc số điệp viên bí ẩn nhất trong lịch sử CIA để báo chí phải quan tâm đến. Trước hết, cô là phụ nữ đầu tiên của CIA, nơi nam giới thống trị, thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ. Thứ hai, cô là nhân viên CIA chết trẻ nhất. Thứ ba, cô là phụ nữ Mỹ đầu tiên chết trong cuộc chiến tại Việt Nam. Vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn năm 1965, mà Robbins là một trong những người tử nạn, đã chiếm lĩnh trang chính của nhiều tờ báo Mỹ. Nhưng Robbins lại giống bóng ma hơn người thật trong thế giới bí ẩn của CIA.

    Bí ẩn càng tăng thêm khi suốt nhiều thập niên qua, CIA luôn từ chối việc thừa nhận công khai Robbins là “người của mình”, bất chấp lời thỉnh cầu của gia đình cô và một cuốn sách khẳng định cô là nhân viên CIA chính hiệu. Vì vậy, Warren Robbins, em ruột của Robbins và là người con duy nhất trong gia đình còn sống rất hài lòng khi thấy cuối cùng tên chị mình cũng được đưa vào Book of Honor (Sách Danh Dự).

    Hiện Warren, 65 tuổi thừa kế bộ sưu tập thư từ chị ông gửi về nhà trong những tháng ngày “thú vị nhất đời” tại Việt Nam: Có khoảng 30 lá thư được viết từ khi Robbins đến Sài Gòn và lá cuối cùng được gửi một tuần trước khi cô chết. Các lá thư cho chúng ta thoáng nhìn vào đời sống của một thiếu nữ làm việc cho Bộ Ngoại giao Mỹ lúc bắt đầu “thân lập thân” và những mối tình thoáng qua của cô tại một chiến trường khốc liệt.

    “Đọc những lá thư chị để lại, tôi cảm giác như nó còn mới nguyên với hình ảnh chị tôi vẫn còn sống,” Warren, môt thợ cơ khí máy bay đã về hưu kể. “Như trong lá thư đề ngày 6 Tháng Tám, 1964, chị viết: Cha mẹ và Warren thân mến, con tin là mình đã sẵn sàng cho công việc tại Bộ Ngoại giao. Công tác an ninh được làm rất cẩn thận nhưng không ai có thể sống bình thường tại Sài Gòn nếu không có lực lượng cảnh sát Việt Nam hùng hậu”.

    Barbara Annette Robbins chụp hình với bố mẹ và em trai. Ảnh gia đình.
    Những cuộc tình thoáng qua

    Robbins sinh tại South Dakota. Thời thơ ấu cô sống ở Iowa rồi qua California, nhưng phần lớn tuổi trưởng thành cô học tập tại Colorado, nơi cha cô, Buford, là người bán thịt và cựu binh Hải quân, còn mẹ cô Ruth lo việc nội trợ. Thời trung học, Robbins tham gia câu lạc bộ bowling. Những ngày Chủ Nhật, cô ở nhà thờ Lutheran gần như cả ngày. Năm 1961, Robbins vào học trường đào tạo thư ký tại Đại học Colorado. Hai năm sau, cô được CIA tuyển mộ dưới lớp vỏ bọc nhà ngoại giao, rồi được điều sang chiến trường Việt Nam.

    Ba tuần thử sức tại Sài Gòn, Robbins nhắc cha mẹ là không nên quá lo lắng khi đọc những tin thời sự trên báo đài tại quê nhà. Lá thư ngày 25 Tháng Tám, 1964 viết: “Có lẽ cha mẹ đã biết việc các sinh viên Việt Nam biểu tình chống Mỹ và vụ đánh bom tại Khách sạn Caravelle. Nhưng ở Sứ quán thì không có gì nguy hiểm cả. Trên thực tế, con đã đi bộ từ nơi làm việc đến chỗ ăn trưa nhưng thấy không có vấn đề gì khác biệt. Con biết cha mẹ rất lo, nhưng không cần phải như thế”.

    Trạm CIA Sài Gòn đặt trong Đại sứ quán Mỹ được xem là lớn nhất trong các trạm CIA tại Việt Nam với “biên chế” khoảng 400 nhân viên (Theo cuốn “Sub Rosa,” hồi ký 1978 của trưởng trạm Sài Gòn Peer deSilva, nay đã qua đời). Bên trong sứ quán năm tầng nằm ngay giao lộ bận rộn gần sông Sài Gòn, Robbins theo dõi giờ giấc của các đồng nghiệp và đánh máy các báo cáo tình báo do đồng nghiệp soạn mà theo deSilva, một số đang tổ chức làng mạc Việt Nam thành những đạo quân do thám nhỏ hoạt động của đối phương.

    Lá thư ngày 7 Tháng Mười, 1964, nữ mật thám cho gia đình biết cô tham gia câu lạc bộ thể thao Cercle Sportif (nay là Câu lạc bộ Lao động), nơi có hồ bơi và các sân quần vợt. Cô còn là thành viên của hội kín “các nhà ngoại giao cấp cao và viên chức CIA”. Không lâu trước Lễ Tạ Ơn 1964, Robbins và một nhân viên CIA khác đến thành phố biển Nha Trang, nơi có một trạm CIA với khá đông nhân viên. Tại đây, cô gặp lính Bộ binh Mỹ Bill McDonald. Hai người thuê một con tầu đánh cá, nằm úp mặt phơi nắng và chụp ảnh. Trong ảnh, McDonald mỉm cười, chân đưa lên như con nít.

    “Năm 2010 chồng tôi qua đời ở độ tuổi 66 nhưng ông không bao giờ quên được phút giây lãng mạn đó” – Karen McDonald, vợ thứ 3 của McDonald hiện là trợ lý cho một luật sư tại Arizona nói. Khi mạng internet phát triển theo hướng cá nhân hoá, McDonald đưa bức ảnh lên trang web tưởng nhớ Robbins. “Năm tháng trôi qua, tôi vẫn không thể quên được thời gian ngắn ngủi tôi và Barbara ở bên nhau. Cô ấy thường xuất hiện trong các giấc mơ của tôi” – McDonald viết trong một email được vợ ông tìm thấy trong “inbox” hộp thư điện tử năm 2010.

    Nhưng còn có một người đàn ông khác, một lính Không quân 21 tuổi quê ở Texas tên Doug Johnson, một người rất quan trọng trong cuộc sống của Robbins. Lá thư 23 Tháng Hai, 1965 viết: “Con thích anh ấy hơn tất cả những người đàn ông con đã gặp. Anh ấy cũng yêu bowling, bơi lội và chơi trong đội bóng chày của căn cứ Không quân.” Không lâu sau ngày quen nhau, hai người gặp nhau thường xuyên vào ban đêm, nhất là khi Johnson chỉ còn khoảng một năm là xuất ngũ. Lá thư 6 Tháng Ba, 1965 viết: “Con không hề chuẩn bị tinh thần khi đi chơi với Doug vào đêm Chủ Nhật tuần trước, và anh ấy hỏi cưới con. Con không tin là có một đề nghị như thế dù thâm tâm con vẫn mong nó đến”.

    Nhưng vài ngày sau, Robbins tìm cách “lần lữa” với lời cầu hôn. Cô viết: “Con không dám nghĩ cả đến việc đính hôn. Nói vậy để cho cha mẹ thấy dù cách xa nửa vòng trái đất, không có cha mẹ bên cạnh, con gái của cha mẹ vẫn biết những cái chưa nên hay không nên làm trong thế giới này. Con tin là dù bất cứ trường hợp nào xảy ra, Johnson vẫn còn yêu con rất nhiều.”

    Cái chết không được báo trước

    Xế trưa ngày 30 Tháng Ba, 1965, các nhân viên CIA trong Đại sứ quán Mỹ bỗng nghe có nhiều tiếng ồn ở bên ngoài trạm gác. Rosemary Dunn, Evelyn Flagg, Dorothy Peters và Robbins đi đến phòng phó trạm để nhìn xuống đường qua cửa sổ. Họ thấy một chiếc Citroen đậu bên ngoài, nắp động cơ mở trong khi lái xe người Việt Nam cãi nhau với cảnh sát. Viên tài xế được lệnh đi nơi khác. Khi anh ta từ chối, cảnh sát nổ súng. Ngay lúc đó, một người Việt khác đi chiếc scooter tiến đến cạnh viên tài xế và bắn vào cảnh sát. Đó cũng là lúc Dunn thấy khói trắng bốc lên từ chiếc Citroen mà cô không biết rằng bên trong chứa 150 ký chất nổ plastic.

    Dunn, hiện sống tại Sarasota, Florida. Peters, 78 tuổi, sống tại Leesburg nhớ lại việc mình vừa chạy vào phòng vừa hỏi “Pháo bông?” và chỉ vài giây trước tiếng nổ, bà nhìn vào Robbins, lúc đó mặc chiếc váy màu xanh lá lợt và khoác chiếc áo choàng mầu vàng. “Tất cả những gì tôi còn nhớ là Barbara đang cầm một cây bút chì. Tôi quay sang cô ấy và lãnh một số mãnh kính vỡ, nay là những vết sẹo.” Peters kể.

    Phản ứng tự nhiên khiến mọi người thoái lui. Những mảnh vỉ sắt và cửa sổ bắn vào như dao sắc. Máy điều hoà văng tung toé như bom. Không ai nghe thấy tiếng Robbins. Họ chỉ nghe Dunn đọc kinh cầu Đức Mẹ “Hail Mary”.
    Hiện trường vụ nổ bom ngày 30 Tháng ba, 1965. Ảnh: US Army
    Xe bom giết Robbins, một người Mỹ nữa – Castillo, và nhiều người Việt. Ngoài ra còn hơn 100 người bị thương. Tên của Robbins và ảnh cô tràn ngập trang bìa nhiều tờ báo Mỹ như Washington Daily News, Stars and Stripes, New York Daily News. Tất cả đều gọi cô là “nhân viên bộ ngoại giao”. Xác của cô được đưa về Denver, và lễ tang tổ chức ngày 3 Tháng Tư, 1965. Tổng thống Lyndon B. Johnson và Ngoại trưởng Dean Rusk gửi điện tín chia buồn với gia đình.

    Năm đó, Bộ Ngoại giao Mỹ có buổi lễ tôn vinh Robbins, ghi tên cô lên tấm biển tại hành lang chính. Warren tin rằng cha mẹ ông biết con gái mình là nhân viên CIA không lâu sau khi cô bị giết. “Cuối thập niên 1960, cha tôi thường nói với tôi như thế. Tôi hối tiếc là mình đã không tìm hiểu thêm về vấn đề này” – anh nhớ lại. Năm 1974, gia đình không biết CIA vừa khánh thành “Wall of Honor” (Bức tường Danh dự) và gắn 31 ngôi sao (giấu tên) ghi công các nhân viên CIA đã bỏ mình khi làm nhiệm vụ, kể cả Robbins. Cô cũng là phụ nữ đầu tiên được gắn sao trên tường. Phải chờ đến năm 1987, CIA mới tổ chức nghi lễ tưởng niệm hàng năm trong nội bộ cho những người có tên trên Wall of Honor. Và đến đầu thập niên 1990, CIA chính thức mời gia đình các “sao” đến dự nghi lễ, phá lệ “chỉ dành cho người trong nhà”.

    Một bức ảnh Quân đội Hoa Kỳ chụp từ buổi lễ tưởng niệm được tổ chức tại nhà nguyện Tân Sơn Nhứt ở Sài Gòn, Việt Nam, để vinh danh Barbara Robbins và Thủ kho Hải quân Hoa Kỳ hạng 2 Manolito W. Castillo. Robbins và Castillo thiệt mạng trong vụ đánh bom Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam năm 1965. Ảnh: US Army.
    Từ “Wall of Honor” đến “Book of Honor”

    Khi gia đình Robbins tham dự lần đầu nghi lễ Wall of Honor, CIA cũng lần đầu tiên đọc lớn tên những người được tôn vinh trong buổi lễ, cả những tên chưa được đưa vào Book of Honor. Trên trang web của mình, CIA cho biết được gắn sao lên tường là các nhân viên đã “hy sinh” thuộc đủ lĩnh vực; từ nhân viên mật, đến nhà phân tích tin tình báo, các nhân viên hỗ trợ và kỹ thuật, cùng các “nhà thầu” (contractor) được cơ quan thuê mướn. Tại nghi lễ Wall of Honor năm 1995, cha mẹ Barbara hỏi tại sao tên con gái họ không được đưa vào Book of Honor. Trong một lá thư mà Warren còn giữ, một nhân viên CIA trả lời: “Tôi đã kiểm tra hổ sơ lưu và tìm thấy tên con gái ông bà không được đưa vào Book of Honor là vì các lý do không thể tiết lộ”.

    Wall of Honor của CIA, nơi Barbara Annette Robbins được khắc tên. Ảnh: Inteltoday.org
    Trong một tuyên bố, phát ngôn viên CIA Todd Ebitz cho biết cơ quan không thảo luận về các “phương thức đặc biệt mang tính nội bộ và mật”. Ông cũng không giải thích lý do tại sao phải chờ đến năm 2011, Robbins mới được đưa vào Book of Honor.

    Cha của Robbins chết năm 1998 vì ung thư, còn người mẹ chết năm 2008. “Suốt nhiều năm, cha mẹ tôi luôn đau đáu với câu hỏi không lẽ chị tôi chỉ là một thư ký quèn của Bộ Ngoại giao?” Warren hồi tưởng.

    Cuối cùng, đến Tháng Năm, 2011, không lâu trước nghi lễ Wall of Honor hàng năm, Warren nhận được cuộc gọi từ CIA cho biết tên của chị ông đã được đưa vào Book of Honor. “Tôi như cất được gánh nặng,” Warren kể lại.

    (Tham khảo The Atlantic Unbound)
    Attached Files
Working...
X