Announcement

Collapse
No announcement yet.

Năm định luật cơ bản về sự ngu ngốc

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Năm định luật cơ bản về sự ngu ngốc





    06/10/20

    Sau nhiều năm nghiên cứu, Carlo Cipolla đã tổng kết được 05 định luật phổ quát dành cho bất kỳ xã hội nào. Hóa ra, bản thân sự ngu ngốc nguy hiểm hơn nhiều so với những gì ta thường nghĩ về nó.

    Định luật 01: Người ta luôn đánh giá thấp số lượng những kẻ ngu xung quanh mình.

    Câu này nghe có vẻ hợm hĩnh và nhàm, nhưng cuộc sống đã chứng minh là đúng thế. Cho dù bạn đánh giá mọi người thế nào, bạn sẽ liên tục gặp phải những tình huống sau:
    • Người luôn trông thông minh và lý trí hóa ra lại là một thằng ngu đáng kinh ngạc;
    • Kẻ ngu luôn xuất hiện ở những nơi không ngờ nhất vào những thời điểm không thích hợp nhất để phá hỏng kế hoạch của bạn.

    Định luật 02: Xác suất một người là ngu ngốc không phụ thuộc vào bất kỳ phẩm chất nào khác của anh/chị ta.

    Nhiều năm quan sát và thử nghiệm đã khẳng định với tôi ý tưởng rằng con người không bình đẳng, một số ngu ngốc, một số khác thì không, và phẩm chất này là do tự nhiên chứ không phải do yếu tố văn hóa. Một người có thể ngu ngốc cũng như có thể có tóc hung hoặc nhóm máu A. Có thể nói, được sinh ra thế bởi ý chí của Tạo hóa.

    Giáo dục không liên quan gì đến xác suất xuất hiện của số kẻ ngu trong xã hội. Điều này đã được khẳng định bởi nhiều thử nghiệm ở các trường đại học trên năm nhóm: sinh viên, nhân viên văn phòng, nhân viên phục vụ, nhân viên hành chính và giảng viên. Khi tôi phân tích nhóm có trình độ thấp, số người ngu nhiều hơn tôi chờ đợi (Định luật 01), và tôi đã cho rằng nguyên nhân là do các điều kiện xã hội: nghèo đói, phân biệt đối xử, thiếu giáo dục. Nhưng khi đi lên các nấc thang xã hội, tôi thấy tỷ lệ trong nhóm cổ cồn trắng và sinh viên cũng rứa. Ấn tượng nhất là khi thấy nhóm các giáo sư cũng y sì – cho dù ở một trường cao đẳng tỉnh lẻ hay một trường đại học lớn, thì tỷ lệ giáo sư là những kẻ ngu vẫn như nhau. Vô cùng ngạc nhiên trước kết quả đó, tôi quyết định tiến hành thử nghiệm với tầng lớp trí thức nhất – những người đoạt giải Nobel. Kết quả đã khẳng định sức mạnh siêu việt của tự nhiên: tỷ lệ ngu trong số những người đoạt giải Nobel cũng vẫn thế.

    Ý tưởng được trình bày trong Định luật 02 thật khó chấp nhận, nhưng nhiều thí nghiệm đã xác nhận tính đúng đắn của nó chắc như bê tông cốt thép. Những người theo nữ quyền sẽ ủng hộ Định luật 02, vì theo đó số kẻ ngu ở phái nữ không hơn số kẻ ngu ở phái nam. Cư dân của các nước lạc hậu cũng cảm thấy được an ủi, vì thực tế là các nước phát triển cũng không phát triển cho lắm. Kết luận của Định luật 02 khiến ta rùng mình: dù chuyển đến xã hội thượng lưu ở Anh quốc hay đến Polynesia với thổ dân săn đầu người, dù giam mình trong một tu viện hay dành phần đời còn lại trong sòng bạc đầy gái làng chơi, bạn đều sẽ phải đối mặt với cùng một số lượng kẻ ngu, và số này sẽ luôn vượt quá chờ đợi của bạn (Định luật 01).

    Định luật 03: Kẻ ngu là người mà hành động của họ dẫn đến tổn thất cho một người hoặc một nhóm người khác, đồng thời không mang lại lợi ích cho bản thân họ, hoặc thậm chí gây tổn hại cho chính họ.

    Định luật 03 giả định rằng tất cả mọi người được chia thành 4 nhóm: người đáng thương (H – helpless), người thông minh (I – Intelligent), kẻ cướp (B- bandit) và kẻ ngu (S – stupid):
    Nguồn: wikipedia, bài Carlo M. Cipolla
    Nếu X làm một hành động mà do đó anh ta chịu thua lỗ và đồng thời có lợi cho Y, thì anh ta thuộc về nhóm đáng thương (vùng H). Nếu X làm điều gì đó có lợi cho cả anh ta và Y, thì anh ta thông minh, bởi vì đã hành động thông minh (vùng I). Nếu hành động của X có lợi cho anh ta, và Y phải gánh chịu hậu quả, thì X là một kẻ cướp (vùng B). Và cuối cùng, kẻ ngu X ở vùng S, trong vùng mà cả 2 bên đều thiệt hại.

    Không khó để tưởng tượng mức độ thiệt hại mà những kẻ ngu có thể gây ra khi họ tham gia vào chính phủ và có quyền lực chính trị hay xã hội. Nhưng cần phải làm rõ, điều gì khiến kẻ ngu trở nên nguy hiểm?

    Những kẻ ngu rất nguy hiểm bởi vì những người lý trí khó hình dung ra logic của những hành vi phi lý. Một người thông minh có thể hiểu được logic của một tên cướp, bởi vì kẻ cướp có lý trí – hắn chỉ muốn có nhiều tiền và không đủ thông minh để kiếm được bằng con đường tốt đẹp. Tên cướp có thể đoán được, vì vậy bạn có cách phòng thủ. Nhưng không thể đoán trước được hành động của kẻ ngu, hắn sẽ hại bạn mà không cần lý do, không mục tiêu, không kế hoạch, ở nơi không ngờ nhất, vào thời điểm không thích hợp nhất. Bạn không có cách nào để biết khi nào một kẻ ngu sẽ tấn công. Trong cuộc đối đầu với kẻ ngu, số phận người thông minh hoàn toàn phụ thuộc vào lòng thương xót của kẻ ngu – một sinh vật hành động ngẫu nhiên, không có quy tắc rõ ràng để kẻ thông minh có thể hiểu.

    Một cuộc tấn công của kẻ ngu thường khiến bạn bất ngờ. Ngay cả khi cuộc tấn công trở nên rõ ràng, rất khó để chống lại vì nó không có cấu trúc hợp lý. Vì thế mà Schiller đã viết: “Ngay cả các vị thần cũng bất lực trước sự ngu ngốc.”

    Định luật 04: Những người không ngu ngốc luôn đánh giá thấp khả năng phá hoại của những kẻ ngu. Đặc biệt, những người không ngu thường quên rằng dây dưa với một kẻ ngu, mọi lúc, mọi nơi và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, là một sai lầm sẽ phải trả giá đắt trong tương lai.

    Những kẻ đáng thương ở vùng H thường không thể nhận ra sự nguy hiểm của những kẻ ngu trong vùng S, điều này dễ hiểu. Điều đáng kinh ngạc là kẻ ngu cũng bị đánh giá thấp bởi những người thông minh I và những tên cướp B. Trước sự hiện diện của một kẻ ngu, họ thư giãn và tận hưởng sự vượt trội về trí tuệ của mình, trong khi lẽ ra cần khẩn trương cảnh giác để giảm thiểu tối đa thiệt hại một khi kẻ ngu làm gì đó.

    Một định kiến ​​phổ biến là cho rằng kẻ ngu chỉ làm hại chính mình. Không. Đừng nhầm lẫn kẻ ngu với hội đáng thương H. Đừng bao giờ tham gia vào liên minh với những kẻ ngu, nghĩ rằng bạn có thể sử dụng chúng cho lợi ích của riêng mình – nếu làm điều này, thì rõ ràng bạn không hiểu bản chất của sự ngu ngốc. Khi đó, chính bạn cung cấp cho kẻ ngu một sân chơi mà hắn có thể đi lang thang và gây ra vô số thiệt hại.

    Định luật 05: Kẻ ngu là loại người nguy hiểm nhất.

    Hệ quả: Kẻ ngu còn nguy hiểm hơn kẻ cướp.

    Kết quả hành động của tên cướp lý tưởng đơn giản là chuyển của cải từ người này sang người khác. Xã hội nói chung không ảnh hưởng gì. Nếu tất cả thành viên của xã hội đều là những tên cướp lý tưởng, nó sẽ lặng lẽ thối rữa, nhưng không xảy ra thảm họa. Toàn bộ hệ thống sẽ được đơn giản hóa thành việc chuyển giao của cải sang những người kẻ hành động vì điều này, và vì mọi người đều là những kẻ cướp lý tưởng, nên hệ thống sẽ được hưởng sự ổn định. Điều này dễ nhận thấy ở bất kỳ quốc gia nào mà chính phủ thì tham nhũng còn người dân thì thường xuyên lách luật.

    Khi kẻ ngu xuất hiện, bức tranh sẽ thay đổi hoàn toàn. Họ gây tổn thất mà không thu được lợi ích. Của cải bị tiêu diệt, xã hội bị nghèo túng. Lịch sử xác nhận rằng ở bất kỳ thời kỳ nào, một quốc gia sẽ tiến bộ khi có đủ những người thông minh nắm quyền để kiềm chế những kẻ ngu đang hoạt động và ngăn chúng phá hủy những gì mà những người thông minh đã tạo ra. Ở một đất nước đang thoái trào, số lượng kẻ ngu vẫn thế, nhưng trên tầng chóp bu, tỷ lệ những tên cướp ngu ngốc gia tăng, còn trong xã hội thì gia tăng những kẻ đáng thương ngây thơ. Sự thay đổi cán cân như vậy luôn làm tăng hậu quả tàn phá từ hành động của những kẻ ngu, và cả đất nước đi đời.


    Phan Phuong Dat

  • Font Size
    #2
    Click image for larger version

Name:	01.jpg
Views:	27
Size:	58.9 KB
ID:	9827

    Comment

    Working...
    X