Announcement

Collapse
No announcement yet.

Trân Châu Cảng và cuộc đột kích sấm sét của quân đội Thiên Hoàng

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Trân Châu Cảng và cuộc đột kích sấm sét của quân đội Thiên Hoàng

    80 năm trận chiến Trân Châu Cảng

    Sáng 7 Tháng Mười Hai 1941, Jeff Maner ngồi trên boong tàu USS Dobbin. Vận quần cộc trắng và áo thun, Jeff Maner đang đọc quyển Mutt & Jeff. Bất ngờ, một toán máy bay Nhật lao đến…

    Cuộc tấn công hoàn toàn bất ngờ, xảy ra hai đợt – cuộc oanh kích thứ nhất diễn ra lúc 7 giờ 53 và lần hai lúc 8 giờ 55. Ðến 9 giờ 55, cuộc tấn công kết thúc.

    1 giờ trưa, các chiến hạm và máy bay Nhật quay trở về, bỏ lại 2,403 xác lính Mỹ, 1,178 người bị thương, 347 máy bay hỏng và một hạm đội què quặt với 18 tàu chiến thiệt hại nặng nằm chỏng chơ tại Thái Bình Dương.

    Ðang dùng bữa trưa trong Phòng Bầu dục, Tổng thống Franklin D. Roosevelt nhận được tin vụ tấn công…

    Tàu USS Arizona tan nát sau đợt tấn công vũ bão của quân đội Thiên Hoàng ngày 7 Tháng Mười Hai 1941 (ảnh: HUM Images/Universal Images Group/Getty Images)


    Bối cảnh

    Chiến tranh đang nổ ra và Mỹ chưa chính thức vào cuộc. Tại châu Âu, việc quân Ðức chiếm Ba Lan năm 1939 đã tung Anh và Pháp lên chảo dầu chiến sự. Ðến trước mùa xuân 1940, Ðức càn quét vào Ðan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Bỉ và chốt tại chiến tuyến Maginot – pháo đài bảo vệ Pháp ở biên giới Ðông-Bắc. Ngày 22 Tháng Sáu 1940, Pháp thất thủ và ngày 10 Tháng Bảy, cuộc chiến ở Anh bắt đầu. Mỹ vẫn chưa động tịnh. Ở châu Á, quân Nhật đang tung hoành. Mùa hè 1940, Chính phủ Nhật – gồm toàn gương mặt quân phiệt, đặc biệt Bộ trưởng chiến tranh Tojo Hideki (mệnh danh “con diều hâu tàn bạo nhất phương Ðông”) – quyết định rằng Nhật sẽ liên minh với Ðức.

    Ðến cuối năm, Nhật củng cố thế mạnh bằng việc có mặt trong Hiệp ước tay ba ký với Ðức và Ý, theo đó, nếu bất cứ nước nào trong bộ tam bị tấn công thì hai nước kia ra tay giúp. Phe Trục ra đời. Trong cùng thời gian, căng thẳng giữa Tokyo và Washington quanh chuyện Trung Quốc ngày càng xấu. Ngày 7 Tháng Một 1941, Ðô đốc Isoroku Yamamoto tung ra bản “Các quan điểm về việc chuẩn bị cho chiến tranh” trong đó có một kế hoạch gây kinh ngạc ngay trong bộ sậu quân phiệt Nhật: tấn công bất ngờ hạm đội Mỹ ở Trân Châu Cảng (TCC). Ba tuần từ khi Yamamoto tung ra bản đề cương quân sự, tin đồn tấn công TCC lọt đến tai đại sứ Mỹ tại Nhật Joseph C. Grew. Ðánh điện về Washington, Grew viết: “Ðồng sự Peru của tôi cho biết ông ấy đã nghe từ nhiều nguồn tin rằng Nhật đang lập kế hoạch tấn công tổng lực tại TCC bằng mọi khả năng quân sự có thể của họ”.

    Đô đốc Isoroku Yamamoto, 1884-1983 (ảnh: Hulton Archive/Getty Images)


    Ngày 17 Tháng Mười Một 1941, Yamamoto đọc diễn văn trước các gương mặt chủ chốt thuộc Phi đội không quân thứ nhất trên tàu Akagi: “Dù hy vọng đạt được thành công từ yếu tố bất ngờ nhưng chúng ta phải chuẩn bị đối phó sự kháng cự dữ dội của Mỹ trong chiến dịch này”.

    Trong cùng thời gian, tại Hawaii, Lễ tạ ơn trôi qua bình yên. Ðèn Giáng sinh bắt đầu treo lủng lẳng tại Fort Street ở Honolulu. Ðêm 6 Tháng Mười Hai, tướng Walter C. Short – chỉ huy trưởng Bộ tư lệnh Hawaii – hướng mắt ra biển, ngắm vẻ đẹp của những ngọn đèn nhấp nháy trên các tàu chiến đằng xa…

    Phi công Nhật trước khi thực hiện cuộc tấn công Trân Châu Cảng (ảnh: Roger Viollet/Getty Images)


    Franklin D. Roosevelt biết trước những gì?

    Trong bài Pearl Harbor: The facts behind the fiction viết trên tờ The New American, tác giả James Perloff khẳng định rằng Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã biết trước kế hoạch tấn công TCC nhưng cố tình để thảm kịch xảy ra nhằm có cớ bước vào cuộc chiến. James Perloff nói thêm dụng ý của Roosevelt suýt bị tiết lộ hồi năm 1940 khi Tyler Kent – thư ký phòng mật mã tại Tòa đại sứ Mỹ ở Luân Ðôn – khám phá các bức điện bí mật trao đổi giữa Tổng thống Roosevelt và Thủ tướng Churchill, mang nội dung rằng Mỹ sẵn sàng bước vào cuộc chiến giúp Anh (đang bị Ðức tấn công).

    Kent cố tuồn vài trong số các tư liệu ra khỏi Tòa đại sứ nhưng bị bắt và xử trong một phiên tòa bí mật ở Anh và bị nhốt cho đến kết thúc cuộc chiến. Không chỉ James Perloff, trong quyển Day of deceit: The truth about FDR and Pearl Harbor, cựu sĩ quan hải quân Mỹ Robert B. Stinnett cũng nói rằng kế hoạch tham chiến của Roosevelt bắt đầu từ bản ghi nhớ của Arthur H. McCollum – chỉ huy Phòng tình báo hải quân Viễn Ðông, trong đó nêu tám hành động mà Washington có thể chọc tức để lừa Nhật vào bẫy (tức tấn công TCC – nơi vốn có hệ thống phòng thủ yếu), nhằm tạo cớ cho Mỹ chính thức bước vào cuộc chiến.

    Vài trong tám hành động đó là phong tỏa tài sản Nhật tại Mỹ, khóa cửa kênh đào Panama đối với tàu Nhật, ngưng xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu cho Nhật, gửi một lá thư đến đại sứ Nhật mang nội dung đe dọa quân sự nếu Tokyo không thay đổi chính sách Ðông Nam Á. Ngày 26 Tháng Mười Một 1941 (11 ngày trước vụ tấn công TCC), Mỹ còn gửi một tối hậu thư, yêu cầu Nhật rút toàn bộ quân khỏi Trung Quốc và Ðông Dương…

    Tin vụ tấn công Trân Châu Cảng làm bàng hoàng thế giới (Getty Images)

    Bài viết của James Perloff nói trên hay trong bài Pearl Harbor – What really happened của Robert Sullivan đăng trên Time đều nói rằng Mỹ từng giải được các mật mã mật danh “Purple” của giới ngoại giao Nhật và toàn bộ thông tin đều được dịch, gom thành bộ tài liệu có tên “Magic”. Các bản sao “Magic” được gửi cho Tổng thống Roosevelt cùng các bộ chính yếu trong nội các.

    Ngày 9 Tháng Mười 1941, Bộ chiến tranh Mỹ nắm trong tay bản giải mã bức điện từ Tokyo gửi đến Honolulu, yêu cầu Tổng lãnh sự Nhật tại đó phân TCC thành năm vùng và báo cáo chính xác vị trí các tàu Mỹ (chi tiết này cũng có trong bài Blamed for Pearl Habor trên tờ U.S. News & World Report của tác giả Andrew Curry). Ngoài ra, một điệp viên nhị trùng tên Dusko Popov (làm việc cho Ðức lẫn phe Ðồng minh) sau khi được Ðức phái đến do thám TCC cũng đã báo cáo lại cho Cơ quan điều tra liên bang Mỹ (FBI) về nguy cơ TCC bị Nhật tấn công. Giám đốc FBI J. Edgar Hoover tường trình lên Tòa Bạch Ốc nhưng Tổng thống Roosevelt ra lệnh không được lan truyền thông tin trên – theo James Perloff…

    Ngoài ra, một nhân vật tên Kilsoo Haan thuộc Liên minh nhân dân Triều Tiên-Trung Quốc hồi Tháng Mười Một 1941 đã báo tin về nguy cơ TCC bị tấn công cho nghị sĩ Guy Gillette (bang Iowa), và một lần nữa, Roosevelt cũng chỉ “cám ơn” lời cảnh báo của Gillette. Tại Java, đầu Tháng Mười Hai 1941, quân đội Hà Lan giải mã được bức điện Tokyo gửi cho Tòa đại sứ Nhật tại Bangkok, nói về chiến dịch tấn công bốn vị trí trong đó có Hawaii. Thông tin này được chuyển đến giới chức quân đội Mỹ nhưng không có phản hồi…

    Ngày 29 Tháng Mười Một, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Cordell Hull – không hiểu vì lý do gì – đã bí mật gặp nhà báo Joseph Leib, đưa bản sao các bức điện giải mã “Magic” nói đến âm mưu đánh TCC của Nhật. Leib gặp Lyle Wilson – chánh văn phòng Washington của hãng United Press – nhưng Wilson từ chối không đăng (Leib đã kể lại câu chuyện này trong phim tài liệu Sacrifice at Pearl Harbor trên kênh truyền hình History Channel)…

    Tổng thống Roosevelt, đang nghỉ ở Warm Springs Foundation, được hối hả đưa trở về Washington DC ngày 30 Tháng Mười Một 1941, trước những diễn biến cực xấu trong liên quan Nhật và tình hình chiến sự Đông Nam Á (Getty Images)


    Trách ai?

    Tháng Tám 1944, khi Thế chiến thứ hai sắp kết thúc, Tòa án điều tra hải quân được thành lập, nhằm xử Ðô đốc Husband E. Kimmel và Tổng tư lệnh Hawaii Walter C. Short. Tháng Mười Một 1945, cuộc điều tra Quốc hội về nguyên nhân xảy ra thảm kịch TCC được tiến hành, với Ủy ban điều tra gồm sáu nghị sĩ Dân chủ và bốn Cộng hòa. Vụ điều tra Kimmel (chết năm 1968) và Short (chết năm 1949) còn được Quốc hội thực hiện năm 1995 do yêu cầu từ gia đình hai viên tướng.

    Ngày 1 Tháng Mười Hai 1995, trợ lý thứ trưởng quốc phòng Edwin Dorn công bố: “Tôi không thể kết luận rằng Ðô đốc Kimmel và Tướng Short là nạn nhân của các hành động không công bằng”. Tuy nhiên, ngày 25 Tháng Năm 1999, Thượng viện Mỹ cho rằng Kimmel và Short đã thực hiện tốt bổn phận và tổn thất tại TCC “không là hậu quả của sự vô trách nhiệm”.

    Ngoài các tài liệu trên, còn có quyển Scapegoats: A defense of Kimmel and Short at Pearl Harbor của cựu sĩ quan hải quân Mỹ Edward L. Beach, cũng qui kết Roosevelt. Tuy nhiên, sử gia Donald Goldstein thuộc Ðại học Pittsburgh, đồng tác giả At dawn we slept: The untold story of Pearl Harbor, không tin rằng Roosevelt – tổng thống tại vị ba nhiệm kỳ và còn được bầu nhiệm kỳ bốn, người được xem là một trong những gương mặt sáng chói của lịch sử chính trường thế giới thế kỷ 20 – lại có thể chấp nhận hy sinh hàng ngàn quân Mỹ chỉ để có cớ bước vào chiến tranh.

    Hơn nữa, theo các tài liệu trên, cáo buộc chỉ tập trung vào điểm cốt lõi: Roosevelt thật sự có thể lường trước nguy cơ TCC bị tấn công, chứ không nêu bằng chứng xác đáng về việc Roosevelt cho phép cuộc tấn công xảy ra. Nếu chỉ để giúp Anh, Mỹ chắn hẳn không làm vậy. Phải là một món lợi cực lớn thu được từ việc tham chiến thì Mỹ mới dám đánh đổi hàng ngàn mạng sống binh lính mình tại TCC và biến hai viên tướng Husband E. Kimmel và Walter C. Short thành tốt thí (scapegoat) – như cách nói của những người qui kết Roosevelt. (SGN)

    Mỹ Anh
    3 tháng 12, 2021
Working...
X