Announcement

Collapse
No announcement yet.

Đệ Nhị Hổ Cáp: Những ngày hành quân chiến trận

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Đệ Nhị Hổ Cáp: Những ngày hành quân chiến trận


    Cùng với người bạn Nguyễn Hùng (bí danh Hùng Đầu Bò) sau thời gian thực tập ở Đệ Thất Hạm Đội từ căn cứ Không quân Clark Air Base ở Phillipines, chúng tôi trở về Sài gòn vào tháng 11 năm 1970; thế rồi tôi được thuyên chuyển về Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Tuần Thám 212 (BTL/LLTT).
    Tân đáo đơn vị mới vào đầu tháng 12 năm 1970, Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Tuần Thám 212 (BTL/LLTT), tại Bình Thủy gần Cần Thơ. Sĩ Quan Phạm Ngọc Bích (Bích mập) cũng được thuyên chuyển về BTL/LLTT như tôi. Bạn Phạm Ngọc Bích về Giang Đoàn 64 Tuần Thám (GĐ64TT) đồn trú tại Tuyên Nhơn-Mộc Hóa thuộc tỉnh Kiến Phong cùng ráp gianh với tỉnh Long An (Bến Lức), còn tôi thì về Giang Đoàn 63 Tuần Thám (GĐ63TT) đồn trú tại Phước Xuyên trên Kinh Đồng Tiến thuộc vùng Đồng Tháp Mười gần các vùng Cao Lãnh, An Long và Tân Châu gần biên giới Kampuchia.

    Trong thời gian chờ đợi phương tiện để về đơn vị, chúng tôi tạm trú trong khu sĩ quan độc thân của cố vấn Mỹ trong Căn Cứ Yểm Trợ Tiếp Vận Bình Thủy (CC/YTTV/ BT). Hôm nào chán ngán đồ ăn Mỹ thì ra Cần Thơ ăn bánh cóng ở bến Ninh Kiều, hoặc ăn mì ở Tuý Quang Lầu ở gần chợ Cần Thơ sau khi đã xem ciné tại rạp Casino, hay vào chợ Bình Thuỷ ăn cơm Việt Nam, và chiều tối thì ăn bún bò Huế tại Ngã Ba Bình Thuỷ; quán có treo bức ảnh nổi tiếng "Tiếc Thương" của nhiếp ảnh gia kỳ cựu Nguyễn Ngọc Hạnh. Tôi theo Niên trưởng 19 Đinh Như Nhiên và ba chiếc PBR ra đến vùng hành quân của Giang đoàn vào lúc 3 giờ chiều ngày 12/12/1970.

    Giang Đoàn 63 Tuần Thám có nhiệm vụ chính giữ an ninh thủy lộ huyết mạch là con kinh Đồng Tiến. Kinh Đồng Tiến nối liền từ sông Cửu Long vùng Hồng Ngự chạy qua Đồng Tháp Muời, và ra tận đến sông Vàm Cỏ Đông thuộc vùng Tân An. Thông thường chúng tôi cũng tuần tiễu và hộ tống ghe thương hồ từ Phước Xuyên thuộc tỉnh Kiến Tường ra đến tận Ấp Bắc, và Cầu Kinh Mười Hai thuộc vùng Cai Lậy (quê hương của Cậu Bảnh Quần Đỏ). Đoạn từ Phước Xuyên về sông Cửu Long thì không bị rừng cây to che khuất nên hay bị đánh mìn, còn đoạn đổ ngược lên sông Vàm Cỏ thì rừng cây rậm rạp nên dễ bị phục kích.

    Giang đoàn Tuần thám được trang bị các giang tốc đỉnh loại PBR (River Patrol Boat), có vỏ làm bằng sợi thuỷ tinh (fiberglass) nên rất nhẹ và vận chuyển rất nhanh với hai động cơ loại chuyển nước thành lực đẩy (water jet propulsion) nên máy nghe rất êm, rất tốt cho những cuộc phục kích đêm. Hỏa lực mạnh với giàn 50 ly kép trước mũi, hai cây đại liên 30 hay 50 ly đơn phía lái, cùng với vũ khí cá nhân. Sau khi vào phòng ngủ sĩ quan, sắp xếp hành lý, tôi lên trình diện Chỉ Huy Trưởng (CHT)HQ Đại úy Nguyễn Thìn (K12 Hải Quân) với quân phục xanh tím Hải Quân chứ không phải trình diện với đồ tiểu hay đại lễ như ở những đơn vị khác. Tôi chào Đại úy CHT và sĩ quan hành quân là HQ Thiếu úy Trần Phước Vân (K19), vì là một đơn vị tác chiến nên thủ tục trình diện cũng rất là đơn giản, hơn nữa phòng làm việc của CHT ở ngay trong phòng hành quân.

    CHT cho biết mỗi đêm có 3 sĩ quan hướng dẫn ba toán giang đĩnh, mỗi toán gồm năm chiếc PBR, và một cố vấn Mỹ cho mỗi toán. Các điểm kích sẽ nằm dọc theo Kinh Đồng Tiến, và phối hợp yểm trợ cho các đơn vị Địa Phương Quân. Mỗi đêm đều có một trực thăng chiến đấu của Mỹ bay từ Bình Thủy, Cần Thơ (Tiểu khu Phong Dinh) đến và túc trực tại căn cứ. Theo sự phân phối của sĩ quan hành quân, tôi được ở lại căn cứ đêm hôm đó và ngày hôm sau sẽ bắt đầu đi kích trục phía Nam của căn cứ.

    Giang Đoàn 63 Tuần Thám (GĐ63TT) là một giang đoàn tân lập, các chiến đĩnh PBR đã được bàn giao cho Hải Quân Viêt Nam từ Hải Quân Mỹ trong chương trình Việt Nam hóa chiến tranh nên vẫn còn một số cố vấn Mỹ. Đêm đi kích đầu tiên, tôi họp với các thuyền trưởng PBR để thông suốt những điểm kích, và nếu cần để yểm trợ các đơn vị bạn ở trên bờ dọc theo con kinh Đồng Tiến. Tôi mặc bộ đồ bộ binh tác chiến áo dài tay để tránh muỗi, bôi thuốc ngừa muỗi, với áo giáp và nón sắt, tôi bước xuống chiếc PBR thứ ba trong năm chiếc, và viên sĩ quan cố vấn Mỹ đi chung với tôi trên cùng một chiếc.

    Đêm đầu tiên trên kinh Đồng Tiến, tôi biết thế nào là muỗi của Đồng Tháp; muỗi nhiều vô kể, nó bay từng đoàn dày đặc. Chiếc PBR phóng nhanh trên con kinh Đồng Tiến để lại những đường vệt bọt trắng xóa trên dòng nước kinh đen trong đêm tối; từng đàn muỗi đập vào mặt vào mũi tôi! Khi gần đến điểm kích, các PBR tắt máy, và từ từ thả trôi đến các vị trí đã được ấn định. Thuyền trưởng PBR báo cáo vị trí về phòng Hành Quân, và phân chia ca canh gác cho thủy thủ đoàn. Tôi thử sử dụng máy hồng ngoại tuyến để quan sát trên bờ xem tình hình chung quanh nơi kích đêm nay ra sao. Sau đó tôi ngồi nói chuyện nho nhỏ với viên cố vấn Mỹ trên hầm máy phía sau chiến đĩnh đến khuya, và chúng tôi trùm poncho ngủ ngồi cùng dựa lưng vào nhau. Đến 6 giờ sáng thì chúng tôi rời điểm kích để về lại căn cứ trong làn sương mù dày đặc của vùng Đồng Tháp Mười.

    CHT/GĐ63TTHQ Đại úy Nguyễn Thìn (K12), vào thời điểm của năm 1970, đồng thời ông cũng là một nhạc sĩ tài hoa Trường Sa, đã có những bản nhạc hay để đời như "Rồi Mai Tôi Đưa Em", "Chiều Nay Không Có Em"… Ông kể lại với chúng tôi là ngày ông mới ra trường, và khi còn là một Thiếu úy, ông đã được phục vụ trên chiếc Tuần Duyên Hạm (PGM) Trường Sa HQ-611, nên đã lấy tên Trường Sa để làm tên tác giả cho các bản nhạc của ông. Sau này ông lên Thiếu tá, và làm Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn Đặc Nhiệm Tuần Thám 212.3. Ông mới tái hôn vào năm 2007 sau 11 năm ôm nỗi sầu lẻ bóng từ khi người vợ yêu quý của ông qua đời sau một tai nạn thảm khốc ở Việt Nam. Bốn nguời con trưởng thành đã rất vui mừng với duyên mới của ông. Xin có lời chúc mừng, đến vị cựu Chỉ Huy Trưởng của tôi.

    Xin chép ở đây hai bản nhạc nổi tiếng của nhạc sĩ Trường Sa:
    RỒI MAI TÔI ĐƯA EM
    (Nhạc và Lời: Trường Sa)
    Rồi mai tôi đưa em xa kỷ niệm
    Xin lời cuối không dối gian trong mắt em
    Tình yêu cho thương đau nghe buồn thêm
    Gác vắng mưa gợi niềm chăn chiếu
    Còn đây không gian xưa quen gót lầy
    Bên hè phố cây lá thưa chim đã bay
    Ngồi nghe yêu thương đi xa tầm tay
    Giữa tiếng ru trầm vào cơn mê này
    Chiều xưa em qua đây ru hồn nắng ngủ say
    Lời yêu trót đong đầy
    Đón em thu mây bay, tiễn em xuân chưa phai
    Xót ngày vàng còn gì
    Đành đoạn rồi những lần chiều hẹn ước
    Rồi mai chân hoang vu lên phố gầy
    Tôi về nhớ trong mắt môi đã đắng cay
    Còn ai mơ trên tay khi hoàng hôn
    Vỗ giấc xuân muộn về trên môi hồng.


    Và một bài khó quên khác: CHIỀU MƯA KHÔNG CÓ EM
    (Nhạc và Lời Trường Sa)
    Chiều mưa không có em,
    Bờ đá công viên âm thầm.
    Chiều mưa không có em,
    Giăng mắc mây không buồn trôi.
    Gọi mùa thu lãng quên,
    Vào tiếng mưa rơi êm đềm.
    Trời còn mưa ướt thêm,
    Cho dài ngày tháng không tên.
    Chiều mưa không có em,
    Ðường phố quên chưa lên đèn.
    Chiều mưa không có em,
    Biết lấy ai chia hờn tủi.
    Trời mùa Thu lắm mây,
    Còn bước em đi quên về.
    Vòng tay ôm lẻ loi,
    Cho mình còn mãi thương nhau.
    Trầm lặng ngày đi qua trên đường phố rét mướt,
    Dấu chân chưa tìm về, chút kỷ niệm ngày đầu.
    Ðể từng mùa Thu đến, ra đi không mang tin
    Nỡ quên đi đành sao?
    Kể từ em vắng xa,
    Ngày tháng bơ vơ tên mình.
    Mùa thu mưa vẫn rơi,
    Không bước chân em tìm đến.
    Chuyện ngày xưa biết sao,
    Mỏi cánh chim bay phương nào.
    Còn ngày xuân ấm êm,
    Cho mình gọi tiếng yêu em …..


    Năm 1971 GĐ63TT đảm nhận thêm nhiệm vụ hộ tống tàu buôn đi lên Nam Vang, trong cuộc hành quân Trần Hưng Đạo. Sau cuộc hành quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đánh qua Cambodge, chúng tôi đã hộ tống Dương Vận Hạm HQ-504 từ Tân Châu lên tới Neak- Luong. Nơi đây, HQ-504 đã là sân đáp cho trực thăng của T.T. Nguyễn Văn Thiệu khi đi ủy lạo, và gắn huy chương cho các chiến sĩ trong cuộc hành quân này tại NeakLuong, Kampuchia.
    CHT/GĐ63TT là một cấp chỉ huy rất tốt đối với nhân viên dưới quyền, ông phân phối cho đi phép 1 tuần đều cho mọi người theo luân phiên cứ hai tháng một lần. Tôi chưa hề đụng trận, trong suốt thời gian phục vụ tại GĐ63TT.

    Tháng 06 năm 1971, tôi được điều động về Phòng 1 BTL/LLTT và được gửi đi tham dự Khoá sĩ quan Quản Trị Nhân Viên tại trường Tổng Quản Trị Bộ Tổng Tham Mưu. Tốt nghiệp khoá học, tôi về đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Nhân Sự Vụ của Phòng 1/BTL/ LLTT phụ trách việc thăng thưởng, quân kỷ cùng các hồ sơ hộ tịch, và tử tuất của BTL/ LLTT.

    Tôi vẫn còn nhớ một kỷ niệm với vị sĩ quan Nguyễn Hùng Tâm là vào năm 1972, CHT Tuần Thám 212.2 tại Bến Lức, đã đề nghị tăng thưởng cho HQ Thiếu uý Nguyễn Hùng Tâm một bằng tưởng lục. Lúc đó cả Khóa 20 đã sắp sửa có Nghị định thăng cấp trung uý vào tháng Bảy năm 1972, nên tôi có nói với Nguyễn Hùng Tâm là tôi sẽ trì hoãn bằng tưởng lục của Tâm cho đến sau khi đã được lên trung uý thì sẽ có lợi cho Tâm hơn khi cần dự tranh cấp bậc đại uý sau này.

    Tháng 11 năm 1972 tôi rời BTL/LLTT và được tân đáo Hạm Đội, phục vụ trên giang pháo hạm Lôi Công HQ-330 cùng với bạn Đàm Thanh Tâm, và có vị sĩ quan Nguyễn Thế Hùng (Hùng bạch tượng) làm cơ khí trưởng. Giang pháo hạm tuy có súng lớn nhưng cồng kềnh, xoay chuyển chậm chạp nên dễ trở thành một cái đích ngắm bắn cho Việt Cộng, và khó lái vì thượng tầng kiến trúc cao, to, và bọc gió. Tàu chúng tôi thường hoạt động vùng Năm Căn, Cà Mau và yểm trợ Vùng 4 Sông Ngòi.

    Năm 1974 tôi được đi học lớp Tổng Quản Trị tại Bộ Tổng Tham Mưu, cùng với bạn Bùi Văn Tâm. Tôi đã làm trưởng lớp trong thời gian theo học tại đây. Sau khoá học, tôi được điều về làm Trưởng ban Thuyên Chuyển Hạ Sĩ Quan tại Phòng Tổng Quản Trị BTL/HQ. Làm việc tại Phòng TQT, nhất là Ban Thuyên chuyển Hạ Sĩ Quan rất khó khăn, và có quá nhiều đụng chạm, nên tôi xin đi học lớp Tham Mưu Trung Cấp.

    Cuối tháng Tư năm 1975, tôi nhận được lệnh tân đáo Hải Đội 3 Duyên Phòng, làm thuyền trưởng chiếc tuần duyên đĩnh Huỳnh Văn Cự Coast Guard HQ-702. Chưa kịp trình diện đơn vị thì đã bị tan hàng.
Working...
X