Announcement

Collapse
No announcement yet.

Hành động này của bác sĩ có thể cứu sống 10 vạn đứa trẻ mỗi năm: đợi 60 giây trước khi kẹp và cắt dây rốn hài nhi

Collapse
X
Collapse
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Font Size
    #1

    Hành động này của bác sĩ có thể cứu sống 10 vạn đứa trẻ mỗi năm: đợi 60 giây trước khi kẹp và cắt dây rốn hài nhi

    Có thể bạn đã biết, sau khi trẻ sơ sinh chào đời, một công việc mà tất cả các bác sĩ sản khoa phải làm là ngắt kết nối giữa cơ thể chúng với người mẹ: thông qua hành động kẹp và cắt dây rốn. Dây rốn là một tổ chức hình ống dẫn nối giữa nhau thai và thai nhi, trong đó có các mạch máu cung cấp ôxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi phát triển.

    Vào những năm 1960, các bác sĩ khuyến cáo nên kẹp và cắt dây rốn ngay từ khi trẻ sinh ra, bởi họ cho rằng điều này giúp giảm tình trạng xuất huyết sau sinh của người mẹ. Nhưng qua nhiều cuộc nghiên cứu sau này đã cho thấy việc kẹp và cắt dây rốn chậm không hề có ảnh hưởng đến người mẹ, hơn nữa lại rất có ích đối với trẻ.

    Đó là do, khi dây rốn chưa được cắt, nó vẫn tiếp tục truyền một số lượng máu lớn sang cho trẻ sơ sinh. Dòng máu này chứa trong đó rất nhiều ôxy, các tế bào hồng cầu, tế bào miễn dịch và cả tế bào gốc.


    Cắt dây rốn muộn có thể giúp trẻ lớn lên khỏe mạnh hơn.

    Năm 2012, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo tất cả trẻ sinh thường, đủ tháng nên hoãn việc kẹp và cắt dây rốn trong ít nhất từ 1-3 phút sau sinh. Điều này sẽ giúp trẻ hạn chế được nguy cơ bị thiếu máu, máu thiếu sắt, tăng cường khả năng vận động và phát triển cho não bộ sau này.

    Tuy nhiên, đối với trẻ sinh non, cắt dây rốn chậm hay sớm đôi khi có thể khiến cho các bác sĩ sản khoa phải phân vân. Đó là doi trẻ sinh thiếu tháng có thể rất nhỏ con và yếu ớt. Các bác sĩ bị thôi thúc phải thực hiện các biện pháp can thiệp ngay lập tức để sớm đưa trẻ vào lồng ấp.

    Tiến sĩ Anna Lene Seidler, một nhà thống kê sinh học tại Trung tâm Thử nghiệm Lâm sàng, Hội đồng Nghiên cứu Y khoa và Sức khỏe Quốc gia Úc cho biết: "Nhiều bác sĩ có thể cảm thấy sợ nếu họ phải đợi trong lúc không làm gì cả".

    Nhưng một loạt các cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy việc trì hoãn kẹp và cắt dây rốn ở trẻ sinh non còn đem lại nhiều lợi ích lớn hơn cả ở trẻ sinh đủ tháng. Đây có thể là những bằng chứng giúp cho các bác sĩ tự tin hơn khi đưa ra quyết định của mình.

    "Chỉ cần bác sĩ đợi một phút hoặc 30 giây trước khi kẹp rốn, trẻ sinh non sau đó sẽ chỉ cần phải truyền một số lượng máu ít hơn, chiến lược này cũng cải thiện cơ hội sống sót của trẻ. Những đứa trẻ sẽ ổn định hơn, khi lớn lên sẽ ít ốm đau hơn", tiến sĩ Seider cho biết.


    Đối với trẻ sinh non, các bác sĩ thường phân vân nên cắt dây rốn sớm hay muộn?

    Trẻ sinh non được định nghĩa là những đứa trẻ chào đời khi chưa trải qua đủ 37 tuần trong bụng mẹ. Vì cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, sinh non có thể khiến cho trẻ gặp nhiều vấn đề với tim, phổi, thị lực, răng miệng, thính giác, hệ thống miễn dịch cho đến các rối loạn ở não và sự rối loạn phát triển.

    Sinh non là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em, không chỉ ngay tại giây phút chào đời, mà còn cho đến tận lúc trẻ được 5 tuổi. Trên thế giới mỗi năm có khoảng 1 triệu trẻ sơ sinh tử vong do các biến chứng có liên quan đến việc sinh non.

    Một trong những nguyên nhân khiến cho trẻ sinh non có thể trạng yếu là do thiếu máu. Một mặt, lượng máu trong cơ thể chúng đã ít hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Mặt khác, các tế bào hồng cầu ở trẻ sơ sinh sẽ chết đi rất nhanh, trong khi trẻ sinh non chưa thể tự sản sinh hồng cầu một cách hiệu quả.

    Đó là lý do mà chúng cần phải được truyền thêm máu. Nhưng các cuộc nghiên cứu trước đây cho thấy chỉ cần trì hoãn việc kẹp dây rốn, trẻ sinh non có thể nhận được thêm đến 1/3 lượng máu tiếp tục chảy sang từ người mẹ.

    Lượng máu này rất giàu chất sắt, chất quyết định quan trọng tới sự phát triển của não bộ. Máu của người mẹ cũng chứa các globulin miễn dịch, các kháng thể được truyền từ mẹ sang con để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng và những biến chứng có thể xảy ra khi trẻ sinh non.


    Dòng máu chảy qua dây rốn cung cấp cho trẻ ôxy, các tế bào hồng cầu, tế bào miễn dịch và cả tế bào gốc.

    Một cuộc nghiên cứu trên tạp chí American Journal of Obstetrics đã phân tích 18 thử nghiệm lâm sàng trên hơn 3,000 ca sinh non cho thấy cắt dây rốn chậm 30- 60 giây đã giúp giảm đến 1/3 số ca tử vong của trẻ trong bệnh viện.

    Phó giáo sư David Osborn tại Đại học Sydney, Úc, tác giả chính cuộc nghiên cứu có ước tính rằng cứ 1,000 trẻ sinh non sớm hơn 10 tuần, việc cắt dây rốn chậm có thể cứu sống thêm 100 trẻ. "Điều này có nghĩa là trên toàn thế giới, việc cắt chậm thay vì cắt ngay có thể cứu được từ 11.000 đến 100.000 mạng người mỗi năm", ông nói.

    Vào đầu năm nay, tiến sĩ Seider cũng đã đăng một nghiên cứu trên tạp chí Pediatrics cho thấy, kết quả phân tích 42 thử nghiệm lâm sàng trên 5,772 trẻ sơ sinh. Theo đó, trẻ sinh non dưới 34 tuần thai sẽ được hưởng lợi ích từ việc cắt dây rốn chậm. Ngược lại, cắt dây rốn sớm có thể có hại cho trẻ sinh đủ tháng.

    Mới đây nhất trên tạp chí The Lancet Child and Adolescent Health, một cuộc nghiên cứu thậm chí đã theo dõi 1,500 trẻ sinh non đến tận lúc chúng đạt 2 tuổi để tìm hiểu sự lợi ích kéo dài của việc cắt dây rốn chậm.

    Kết quả cho thấy những đứa trẻ sinh non sớm 10 tuần thai được cắt dây rốn chậm sau 60 giây đã giảm được gần 1/5 nguy cơ bị tử vong và khuyết tật trong 2 năm đầu của thời thơ ấu so với những đứa trẻ sinh cùng độ tuổi nhưng được cắt dây rốn sớm ở giây thứ 10.

    Hành động kẹp dây rốn chậm của bác sĩ sau 60 giây đầu tiên rất có ý nghĩa về mặt sức khỏe.

    Nhà thống kê sinh học Kristy Robledo đến từ Đại học Sydney cho biết: "Nếu được áp dụng nhất quán trên toàn thế giới, việc đợi một phút trước khi kẹp dây rốn ở trẻ sinh non không cần đến sự hồi sức khẩn cấp, có thể bảo đảm việc có thêm 50,000 trẻ sống sót mà không bị khuyết tật nặng trong thập kỷ tới".

    "Nói cách khác, cứ 20 trẻ sinh non được kẹp và cắt dây rốn chậm thay vì ngay lập tức, thì sẽ có thêm một trẻ sống sót mà không bị khuyết tật nặng".

    Với những bằng chứng khoa học thu thập được, giới nghiên cứu hi vọng các bác sĩ bây giờ sẽ tự tin hơn trong việc ra quyết định của mình. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã ban hành hướng dẫn nói rằng kể cả trẻ sinh non cũng có thể áp dụng phương pháp kẹp và cắt dây rốn chậm, chỉ trừ trường hợp trẻ bị ngạt và cần phải hồi sức tích cực ngay lập tức.

    Vì vậy, hành động kẹp dây rốn chậm của bác sĩ sau 60 giây đầu tiên rất có ý nghĩa, không chỉ đối với giây phút chào đời của trẻ mà của cả cuộc đời của chúng sau này, với gánh nặng bệnh tật mà trẻ và gia đình có thể phải chịu đựng nếu sự kết nối giữa chúng với người mẹ bị ngắt quá sớm.

    Tham khảo Sciencealert
Working...
X