Announcement

Collapse
No announcement yet.

Biết gì về Sài Gòn xưa?

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Biết gì về Sài Gòn xưa?

    Sài Gòn xưa vẫn còn nhiều điều chưa tỏ, nhưng chẳng vì thế mà ta nên bỏ ngỏ… Bởi lẽ Sài Gòn là vùng đất đa mang khá nhiều điều thú vị.



    Người phụ nữ Sài Gòn đầu tiên được in hình lên tem năm nào?

    Như chúng ta đã biết, năm 1863 ngành bưu hoa ở Nam Kỳ mới phát hành con tem đầu tiên, hình vuông. Theo nghiên cứu của ông Thái Văn Kiểm trong quyển Lịch sử bưu hoa Việt Nam (Sài Gòn 1964) thì mãi đến năm 1920 mới phát hành loại tem có hình phụ nữ miền Nam, tóc búi cao, giá 0,04 đồng.

    Trong cuốn Catalogue Thiaude – Timbres – Post ngoài bìa có ghi rõ: 24, rue du 4 – Septembre, Paris 2e-Ric. 14-27, trong mục về tem Indochine, tr. 230 và 231 có in hình ba con tem vẽ phụ nữ miền Nam. Con tem thứ nhất giá 1 cent là chân dung một phụ nữ hình nghiêng và con tem giá 40 cent vẽ chân dung trực diện, hai con tem này in năm 1907, rồi mãi đến năm 1919 mới có con tem phụ nữ hình nghiêng giá 4 cent. Theo tác giả Sài Gòn năm xưa, thì đó là hình của cô Ba, con thầy thông Chánh.


    Ảnh tư liệu

    Điện báo hoạt động lần đầu tiên năm nào?

    Đường dây điện báo Sài Gòn – Biên Hòa dài 28km hoàn thành ngày 27-3-1863 là loại đường dây hữu tuyến đầu tiên; có hai đoạn cáp ngầm qua sông Sài Gòn (ở Bình Triệu) và sông Đồng Nai (gần Biên Hòa) Ngày 17-4-1863, đường dây Sài Gòn – Chợ Lớn dài 7km cũng làm xong.


    Năm 1884, bắt đầu liên lạc Sài Gòn – Huế – Hà Nội bằng điện báo qua dây cáp ngầm Vũng Tàu – Đồ Sơn.

    Người Sài Gòn dùng điện thoại từ khi nào?

    Năm 1878 bốn chiếc máy điện thoại đầu tiên theo kiểu Bell được mua từ Singapore về, đặt đường dây liên lạc giữa dinh Thống đốc với Sở Điện tín Sài Gòn. Lúc bấy giờ chưa hình thành hệ thống phục vụ công cộng. Mãi tới ngày 1-7-1894 hệ thống điện thoại nội hạt ở Sài Gòn mới được lắp đặt, phục vụ cho dân chúng. Sau đó phát triển nối liền với Chợ Lớn – Biên Hòa – Bà Rịa – Vũng Tàu.

    Năm sau (1895), hệ thống điện thoại ở Chợ Lớn cũng khai trương (tại Hà Nội hệ thống điện thoại công cộng đến năm 1903 mới có). Tuy nhiên, chưa có hệ thống điện thoại tự động, mỗi máy thuê bao có một số. Ở trung tâm điện thoại luôn luôn có nhân viên thường trực cắm phích liên lạc giữa hai số máy theo yêu cầu.

    Đường dây điện thoại Đông Dương liên lạc giữa ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia được đưa vào sử dụng năm 1889.

    Mãi đến năm 1936 mới có điện thoại tự động đầu tiên. Trên mỗi máy đều có một bộ phận để quay hoặc bấm số. Người Pháp đã mang điện thoại tự động 2.000 số, kiểu R6 lắp đặt, sử dụng ở Sài Gòn. Như vậy người dân Sài Gòn đã biết sử dụng điện thoại trên 100 năm.

    Vài nét về bốn nhân vật trong “Tứ đại gia” của Sài Gòn xưa?

    Dân gian còn lưu truyền câu “Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”.

    Sĩ là Lê Phát Sĩ, thuở nhỏ được các linh mục người Pháp cho đi học trường dòng Penang (Mã Lai). Học xong, trở về nước, Sĩ không thành tu sĩ mà làm công chức cho chính quyền Pháp. Sau đó Sĩ gia nhập làng Tây lấy tên là Philippe và làm việc tại Tân An (Long An). Trận bão năm Giáp Thìn (1904) tàn phá miền Tây Nam Kỳ, người chết nhiều, ruộng ngập nước bỏ hoang không ai cày cấy, Pháp đem bán rẻ, không ai có tiền mua. Sĩ bỏ tiền ra mua vài chục ngàn mẫu tây. Khi hưu trí Sĩ được Pháp phong cho chức “Huyện hàm” vì vậy người đời gọi là Huyện Sĩ. Khi trở nên giàu có nhất vùng, Sĩ đã bỏ tiền ra xây nhà thờ họ đạo Chợ Đũi (góc đường Nguyễn Trãi – Tôn Thất Tùng, Quận 1) mà nhiều người hiện nay vẫn gọi là nhà thờ Huyện Sĩ. Con gái út của Sĩ là Lê Thị Bình lấy Nguyễn Hữu Hào sinh Nguyễn Hữu Thị Lan. Lan sau khi du học về lấy hoàng đế Bảo Đại và trở thành Nam Phương hoàng hậu.

    Phương là Đỗ Hữu Phương, gốc người Minh Hương, làm Tri phủ Chợ Lớn dần dần leo lên tới chức Tổng đốc. Phương biết chữ Hán, nói bập bẹ được tiếng Tây, trong nhà có treo câu đối hoành phi sơn son thếp vàng:
    Đất Chợ Lớn có nhà họ Đỗ. Đỗ một nhà: ngũ phúc tam đa.

    Y khoe năm con trai đều hiển đạt. Tương truyền rằng, nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị khi nghe Phương thách đối, ông bèn đối lại rằng:
    Cù lao Rồng có lũ thằng phung. Phung một lũ: cửu trùng bát nhã.

    Phương đọc xong giận tím người, đỏ mặt tía tai nhưng cũng phục tài của ông Cử Trị. Phương cũng là người bỏ tiền ra xây trường Collège de Jeunes files Indigènes vào năm 1915 – mà dân Sài Gòn thường gọi là trường Áo Tím (trường Nguyễn Thị Minh Khai hiện nay). Trước đây, tại quận 5 có con đường mang tên Tổng đốc Phương, ngày 14- 8-1975 đổi lại thành đường Châu Văn Liêm.


    Xường tên thật là Lý Tường Quan. Vốn là người Minh Hương lánh nạn nhà Thanh sang Nam kỳ, gia nhập Việt tịch, theo đạo công giáo. Xường học trường thông ngôn ra làm việc cho nhà nước Pháp. Sau khi về hưu buôn bán thịt, xuất khẩu, đầu tư đất đai xây biệt thự trở nên giàu có nhất trong vùng, dân chúng còn gọi là “bá hộ Xường”. Sau khi chết tài sản để lại con cháu tiêu xài phung phí hết.

    Định là Trần Hữu Định người Việt, gốc điền chủ ở Chợ Lớn, làm giàu bằng nghề mở tiệm cầm đồ, kinh doanh đất đai, xuất nhập vải sợi. Giàu lên nhanh chóng vì biết chụp thời cơ những lúc hàng hóa khan hiếm. Có biệt thự ở nhiều nơi. Cũng như bá hộ Xường, danh xưng bá hộ Định là do dân Chợ Lớn thấy Định giàu có nứt đố đổ vách nên gọi như vậy. Khi chết đi, con cháu không biết giữ của đã tiêu xài xoá sạch vết tích của nhà triệu phú này.

    Có phải đường Nguyễn Huệ xưa từng là một con kênh? Ngôi chợ nào gắn liền với con kênh đó?

    Đường Nguyễn Huệ ngày nay từng là kênh đào lớn đi dọc theo hai con đường Charner và Rigault de Genouilly thông với thương cảng, kênh đào này phục vụ cho các vựa hàng của chợ Charner vốn là một trong những chợ quan trọng nhất của thành phố.

    Năm 1860, việc lấp kênh đào này đã phát sinh cuộc tranh cãi ngay giữa Hội đồng thành phố. Một nhóm người đấu tranh cho vệ sinh công cộng – họ xem kênh đào như một ổ nhiễm khuẩn thật sự ở cửa ngõ của thành phố. Nhóm khác là những thương nhân ca ngợi tính hữu dụng của kênh đào. Do đó, dự án lấp kênh đào lớn bị dời lại đến năm 1887 kinh đào mới bị lấp để xây dựng một đại lộ cùng tên “đường Kinh Lấp” nối liền tòa thị chính đến các bờ sông. Ngày nay đó là đại lộ Nguyễn Huệ.


    Chợ gắn liền với kênh Lớn là chợ Charner, được xây dựng năm 1860, các vựa hàng tạo nên chợ đầu tiên của thành phố Sài Gòn. Hàng hóa được cung ứng từ con kênh đào lớn mở ra trên thương cảng. Toàn bộ không gian chợ được chia làm ba vùng riêng biệt, đặt dưới sự kiểm soát của viên trị sự thương mại thành phố – người chịu trách nhiệm kiểm tra việc thu thuế môn bài và việc sử dụng hệ thống trọng lượng và đo lường của Pháp. Sau khi lấp con kênh đào năm 1887, hoạt động của các vựa hàng dần dần ngừng hẳn, các vựa hàng này được thay thế bằng chợ Bến Thành xây dựng năm 1912.

    Sao gọi là “Nhà Bè nước chảy chia hai”?

    Sông Nhà Bè hình thành từ chỗ hợp lưu của sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, cách trung tâm thành phố khoảng 5km về phía đông nam, rồi chảy ra biển Đông bằng hai ngả chính: ngả Soài Rạp dài 59km, rộng trung bình 2km, lòng sông cạn, tốc độ dòng chảy chậm; ngả Lòng Tàu đổ ra vịnh Gành Rái, dài 56km, rộng trung bình 0,5km, lòng sông sâu, là đường thủy chính cho tàu bè ra vào cảng Sài Gòn.

    Về nguồn gốc tên gọi Củ Chi?

    Huyện Củ Chi của thành phố Hồ Chí Minh: bắc và đông giáp tỉnh Bình Dương, tây giáp hai tỉnh Tây Ninh và Long An, nam giáp huyện Hóc Môn. Diện tích 428,6km2, dân số 248.044 người (1995) gồm có một thị trấn và 20 xã.

    Củ Chi trở thành địa danh hành chính từ năm 1956. Huyện Củ Chi vốn là hai quận Củ Chi (Hậu Nghĩa) và quận Phú Hòa (tỉnh Bình Dương) nhập lại. Củ Chi là tên gọi dân gian của cây mã tiền có nhiều ở vùng này vào thời đó. Cây mã tiền, một loại cây ở rừng, leo bằng móc, lá mọc đối có ba gân, hoa trắng, quả tròn, hạt dẹt như khuy áo, dùng làm thuốc.

    Người Sài Gòn xưa ăn Tết như thế nào?

    Trong Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, về phong tục của tỉnh Gia Định có đoạn viết: “Đất nhiều sông ngòi, nên người nào cũng giỏi bơi lội. Nhân dân đủ người bốn phương, mỗi nhà mỗi tục. Dân nông thôn thì hầu như chất phác, dân thành thị thì chơi bời. Việc tang chế cưới gả cũng có người theo lễ chế, người thờ phật cũng có. Ngoài ra những việc tiễn năm cũ mừng năm mới, các tiết Nguyên đán, Đoan dương, thờ cúng tổ tiên cho đến khi gặp sinh nhật thì mời khách, gặp tiết tốt vui mừng, đại khái các tỉnh Nam Kỳ đều giống nhau cả” (Nxb. Thuận Hóa, 1992, trang 209).

    Tuy đời sống kinh tế có khá hơn trước, công nghệ mở mang nhưng đến Tết, người dân Sài Gòn vẫn không quên phong tục cổ truyền. Tết đến là dịp để mọi người sửa soạn lại bàn thờ tổ tiên, trong nhà ngoài ngõ đều có dán đôi liễn đỏ. Vậy trên những đôi liễn đỏ ấy, thời xưa người ta đã viết những dòng chữ gì để nói lên khát vọng của lưu dân trên vùng đất mới? Trong một bài vè xưa có ghi lại khá trung thực:
    Ăn mừng năm mới
    Chữ an, chữ thới
    Dán trước hàng ba
    Phú quới vinh hoa
    Dán vô trước cửa
    Tài lợi lộc phước
    Dán trước hàng nhì
    Vạn trực duy tân
    Dán vô trước cửa.

    Ngay cả ông Táo – một “nhân vật” quen thuộc đối với tất cả người Việt – trong ngày Tết cũng được bài trí:
    Trên trang ông Táo
    Đề chữ hiển linh

    Còn ra ngoài ngõ, trên cây nêu bằng tre đuổi tống tà ma thì bài vè này còn ghi:
    Lấy câu thái bình
    Dán ngoài cửa ngõ

    Còn nhớ ngày xưa, trước tết, mấy đứa trẻ trong nhà ngồi chùi bộ lư đồng, o bế cho đến bóng loáng. Nhân đây, xin trích một đoạn trong bài viết Vài cảm tưởng về tết trong Nam của cụ Vương Hồng Sển: “Lối năm 1920, bộ lư đồng năm tấc bề cao, giá độ năm chục bạc lớn. Có thứ lư thau trơn dễ chùi, ở trên chóp đỉnh có đặt hai con lân giỡn trái châu, đứng nhe răng cười “cầu phúc”. Có thứ lư gồ ghề chùi cho bóng, vì lư làm theo kiểu “lư mắt tre”, lư “trúc hóa lân”. Và cũng theo cụ Sển thì “hóa chất” chùi lư thời xưa là “miễn có khế chua đập dập lấy nước chua chấm với tro bếp thật mặn, chấm với “cậc bần” cọ xát thật mạnh thì bao nhiêu ten rỉ cũng sạch” (Tập san Sử Địa – 1967). Trên bàn thờ tổ tiên, những người dân Nam kỳ thời xưa chủ yếu “có chi cúng nấy”, miễn là đầy đủ lòng thành đối với người đã khuất. Thông thường chưng cúng trái cây trong ngày Tết đủ “ngũ quả” tượng trưng cho “ngũ phúc” là lê, lựu, đào, mai, phật thủ. Dần dần, người dân ước mơ về một đời sống cụ thể hơn và cũng giản dị chỉ cần “cầu vừa đủ xài” mà thôi. Do đó, họ đặt mâm quả thấy có mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, thì rõ ràng, những trái cây ấy đã nói lên tâm niệm của người dân lương thiện.


    Ý nghĩa về mâm ngũ quả mà dân Sài Gòn thường chưng trong những ngày tết?

    Theo học giả Trương Vĩnh Ký thì “ngũ phước” là ngôn ngữ của “ngũ quả”: phú quý, thọ, khang ninh, khảo, chung mạng (giàu sang, sống lâu, mạnh khỏe, bình yên, chết lành khi về già). Vì lẽ đó người ta đã lựa chọn những loại trái cây có tên đồng âm với ý nghĩa tốt. Ở Nam Bộ dựa vào giọng phát âm tương tự, đồng bào đã chọn mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung. Với mâm trái cây như thế thì ta hiểu rằng: “cầu sung vừa đủ xài”. Sung là sung túc, dừa phát âm như vừa, và xoài là xài!



    Thế nhưng, để mâm ngũ quả sinh động, màu sắc rực rỡ thì người ta còn thêm nhiều loại trái cây khác nữa như quýt (đồng âm với kiết có nghĩa là cát, là tốt lành) hoặc trái tắc (đồng âm với đắc là đắc lợi) hoặc bông mai (đồng âm với may, là may mắn) hoặc trái thơm (gợi sự thơm tho) hoặc thêm cả trái lê viết từ chữ lợi (chữ Hán) có thêm chữ mộc v.v… Điều này cho thấy mâm ngũ quả của dân Sài Gòn không chỉ phong phú về các loại trái cây mà còn chú trọng về mặt ý nghĩa như một lời cầu mong tốt đẹp cho năm mới.

    Nhạc tài tử lần đầu lên sân khấu ở Sài Gòn lúc nào ?

    Vào năm 1915 Nguyễn Tống Triều và ban nhạc tài tử ở Mỹ Tho lên trình diễn ở nhà hàng Cửu Long Giang bên cạnh chợ Sài Gòn. Đây lần đầu tiên nhạc tài tử lên sân khấu chuyên nghiệp ở Sài Gòn.

    Cải lương xuất hiện ở Sài Gòn lúc nào?

    Ngày 11-9-1917, vở kịch mô phỏng kịch hài phương Tây Vì nghĩa quên nhà của Lê Quang Liêm và Hồ Biểu Chánh được công diễn ở rạp Eden (Sài Gòn). Ngày 12-9-1917, vở được diễn ở rạp Cô Tám (Chợ Lớn).

    Vở kịch tạo ra cuộc tranh luận giữa hai phe bảo tồn hát bội và phe cải lương kịch nghệ, báo hiệu sự ra đời của ca kịch cải lương.

    Sau đó, gánh hát Lê Văn Thận đã diễn vở Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều. Năm 1919, gánh hát Thầy Năm Tú diễn các vở Hạnh Nguyên cống Hồ, Trang Tử cổ bồn ca ở rạp Moderne (Sài Gòn).

    Sài Gòn – Gia Định xưa từng là một trong những nơi phát triển nghệ thuật hát bội. Vậy có không Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM?

    Hát bội là loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, manh nha từ đời Lý trong dân gian rồi tiến vào cung đình và được hoàn thiện vào đời Trần dưới đời vua Trần Nhân Tông. Đến đời Lê, hát bội bị cấm đoán, chỉ còn tồn tại trong dân gian.

    Đầu thế kỷ XVII, hát bội theo chân các đoàn lưu dân vào Nam và phát triển tột bực dưới thời các chúa Nguyễn và triều Nguyễn. Riêng ở Gia Định, Tả quân Lê Văn Duyệt đã tạo điều kiện phát triển loại hình nghệ thuật này. Không chỉ dinh tổng trấn có một đoàn hát bội mà các quan xa gần thuộc trấn Gia Định đều tranh nhau lập đoàn hát bội, nuôi con hát trong hàng ngũ quân đội. Nghệ thuật hát bội đã lập cứ địa vững chắc và giao lưu với nghệ thuật hát Trung Quốc của người Minh Hương, người Cao Miên.

    Trong thế kỷ XX, ở Sài Gòn có những ban hát bội sau: ban hát Thầy Chánh, ban hát cô Ba Ngoạn, ban hát Cô Tám, ban Tân Thành, ban Bầu Thắng, ban Công Thành, gánh Tân Hưng, ban Kim Thành, đoàn Kim Cương, đoàn Phước Thành, đoàn Minh Tơ, gánh Đại Nghĩa, đoàn Bầu Vàng, ban Biện Vực, nhóm nghệ sĩ Hội khuyến lệ cổ ca…


    Click image for larger version

Name:	ZZ59-J~1.JPG
Views:	617
Size:	38.7 KB
ID:	82968

    Người được cho là cô Ba Thiệu, hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn.

    Huỳnh Thị Ngà
Working...
X