Announcement

Collapse
No announcement yet.

Những đứa trẻ Việt Nam bị gia đình ép đi “chữa” đồng tính

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Những đứa trẻ Việt Nam bị gia đình ép đi “chữa” đồng tính


    Khi niềm tin đồng tính vẫn là một căn bệnh còn phổ biến với nhiều gia đình, cuộc sống của nhiều đứa trẻ trong độ tuổi vị thành niên trở thành cơn ác mộng, kéo dài cho đến những năm tháng trưởng thành.

    Bài phóng sự điều tra của phóng viên báo Doanh Nghiệp Tiếp thị cho thấy một góc khuất đáng sợ.

    Ở bên ngoài, Tùng trông tươi tắn và rạng rỡ như nhiều thanh niên khác ở độ tuổi 25. Ít ai biết rằng, cậu mới dừng việc dùng thuốc trầm cảm chỉ cách đây 2 tháng. Ba năm phải liên tục đi điều trị tâm lý, dùng thuốc là ba năm cuộc sống của Tùng hoàn toàn bị xáo trộn. Nhưng với Tùng, đi điều trị tâm lý vẫn còn “may mắn” hơn những buổi bị mẹ ép đưa đi “chữa bệnh đồng tính.”

    Ông bác sĩ tự xưng là chuyên trị bệnh đồng tính cứ hỏi đi hỏi lại Tùng “cháu thích con trai lâu chưa?”, “cháu có biết như vậy là sai không?”, “cháu có biết đấy là bệnh không?”

    Mẹ đưa em tới đó vài lần nhưng ông bác sĩ nói “bệnh này không chữa được nữa, thằng bé để lâu quá rồi.” Thế mà bà mẹ cũng tin, rồi bà dọa nếu không chữa được bệnh đồng tính cho Tùng sẽ đưa em lên chùa, bao giờ cho thành người bình thường thì bà cho em về.

    Bà mẹ phát hiện Tùng đồng tính khi em học năm 2 đại học. Một người họ hàng nhìn thấy Tùng đăng ảnh chung với bạn trai lên Facebook. Bà quyết tâm đưa con đi “chữa bệnh” đồng tính.

    Những buổi chữa trị kiểu đó khiến Tùng rơi vào trầm cảm, vừa hoảng sợ vừa lo lắng và tự hoài nghi chính mình. Để được yên ổn với gia đình, Tùng chấp nhận “tạm dừng việc đồng tính” của mình lại, ít nhất cho đến khi tốt nghiệp đại học để có thể ra trường và sống tự lập. Đó cũng là thời gian, cậu rơi vào khủng hoảng tinh thần và phải dùng đến thuốc điều trị tâm lý.



    Tương tự như Tùng, tuy mới là học sinh lớp 12 nhưng Mai đã có “thâm niên” hơn một năm phải sống trong những dằn vặt, dọa dẫm đưa đi “khám bác sĩ” từ mẹ sau khi bà đọc trộm tin nhắn của con gái và phát hiện Mai đang quen với một bạn gái khác. Mai kể:

    “Mẹ em gọi em là đồ lệch lạc giới tính, mẹ bảo nhà này không có cái gái chả ra gái, con gái thì phải thích con trai chứ ai lại thích con gái. Mẹ bảo mày không bỏ đi thì tao cho mày ở nhà lấy chồng luôn.”

    Ở quê mà đi lấy chồng coi như chấm hết một cuộc đời, Mai sợ quá nên đành chia tay tình yêu.

    Đến bây giờ, khi đã “yên phận” với cuộc sống bình thường đằng sau lớp tủ để tránh việc phải đi bác sĩ điều trị như mẹ từng dọa, thậm chí là “đi thầy tà, thầy cúng” như em từng được nghe nhiều người kể, Mai nhận ra rằng đồng tính không phải một điều gì sai trái. Nhưng những lời nói của ba mẹ vẫn thỉnh thoảng khiến em thấy rùng mình về một viễn cảnh khi công khai trực tiếp với gia đình.

    Hàng trăm câu chuyện tương tự như Tùng và Mai được chia sẻ tới dự án “Leave with Pride”, chất đầy những nỗi buồn của các bạn trẻ bị gia đình ép đi “chữa” bệnh đồng tính. Một bạn viết:

    “Gia đình mình luôn cho rằng mình là đứa không bình thường, bị “bệnh” và cần phải đi điều trị tâm lí. Ngoài ra bố mẹ mình bảo mình là đứa bất hiếu, chỉ biết nghĩ đến bản thân không nghĩ gia đình vì bố mẹ cho rằng khi họ hàng, xã hội biết mình đồng tính, họ sẽ có thái độ kì thị, khinh thường mình và ảnh hưởng tới bố mẹ và dòng họ. Hiện giờ, mẹ mình đang cố tìm một trung tâm điều trị tâm lí và cả trăm triệu để chữa trị ‘bệnh’ đồng tính.”

    Một cách nữa mà phụ huynh dùng là thu tất cả máy, vào nick mạng xã hội của con cái để đọc rồi lôi ra để mỉa và tự động đăng nhập vào facebook của con để block tất cả các mối quan hệ mà họ cho là sai trái.



    Không chỉ có những bà mẹ mới có suy nghĩ sai lầm như thế, có những ông bố hành hạ, chửi bới con thậm tệ hơn mẹ khi phát hiện ra con mình đồng tính.

    Theo nghiên cứu “Có phải bởi vì tôi là LGBT” của Viện iSEE được thực hiện vào năm 2015, cứ 5 người LGBTQ+ có 1 người bị gia đình ép buộc đi bác sĩ, thậm chí cứ 10 người được hỏi thì có 1 người từng bị gia đình đưa đi gặp thầy tà, thầy cúng để chữa trị. Kết quả từ nghiên cứu cho biết, ép buộc thay đổi ngoại hình, cử chỉ (62.9%) và la mắng, gây áp lực (60.2%) là các hành vi phổ biến nhất mà người LGBT gặp phải trong gia đình của mình. Các hành vi bạo lực như bị nhốt, cầm giữ, ép buộc hay gợi ý rời khỏi gia đình, bị đánh đập chiếm khoảng 13-14% tổng số người tham gia khảo sát.

    Ở thời điểm hiện tại, khi đang trong những năm tháng cuối cùng của trung học, Mai không muốn nghĩ tới tranh cãi với ba mẹ hay nỗi ám ảnh từ những lời dọa dẫm, khủng hoảng tinh thần. Em muốn tập trung vào học để có thể rời quê, sớm lên thành phố học đại học. Với em, đó sẽ là bước đầu tiên để thoát khỏi nỗi sợ đi “chữa đồng tính”.

    “Khi ở tuổi này, mẹ vẫn nghĩ việc em thích một bạn cùng giới khác là đua đòi, đú đởn, học theo mấy thói hư tật xấu rồi bị ‘lây’. Em chỉ mong khoảng vài năm nữa, ở lứa tuổi mà mẹ em có thể công nhận là chín chắn và trưởng thành hơn, em có thể ngồi nói chuyện với mẹ để mẹ hiểu. Có những thứ mình không sai, cha mẹ cũng không sai – chỉ vì họ không hiểu mà thôi.”

    Sẽ cần rất nhiều thời gian để phụ huynh có thể hiểu về con cái một cách thấu đáo và cũng sẽ cần ngần đó thời gian để Tùng, Mai và rất nhiều bạn trẻ có thể vượt qua ám ảnh về việc đi “chữa bệnh”. Cả hai hành trình đều khó khăn và chông chênh với hy vọng có thể tìm được điểm giao của sự thấu hiểu, trong một tương lai không xa. (Theo Doanh Nghiệp Tiếp Thị)
    Attached Files
Working...
X