Announcement

Collapse
No announcement yet.

Tản mạn về những ca khúc Mùa Thu bất hủ trong Nhạc Việt

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Tản mạn về những ca khúc Mùa Thu bất hủ trong Nhạc Việt

    Click image for larger version  Name:	ZZ35-1~1.JPG Views:	1 Size:	135.0 KB ID:	81894


    Khi tâm thức lạc vào cõi ảo, giòng thời gian ngưng nghỉ giữa trời mây. Khi vùng nhớ chập chờn dư ảnh, nắng vàng phai vô sắc cuối chân ngày.

    Thời gian vô lượng khúc xạ hằng hà sa số sự luân chuyển và khảm lên vòm không gian những bong bóng sắc màu.

    Đời người (có khi) cũng chỉ là sự phản ánh của những sắc màu vô định giữa vô lượng thời gian.

    Sắc màu của kiếp lai sinh, của đêm hủy diệt! Sắc màu của ngày hạnh ngộ, của buổi ly tan! Sắc màu của mùa hy vọng, của tuyết băng tràn!

    Mặt trời rải nắng phương xa, vòm xanh lấp loang màu biếc. Bóng nước đìu hiu con sóng, vấn vương gió lướt mặt hồ. Mầm xanh chầm chậm úa tàn, chuyển giao thời khắc thu sang!

    Sắc diện mùa thu muôn vàn ảo diệu, muôn vạn hóa thân. Sắc thái mùa thu muôn vạn cảm xúc, muôn vàn cung bậc.

    Phản chiếu vào phận người, mùa thu là đề tài muôn thuở, là vở kịch không có hồi kết, là bức tranh đa diện sắc màu, là phối âm vô vàn giai điệu.

    Khi là tiễn biệt, mùa thu như day dứt với rơi rơi từng chiếc lá, rơi cho đến tận cùng đau thương:

    Chiều vào thu tiễn em sầu lạnh giá
    Lá trên cành từng chiếc cuốn bay xa

    Rượu cạn ly uống say lòng còn giá
    Lá trên cành một chiếc cuối bay xa.

    (Chiếc Lá Cuối Cùng – Tuấn Khanh)


    Click để nghe Lệ Thu hát Chiếc Lá Cuối Cùng trước 1975

    https://www.youtube.com/watch?v=WUT_9w6fWAM

    Cái lạnh se se của mùa thu trở nên giá băng trong sự chia ly; rượu chuốc mềm môi từng giọt, từng giọt trở nên đắng cay rã rời, chìm vào quên lãng, rơi vào hư không cùng với mùa thu tiễn biệt.

    Khi lùi lại, bước ra bên ngoài giòng thời gian, để “nhìn những mùa thu đi”, để nhìn “lá rụng ngoài song”, ta có thể được “nghe tháng ngày chết trong thu vàng”, để rồi “buồn ôm nuối tiếc” và biết “mộng nhạt phai”.

    Và lá rụng ngoài song
    Nghe tên mình vào quên lãng
    Nghe tháng ngày chết trong thu vàng

    (Nhìn Những Mùa Thu Đi – Trịnh Công Sơn)


    Click để nghe Khánh Ly hát Nhìn Những Mùa Thu Đi trước 1975

    https://www.youtube.com/watch?v=w_RpcGFNs6c



    Tháng ngày đã chết cùng với mùa vu quy xa lạ trong thời khắc thu đi. Những “phung phí”, “đời sao buồn” là cái kết của “tình duyên đành dứt”.

    Thu đi cho lá vàng bay
    lá rơi cho đám cưới về
    Ngày mai, người em nhỏ bé
    ngồi trong thuyền hoa tình duyên đành dứt

    Có những đêm về sáng, đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi
    đã vội chi men rượu nhấp đôi môi,
    mà phung phí đời em không tiếc nhớ

    (Lá Đổ Muôn Chiều – Đoàn Chuẩn, Từ Linh)

    Click để nghe Duy Trác hát Lá Đổ Muôn Chiều (thu âm trước 1975)

    https://www.youtube.com/watch?v=Cyo1I3A8I9g


    Không chỉ là sự tiếc nuối, sự khóc tiễn, là tháng ngày đã chết, mùa thu còn “chēt” theo những tàn phai. Khi “ngắt đi một cụm hoa thạch thảo” thì cũng chính là lúc “mùa thu đã chēt rồi!”, và từ nay mãi mãi không thấy nhau trên cõi đời này! Đó chính là “mộng điệp bất khả trùng lai!” Vở kịch dường như đã khép lại, nhưng, không, nó lại được mở ra ở cuối chân trời ảo mộng, kéo dài sắc màu bi kịch:

    Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo
    Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em.


    Click để nghe Lệ Thu hát Mùa Thu Chết

    https://www.youtube.com/watch?v=CKdI0KG3vYM&t=1s

    Và khi bất chợt dừng lại, nhìn lại phận mình, để rồi ngộ ra chiếc lá mùa thu với màu vàng chết chóc dường như đang tiếp tục tàn phai cùng năm tháng. Chiếc lá vàng mùa thu, buồn như muôn thuở, buồn như vốn có, tưởng chừng đã chết, chẳng còn chuyển hóa, thì nay như đang chuyển động truyền đi thông điệp hiện sinh. Còn gì hụt hẫng, chua xót, đớn đau hơn khi phản chiếu thân phận lên sắc thu phai vào chiều quên lãng miên trường!

    Mùa xuân quá vội
    Mười năm tắm gội
    Giật mình ôi chiếc lá thu phai

    (Chiếc Lá Thu Phai – Trịnh Công Sơn)

    Trong tất cả những hóa thân của mùa thu, thì hóa thân dưới sắc thái “linh hồn” có lẽ là đớn đau, là lâm ly, là “vạn cổ sầu” nhất mà thi nhân từng ghi lại trong cõi đời này:

    Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lây
    Phòng vắng muôn bề không liếp che gió về
    Ai nức nở thương đời
    Châu buông mau
    Dương thế bao la sầu

    (Giọt Mưa Thu – Đặng Thế Phong)


    Click để nghe Thái Thanh hát Giọt Mưa Thu (thu âm trước 1975)

    https://www.youtube.com/watch?v=rpyKBkZjDVs

    Những tiếng nức nở trong đêm cô quạnh, giữa không gian tịch mịch thê lương, linh hồn nghe chừng tan rã, trái tim cơ hồ tan nát khi “nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu, ai khóc ai than hờ!”

    Mùa thu là sầu lạnh giá, là tiễn biệt mùa vu quy, là chiếc lá cuối cùng tàn phai rơi vào quên lãng, là linh hồn ai oán vạn cổ sầu. Mùa thu có thể là nguyên nhân của tháng ngày đã chết, và bản thân mùa thu cũng có thể đã chết mãi mãi khi đôi tình nhân chẳng thể tương phùng.

    Và trong “Lá Đổ Muôn Chiều” thi nhân còn đặt nghi vấn, những chiếc lá như những giọt nước mắt phân ly:

    Lá đổ muôn chiều ôi lá úa,
    phải chăng là nước mắt người đi

    Nhưng khi mùa thu ám vận vào một cá thể, dưới đôi mắt thi nhân, thì mùa thu trở nên “người” hơn. Đó là “nước mắt mùa thu” khóc thương cho phận người, khóc cho cuộc tình, cuộc đời tha nhân.

    Nước mắt mùa Thu khóc ai trong chiều,
    bằng cây trút lá nghĩa trang đìu hiu,
    từng chiếc từng chiếc lệ khô vàng héo,
    buồn cho từng kiếp nằm trong mộ réo tên người, (đời quên)
    nước mắt mùa Thu khóc thương triền miên

    (Nước Mắt Mùa Thu – Phạm Duy)


    Click để nghe Lệ Thu hát Nước Mắt Mùa Thu (thu âm trước 1975)

    https://www.youtube.com/watch?v=rtgPCYGGGIA&t=10s

    Một chiều mùa thu không có mây hồng, không phải trời xanh, không là nắng nhẹ – chỉ là một buổi đìu hiu của nghĩa trang quên lãng. Mùa thu đang khóc thương triền miên bằng nước mắt tạo từ những chiếc lá – từng chiếc, từng chiếc chầm chậm rơi trong sắc khô vàng héo, khóc thương cho những số kiếp đã bị lãng quên dưới mộ phần năm tháng.

    Một không gian co thắt, ám ảnh, hỗn độn. Phận người mong manh, cuộc đời hư huyễn. Tất cả cuối cùng đều là cát bụi, hư vô. Đọng lại là thời gian vô định tàn phai, đang chầm chậm tiễn đưa những cuộc đi-về của phận người. Sắc màu đã được vẽ bởi gam xám xịt đìu hiu. Âm giai là réo khúc tiễn đưa miên trường.

    Nước mắt mùa Thu khóc trong đêm dài,
    mùa mưa chới với tiếng mưa buồn rơi,
    người xây ngục tối tình yêu lừa dối,
    giọt mưa tìm tới để chia lầm lỗi với người, (hoài trinh)
    nước mắt mùa Thu khóc cho cuộc tình.



    Khóc bằng chiếc lá chơi vơi ở nghĩa trang, khóc bằng dòng mưa chới với trong ngục tù. Mùa thu đang khóc, khóc cho những lầm lỗi, cho những dối gian, cho cuộc tình đã qua trong niềm nuối tiếc lầm lụi.

    Tiếng khóc âm vọng, bế tắt như trường thiên lao khổ. Từng đêm, từng đêm mưa, nghe như não nề, nghe như đeo bám, ám ảnh cuộc tình, nghe như “mưa buồn chi – cho cõi lòng lâm ly”.

    Nước mắt mùa Thu khóc cho hạnh phúc mỏng manh, vụt đến rồi tan tành, như trăng thanh
    Nước mắt nào nguôi khóc cho đời mất thần linh rồi, người xa người (tôi xa tôi)
    Nước mắt mùa Thu khóc than một mình.

    Đời là cõi tạm, là chốn lao lung. Dẫu là hạnh phúc cũng chỉ mỏng manh sương khói như trăng thu vành vạnh cũng chỉ là ảo ảnh phù hư.

    Chỉ là một niềm luyến tiếc nhè nhàng trước hư ảnh giòng trăng, trước mong manh phúc phận. Nhưng sẽ khóc mãi không nguôi khi sự mỏng manh cùng mất với niềm tin vào đấng toàn năng, vào chính cuộc sống này.

    Mất đi niềm tin – sự đánh mất thần linh, đẩy “người xa người”, tha hóa cuộc đời, còn gì khốn nạn bằng, tận cùng bằng. Và hệ lụy tất yếu là sự đánh mất bản ngã, đẩy “tôi xa tôi”, và chỉ còn là “khóc than một mình” trước cuộc đời khổ nạn này.

    Một đời ca sĩ hát trong buồn tênh,
    giọng ca buồn bã vào trong đời úa,
    thời gian còn đó còn thương còn nhớ hoài, (người ơi)
    nước mắt mùa Thu khóc thân phận người.

    Trong điệu luân vũ thời gian, thân phận nghệ sĩ được phản chiếu ở vũ khúc nào rõ nét nhất? Mùa Xuân chăng? Mùa Hạ chăng? Không thể và chưa hề! Với sắc diện rực rỡ, sắc thái hân hoan, chưa bao giờ hai mùa xuân-hạ là đại diện cho “nghiệp cầm ca”. Vậy, mùa Đông chăng? – cũng không là! Âm nhạc là cung bậc trải lòng, dẫu không là xuân-hạ thì cũng không thể mãi là đông giá u tàn ảm đạm. Chỉ có mùa Thu mới chân chính là đại diện của phận này.

    Mùa thu nuôi dưỡng tiếng ca cho đời, và cũng mùa thu hàm chứa cái “buồn tênh” của đời ca sĩ, cái úa tàn của “giọng ca buồn bã”. Và chỉ có giòng thời gian miên viễn sẽ mãi mãi “còn thương còn nhớ hoài”. Khi cất lên tiếng gọi tha thiết “trời ơi”, “người ơi”, là cũng chính khi sự xót xa đã được đẩy đến cực hạn để kết thúc bằng “nước mắt mùa thu khóc thân phận người”, “khóc thân phận mình”.

    “Nước mắt mùa thu” cũng chính là nghệ danh “sống mãi theo năm tháng”: “LỆ THU”!
    Và toàn bộ bài viết tản mạn này như một lời tri ân đến Cố Nhạc Sĩ PHẠM DUY, khi Ông đã khái quát toàn bộ “nghiệp cầm ca” của Ca sĩ-Nghệ sĩ LỆ THU qua ca khúc “NƯỚC MẮT MÙA THU”.

    Giờ đây chúng ta có thể nhìn lại ca từ dưới góc nhìn khác, ở đó không còn là “nước mắt mùa thu” mà thay vào đó sẽ là “Lệ Thu”. Khi đó, ta sẽ nhận thấy “ý tại ngôn ngoại” của ca từ.

    Ca sĩ Lệ Thu với tiếng hát tràn đầy xúc cảm khi thể hiện những ca khúc ưu buồn, da diết. Hãy nghe ca khúc “Ngậm Ngùi”, hoặc “Giọt Mưa Thu”, để thấy chất giọng của Lệ Thu như đang “khóc ai trong chiều bằng cây trút lá ở nghĩa trang đìu hiu, khi từng chiếc lá như là lệ khô vàng héo, buồn cho từng kiếp nằm trong mộ réo tên người”

    Ngủ đi mộng vẫn bình thường – À ơi có tiếng thùy dương mấy bờ
    Cây dài bóng xế ngẩn ngơ – Hồn em đã chín mấy mùa buồn đau
    Tay anh em hãy tựa đầu – cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi.

    (Ngậm Ngùi – Phạm Duy / Huy Cận)


    Click để nghe Lệ Thu hát Ngậm Ngùi (thu âm trước 1975)

    https://www.youtube.com/watch?v=BS7gwKu1OtE

    Với nhạc phẩm “Bao Giờ Biết Tương Tư”, ta sẽ nghe được “Lệ Thu khóc trong đêm dài,… Lệ Thu khóc cho cuộc tình”

    Ngày nào cho tôi biết,
    Biết yêu em rồi tôi biết tương tư


    Tôi ghé răng cắn vào
    Miệng môi ngọt đắng, tình yêu cuối đường
    Là trối trăn cuối cùng,
    Giấc mơ não nùng vợi tan…

    (Bao Giờ Biết Tương Tư – Phạm Duy – Ngọc Chánh)


    Click để nghe Anh Khoa hát Bao Giờ Biết Tương Tư (thu âm trước 1975)

    https://www.youtube.com/watch?v=VT1ioDko8iQ




    Và cuối cùng, hãy nghe “Kiếp Ve Sầu” để cảm nhận hết nỗi đau của Lệ Thu khi “một đời ca sĩ hát trong buồn tênh”:

    Ôi đêm mưa gió…
    Biết cho chăng những kiếp người, mang kiếp cầm ca lạc loài
    Cuộc đời chỉ mua vui cho ai, riêng bóng trong đêm dài lẻ loi.

    (Kiếp Ve Sầu – Lam Phương)


    Click để nghe Thanh Thúy hát Kiếp Ve Sầu (thu âm trước 1975)

    https://www.youtube.com/watch?v=62HOeeY-SXY




    Hoàng Vũ Luân
Working...
X